cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 26/09/2011 Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành

  • Số hiệu văn bản: 29/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Ngày ban hành: 26-09-2011
  • Ngày có hiệu lực: 06-10-2011
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-01-2022
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3766 ngày (10 năm 3 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-01-2022
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-01-2022, Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 26/09/2011 Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong năm 2021”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2011/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 26 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN VÀ SẢN PHẨM CHỦ LỰC CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 20/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy Kon Tum về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 05/8/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 45/2010/QĐ-UBND ngày 24/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1489/TTr- SKHĐT ngày 09/9/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020, với một số nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

- Giai đoạn 2011-2015:

+ Xây dựng, phát triển 5 ngành, nhóm ngành: (1) trồng cây lâu năm; (2) trồng rừng và chăm sóc rừng; (3) công nghiệp chế biến nông lâm sản([1]); (4) sản xuất sản phẩm từ khoáng sản([2]); (5) sản xuất, truyền tải và phân phối điện trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

+ Xây dựng, phát triển 9 sản phẩm: (1) cà phê, (2) cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su, (3) sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn, (4) sâm Ngọc Linh, (5) rau hoa xứ lạnh, (6) thủy sản nước ngọt([3]), (7) bột giấy và giấy, (8) gạch ngói, (9) điện([4]) trở thành các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2015: Diện tích cao su đạt 70 ngàn ha, sản lượng trên 50 ngàn tấn; cà phê đạt 12 ngàn ha, sản lượng trên 25 ngàn tấn; sắn 25 ngàn ha, sản lượng trên 340 ngàn tấn; sâm Ngọc Linh 500 ha (trong đó diện tích thu hoạch năm 2015 khoảng 100 ha) sản lượng trên 40 tấn; rau hoa xứ lạnh 500 ha (trong đó hoa xứ lạnh khoảng 100 ha), sản lượng trên 6.750 tấn; sản lượng cá Tầm, cá Hồi đạt khoảng 500 tấn. Chế biến 6 ngàn tấn cà phê bột; 100 ngàn tấn tinh bột sắn; 100 triệu lít cồn sinh học; 100 ngàn sản phẩm sản xuất từ cao su([5]); 130 ngàn tấn bột giấy và giấy; 120 triệu viên gạch tuynen; 30 triệu viên gạch không nung; 1 tỷ kwh điện([6]). Tổng giá trị gia tăng các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến năm 2015 chiếm khoảng 30-35% tổng sản phẩm trong tỉnh.

- Giai đoạn 2016-2020:

Xây dựng, phát triển thêm ngành Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch (du lịch sinh thái) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm Du lịch sinh thái Măng Đen trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020: Sản lượng cao su đạt 90-95 ngàn tấn; cà phê 25-30 ngàn tấn; sắn 20 ngàn ha, sản lượng trên 400 ngàn tấn; diện tích sâm Ngọc Linh 1.000 ha (trong đó diện tích thu hoạch năm 2020 khoảng 300 ha), sản lượng đạt trên 150 tấn; rau hoa xứ lạnh 2.000 ha (trong đó hoa xứ lạnh 500 ha), sản lượng đạt 45 ngàn tấn; sản lượng cá Tầm, cá Hồi đạt 1.000 tấn. Chế biến 10 ngàn tấn cà phê bột; 3 ngàn tấn cà phê hòa tan; 136 ngàn tấn tinh bột sắn, 140 triệu lít cồn sinh học; 3 triệu sản phẩm sản xuất từ cao su([7]); 200 ngàn tấn bột giấy và giấy; 500-600 triệu viên gạch (tuynen và không nung); 2,2 tỷ kwh điện([8]); trên 200 ngàn lượt khách du lịch đến Măng Đen. Tổng giá trị gia tăng các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến năm 2020 chiếm khoảng 40-45% tổng sản phẩm trong tỉnh.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

2.1. Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch:

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẩn trương xây dựng quy hoạch và rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến (cao su, cà phê, sắn, rừng nguyên liệu giấy, rau hoa xứ lạnh và các loại cây dược liệu), quy hoạch chế biến nông-lâm-thủy sản trên địa bàn tỉnh, quy hoạch vật liệu xây dựng đến năm 2020, quy hoạch các công trình, dự án thủy điện vừa và nhỏ, quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực đến năm 2020 (đối với các sản phẩm chưa có quy hoạch)...; Loại bỏ khỏi danh mục dự án đầu tư đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, các dự án đầu tư khác có tác động tiêu cực tới môi trường, chiếm diện tích đất sản xuất lớn, hiệu quả đầu tư thấp.

