Quyết định số 40/2011/QĐ-UBND ngày 24/10/2011 Về Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 40/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Long An
- Ngày ban hành: 24-10-2011
- Ngày có hiệu lực: 03-11-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-04-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1638 ngày (4 năm 5 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-04-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2011/QĐ-UBND | Long An, ngày 24 tháng 10 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại;
Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại tờ trình số 866/TTr-STTTT ngày 12/10/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ngành triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Tân An chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(kèm theo Quyết định số 40 /2011/QĐ-UBND ngày 24 /10/2011 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định nguyên tắc và nội dung quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; quy định trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) trong việc quản lý nhà nước và phối hợp, triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại.
2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý hoạt động thông tin đối ngoại
1. UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh; có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 18/02/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
2. Tăng cường công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng, nhạy bén và linh hoạt trong xử lý các tình huống, vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tất cả các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại; Chính quyền các cấp có trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong phạm vi quản lý của mình; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại của các cấp chính quyền với thông tin đối ngoại nhân dân.
3. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, toàn diện, thường xuyên, song có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn; củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm giữ gìn ổn định chính trị, trật tự, an ninh xã hội và chủ quyền quốc gia. Đặc biệt là củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa tỉnh Long An với hai tỉnh Svây Riêng và PrayVeng của Vương quốc Campuchia; kết hợp giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội; giữa thông tin đối ngoại với các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa đối ngoại; giữa ngoại giao với đối ngoại của Đảng, đối ngoại nhân dân nhằm mở rộng hợp tác quốc tế trên tinh thần cùng có lợi, nhất là trong triển khai công tác phân giới cắm mốc đất liền trên địa bàn tỉnh.
4. Thực hiện đúng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài và kiều bào hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng và chính quyền địa phương, tranh thủ sự hợp tác, đầu tư của các đối tác trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Điều 3. Nội dung hoạt động thông tin đối ngoại
Thông tin đối ngoại quy định tại quy chế này là thông tin về tỉnh Long An nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung ra thế giới và ngược lại. Nội dung hoạt động thông tin đối ngoại bao gồm:
1. Thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Thông tin về tình hình quốc tế, quan hệ đối ngoại của Việt Nam và phối hợp đưa thông tin quốc tế đến nhân dân trong nước.
2. Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất và người Long An, truyền thống lịch sử, văn hóa, thành tựu, tiềm năng hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ra bên ngoài cũng như thông tin bên ngoài vào tỉnh. Chú trọng tuyên truyền các hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm góp phần tăng cường và củng cố tình hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới.
3. Phản bác các thông tin xuyên tạc, sai lệch về tình hình địa phương, đất nước, các quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội, các thế lực thù địch một cách chủ động và có hiệu quả.
4. Các loại hình hoạt động thông tin đối ngoại khác.
Chương II
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI
Điều 4. Nội dung công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại
1. Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin đối ngoại và tổ chức thực hiện các văn bản liên quan theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình về thông tin đối ngoại.
3. Tổ chức bộ máy, xây dựng cơ chế, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại ở trong và ngoài tỉnh. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.
4. Đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm phục vụ tốt cho hoạt động thông tin đối ngoại.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn nội dung thông tin cho các cơ quan báo chí tỉnh; cung cấp thông tin cho báo chí trong và ngoài nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực và địa bàn quản lý.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại theo quy định của pháp luật.
7. Sơ kết, tổng kết hoạt động thông tin đối ngoại; khen thưởng, kỷ luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.
Chương III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch, chương trình, các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về thông tin đối ngoại. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại của các sở, ngành, UBND cấp huyện.
2. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để chỉ đạo, hướng dẫn nội dung thông tin đối ngoại cho các cơ quan báo chí trong tỉnh; phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan có liên quan cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
3. Chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh theo dõi, nghiên cứu dư luận báo chí có nội dung thông tin tác động đến địa phương và chủ động trong việc đính chính, phản bác lại các thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
4. Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng, tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao và các cơ quan Trung ương trong công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.
5. Thực hiện tốt chức năng tuyên truyền về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia theo tinh thần Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 13/4/2011 của UBND tỉnh, đảm bảo thông tin tuyên truyền phù hợp với người dân (đặc biệt là người dân trong vùng biên giới), góp phần tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị của hai nước, đẩy nhanh tiến độ công tác phân giới, cắm mốc trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền công tác tìm kiếm, cất bốc hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia qua các thời kỳ.
6. Phối hợp với Công an tỉnh, Cục Hải quan, Sở Ngoại vụ trong việc theo dõi, quản lý việc nhập khẩu, xuất khẩu sách, báo, tạp chí, băng đĩa có nội dung về Long An, phát hiện và kịp thời báo cáo UBND tỉnh về những thông tin không đúng sự thật, gây bất lợi và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
7. Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về việc thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại của các sở, ngành, UBND cấp huyện. Sơ kết, tổng kết hoạt động thông tin đối ngoại; dự trù kinh phí hàng năm, đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Ngoại vụ
1. Chủ trì triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài, theo dõi dư luận báo chí nước ngoài phục vụ công tác thông tin đối ngoại. Quản lý hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài tại Long An và của các đoàn đại biểu nước ngoài thăm Long An.
2. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn báo chí trong nước đưa tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố có chuyến thăm, làm việc tại nước ngoài và phối hợp hướng dẫn đưa tin về tình hình quốc tế, tin trong nước liên quan đến đối ngoại; nghiên cứu dư luận báo chí nước ngoài phục vụ thông tin đối ngoại.
3. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị để mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
4. Phối hợp với Sở Nội vụ thường xuyên tổ chức các lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đối tượng tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.
5. Phối hợp, hỗ trợ xây dựng phiên bản tiếng Anh cho Cổng thông tin điện tử của tỉnh và một số trang thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.
6. Cung cấp tài liệu, thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền về công tác phân giới cắm mốc biên giới và công tác tìm kiếm, cất bốc hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia.
7. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan vận động viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, các tổ chức nhân đạo, từ thiện và các cá nhân trên thế giới tài trợ dự án vừa phù hợp với nhu cầu của địa phương và vừa phù hợp với pháp luật Việt Nam quy định về lĩnh vực này, nhằm góp phần vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan biên soạn và phát hành các tài liệu chính thức giới thiệu về tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh.
2. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố có liên quan thường xuyên cập nhật và cung cấp kịp thời thông tin, số liệu về tình hình thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh.
3. Thông tin thường xuyên về những thành tựu của đất nước và của tỉnh, những tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến với mọi người, đặc biệt là đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đang có nhu cầu tìm hiểu thị trường và ý định đầu tư vào Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế ổn định, hội nhập kinh tế quốc tế.
4. Quảng bá hình ảnh Long An qua các hoạt động tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế về kinh tế, thương mại, du lịch.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch. Quan tâm xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn Long An đưa ra nước ngoài biểu diễn, đặc biệt là với Vương quốc Campuchia để củng cố, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước.
2. Xuất bản các tập sách ảnh bằng nhiều ngoại ngữ (Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia...) để giới thiệu về văn hóa, làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh, ẩm thực Long An, các sản phẩm quà tặng có in biểu tượng của tỉnh.
3. Hoàn thành Đề án xây dựng Nhà hữu nghị tỉnh Long An - một thiết chế văn hoá của tỉnh nhằm tổ chức các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị với bạn bè quốc tế.
Điều 9. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn và theo dõi việc chấp hành chế độ bảo mật thông tin trong hoạt động thông tin đối ngoại.
2. Phối hợp với các ngành theo dõi, tổng hợp diễn biến thông tin đối ngoại để đề xuất chủ trương, biện pháp phản bác các thông tin sai, xuyên tạc, chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng dự toán ngân sách hàng năm cho các hoạt động thông tin đối ngoại và cân đối kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án hoạt động thông tin đối ngoại theo quy định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan xây dựng định mức kinh phí cho các hoạt động thông tin đối ngoại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.
Điều 11. Trách nhiệm của Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An
1. Mở chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tăng cường thông tin quảng bá về hình ảnh đất và người Long An; truyền thống lịch sử, các giá trị văn hóa; những thành tựu trong công cuộc đổi mới, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tiềm năng hợp tác và phát triển của tỉnh ra thế giới và thông tin về thế giới vào tỉnh.
2. Thông tin thường xuyên về tình hình, diễn biến của công tác phân giới, cắm mốc trên địa bàn tỉnh.
Điều 12. Trách nhiệm của các sở, ngành, UBND cấp huyện
Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại:
1. Xây dựng kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại và dự toán kinh phí hàng năm theo quy định, đồng thời gửi cho Sở Thông tin và Truyền thông để theo dõi, tổng hợp, xây dựng kế hoạch thông tin đối ngoại báo cáo UBND tỉnh. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại trong phạm vi quản lý.
2. Cung cấp thông tin cho báo chí trong và ngoài tỉnh về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực và địa bàn quản lý theo quy định.
3. Sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại theo phạm vi quản lý, gửi báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 15 tháng 12 hàng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
4. Phân công tổ chức hoặc cá nhân trực thuộc chịu trách nhiệm triển khai hoạt động thông tin đối ngoại.
5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại.
6. Thực hiện chế độ bảo mật theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có kế hoạch triển khai thực hiện quy chế này.
2. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này, hàng năm báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện./.