cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 26/2012/CT-UBND ngày 02/11/2012 Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu văn bản: 26/2012/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Ngày ban hành: 02-11-2012
  • Ngày có hiệu lực: 12-11-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-01-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2265 ngày (6 năm 2 tháng 15 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-01-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-01-2019, Chỉ thị số 26/2012/CT-UBND ngày 02/11/2012 Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 Công bố danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ và một phần do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành được rà soát trong năm 2018”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2012/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 11 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (gọi tắt là Nghị định số 24/2012/NĐ-CP) và thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (gọi tắt là Thông tư số 16/2012/TT-NHNN) để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và thông tư số 16/2012/TT-NHNN Trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:

a) Hướng dẫn thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua bán, vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu; Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng theo quy định tại Điều 15, Thông tư số 16/2012/TT-NHNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

b) Thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; Giấy phép tạm nhập khẩu vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm đối với doanh nghiệp có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài; Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Điều 16, Thông tư số 16/2012/TT-NHNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

c) Thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP Thông tư số 16/2012/TT-NHNN và các quy định pháp luật có liên quan.

d) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện cung cấp thông tin và các nhiệm vụ khác có liên quan đến quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật.

2. Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và việc doanh nghiệp kinh doanh vàng chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn theo quy định của pháp luật và sao gửi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình. Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh vàng; tăng cường công tác kiểm tra sau khi đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vàng.

4. Sở Khoa học và công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh.

5. Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc đấu tranh, điều tra xử lý các vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

6. Cục Hải quan có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc khai báo Hải quan về số lượng vàng của các doanh nghiệp khi xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

8. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn:

a) Từ nay đến hết ngày 10/01/2013, các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh mua, bán vàng miếng trên địa bàn được tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và phải hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh lại với Sở Kế hoạch và đầu tư; đồng thời hoàn tất thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối).

Sau ngày 10/01/2013, các tổ chức, cá nhân không có Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp thì không được phép thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng.

b) Từ nay đến hết ngày 25/5/2013, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn được tiếp tục kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với Sở Kế hoạch và đầu tư, đồng thời hoàn tất thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình.

Sau ngày 25/5/2013, các tổ chức, cá nhân đang sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn không thực hiện đăng ký kinh doanh lại với Sở Kế hoạch và đầu tư và không được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ thì không được phép thực hiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

c) Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh vàng. Mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004, Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng và các quy định pháp luật có liên quan.

9. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký ban hành.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình, Cục trưởng Cục Hải quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về UBND tỉnh (qua Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình) để được chỉ đạo, hướng dẫn./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- NH Nhà nước Việt Nam (để b/c);
- Cục Kiểm tra Văn bản – Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- NHNN Chi nhánh Quảng Bình;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH, Báo Quảng Bình;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- TT Tin học VPUBND tỉnh; TT Công báo;
- Lưu: VT, KTTH.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Quang