2.2. Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến:

- Quản lý chặt quỹ đất đã quy hoạch phát triển đối với từng loại cây trồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được giao, thuê diện tích đất chưa sử dụng và liên kết với các hộ dân chuyển đổi một phần diện tích đất cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cao su; đồng thời thực hiện có hiệu quả, đúng pháp luật việc chuyển rừng nghèo kiệt và đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Khẩn trương nghiên cứu trồng thử nghiệm giống cao su xứ lạnh ở địa bàn đất dốc thuộc vùng Đông Trường Sơn để nhân rộng sau năm 2015. Hoàn thành việc sắp xếp các nông, lâm trường theo chủ trương của Trung ương, trên cơ sở đó tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, quan tâm bố trí đất sản xuất cho nhân dân.

- Hỗ trợ nhân dân cải tạo, thay thế các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng giống cà phê mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống sâu bệnh.

- Tiếp tục triển khai các dự án trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, chủ yếu bằng hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nhân dân. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc di thực, nuôi cấy mô để trồng rộng rãi ở môi trường phù hợp.

- Ổn định diện tích trồng sắn đi đôi với tăng cường sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất; khuyến khích hợp tác đầu tư phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh giáp biên của Lào và Cămpuchia nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn và các cơ sở chế biến cồn sinh học, xăng sinh học trên địa bàn. Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển cây Jatropha phục vụ chế biến nhiên liệu sinh học.

- Đẩy mạnh trồng rừng trên toàn bộ diện tích đất chưa có rừng theo quy hoạch, gắn với việc xây dựng và thực hiện chính sách nâng cao thu nhập từ rừng cho nhân dân. Quy hoạch và phấn đấu phát triển thêm khoảng 100 ngàn ha rừng nguyên liệu giấy đến năm 2020. Nghiên cứu chủ trương điều tiết diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng rừng giàu và rừng trung bình để đưa vào khai thác theo tiêu chí quản lý rừng bền vững với sản lượng khoảng 30.000 m3 gỗ tròn/năm.

2.3. Thu hút đầu tư, hình thành các cơ sở sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, năng suất cao:

- Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản (cao su, cà phê, sắn, bột giấy, thủy sản nước ngọt, sâm Ngọc Linh…) với công nghệ tiên tiến, ít tiêu hao nguyên nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Hạn chế việc cho chủ trương đầu tư các cơ sở chế biến thô, đẩy mạnh thu hút đầu tư các cơ sở chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.

- Không phát triển thêm cơ sở chế biến bột sắn, huy động tối đa nguồn nguyên liệu của tỉnh và thu mua từ bên ngoài để chế biến sâu các sản phẩm từ sắn, chuyển dần việc chế biến tinh bột sắn sang chế biến các sản phẩm khác như nhiên liệu sinh học, cồn, mì chính, thực phẩm...

- Hỗ trợ chuyển đổi, tiến tới xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công sử dụng công nghệ lạc hậu, sang sản xuất theo công nghệ mới, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và thân thiện với môi trường sau năm 2015. Chuyển dần việc sản xuất gạch ngói từ đất sét là chủ yếu sang sử dụng các loại nguyên liệu khác như xi măng, cát, đá, sỏi...

- Quản lý chặt và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoàn thành việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản kim loại và phi kim loại trên địa bàn.

- Tổ chức nghiên cứu và đánh giá toàn diện tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái của ngành sản xuất thủy điện (tài nguyên đất đai, hệ động thực vật, nguồn thủy sản, tài nguyên rừng...), từ đó có các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên, môi trường sinh thái. Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành đúng tiến độ xây dựng các công trình thuỷ điện trên địa bàn như nhà máy thuỷ điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình thủy điện vừa và nhỏ đã có chủ trương.

2.4. Khai thác, phát triển có hiệu quả tiềm năng du lịch:

Đầu tư, xây dựng các tuyến, điểm, tour du lịch trên cơ sở khai thác giá trị của các di tích lịch sử-văn hóa; di tích chiến tranh…, cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn tỉnh cùng với các điểm tham quan, du lịch văn hóa của các tỉnh Tây Nguyên để thu hút du khách. Lựa chọn một số làng đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, đặc trưng, giàu bản sắc văn hóa, nhất là trong nội thành thành phố Kon Tum để đầu tư xây dựng thành làng văn hóa du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Xác định các điểm nhấn du lịch (điểm du lịch cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Cămpuchia, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, suối nước nóng Đăk Tô-Thác Đăk Lung, rừng đặc dụng Đăk Ui, vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu du lịch sinh thái Măng Đen) để đầu tư, khai thác có hiệu quả. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Kon Tum với các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây; đồng thời chú trọng giáo dục thế hệ trẻ về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn.

2.5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn. Thu hút lao động có chất lượng từ các tỉnh khác và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đảm bảo lao động để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu phát triển 70 ngàn ha cao su vào năm 2015 (trong đó có khoảng 30 ngàn ha ở vùng Mô Rai, huyện Sa Thầy). Xây dựng cơ chế gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, các dự án đầu tư, nhất là đối với các dự án phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực. Có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động đối với các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, nhất là đào tạo lao động tại chỗ và lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút dân cư có kinh nghiệm làm du lịch đến sinh sống và làm việc tại khu vực Măng Đen, huyện Kon Plông.

2.6. Tăng cường đầu tư và khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng:

- Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nối các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố trong khu vực như đường Hồ Chí Minh-Quốc lộ 14 (giai đoạn II) đoạn qua tỉnh Kon Tum và các đường xương cá nối với đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn; nâng cấp Quốc lộ 40, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 24 đoạn đi qua tỉnh; đầu tư đường giao thông đến các vùng nguyên liệu; mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông từ trung tâm Măng Đen, huyện Kon Plông với thành phố Kon Tum và các thị trấn trong tỉnh, từ đó kết nối ra các khu vực du lịch khác của miền Trung-Tây Nguyên. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (Hòa Bình, Sao Mai, Đăk Tô, Đăk La); khu du lịch sinh thái Măng Đen. Quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi và hồ chứa nước phục vụ phát triển rau, hoa xứ lạnh.

- Ưu tiên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng có khả năng phát huy, khai thác được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh (trong đó có sân bay Kon Tum); khai thác có hiệu quả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã và đang được đầu tư để bố trí dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế.

- Phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới truyền tải điện, phân phối điện, các trạm biến áp trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện để các công trình thủy điện vừa và nhỏ phát điện hòa vào lưới điện quốc gia.

2.7. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.

- Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ, ưu tiên lựa chọn các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nhiên liệu, tận dụng tối đa nguyên liệu đầu vào tạo ra sản phẩm có chất lượng ổn định, phù hợp với nhu cầu thị trường và có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, trình độ tay nghề của người lao động. Quan tâm xem xét yếu tố công nghệ, thiết bị của các nhà máy xây dựng trên địa bàn từ khâu cho chủ trương đầu tư.

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc và khai thác cao su (nhất là cao su tiểu điền), cà phê, sắn cho nhân dân bằng nhiều hình thức, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Khuyến khích nông dân chuyển đổi giống mới, sử dụng phân bón hợp lý, nước tưới tiết kiệm để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống rau, hoa xứ lạnh và các cơ sở nuôi trồng thủy đặc sản (cá Tầm, cá Hồi...). Chú trọng hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật để nhân dân trồng, chăm sóc và bảo vệ cây sâm Ngọc Linh và một số loại cây dược liệu khác. Nghiên cứu, xây dựng tại mỗi vùng kinh tế động lực một khu thực nghiệm để phát triển công nghệ sinh học theo hình thức xã hội hóa (Nhà nước và doanh nghiệp cùng tham gia).

2.8. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như các chương trình, dự án, đề án phát triển ngành, lĩnh vực. Định kỳ 6 tháng tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tạo kênh thông tin hai chiều giữa chính quyền tỉnh và doanh nghiệp, các hiệp hội. Chú trọng duy trì, tăng cường chất lượng các cuộc đối thoại giữa chính quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 30 (giai đoạn 3) của Chính phủ nhằm loại bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký mới, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và các nguồn lực đất đai, lao động... Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước; đồng thời từng bước cải thiện và nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh trong nhóm. Củng cố Câu lạc bộ doanh nghiệp của tỉnh; đồng thời xúc tiến hình thành một số hiệp hội doanh nghiệp (hoặc hội doanh nghiệp) trên địa bàn để có điều kiện tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, nhằm tăng cường liên kết, cung cấp thông tin và bảo vệ các doanh nghiệp thành viên trong quá trình hoạt động.

- Xây dựng, thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch đến năm 2015, trong đó trọng tâm hướng vào các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực. Hỗ trợ và khuyến khích các ngành, các doanh nghiệp tham gia các triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế để giới thiệu hàng hóa, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức điều tra, khảo sát thị trường nhân các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo tỉnh ở ngoài tỉnh, ngoài nước. Xây dựng thành công thương hiệu một số sản phẩm chủ lực: cà phê Đăk Hà; sâm Ngọc Linh; cá Tầm Măng Đen. Nghiên cứu đăng ký, tổ chức Festival (lễ hội) tầm quốc gia hoặc khu vực về ngành, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

- Rà soát, ban hành danh mục các dự án khả thi để chủ động kêu gọi đầu tư. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án; thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm trễ, có biểu hiện giữ chỗ.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư ở các thành phố lớn nhằm quảng bá, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực, tâm huyết ở trong nước và nước ngoài đầu tư vào địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh liên kết kinh tế với các tỉnh, thành phố trong nước và các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Cămpuchia và tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây. Tổ chức ký kết và thực hiện các chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong khu vực, nhất là hợp tác khai thác tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh; tích cực vận động các tỉnh hỗ trợ và khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có tiềm lực ở các địa phương đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Tăng cường hợp tác với các tỉnh Attapư, Sê Kông (nước CHDCND Lào), Ratanakiri (Vương quốc Cămpuchia) trong việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực, nhất là hợp tác phát triển vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, cơ sở chế biến…

3. Cơ chế, chính sách để xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực:

- Đảm bảo đủ và quản lý chặt quỹ đất để phát triển vùng nguyên liệu đối với từng loại cây hàng hóa; dành quỹ đất “sạch” cho các dự án phát triển sản phẩm chủ lực.

- Đảm bảo quỹ đất tối thiểu từ 1-2 ha cho mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo để trồng rừng sản xuất, trồng cao su hoặc các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao.

- Hỗ trợ cây giống, con giống và một phần lãi vay trong thời kỳ xây dựng cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển vùng nguyên liệu (cà phê, rừng nguyên liệu giấy, sâm Ngọc Linh, thủy sản nước ngọt, rau hoa xứ lạnh) phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến.

- Hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm chủ lực.

- Được đăng thông tin quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm chủ lực trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các ngành, huyện, thành phố thuộc tỉnh.

- Nghiên cứu, xây dựng Quỹ bình ổn giá cho nông dân; thu mua nông, lâm, thuỷ sản cho nông dân vào những lúc chính vụ.

- Đối với các dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư:

+ Hỗ trợ một phần lãi vay vốn tín dụng cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án trong vòng 3-5 năm (tùy theo ngành, sản phẩm); ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý m ôi trường.

+ Hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, gồm đường giao thông, điện lưới đến hàng rào doanh nghiệp đối với dự án ngoài khu, cụm công nghiệp.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án.

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết Đề án theo quy định.

Điều 3. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện Đề án.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nêu tại điểm 3, điều 1 của Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ban hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hùng

 

 


([1]) Bao gồm các ngành: xay xát và sản xuất bột; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su.

([2]) : Bao gồm các nhóm ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và kim loại.

([3]) : Cá Tầm, cá Hồi và thủy sản khác.

([4]) : Sản phẩm điện từ thủy điện.

([5]) : Cao su công nghiệp, cao su y tế, cao su tiêu dùng.

([6]): Điện do địa phương quản lý

([7]): Cao su công nghiệp, cao su y tế, cao su tiêu dùng

([8]): Điện do địa phương quản lý