cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 38/2011/QĐ-UBND ngày 26/07/2011 Về chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu văn bản: 38/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Ngày ban hành: 26-07-2011
  • Ngày có hiệu lực: 05-08-2011
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 10-03-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4861 ngày (13 năm 3 tháng 26 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 38/2011/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 26 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật số 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 23/SLĐTBXH-TTr ngày 05/7/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng hỗ trợ.

Người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lâm Đồng, có nguyện vọng xuất khẩu lao động và đủ điều kiện tham gia các đơn hàng do các bộ, ngành trung ương và doanh nghiệp xuất khẩu lao động thông báo mà chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì được hỗ trợ theo Quyết định này.

Điều 2. Điều kiện và chính sách hỗ trợ.

1. Điều kiện hỗ trợ:

- Người lao động được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để xuất khẩu lao động.

- Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thêm (học phí, tiền ăn, ở, tàu xe và tiền mua đồng phục học nghề) phải có đủ giấy tờ cần thiết chứng minh là đúng đối tượng thụ hưởng.

2. Chính sách hỗ trợ:

a) Hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho các đối tượng với mức 500.000đ/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa không quá 06 tháng.

b) Riêng người lao động thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số; bộ đội, công an xuất ngũ; con gia đình chính sách được hỗ trợ thêm:

- Tiền ăn, ở với mức 1.000.000 đồng/người/tháng trong thời gian tham gia các khóa học nêu trên nhưng tối đa không quá 6 tháng;

- Tiền mua đồng phục học nghề với mức 400.000đ/người/khóa (nếu có);

- Tiền tàu, xe (cả đi và về) một lần từ nơi cư trú đến nơi tổ chức đào tạo với mức 400.000 đồng/người/khóa nếu lớp học tổ chức ngoài tỉnh; mức 200.000 đồng /người/khóa nếu lớp học tổ chức trong tỉnh;

c) Hỗ trợ 100% chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các mức quy định về phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp.

3. Bồi hoàn chi phí hỗ trợ:

a) Người lao động đăng ký học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để xuất khẩu lao động nhưng không tham gia đầy đủ chương trình đào tạo, tự ý thôi học hoặc không vượt qua được kỳ kiểm tra cuối khóa học của đơn vị đào tạo thì phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đã được hỗ trợ.

b) Đối với những người lao động đăng ký học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết .v.v. để phục vụ xuất khẩu lao động đã được hỗ trợ từ ngân sách nhưng sau khi hoàn tất các khóa học (nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết) được cấp giấy chứng nhận hoặc bằng nghề, tự tìm được việc làm ổn định trong nước từ 03 tháng trở lên thì không phải bồi hoàn chi phí đã được hỗ trợ.

Điều 3. Kinh phí thực hiện.

1. Kinh phí hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng:

a) Căn cứ nhu cầu thực tế cần chuẩn bị kiến thức trước khi tham gia xuất khẩu lao động tại một số nước, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hợp đồng với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, đơn vị dạy nghề và ngoại ngữ có đủ điều kiện pháp lý và khả năng tham gia đào tạo nguồn để tổ chức các lớp đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng phục vụ xuất khẩu lao động;

b) Sau khi ký hợp đồng đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tạm ứng một phần kinh phí cho đơn vị dạy nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng và quyết toán kinh phí đào tạo khóa học theo danh sách lao động đã vượt qua kỳ thi cuối khóa học;

c) Kinh phí hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả trực tiếp cho các đơn vị đào tạo theo số lượng thực tế người lao động đã vượt qua kỳ thi cuối khóa học.

2. Kinh phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp:

a) Trường hợp người lao động tự làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả cho người lao động trên cơ sở đơn đề nghị thanh toán có xác nhận của doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các chứng từ nộp lệ phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp của người lao động.

b) Đối với các trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp cho người lao động thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thanh toán các khoản chi phí đó cho doanh nghiệp.

3. Kinh phí hỗ trợ ăn, ở, tàu xe, đồng phục trong thời gian học:

Kết thúc khóa học, các đơn vị đào tạo lập hồ sơ từng loại đối tượng được hỗ trợ tiền ăn, ở; tàu xe và tiền mua đồng phục học nghề để thanh toán một lần trong cả khóa học cho học viên và quyết toán với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Kinh phí thực hiện các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu lao động:

a) Kinh phí thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên tryền, nâng cao năng lực; tổ chức ngày hội xuất khẩu lao động hoặc các phiên giao dịch việc làm về xuất khẩu lao động; điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động khi hết hạn về nước để bố trí việc làm phù hợp; kiểm tra, giám sát, tổng kết, khen thưởng .v.v. được thực hiện và thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

b) Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu xuất khẩu lao động được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trích một phần kinh phí từ chương trình xuất khẩu lao động của tỉnh hỗ trợ cho các địa phương để tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn và sơ kết công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn.

Điều 4. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương.

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, điều phối thực hiện các chính sách, hoạt động xuất khẩu lao động; xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm, bao gồm: kế hoạch về nhiệm vụ, mục tiêu, nhu cầu kinh phí và đề xuất các giải pháp thực hiện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

b) Lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có những đơn hàng tốt, mức thu nhập cao và phù hợp với lao động của địa phương; phối hợp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, đơn vị dạy nghề, đào tạo ngoại ngữ tổ chức các khóa dạy nghề, ngoại ngữ phục vụ xuất khẩu lao động; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo; thẩm định, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các hợp đồng; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người lao động;

c) Chủ trì và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn chi tiết thực hiện và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác xuất khẩu lao động;

d) Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, thông tin đầy đủ về chính sách, chế độ, điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động ở các thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và tuyên truyền trực quan; xây dựng các chuyên trang về xuất khẩu lao động, phóng sự, tin, bài phát thanh trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện;

e) Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về công tác xuất khẩu lao động cho cán bộ địa phương, tuyên truyền viên cơ sở;

g) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác xuất khẩu lao động ít nhất 06 tháng một lần để tổng hợp chuyên đề và hàng tháng, tổng hợp chung trong báo cáo của ngành, gửi Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Hàng năm, bố trí kinh phí thực hiện một số chính sách hỗ trợ công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành;

b) Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định dự toán kinh phí để thực hiện kế hoạch xuất khẩu lao động, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

c) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt:

a) Xây dựng kế hoạch triển khai; phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho cấp xã; phối hợp thực hiện các văn bản hướng dẫn của sở, ngành và báo cáo định kỳ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Nghiên cứu, ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ bổ sung của địa phương cho người lao động;

c) Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức tư vấn trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ Kế hoạch số 6365/KH-UBND ngày 01/9/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2015.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa