Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015
- Số hiệu văn bản: 1241/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 22-07-2011
- Ngày có hiệu lực: 22-07-2011
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4873 ngày (13 năm 4 tháng 8 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1241/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
Căn cứ Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu của Chương trình: Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
2. Đối tượng và phạm vi của Chương trình:
a) Đối tượng của Chương trình: Các cơ quan nhà nước; các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các gia đình, công dân.
b) Phạm vi của Chương trình: Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
3. Nội dung của Chương trình:
a) Dự án truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới (Dự án 1).
- Mục tiêu của Dự án: 70% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang và sinh viên, học sinh các cấp, các cụm dân cư được tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
- Phạm vi thực hiện Dự án: Trên phạm vi toàn quốc.
- Các nội dung của Dự án: Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới cho đội ngũ báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông; nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình, xuất bản các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới; tổ chức các hoạt động, chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư; triển khai các cuộc khảo sát về nhận thức của xã hội về bình đẳng giới.
- Cơ quan thực hiện Dự án: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các địa phương.
b) Dự án nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới (Dự án 2).
- Mục tiêu của Dự án: 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, cán bộ tham mưu hoạch định chính sách và cán bộ làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương và đội ngũ cộng tác viên về bình đẳng giới ở thôn, bản, tổ dân phố được tập huấn kiến thức, kỹ năng hoạt động bình đẳng giới; xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới và bộ chỉ số giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới.
- Phạm vi thực hiện Dự án: Trên phạm vi toàn quốc.
- Các nội dung của Dự án (gồm 3 tiểu dự án):
+ Tiểu dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới, cán bộ tham mưu hoạch định chính sách và cán bộ làm công tác pháp chế (Tiểu dự án 1): Xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu tập huấn về nghiệp vụ hoạt động bình đẳng giới; tổ chức đào tạo ngắn hạn và dài hạn; tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác bình đẳng giới theo kế hoạch.
+ Tiểu dự án hỗ trợ thí điểm một số cơ quan ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Tiểu dự án 2).
+ Tiểu dự án xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới và bộ chỉ số giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới (Tiểu dự án 3).
- Cơ quan thực hiện Dự án: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, các cơ quan khác có liên quan và các địa phương.
c) Dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp; nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, nữ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch (Dự án 3).
- Mục tiêu của Dự án: Có các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp phụ nữ nâng cao năng lực tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp ở trung ương và địa phương; từng bước tạo nguồn cán bộ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp giai đoạn đến năm 2020 để đạt được chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
- Đối tượng của Dự án: Nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp; nữ cán bộ trong diện quy hoạch; người có trách nhiệm trong công tác hoạch định, tổ chức triển khai các chính sách tác động trực tiếp đến công tác cán bộ nữ.
- Phạm vi thực hiện Dự án: Trên phạm vi toàn quốc.
- Nội dung của Dự án:
+ Nghiên cứu đánh giá tác động của hệ thống thể chế, chính sách đối với cán bộ nữ.
+ Hỗ trợ ban đầu việc thực hiện công tác quy hoạch nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo: Tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình đội ngũ nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương. Kiến nghị các biện pháp, chính sách có liên quan đến công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan trong việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ nữ chủ chốt các cơ quan ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công tác chuẩn bị nhân sự cho các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
+ Hỗ trợ xây dựng, nâng cao năng lực cho các cơ quan ở trung ương và địa phương có trách nhiệm trong công tác hoạch định, tổ chức triển khai các chính sách tác động trực tiếp đến công tác cán bộ nữ.
+ Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp và năng lực của đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch vào các chức danh quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp; tạo nguồn tham gia các cấp ủy Đảng, các cơ quan dân cử và tổ chức chính trị - xã hội.
+ Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực về hoạt động bình đẳng giới cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
+ Xây dựng các diễn đàn và mạng lưới nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và lãnh đạo nữ các cấp.
- Cơ quan thực hiện dự án: Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cơ quan khác có liên quan, các địa phương tổ chức thực hiện bốn hoạt động đầu tiên của Dự án. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện hai hoạt động cuối của Dự án.
d) Dự án hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới (Dự án 4).
- Mục tiêu của Dự án: Xây dựng và thí điểm thực hiện 05 mô hình nhằm can thiệp giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới.
- Phạm vi thực hiện Dự án: Các địa phương, đơn vị được lựa chọn.
- Nội dung của Dự án:
+ Mô hình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp tại 10 cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm (Mô hình 1): Đào tạo nghề và kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho phụ nữ có nhu cầu thành lập doanh nghiệp (nhỏ và vừa); hỗ trợ phụ nữ khởi sự doanh nghiệp thông qua các hoạt động như cho mượn địa điểm, giúp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, cho vay vốn ưu đãi.
+ Mô hình thí điểm xây dựng 10 nhà giữ trẻ trong cơ quan, trung tâm dạy nghề và các khu công nghiệp, khu chế xuất để tăng khả năng tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của phụ nữ (Mô hình 2): Hỗ trợ thuê địa điểm và trang thiết bị ban đầu để mở nhà giữ trẻ tại cơ quan, trung tâm dạy nghề và các khu công nghiệp, khu chế xuất được lựa chọn; thí điểm xây dựng cơ chế phối hợp tổ chức nhà giữ trẻ tại khu công nghiệp theo nguyên tắc Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng thực hiện.
+ Mô hình về ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại 63 xã (mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chọn 01 xã) (Mô hình 3): Xây dựng và triển khai hoạt động của các Câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới. Phát triển, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho hoạt động của một số đường dây nóng và “nhà tạm lánh” hoặc “địa chỉ tin cậy” cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới đang hoạt động tốt trong cộng đồng. Tư vấn, phục hồi tâm lý cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Hỗ trợ người bị bạo lực tiếp cận với dịch vụ phòng, chống bạo lực, dịch vụ y tế, vui chơi giải trí và phúc lợi xã hội khác để hòa nhập cộng đồng. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức người dân, trong đó có đối tượng thanh niên về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới.
+ Mô hình hỗ trợ 315 xã (mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chọn 05 xã) xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới (Mô hình 4): Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính giúp việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng các hương ước, quy ước của cộng đồng nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, trong đó lưu ý các nội dung nhằm thay đổi quan niệm thích sinh con trai hơn con gái và phân biệt đối xử với con gái trong chia tài sản thừa kế. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho Trưởng thôn, người có uy tín và người dân về bình đẳng giới. Tổ chức các hoạt động thăm quan học tập kinh nghiệm, hội nghị, hội thảo, tọa đàm rút kinh nghiệm triển khai và nhân rộng mô hình ở các cấp.
+ Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại 30 xã, phường, thị trấn ở miền núi, vùng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số (Mô hình 5): Khảo sát đánh giá về thực trạng bình đẳng giới tại các xã miền núi, vùng cao. Xây dựng thí điểm một số dịch vụ thông tin, tư vấn (tại các điểm bưu điện văn hóa xã, tại nhà người có uy tín tại thôn, bản) nhằm nâng cao nhận thức về thực hiện bình đẳng giới tại một số dân tộc có phong tục, tập quán ảnh hưởng trực tiếp đến bất bình đẳng giới (tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống). Xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp với từng nhóm dân tộc để tuyên truyền thay đổi dần các phong tục, tập quán gây bất bình đẳng giới. Tổ chức các hoạt động thăm quan học tập kinh nghiệm, hội nghị, hội thảo, tọa đàm rút kinh nghiệm triển khai và nhân rộng mô hình.
- Cơ quan thực hiện Dự án:
+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan khác, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các Mô hình 1, 2 và 3.
+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam và các cơ quan khác, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Mô hình 4.
+ Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cơ quan khác, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Mô hình 5.
đ) Dự án hỗ trợ xây dựng phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới (Dự án 5).
- Mục tiêu của Dự án: Thí điểm thành lập và vận hành 04 Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ thực hiện hoạt động bình đẳng giới.
- Đối tượng của Dự án: Các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.
- Phạm vi thực hiện Dự án: Tại một số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đại diện cho các khu vực, vùng, miền trong phạm vi toàn quốc.
- Nội dung của Dự án: Hỗ trợ 04 Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại một số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (chọn 04 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện 04 khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ). Rà soát tính sẵn có và khả năng tiếp cận các dịch vụ thúc đẩy bình đẳng giới của Trung tâm công tác xã hội được lựa chọn thí điểm. Đề xuất bổ sung chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới cho Trung tâm được chọn. Hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật giúp phát triển các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về bình đẳng giới. Nghiên cứu xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn về việc tổ chức và hoạt động của các cơ sở dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về bình đẳng giới.
- Cơ quan thực hiện Dự án: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Dự án.
e) Hoạt động kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình: Hằng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu về việc thực hiện các Dự án. Tổ chức đánh giá giữa kỳ vào năm 2013; đánh giá hiệu quả và tác động của từng Dự án và Chương trình khi kết thúc vào năm 2015.
4. Các giải pháp thực hiện Chương trình:
a) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đưa các mục tiêu bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng thời kỳ ở cấp trung ương và địa phương. Tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới hằng năm, giữa kỳ và cuối kỳ theo kế hoạch 5 năm của các cấp, các ngành. Hình thành cơ chế báo cáo, thông tin thường xuyên tới lãnh đạo các cấp về công tác bình đẳng giới.
b) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang và nhân dân. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hoạt động và sản phẩm văn hóa, thông tin từ góc độ giới.
c) Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ Nhà nước, cộng đồng và quốc tế cho việc thực hiện Chương trình. Ưu tiên bố trí ngân sách cho việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
đ) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện hoạt động bình đẳng giới, các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thanh tra chuyên ngành về bình đẳng giới từ trung ương đến địa phương.
đ) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Tăng cường giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng hợp tác quốc tế; vận động và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ.
5. Kinh phí thực hiện Chương trình:
- Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ các nguồn vốn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; viện trợ quốc tế; huy động từ xã hội, cộng đồng; các nguồn hợp pháp khác.
- Tổng kinh phí của Chương trình là 955 tỷ đồng, trong đó:
+ Ngân sách nhà nước: 790 tỷ đồng (ngân sách trung ương bố trí 326 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí 464 tỷ đồng).
+ Viện trợ quốc tế, huy động từ xã hội và cộng đồng, các nguồn hợp pháp khác: 165 tỷ đồng.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thống nhất và xác định kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Chương trình
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban dân tộc, các cơ quan và tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện và điều phối các hoạt động của Chương trình; chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện các Dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xây dựng và tổ chức hoạt động của các Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại một số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; nghiên cứu bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới ở cơ sở; kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Bộ, ngành và địa phương; tổ chức các hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết giữa kỳ và tổng kết cuối kỳ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản có nội dung định kiến giới.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa, hoạt động giải trí đảm bảo không mang định kiến giới; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới; chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
4. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế phối hợp trong việc đánh giá lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
5. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hướng dẫn các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định và bố trí đủ biên chế công chức làm công tác bình đẳng giới quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
6. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ xã, các già làng, trưởng bản và người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành khác có liên quan vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức cho các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm ở cấp quốc gia; hướng dẫn việc đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới vào việc xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
8. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách trung ương cho các cơ quan để triển khai thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; chủ trì hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các Dự án của Chương trình; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng văn bản hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.
9. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng khác tăng thời lượng phát sóng, số lượng tin, bài và nâng cao chất lượng tuyên truyền về bình đẳng giới.
10. Các cơ quan và tổ chức ở Trung ương tham gia thực hiện Chương trình có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ được giao; hướng dẫn các địa phương lồng ghép các hoạt động của địa phương với việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình; định kỳ báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện Chương trình để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm điều phối các hoạt động của Chương trình trên địa bàn; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hằng năm về bình đẳng giới phù hợp với Chương trình này và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng có liên quan phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Chương trình này với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn; đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động bình đẳng giới; bố trí ngân sách địa phương, nhân lực để thực hiện Chương trình tại địa phương; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương; định kỳ báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
12. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức thành viên khác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong tổ chức mình; tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |