Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND ngày 19/08/2011 Về Quy định số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 48/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
- Ngày ban hành: 19-08-2011
- Ngày có hiệu lực: 01-09-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-04-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1676 ngày (4 năm 7 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 03-04-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/2011/QĐ-UBND | Bình Phước, ngày 19 tháng 8 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ SỐ LƯỢNG, CHỨC DANH VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÁC CÔNG TÁC Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN; Ở THÔN, ẤP, KHU PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23/11/2009;
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã ngày 21/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư hướng dẫn số 03/2004/TT-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ; Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ -CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Thông tư Liên tịch số 01/2004/TTLT-BNV-BT của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới;
Căn cứ Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Quyết định số 544/QĐ-TU ngày 12/12/2007 của Tỉnh ủy Bình Phước về việc ban hành Đề án chính sách cán bộ cơ sở;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2010/NQ-HĐND ngày 14/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khoá VII, kỳ họp thứ mười chín từ ngày 07 đến ngày 08 tháng 12 năm 2010 về việc thông qua Đề án tăng cường công tác bảo vệ , chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 09/2011/NQ-HĐND ngày 26/7/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khoá VIII, kỳ họp thứ hai từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 7 năm 2011 Quy định một số chức danh và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ; ở thôn, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 887/TTr - SNV ngày 05/8/2011 và Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 1152/STC-NS ngày 08/9/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã); những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, sóc, khu phố (sau đây gọi chung là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố); chế độ đối với chức danh Mặt trận và các đoàn thể ở thôn, ấp, khu phố; mức phụ cấp kiêm nhiệm các chức danh, mức hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Hội đồng già làng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2011.
2. Quyết định này thay thế các Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh số: 53/2005/QĐ-UBND ngày 25/5/2005 về cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn; cán bộ không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố; Quyết định số 95/2005/QĐ-UBND ngày 22/8/2005 về việc bổ sung chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã; Quyết định số 14/2006/QĐ-UBND ngày 20/02/2006 về việc áp dụng mức lương tối thiểu và bổ sung nội dung một số điều của bản quy định về cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn; cán bộ không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố ban hành kèm theo Quyết định số 53/2005/QĐ-UBND ngày 25/5/2005; Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 9/3/2007 về việc áp dụng mức phụ cấp cho chức danh Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn; Quyết định số 63/2007/QĐ-UBND ngày 04/12/2007 về việc hỗ trợ chế độ phụ cấp cho chức danh Mặt trận và các đoàn thể ở thôn, ấp, khu phố; Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 07/01/2008 về bổ sung một số chức danh và chế độ đối với cán bộ cơ sở; Quyết định số 2894/QĐ-UBND ngày 29/12/2008 về ban hành bổ sung chế độ phụ cấp cho một số chức danh cán bộ thôn, ấp, khu phố;
Điều 3. Các ông (bà) : Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ SỐ LƯỢNG, CHỨC DANH VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÁC CÔNG TÁC Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN; Ở THÔN, ẤP, KHU PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã); những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, sóc, khu phố (sau đây gọi chung là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố); chế độ đối với chức danh Mặt trận và các đoàn thể ở thôn, ấp, khu phố; mức phụ cấp kiêm nhiệm các chức danh, mức hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Hội đồng già làng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Số lượng, chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố
1. Về số lượng những người hoạt động không chuyên trách
a) Ở cấp xã: Số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn:
- Xã, phường, thị trấn loại 1 được bố trí tối đa không quá 22 người;
- Xã, phường, thị trấn loại 2 được bố trí tối đa không quá 20 người;
- Xã, phường, thị trấn loại 3 được bố trí tối đa không quá 19 người;
- Ở mỗi xã (trừ phường và thị trấn vì đã có Công an chính quy) được bố trí 03(ba) Công an viên làm nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã hoặc nơi làm việc của Công an xã (theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ).
b) Ở thôn, ấp, khu phố:
- Mỗi thôn, ấp, khu phố (trừ thôn, ấp loại III) được bố trí không quá 03 (ba) người (theo quy định tại Khoản 3, Điều 19, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/200 của Chính phủ);
- Mỗi thôn, ấp, khu phố (trừ thôn, ấp loại III) được bố trí không quá 02 (hai) Công an viên (theo quy định tại Mục b, Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ);
- Mỗi thôn, ấp, khu phố (trừ thôn, ấp loại III) được bố trí 01 (một) chức danh phụ trách Quân sự gọi là Thôn đội trưởng (theo quy định tại Khoản 2, Điều 38, Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ).
2. Chức danh những người hoạt động không chuyên trách
Trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính cấp xã đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quyết định ban hành. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tuỳ theo tính chất công việc và các lĩnh vực công tác cần thiết tại địa phương xem xét trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã quyết định phê duyệt số lượng và từng chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn để bố trí người đảm nhiệm các lĩnh vực công tác. Bố trí kiêm nhiệm để tổng số những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn loại I không vượt quá 22 (hai mươi hai) người; xã, phường, thị trấn loại II không vượt quá 20 (hai mươi) người và xã, phường, thị trấn loại III không vượt quá 19 (mười chín) người. Các chức danh được quy định sau:
a) Chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Văn phòng Đảng ủy (đối với những xã, phường, thị trấn chưa bố trí được công chức cho chức danh này thì Văn phòng - Thống kê đảm trách nhiệm vụ này);
2. Kế hoạch - Giao thông - Thủy lợi - Lâm nghiệp;
3. Thủ qũy - Văn thư - Lưu trữ;
4. Phụ trách Đài truyền thanh - Quản lý Nhà Văn hoá;
5. Phụ trách công tác Dân tộc - Tôn giáo;
6. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (tuỳ theo tính chất công việc và tình hình ngân sách của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn có thể bố trí 02 (hai) chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc);
7. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
8. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ;
9. Phó Chủ tịch Hội Nông dân;
10. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;
11. Chủ tịch Hội Người cao tuổi;
12. Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi;
13. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;
14. Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;
15. Trưởng ban Thanh tra nhân dân (tuỳ theo tính chất công việc và tình hình ngân sách của địa phương để bố trí chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc kiêm Trưởng ban Thanh tra nhân dân);
16. Chức danh Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Trường hợp đang làm việc nếu đủ các điều kiện về tiêu chuẩn đối với công chức cấp xã thì cho thi tuyển hoặc xét tuyển để tuyển dụng làm công chức cấp xã theo chỉ tiêu biên chế được giao.
- Trường hợp không đủ tiêu chuẩn để chuyển thành công chức cấp xã thì giữ nguyên chức danh này ở vị trí những người hoạt động không chuyên trách, khi nghỉ việc hoặc chuyển đổi làm chức danh khác thì tuyển dụng bổ sung chức danh công chức Văn hóa - Xã hội để đảm nhiệm chức vụ Lao động - Thương binh và Xã hội ở cấp xã theo quy định.
- Trường hợp ở xã, phường, thị trấn đã có hai chức danh công chức Văn hoá - Xã hội thì phân công một công chức phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định. Chức danh Lao động - Thương binh và Xã hội đã bố trí theo Quyết định số 53/2005/QĐ-UBND ngày 25/5/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh trước đây được giữ nguyên vị trí công tác, khi nghỉ việc không bố trí thêm người vào vị trí những người hoạt động không chuyên trách nữa hoặc chuyển đổi sang chức danh những người hoạt động không chuyên trách khác.
17. Chức danh Phó Trưởng Công an (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy):
- Mỗi xã được bố trí 01(một) Phó Trưởng Công an;
- Các xã loại I và xã loại II (trong đó có xã biên giới, xã trọng điểm, xã phức tạp về an ninh, trật tự) tuỳ theo tình hình và yêu cầu của từng xã có thể bố trí không quá 02(hai) Phó Trưởng Công an xã.
18. Chức danh Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự:
- Mỗi xã, phường, thị trấn được bố trí 01 (một) Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự;
- Các xã, phường, thị trấn loại I và xã loại II (trong đó có xã biên giới, xã trọng điểm về quốc phòng - an ninh) tuỳ theo tình hình và yêu cầu của từng xã, phường, thị trấn có thể được bố trí không quá 02 (hai) Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự;
- Những xã có trên 30% dân số là người Dân tộc thiểu số được bố trí không quá 02(hai) Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự (trong đó có 01 cán bộ là người dân tộc thiểu số đã qua lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng xã đội Trưởng làm Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự).
19. Chức danh Công an viên ở xã:
Ở mỗi xã (trừ phường và thị trấn vì đã có Công an chính quy) ngoài các chức danh quy định trên được bố trí 03(ba) Công an viên làm nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã hoặc nơi làm việc của Công an xã (theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ).
3. Đối với thôn, ấp, khu phố
a) Việc phân loại thôn, ấp, khu phố: Thôn, ấp, khu phố được phân làm ba loại
- Thôn, ấp, khu phố loại I: Gồm những thôn, ấp thuộc các xã biên giới; thôn, ấp, khu phố có ½ dân số là người Dân tộc thiểu số có từ 250 hộ dân trở lên và những thôn, ấp, khu phố khác có từ 300 hộ dân trở lên.
- Thôn, ấp, khu phố loại II: Gồm những thôn, ấp, khu phố có ½ dân số là người Dân tộc thiểu số có dưới 250 hộ dân và những thôn, ấp, khu phố khác có dưới 300 hộ dân.
- Thôn, ấp loại III: Gồm những thôn, ấp ở những nơi địa bàn xa xôi, hẻo lánh, vùng đồng bào Dân tộc thiểu số có dưới 50 hộ dân nhưng không nhập vào thôn, ấp khác được.
b) Về tổ chức, hoạt động và việc thành lập thôn, ấp, khu phố
- Về tổ chức và hoạt động của thôn, ấp, khu phố: việc bầu Trưởng, Phó thôn, ấp khu phố; nhiệm vụ của Trưởng, Phó thôn, ấp, khu phố; hồ sơ tách, nhập thôn, ấp, khu phố thực hiện theo Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP- UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Việc tách, nhập thôn, ấp, khu phố: Giữ nguyên số thôn, ấp, khu phố hiện có, trong trường hợp cần thiết việc tách nhập thôn, ấp, khu phố phải qua khảo sát thực tế, có ý kiến thống nhất của Sở Nội vụ trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thành lập.
- Việc nâng cấp thôn, ấp, khu phố từ loại III lên loại II, từ loại II lên loại I và việc đổi tên thôn, ấp, khu phố: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ vào số liệu niên giám thống kê về số hộ hàng năm có ý kiến thống nhất trước với Sở Nội vụ. Sau khi có ý kiến thống nhất của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ra quyết định để Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện.
c) Chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố
1. Bí thư Chi bộ ở những thôn, ấp, khu phố đã thành lập Chi bộ;
Tuỳ theo tính chất công việc và tình hình thực tế tại thôn, ấp, khu phố có thể bố trí chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn ấp, khu phố, Phó Trưởng thôn ấp, khu phố; kiêm nhiệm chức danh Mặt trận Tổ quốc hoặc các chức danh đoàn thể thôn, ấp, khu phố.
2. Trưởng thôn, ấp, khu phố;
Tuỳ theo tính chất công việc và tình hình thực tế tại thôn, ấp, khu phố để bố trí chức danh Trưởng thôn ấp, khu phố kiêm nhiệm chức danh Mặt trận Tổ quốc hoặc các chức danh đoàn thể thôn, ấp, khu phố.
3. Phó Trưởng thôn, ấp, khu phố (trừ thôn, ấp loại ba).
a) Tuỳ theo tính chất công việc và tình hình thực tế tại thôn, ấp, khu phố để bố trí chức danh Phó Trưởng thôn ấp, khu phố kiêm nhiệm chức danh Mặt trận Tổ quốc hoặc các chức danh đoàn thể thôn, ấp, khu phố.
b) Ngoài các chức danh quy định trên, ở thôn, ấp, khu phố được bố trí:
- Chức danh Công an viên ở thôn, ấp, khu phố: Mỗi thôn, ấp, khu phố (trừ thôn, ấp loại III) được bố trí một Công an viên. Những thôn, ấp ở các xã loại I và loại II (trong đó có xã biên giới, xã trọng điểm, xã phức tạp về an ninh, trật tự) tuỳ theo tình hình và tính chất phức tạp của từng thôn, ấp, khu phố có thể bố trí không quá 02 Công an viên (theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ).
- Chức danh Thôn đội trưởng: Mỗi thôn, ấp, khu phố (trừ thôn, ấp loại III) được bố trí một chức danh phụ trách Quân sự gọi là Thôn đội trưởng (theo quy định tại Điều 17, Luật Dân quân tự vệ và Khoản 2, Điều 38, Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ).
Điều 3. Việc ra quyết định đối với các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố:
1. Việc bố trí các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố tại Điều 2 của bản Quy định này phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác, tiêu chuẩn của chức danh cần bố trí, không bố trí số người hoạt động không chuyên trách vượt quá số lượng so với quy định theo phân loại xã, phường, thị trấn.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quyết định cụ thể số lượng những người hoạt động không chuyên trách cho từng xã, phường, thị trấn. Hướng dẫn việc phân công kiêm nhiệm cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố để thực hiện đầy đủ các mặt công tác.
3. Việc ra quyết định bố trí công tác và xếp mức phụ cấp cho các chức danh những người hoạt động không chuyên trách được quy định cụ thể như sau:
a) Các chức danh: Văn phòng Đảng uỷ, Kế hoạch - Giao thông - Thuỷ lợi - Lâm nghiệp; Thủ quỹ - Văn thư - Lưu trữ; phụ trách Đài truyền thanh - Quản lý nhà văn hoá; làm công tác Dân tộc - Tôn giáo do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã ra quyết định bố trí công tác và xếp mức phụ cấp theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
b) Các chức danh: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Phó các đoàn thể (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ Nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh), Thanh tra nhân dân, sau khi có quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử của các tổ chức, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thống kê danh sách và mức phụ cấp của từng chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Sau khi có kết quả phê duyệt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định xếp mức phụ cấp cho từng chức danh theo quy định.
c) Chức danh Phó Công an xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã ra quyết định xếp mức phụ cấp, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức theo đề nghị của Trưởng Công an huyện, thị xã sau khi đã trao đổi, thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã theo đề nghị của Trưởng Công an xã quyết định công nhận, miễn nhiệm và xếp mức phụ cấp cho chức danh Công an viên.
d) Chức danh Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã ra quyết định xếp mức phụ cấp, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị xã sau khi đã trao đổi, thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn quyết định công nhận, miễn nhiệm và xếp mức phụ cấp cho chức danh Quân sự thôn, ấp, khu phố (chức danh Thôn đội trưởng).
đ) Các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố: Sau khi có kết quả bầu cử và quyết định công nhận, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xếp mức phụ cấp cho các chức danh ở thôn, ấp, khu phố.
Điều 4. Tiêu chuẩn những người hoạt động không chuyên trách
1. Tiêu chuẩn chung
a) Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có năng lực và tổ chức vận động nhân dân thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
b) Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
c) Có tinh thần hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hoá, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
2. Tiêu chuẩn cụ thể
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để áp dụng ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố để làm cơ sở bố trí công tác cho các chức danh này.
Chương II
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH
Điều 5. Chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách
1. Chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
a) Các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 2 của Quyết định này được hưởng phụ cấp hàng tháng như sau:
- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Người cao được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1.453.000 đồng (một triệu bốn trăm năm mươi ba ngàn đồng);
- Phó Trưởng Công an xã, Chỉ huy Phó Ban Chỉ huy Quân sự , Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1.370.000 đồng (một triệu ba trăm bảy mươi ngàn đồng);
- Các chức danh: Thanh tra nhân dân, Kế hoạch - Giao thông - Thủy lợi - Nông - Lâm nghiệp; Văn phòng Đảng ủy xã, phường, thị trấn; Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu có); Phó các đoàn thể (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh); Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi; Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; Thủ quỹ - Văn thư - Lưu trữ; phụ trách Đài Truyền thanh - Quản lý nhà Văn hoá; phụ trách công tác Dân tộc - Tôn giáo được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1.212.000 đồng (một triệu hai trăm mười hai ngàn đồng);
b) Khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu chung bằng số tiền mà các chức danh những người hoạt động không chuyên trách trên đang hưởng thì mức phụ cấp của các chức danh được chuyển về bằng hệ số 1.0 mức lương tối thiểu chung cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ.
c) Chức danh Công an viên ở xã được hưởng mức phụ cấp bằng 1.0 mức lương tối thiểu chung/tháng;
2. Chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố
a) Các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại Mục c, Khoản 3, Điều 2 của Quyết định này được hưởng phụ cấp hàng tháng như sau :
- Bí thư chi bộ thôn, ấp, khu phố loại I, II và loại III; Trưởng thôn, ấp, khu phố loại I và loại III được hưởng mức phụ cấp bằng 0,86 mức lương tối thiểu chung/tháng.
- Trưởng thôn, ấp, khu phố loại II được hưởng mức phụ cấp bằng 0,8 mức lương tối thiểu chung/tháng.
- Phó thôn, ấp, khu phố loại I được hưởng mức phụ cấp bằng 0,7 mức lương tối thiểu chung/tháng.
- Phó thôn, ấp, khu phố loại II được hưởng mức phụ cấp bằng 0,6 mức lương tối thiểu chung/tháng.
- Công an viên thôn, ấp, khu phố được hưởng mức phụ cấp bằng 0,6 mức lương tối thiểu chung/tháng.
- Chức danh phụ trách Quân sự thôn, ấp, khu phố loại I và loại II (gọi chung là Thôn đội trưởng) được hưởng mức phụ cấp bằng 0,6 mức lương tối thiểu chung/tháng.
b) Số tiền của mức phụ cấp theo hệ số trên đối với chức danh Công an viên ở xã và các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố được điều chỉnh sau những lần Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu chung.
3. Việc hỗ trợ kinh phí khi nghỉ việc đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, ấp, khu phố
a) Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, ấp, khu phố có thời gian công tác liên tục từ ngày thành lập tỉnh Bình Phước 01/01/1997 đến nay, có đủ hồ sơ quy định, khi nghỉ việc được trợ cấp nghỉ việc 01 (một) lần, cứ mỗi năm công tác được hưởng một tháng mức phụ cấp của chức danh đang đảm nhận.
b) Thời gian tính để giải quyết chế độ phụ cấp khi nghỉ việc:
- Mốc tính thời gian để hỗ trợ phụ cấp khi nghỉ việc đối với những người hoạt động không chuyên trách từ sau ngày thành lập tỉnh Bình Phước 01/01/1997.
- Thời gian tính giải quyết hỗ trợ kinh phí khi nghỉ việc: Chỉ giải quyết hỗ trợ trong khoảng thời gian công tác liên tục kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm, bố trí công tác hoặc phê chuẩn kết quả bầu cử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền từ sau ngày thành lập tỉnh Bình Phước 01/01/1997 đến ngày có quyết định nghỉ việc.
c) Việc ra quyết định nghỉ việc được hỗ trợ chế độ phụ cấp:
- Đối với những chức danh do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã quyết định bố trí công tác hoặc bổ nhiệm thì do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã ra quyết định nghỉ việc được hỗ trợ chế độ phụ cấp và chịu trách nhiệm về việc ra quyết định của mình.
- Đối với những chức danh do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định bố trí công tác hoặc bổ nhiệm thì do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định nghỉ việc được hỗ trợ chế độ phụ cấp và chịu trách nhiệm về việc ra quyết định của mình.
d) Không giải quyết hỗ trợ kinh phí khi nghỉ việc đối với các trường hợp:
- Những người hoạt động không chuyên trách công tác trong thời gian trước khi thành lập tỉnh Bình Phước (trước ngày 01/01/1997).
- Không có quyết định, hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh được thời gian bố trí công tác từ sau ngày thành lập tỉnh Bình Phước 01/01/1997 đến nay.
- Các trường hợp xác nhận về thời gian công tác.
đ) Những người sau ngày thành lập tỉnh Bình Phước 01/01/1997 đã đảm nhiệm các chức danh không chuyên trách, sau đó được bố trí vào các chức danh cán bộ chuyên trách hoặc công chức cấp xã, một thời gian sau lại được bố trí vào chức danh không chuyên trách, thì thời gian đảm nhiệm chức danh không chuyên trách ở hai thời điểm khác nhau, khi có đủ các quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được cộng dồn hai thời điểm của chức danh không chuyên trách đã đảm nhận để hưởng chế độ hỗ trợ khi nghỉ việc. Thời gian giữ các chức danh cán bộ chuyên trách hoặc công chức cấp xã khi nghỉ việc do Bảo hiểm xã hội giải quyết.
e) Đối với các chức danh những người hoạt động không chuyên trách đã được đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định hoặc được ngân sách hỗ trợ kinh phí để đóng bảo hiểm tự nguyện thì không được hỗ trợ kinh phí khi nghỉ việc.
g) Không giải quyết hỗ trợ chế độ nghỉ việc đối với những người hoạt động không chuyên trách mắc khuyết điểm bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc.
4. Chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố đang hưởng chế độ hưu trí hoặc mất sức lao động:
a) Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, ấp, khu phố là người đang hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động, hàng tháng được hưởng 90% mức phụ cấp theo chức danh đang đảm nhận, không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định. Khi nghỉ việc không được hỗ trợ chế độ phụ cấp nghỉ việc.
b) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, ấp, khu phố là người đang hưởng chế độ thương binh các hạng, bệnh binh các hạng được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định tại quyết định này.
Điều 6. Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm
1. Chức danh công chức cấp xã kiêm nhiệm công tác thi đua khen thưởng được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 0,5 mức lương tối thiểu chung/tháng.
2. Các chức danh kiêm nhiệm sau đây được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 0,3 mức lương tối thiểu/tháng:
a) Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố mà ở cấp xã hoặc ở thôn, ấp, khu phố giảm đi được 01 (một) chức danh những người hoạt động không chuyên trách;
b) Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ hoặc Thường trực Đảng uỷ kiêm nhiệm các chức danh: Trưởng ban Tổ chức Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo;
c) Chi Uỷ viên hoặc Đảng uỷ viên phụ trách khối vận kiêm Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc.
d) Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc kiêm nhiệm chức danh Trưởng ban Thanh tra nhân dân.
3. Các chức danh kiêm nhiệm sau đây được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 0,15 mức lương tối thiểu/tháng:
a) Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nếu kiêm nhiệm các chức danh: Bí thư Chi bộ, Trưởng, Phó Trưởng thôn, ấp, khu phố; Công an viên; chức danh Quân sự (thôn đội trưởng), chức danh trưởng Mặt trận và các chức danh trưởng đoàn thể các chi hội ở thôn, ấp, khu phố;
b) Chức danh Lao động - Thương binh và xã hội kiêm nhiệm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã.
c) Chức danh Bí thư Chi bộ thôn, ấp, khu phố kiêm Trưởng hoặc phó Trưởng thôn, ấp, khu phố.
3. Bố trí một chức danh các đoàn thể ở thôn, ấp, khu phố kiêm nhiệm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng tháng được hưởng mức phụ cấp bằng 0,1 mức lương tối thiểu.
4. Cán bộ chuyên trách, công chức, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm các chức danh Phó Chi hội trưởng các chi hội ở thôn, ấp, khu phố được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm hàng tháng bằng 0,11 mức lương tối thiểu.
5. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau thì chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất.
6. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của Pháp luật.
Điều 7. Một số chế độ khác
1. Các chức danh thuộc lực lượng Công an xã ngoài chế độ phụ cấp được hưởng theo quy định tại Quyết định này, hàng tháng được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù theo Quyết định số 55/2008/QĐ-UBND ngày 28/8/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Các chức danh thuộc lực lượng Quân sự cấp xã ngoài chế độ phụ cấp được hưởng theo quy định tại Quyết định này, được hưởng các chế độ theo quy định tại Quyết định số 23/2008/QĐ-UBND ngày 21/5/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chương III
VỀ CHỨC DANH, CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC CHI HỘI ĐOÀN THỂ Ở THÔN, ẤP, KHU PHỐ
Điều 8. Chức danh Mặt trận và các Chi hội ở thôn, ấp, khu phố
1. Chức danh Mặt trận thôn, ấp, khu phố
a) Đối với những thôn, ấp, khu phố bố trí 01 (một) chức danh Trưởng ban Công tác Mặt trận thì hàng tháng Trưởng ban Công tác Mặt trận được hỗ trợ mức phụ cấp bằng 0,5 mức lương tối thiểu.
b) Đối với những thôn, ấp, khu phố bố trí 01 (một) chức danh Trưởng ban và 01 (môt) chức danh Phó Trưởng ban công tác Mặt trận thì hàng tháng được hỗ trợ mức phụ cấp như sau:
- Trưởng ban Công tác Mặt trận được hỗ trợ mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,3 mức lương tối thiểu;
- Phó Trưởng ban Công tác Mặt trận được hỗ trợ mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,2 mức lương tối thiểu.
2. Chức danh các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh ở thôn, ấp, khu phố
a) Đối với những thôn, ấp, khu phố bố trí 01 (một) chức danh Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 01 (một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, 01 (một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, 01 (một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thì hàng tháng được hỗ trợ mức phụ cấp bằng 0,3 mức lương tối thiểu.
b) Đối với những thôn, ấp, khu phố có bố trí :
- 01 (một) chức danh Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 01(một) chức danh Phó Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
- 01 (một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh và 01 (một) chức danh Chi hội Phó Chi hội Cựu chiến binh;
- 01 (một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Nông dân và 01 (một) chức danh Phó Chi hội trưởng Chi hội Nông dân,
- 01 (một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và 01 (một) chức danh Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ;
* Các chức danh ở Điều b, Khoản 2, Điều này được hỗ trợ mức phụ cấp hàng tháng như sau:
- Chức danh Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và chức danh Trưởng các Chi hội (Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ) hàng tháng được hỗ trợ mức phụ cấp bằng 0,18 mức lương tối thiểu.
- Phó Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chi hội trưởng các Chi hội : Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ hàng tháng được hỗ trợ mức phụ cấp bằng 0,12 mức lương tối thiểu.
3. Chức danh Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ và chức danh Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi
a) Đối với những thôn, ấp, khu phố có bố trí 01(một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ và 01 (một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi hàng tháng được hỗ trợ mức phụ cấp bằng 0,3 mức lương tối thiểu.
b) Đối với những thôn, ấp, khu phố có bố trí:
- 01 (một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ và 01 (một) chức danh phó Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ;
- 01 (một) chức danh Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi và 01 (một) chức danh Phó Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi;
* Các chức danh ở Điều b, Khoản 3, Điều này được hỗ trợ mức phụ cấp hàng tháng như sau:
- Chức danh Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ và chức danh Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi hàng tháng được hỗ trợ mức phụ cấp bằng 0,18 mức lương tối thiểu;
- Chức danh Phó Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ và chức danh Phó Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi hàng tháng được hỗ trợ mức phụ cấp bằng 0,12 mức lương tối thiểu;
4. Mỗi thôn, ấp, khu phố chỉ bố trí hỗ trợ chế độ phụ cấp cho một Chi hội của mỗi đoàn thể. Nếu ở thôn, ấp, khu phố mà đoàn thể nào có từ hai Chi hội trở nên thì mức phụ cấp trên được chia đều cho số lượng các Chi hội.
5. Số tiền của mức phụ cấp theo hệ số trên đối với chức danh Mặt trận và các Chi hội ở thôn, ấp, khu phố được điều chỉnh sau những lần Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu chung.
6. Việc xét duyệt để hỗ trợ mức phụ cấp: Hàng quý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập danh sách cụ thể từng chức danh nêu trên và số tiền phụ cấp cho từng chức danh gửi về Ủy ban nhân dân huyện, thị xã xét duyệt làm căn cứ để Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp phát.
Điều 9. Kinh phí hoạt động cho Hội đồng Già làng
Khoán kinh phí hoạt động cho Hội đồng già làng bằng 0,6 mức lương tối thiểu chung/tháng.
Chương IV
BỔ SUNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ CƠ SỞ
Điều 10. Chế độ phụ cấp đối với người có bằng đại học, cao đẳng hoặc trung cấp phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, tự nguyện công tác lâu dài tại cơ sở
1. Đối với những người có bằng đại học, cao đẳng hoặc trung cấp phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có đơn tự nguyện công tác lâu dài tại cơ sở; đang đảm nhận một trong các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (trong thời gian chờ để được bố trí, tuyển dụng chính thức vào làm cán bộ chuyên trách hoặc công chức cấp xã), từ ngày 01/01/2008 được xếp mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo bằng cấp đào tạo. Việc xếp mức phụ cấp theo bằng cấp đào tạo cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi có văn bản thỏa thuận của Sở Nội vụ.
2. Việc bố trí vào vị trí các chức danh ở cấp xã thực hiện theo các quy định hiện hành; được ưu tiên theo quy định khi xét tuyển hoặc thi tuyển để tuyển dụng.
Điều 11. Chế độ đối với công chức dự bị cấp xã
a) Mỗi xã, phường, thị trấn được bố trí 03 (ba) người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, có trình độ đại học phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có đơn tự nguyện công tác lâu dài tại cơ sở để làm công chức dự bị.
b) Việc tuyển dụng đối với các chức danh công chức dự bị cấp xã thực hiện sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã ra quyết định tuyển dụng.
c) Về chế độ: trong thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị ở cấp xã, người được tuyển dụng bố trí các chức danh công chức dự bị được xếp mức phụ cấp bằng 2,34 mức lương tối thiểu/tháng, được hưởng các chế độ tương tự như công chức cấp xã, hàng tháng được trợ cấp thêm 150.000 đồng (một trăm năm nươi ngàn đồng).
Điều 12. Chế độ đối với lực lượng thanh niên tình nguyện
1. Lực lượng thanh niên tình nguyện khi đang làm nhiệm vụ hoặc khi đã hoàn thành nhiệm vụ, nếu có nguyện vọng, có đơn tự nguyện công tác lâu dài ở cấp xã thì được bố trí vào các chức danh ở cấp xã. Việc xét tuyển hay thi tuyển vào các chức danh công chức ở cấp xã thực hiện theo các quy định hiện hành; được ưu tiên theo quy định khi xét tuyển hoặc thi tuyển để tuyển dụng
2. Về chế độ: khi được tuyển dụng chính thức vào các chức danh ở cấp xã, ngoài các chế độ hiện hành được hưởng. Hàng tháng ngân sách trợ cấp thêm đối với người có bằng đại học phù hợp chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tại: xã loại I: 200.000 đồng/người/tháng (hai trăm ngàn đồng); xã loại II: 150.000đồng/người/tháng (một trăm năm mươi ngàn đồng); xã loại III: 100.000 đồng/người/tháng (một trăm ngàn đồng), mức trợ cấp này được nhận cùng kỳ lương hàng tháng và không tính để đóng Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Y tế.
3. Thời gian hưởng trợ cấp là 02 (hai) năm kể từ ngày có quyết định tuyển dụng.
Điều 13. Chế độ hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức còn thiếu năm công tác
Đối với cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã đã đủ tuổi đời theo quy định nhưng còn thiếu không quá 03 (ba) năm đóng bảo hiểm xã hội liên tục thì được ngân sách chi hỗ trợ đóng bảo hiểm cho đủ số năm đóng bảo hiểm theo quy định để có đủ điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.
Điều 14. Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ chính sách
Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ trên do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Việc thanh quyết toán thực hiện theo chế độ kế toán và phân cấp quản lý hiện hành.
Chương V
QUẢN LÝ, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 15. Quản lý, đào tạo, bồi dưỡng
1. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quy định cụ thể việc quản lý những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
2. Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp khu phố được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng được đài thọ tiền tàu xe, tiền học phí, tiền ăn theo quy định.
Điều 16. Khen thưởng, kỷ luật .
1. Khen thưởng
a) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì được xét khen thưởng theo các hình thức sau:
- Giấy khen;
- Bằng khen;
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước;
- Huy chương;
- Huân chương.
b) Việc khen thưởng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố được thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
2. Kỷ luật
a) Việc kỷ luật, bãi nhiệm những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố được thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
b) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố vi phạm các quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét kỷ luật theo một trong những hình thức sau đây :
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Bãi nhiệm;
- Cách chức;
- Buộc thôi việc.
c) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn ít nhất một năm, kể từ khi có quyết định kỷ luật; tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bố trí về vị trí công tác cũ.
d) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm hoặc cách chức nếu không bố trí được vào công việc khác được thì cho nghỉ việc hoặc buộc thôi việc, khi bị buộc thôi việc không được hưởng các quyền lợi và phải bồi thường các thiệt hại theo quy định của pháp luật.
đ) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố làm mất mát, hư hỏng trang thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
e) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại cho người khác thì phải hoàn trả cho cơ quan, tổ chức khoản tiền mà cơ quan tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Pháp luật.
g) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu của tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
h) Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố phạm tội bị Toà án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc.
Điều 17. Tạm đình chỉ công tác
Trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố có thể bị cơ quan có thẩm quyền quản lý ra quyết định tạm đình chỉ công tác nếu xét thấy những người hoạt động không chuyên trách đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xác minh hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm. Thời hạn tạm đình chỉ không quá 15 (mười lăm) ngày, trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thêm nhưng không qúa 30 (ba mươi) ngày; hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu không bị xử lý thì những người hoạt động không chuyên trách được tiếp tục làm việc. Những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác được hưởng 50% (năm mươi phần trăm) mức phụ cấp của chức danh đang đảm nhận.
Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách thôn, ấp, khu phố không có lỗi thì sau khi tạm đình chỉ công tác được bố trí trở lại vị trí công tác cũ.
Điều 18. Thẩm quyền xử lý kỷ luật, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
1. Thẩm quyền xử lý kỷ luật những người hoạt động không chuyên trách :
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã quyết định kỷ luật đối với các chức danh những người hoạt động không chuyên trách do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã quyết định bổ nhiệm hoặc bố trí công tác trên cơ sở đề nghị của Hội đồng kỷ luật cấp xã.
b) Việc kỷ luật, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc các chức danh bầu cử thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.
c) Việc kỷ luật các chức danh ở thôn,ấp, khu phố do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng kỷ luật cấp xã.
d) Thành phần Hội đồng kỷ luật xã, phường, thị trấn gồm: Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy (hoặc Chi bộ nơi chưa thành lập Đảng ủy), Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thành viên Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và đại diện đoàn thể có liên quan đến việc vi phạm của những người hoạt động không chuyên trách. Hội đồng kỷ luật do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định thành lập.
2. Những người hoạt động không chuyên trách khi bị kỷ luật có quyền khiếu nại về quyết định kỷ luật đối với mình đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.
3. Những người hoạt động không chuyên trách bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận là oan, sai thì được phục hồi danh dự, quyền lợi và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Điều khoản thi hành
1. Giao Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính theo dõi, hướng dẫn kiểm tra các huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn thực hiện theo đúng nội dung của bản Quy định này;
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện bản Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc thì báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét giải quyết./.