cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 11/2012/CT-UBND ngày 26/07/2012 Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu văn bản: 11/2012/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 26-07-2012
  • Ngày có hiệu lực: 05-08-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-01-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3085 ngày (8 năm 5 tháng 15 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-01-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-01-2021, Chỉ thị số 11/2012/CT-UBND ngày 26/07/2012 Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 65/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành thuộc lĩnh vực công thương”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2012/CT-UBND

An Giang, ngày 26 tháng 7 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT  CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt "Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020" và Chỉ thị số 08/CT-BCN ngày 10/7/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc áp dụng SXSH trong các cơ sở công nghiệp, ngày 01/02/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 05/KH-UBND về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2015. Theo đó sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục các biện pháp quản lý sản xuất, giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả sản suất kinh doanh của cơ sở sản xuất công nghiệp.

Thời gian qua, bên cạnh những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh thì ngành công nghiệp An Giang vẫn còn nhiều cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, dẫn đến chi phí sản xuất cao, đồng thời góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường; Chất lượng môi trường nước, không khí, đất, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học… đang ngày càng suy giảm và bị đe dọa, trong khi số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm tham gia áp dụng sản xuất sạch hơn vẫn còn hạn chế, các giải pháp áp dụng còn ở mức độ đơn giản, kết quả chưa đạt yêu cầu.

Để sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát trin công nghiệp bn vng, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Công Thương

a) Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ tác nghiệp các cấp, các ngành và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kể cả trong các khu, cụm công nghiệp tập trung;

b) Tham gia nghiên cứu, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học về sản xuất sạch hơn để áp dụng vào doanh nghiệp;

c) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp rà soát và xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, đồng thời chú trọng công tác lồng ghép nội dung sản xuất sạch hơn vào quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp;

d) Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm năng lượng; đầu tư sản xuất với công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng sạch; dự án trình diễn về áp dụng sản xuất sạch hơn từ Quỹ khuyến công tỉnh; tư vấn về tiếp cận các nguồn vốn, kinh phí hỗ trợ khác cho việc thực hiện sản xuất sạch hơn;

e) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả việc áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

g) Nâng cao năng lực hoạt động của Văn phòng sản xuất sạch hơn tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương; Chú trọng công tác đào tạo chuyên gia tư vấn về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;

h) Tăng cường công tác khuyến khích duy trì áp dụng sản xuất sạch hơn, đồng thời đẩy mạnh công tác phổ biến và hỗ trợ nhân rộng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn đạt hiệu quả cao.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và lồng ghép nội dung sản xuất sạch hơn vào chiến lược, kế hoạch bảo vệ môi trường;

b) Lồng ghép tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình tiến hành các hoạt động thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường;

c) Đẩy mạnh công tác lồng ghép thông tin tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường với tuyên truyền, phổ biến sản xuất sạch hơn để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiểu rõ và thực hiện;

d) Giới thiệu, tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tiến hành áp dụng sản xuất sạch hơn.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn có hiệu quả. Tổ chức thẩm định các dự án áp dụng sản xuất sạch hơn thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt;

4. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhằm đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, chuyển giao các đề tài, dự án khoa học công nghệ đã nghiên cứu, nghiệm thu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường;

b) Cân đối và ưu tiên hỗ trợ kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học, Quỹ phát triển khoa học công nghệ tỉnh cho việc thực hiện các chương trình khoa học công nghệ, đề tài, dự án về sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh;

c) Tăng cường công tác phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

5. Sở Tài chính

Cân đối nguồn vốn từ ngân sách hàng năm để hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi và đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh.

6. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

a) Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, Ban, Ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai việc áp dụng sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;

b) Thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật vể bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan trong công tác lập quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế dựa trên tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư có áp dụng công nghệ, quy trình, chương trình sản xuất sạch hơn, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm được thực hiện trong từng công đoạn, dây chuyền thích hợp.

c) Thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận cam kết bảo vệ môi trường phù hợp với chương trình sản xuất sạch hơn.

d) Kiểm tra, giám sát, khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cải tạo, đầu tư mới công nghệ, thiết bị phù hợp với chương trình sản xuất sạch hơn.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, Ban, Ngành có liên quan thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự và lồng ghép trong các chuyên mục đã có tuyên truyền về sản xuất sạch hơn trên các phương tiện thông tin của đơn vị bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp để các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thông suốt, thực hiện.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo

Nghiên cứu đưa sản xuất sạch hơn vào chương trình đào tạo trong các ngành phù hợp tại các trường dạy nghề, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

9. Công an tỉnh

Phối hợp với các ban ngành chức năng tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường; kiểm tra, kiểm soát và xử lý các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về áp dụng sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn; lồng ghép tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình tiến hành các hoạt động thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

b) Thực hiện cơ chế chính sách thúc đẩy, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn; đồng thời lồng ghép nội dung sản xuất sạch hơn vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

11. Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể, hội, hiệp hội

Giới thiệu, tuyên truyền về sản xuất sạch hơn và tích cực vận động đoàn viên, hội viên của mình tham gia các chương trình tuyên truyền, tập huấn do các Sở, Ngành chức năng tổ chức. Đồng thời, tham gia cùng với các sở, ngành xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh.

12. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang

a) Chủ động đầu tư nghiên cứu và áp dụng sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp mình; xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn về các giải pháp quản lý, cải tiến, thay đổi quy trình công nghệ, lắp đặt trang thiết bị mới thân thiện với môi trường, ít phát sinh chất thải; tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất;

b) Bố trí nguồn nhân lực và kinh phí phù hợp để thúc đẩy thực hiện việc áp dụng sản xuất sạch tại doanh nghiệp mình;

c) Từng bước, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14000; đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, áp dụng ghi nhãn tiết kiệm năng lượng đối với hàng hóa, sản phẩm theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này, định kỳ hàng năm báo kết quả về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh