Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020
- Số hiệu văn bản: 1216/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 22-07-2011
- Ngày có hiệu lực: 22-07-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-08-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2957 ngày (8 năm 1 tháng 7 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 26-08-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1216/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020;
Căn cứ Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 3814/TTr-BKHĐT ngày 15 tháng 6 năm 2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm
a) Phát triển nhân lực nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
b) Phát triển nhân lực Việt Nam phải có tầm nhìn dài hạn và phải có bước đi thích hợp theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn.
c) Phát triển nhân lực phải đảm bảo tính hài hòa về cơ cấu và cân đối nhân lực theo ngành/lĩnh vực, vùng, miền, lãnh thổ.
d) Phát triển nhân lực Việt Nam phải gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Chỉ ra được nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực, đảm bảo yêu cầu nhân lực thực hiện thành công đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh quốc tế; đồng thời nêu ra các giải pháp phát triển nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo chuẩn khu vực và từng bước tiến tới chuẩn quốc tế.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40,0% năm 2010 lên mức 70,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50,0%; ngành công nghiệp từ 78,0% lên 92,0%, ngành xây dựng từ 41,0% lên 56,0%; ngành dịch vụ tăng từ 67,0% lên 88,0%.
- Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, đồng thời tập trung ưu tiên những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
- Xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho đất nước.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020
1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo
Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong toàn nền kinh tế với cơ cấu hợp lý. Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 khoảng 30,5 triệu người (chiếm khoảng 55,0% trong tổng số 55 triệu người làm việc trong nền kinh tế) và năm 2020 khoảng gần 44 triệu người (chiếm khoảng 70,0% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế). Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực đào tạo qua hệ thống dạy nghề năm 2015 khoảng 23,5 triệu người (bằng 77,0%), năm 2020 khoảng 34,4 triệu (bằng 78,5%); số nhân lực đào tạo qua hệ thống giáo dục - đào tạo năm 2015 khoảng 7 triệu người (bằng 23,0%), năm 2020 khoảng 9,4 triệu (bằng 21,5%).
Về cơ cấu bậc đào tạo, năm 2015, số nhân lực qua đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng 18 triệu người, chiếm khoảng 59,0% tổng số nhân lực đã qua đào tạo của nền kinh tế; con số tương ứng của bậc trung cấp là khoảng 7 triệu người (khoảng 23,0%); bậc cao đẳng: Gần 2 triệu người (khoảng 6,0%); bậc đại học: Khoảng 3,3 triệu người (khoản 11,0%); và bậc trên đại học khoảng 200 nghìn người (chiếm khoảng 0,7%). Năm 2020, số nhân lực đào tạo ở bậc sơ cấp nghề khoảng gần 24 triệu người, chiếm khoảng 54,0% tổng số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế; con số tương ứng của bậc trung cấp là khoảng gần 12 triệu người (khoảng 27,0%); bậc cao đẳng: Hơn 3 triệu người (khoảng 7,0%); bậc đại học: Khoảng 5 triệu người (khoảng 11%) và bậc trên đại học khoảng 300 nghìn người (chiếm khoảng 0,7%).
2. Phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực
a) Khu vực công nghiệp và xây dựng
- Nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng từ mức 10,8 triệu người năm 2010 (bằng 22,0% tổng số nhân lực trong nền kinh tế) lên khoảng 15 triệu người năm 2015 (bằng 27,0%) và khoảng 20 triệu người năm 2020 (bằng 31,0%); trong đó nhân lực ngành công nghiệp tăng từ 7,9 triệu người năm 2010 lên khoảng gần 10 triệu người năm 2015 và khoảng 11 - 12 triệu người năm 2020; nhân lực ngành xây dựng tăng từ 2,9 triệu người năm 2010 lên khoảng 5 triệu năm 2015 và khoảng 8 - 9 triệu người năm 2020. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ mức 69,0% trong tổng số nhân lực khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2010 lên 76,0% năm 2015 và hơn 80,0% năm 2020. Trong số nhân lực được đào tạo, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 66,5% năm 2015 và 56,0% năm 2020; trình độ trung cấp 23,5% năm 2015 và 33,5% năm 2020; trình độ cao đẳng là 4,0% năm 2015 và 4,0% năm 2020; trình độ đại học và trên đại học 6,0% năm 2015 và 6,5% năm 2020.
- Trong lĩnh vực công nghiệp, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ mức 78,0% năm 2010 lên khoảng 82,0% năm 2015 và 92,0% năm 2020; trong đó bậc sơ cấp nghề chiếm khoảng 66,0% năm 2015 và khoảng 51,0% năm 2020, bậc trung cấp chiếm khoảng 23,0% năm 2015 và khoảng 37,0% năm 2020, bậc cao đẳng chiếm khoảng 4,5% năm 2015 và khoảng 5,0% năm 2020, bậc đại học và trên đại học chiếm khoảng 6,5% năm 2015 và khoảng 7,0% năm 2020.
- Trong lĩnh vực xây dựng, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ mức 41,0% năm 2010 lên khoảng 60,0% năm 2015 và khoảng 65,0% năm 2020; trong đó bậc sơ cấp nghề chiếm khoảng 68,5% năm 2015 và khoảng 68,0% năm 2020, bậc trung cấp chiếm khoảng 25,0% năm 2015 và khoảng 24,0% năm 2020, bậc cao đẳng chiếm khoảng 2,0% năm 2015 và khoảng 3,0% năm 2020, bậc đại học và trên đại học chiếm khoảng 4,5% năm 2015 và khoảng 5,0% năm 2020.
- Giai đoạn 2011 - 2020, đảm bảo có khoảng từ 35,0 - 40,0% tổng số nhân lực qua đào tạo ngành công nghiệp và khoảng từ 40,0 - 45,0% tổng số nhân lực qua đào tạo ngành xây dựng được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc.
b) Khu vực dịch vụ
- Nhân lực trong khu vực dịch vụ tăng từ mức trên 13 triệu người năm 2010 (chiếm khoảng 26,8% tổng nhân lực trong nền kinh tế) lên khoảng 15 - 16 triệu người năm 2015 và khoảng 17 - 19 triệu người năm 2020 (nằng khoảng 27,0 - 29,0% tổng nhân lực trong nền kinh tế). Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ mức 67,0% năm 2010 lên khoảng 80,0% năm 2015 và khoảng 88,0% năm 2020. Trong số nhân lực được đào tạo, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 45,0% năm 2015 và khoảng 37,0% năm 2020; trình độ trung cấp chiếm khoảng 25,0% năm 2015 và khoảng 23,0% năm 2020; trình độ cao đẳng khoảng 7,5% năm 2015 và khoảng 12,0% năm 2020; trình độ đại học và trên đại học khoảng 22,5% năm 2015 và khoảng 27,5% năm 2020.
- Giai đoạn 2011 - 2020 cần tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc cho khoảng từ 30,0 - 35,0% tổng số nhân lực qua đào tạo của khu vực dịch vụ.
c) Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp
- Nhân lực trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010 là 24,9 triệu người (chiếm khoảng 51,0% tổng nhân lực trong nền kinh tế), năm 2015 có khoảng 24 - 25 triệu người (chiếm khoảng 45,0 - 46,0% tổng nhân lực trong nền kinh tế) và năm 2020 khoảng 22 - 24 triệu người (tương đương với khoảng 35,0 - 38,0% tổng nhân lực trong nền kinh tế). Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 28,0% năm 2015 và khoảng 50,0% năm 2020. Trong số nhân lực được đào tạo, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 73,0% năm 2015 và khoảng 69,5% năm 2020; trình độ trung cấp chiếm khoảng 19,0% năm 2015 và khoảng 22,5% năm 2020; trình độ cao đẳng khoảng 6,5% năm 2015 và khoảng 6,0% năm 2020; trình độ đại học và trên đại học khoảng 1,5% năm 2015 và khoảng 2,0% năm 2020. Riêng trong lĩnh vực ngư nghiệp, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo các loại so với tổng nhân lực ngư nghiệp tăng từ mức 28,4% năm 2010 khoảng 45,0% năm 2015 và khoảng 68,0% năm 2020.
- Giai đoạn 2011 - 2020, đảm bảo có khoảng từ 40,0 - 45,0% tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc.
3. Phát triển nhân lực của một số ngành/lĩnh vực kinh tế đặc thù
a) Ngành giao thông vận tải
- Tổng số nhân lực ngành giao thông vận tải đến năm 2015 khoảng 550 nghìn người, trong đó, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khoảng 94,0%; năm 2020 tăng lên hơn 630 nghìn người, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo là khoảng 97,0%. Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề khoảng 6,0% năm 2015 và khoảng 4,5% năm 2020; trình độ trung cấp khoảng 57,5% năm 2015 và khoảng 58,0% năm 2020; trình độ cao đẳng khoảng 27,5% năm 2015 và khoảng 28,0% năm 2020; trình độ đại học và trên đại học khoảng 9,0% năm 2015 và khoảng 9,5% năm 2020.
- Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo cần được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc giai đoạn 2011 - 2020 chiếm khoảng 30,0 - 35,0% trong tổng số nhân lực đã qua đào tạo.
b) Ngành tài nguyên, môi trường
- Thời kỳ 2011 - 2015, đào tạo mới và đào tạo nâng cao từ 6.000 - 8.000 cán bộ trình độ đại học về tài nguyên và môi trường, đào tạo mới từ 800 - 1.000 cán bộ trình độ thạc sỹ và từ 150 - 200 cán bộ trình độ tiến sỹ. Trong thời kỳ 2011 - 2015, hàng năm có khoảng 5.000 - 7.000 lượt cán bộ các cơ quan Trung ương; từ 6.000 - 10.000 lượt cán bộ các cơ quan cấp tỉnh và từ 10.000 - 15.000 lượt cán bộ các cơ quan cấp huyện được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Thời kỳ 2016 - 2020, đào tạo mới và đào tạo nâng cao khoảng 3.000 - 4.000 cán bộ trình độ đại học, đào tạo mới khoảng 2.000 - 2.500 cán bộ trình độ thạc sỹ và khoảng 300 - 350 cán bộ trình độ tiến sỹ. Trong thời kỳ 2016 - 2020, hàng năm có khoảng 6.000 - 8.000 lượt cán bộ các cơ quan Trung ương; từ 7.000 - 10.000 lượt cán bộ các cơ quan cấp tỉnh và từ 15.000 - 20.000 lượt cán bộ các cơ quan cấp huyện được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
c) Ngành du lịch
- Tổng số nhân lực năm 2015 khoảng 620 nghìn người, năm 2020 là 870 nghìn người, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ở hai thời điểm trên khoảng 58,0% tổng số nhân lực của ngành. Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, trình độ sơ cấp nghề chiếm khoảng 43,0% năm 2015 và khoảng 43,5% năm 2020; trình độ trung cấp chiếm khoảng 27,5% năm 2015 và khoảng 25,5% năm 2020; trình độ cao đẳng và đại học khoảng 28,5% năm 2015 và khoảng 29,5% năm 2020; trình độ trên đại học khoảng trên 1,0% năm 2015 và khoảng 1,5% năm 2020.
- Tỷ lệ nhân lực được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc trong tổng số nhân lực qua đào tạo của ngành du lịch khoảng 35,0 - 40,0% thời kỳ 2011 - 2015 và khoảng 30,0 - 35,0% thời kỳ 2016 - 2020.
d) Ngành ngân hàng
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực làm việc trong ngành khoảng 240 nghìn người, năm 2020 khoảng 300 nghìn người; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo cả hai thời điểm khoảng 87,0%. Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, trình độ trung cấp khoảng 13,0%, trình độ cao đẳng và đại học khoảng 83,0% và trình độ trên đại học khoảng 4,0%.
- Tỷ lệ nhân lực được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc trong tổng số nhân lực qua đào tạo của ngành ngân hàng khoảng 10,0 - 15,0% thời kỳ 2011 - 2015 và khoảng 5,0 - 10,0% thời kỳ 2016 - 2020.
đ) Ngành tài chính
- Nhu cầu đào tạo mới nhân lực ngành tài chính thời kỳ 2011 - 2015 là trên 2,2 triệu người, thời kỳ 2016 - 2020 là trên 1,6 triệu người; trong đó, số người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 30,5% năm 2015 và 31,0% năm 2020, tương tự là trình độ cao đẳng khoảng 19,5% năm 2015 và 20,0% năm 2020, trình độ trung cấp khoảng 50,0% năm 2015 và 49,0% năm 2020.
- Nhu cầu nhân lực cần đào tạo nâng cao trình độ thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 6.000 người, thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 4.500 người.
e) Ngành công nghệ thông tin
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực ngành công nghệ thông tin khoảng 556 nghìn người, năm 2020 là 758 người và hầu hết đều qua đào tạo, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 65,0% năm 2015 và trên 70,0% năm 2020.
- Thời kỳ đến năm 2015, số nhân lực cần phải đào tạo bồi dưỡng chiếm khoảng 20,0 - 25,0% trong tổng số nhân lực của ngành đã qua đào tạo, tương tự đến năm 2020, số nhân lực cần đào tạo bồi dưỡng khoảng từ 10,0 - 20,0%.
g) Lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Tập trung ưu tiên phát triển đội ngũ nhân lực năng lượng hạt nhân đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển ngành năng lượng hạt nhân an toàn và hiệu quả. Đến năm 2015, tăng tổng số nhân lực ngành năng lượng hạt nhân khoảng 1.800 người và năm 2020 lên khoảng 3.700 người với 100% tốt nghiệp đại học và trên đại học, trong đó có 700 người có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.
h) Đào tạo nhân lực để đi làm việc ở ngoài nước
Để nâng cao hiệu quả của việc đưa lao động đi làm việc ở ngoài nước, cần tập trung đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, đào tạo lao động lành nghề, đa lĩnh vực …. Tổng số nhân lực được đào tạo để đi làm việc ở ngoài nước thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 450 nghìn người và thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 670 nghìn người với bậc đào tạo khác nhau, trong đó một phần lớn là sơ cấp và trung cấp nghề.
4. Nhân lực theo một số chủ thể tham gia phát triển
a) Cán bộ lãnh đạo: Là những người đứng đầu (cấp trưởng và phó) của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; cơ quan Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Sở, Ban, ngành và tương đương, Đoàn, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Đến năm 2015, tổng số cán bộ lãnh đạo của cả nước khoảng 200 nghìn người, trong đó, số người có trình độ từ cử nhân đến thạc sỹ, tiến sỹ là hơn 120 nghìn người; năm 2020 có khoảng 220 nghìn người, trong đó, số người có trình độ từ cử nhân đến thạc sỹ, tiến sỹ là 147 nghìn người.
- Tổng số cán bộ lãnh đạo các cấp cần bồi dưỡng thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 20 nghìn người, thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 15 nghìn người.
b) Đội ngũ công chức, viên chức
- Đội ngũ công chức, viên chức của cả nước đến năm 2015 có khoảng 5,3 triệu người, trong đó, số công chức, viên chức có trình độ từ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ khoảng 2,8 triệu người, chiếm khoảng 52,0% trong tổng số đội ngũ công chức, viên chức của cả nước. Đến năm 2020, số công chức, viên chức của cả nước khoảng 6 triệu người, trong đó, số công chức, viên chức có trình độ từ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ khoảng 3,8 triệu người, chiếm khoảng 63,0% trong tổng số đội ngũ công chức, viên chức của cả nước.
- Tỷ lệ công chức, viên chức cần bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 20,0%, thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 15,0% tổng số công chức, viên chức.
c) Đội ngũ doanh nhân
- Đến năm 2015, cả nước có khoảng từ 1,5 - 2,0 triệu doanh nhân, tỷ lệ doanh nhân có trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ chiếm khoảng 78,0% tổng số đội ngũ doanh nhân.
- Đến năm 2020, cả nước có khoảng từ 2,5 - 3,0 triệu doanh nhân, tỷ lệ doanh nhân có trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ chiếm khoảng 80,0% trong tổng số đội ngũ doanh nhân.
d) Đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ
- Đến năm 2015, đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ tăng lên khoảng 103 nghìn người; trong đó số người có trình độ trên đại học khoảng 28 nghìn người.
- Đến năm 2020, có khoảng 154 nghìn cán bộ khoa học, công nghệ; trong đó, số người có trình độ trên đại học khoảng 40 nghìn người.
đ) Đội ngũ giáo viên, giảng viên
- Đội ngũ giáo viên, giảng viên trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
+ Đến năm 2015, số giáo viên, giảng viên bậc trung cấp chuyên nghiệp có khoảng 38 nghìn người, trong đó khoảng 30,0% có trình độ thạc sỹ trở lên; số giáo viên, giảng viên bậc cao đẳng khoảng 33,5 nghìn người, trong đó khoảng 6,0% tổng số giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sỹ; số giáo viên, giảng viên bậc đại học khoảng 62,1 nghìn người trong đó số người có trình độ tiến sĩ khoảng 23,0%.
+ Đến năm 2020, số giáo viên, giảng viên bậc trung cấp chuyên nghiệp khoảng 48 nghìn người, trong đó, khoảng 38,5% có trình độ thạc sỹ trở lên; số giáo viên, giảng viên bậc cao đẳng khoảng 44,2 nghìn người, trong đó tỷ lệ giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 8,0%; số giáo viên, giảng viên bậc đại học khoảng 75,8 nghìn người, trong đó số giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 30,0%.
- Đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề.
+ Đến năm 2015, số giáo viên, giảng viên dạy nghề các bậc khoảng 51 nghìn người, trong đó: Giáo viên, giảng viên cao đẳng nghề khoảng 13 nghìn người; giáo viên, giảng viên trung cấp nghề khoảng 24 nghìn người; giáo viên, giảng viên sơ cấp nghề khoảng 14 nghìn người.
+ Đến năm 2020, số giáo viên, giảng viên dạy nghề các bậc khoảng 77 nghìn người, trong đó, giáo viên, giảng viên cao đẳng nghề là 28 nghìn người; giáo viên, giảng viên trung cấp nghề khoảng 31 nghìn người; giáo viên, giảng viên sơ cấp nghề khoảng 28 nghìn người.
e) Đội ngũ cán bộ y tế
- Đến năm 2015, tổng số cán bộ y tế có khoảng 385 nghìn người, trong đó, số bác sỹ khoảng từ 74 - 75 nghìn người (đạt 41 cán bộ y tế/10.000 dân, trong đó đạt khoảng 8 bác sĩ/10.000 dân).
- Đến năm 2020, tổng số cán bộ y tế có khoảng 500 nghìn người, trong đó số bác sĩ khoảng từ 96 - 97 nghìn người (đạt 52 cán bộ y tế/10.000 dân, trong đó đạt khoảng 10 bác sĩ/10.000 dân).
g) Đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao
Đến năm 2015, nhân lực trực tiếp làm việc trong lĩnh vực văn hóa, thể thao có khoảng 88 nghìn người, năm 2020 khoảng 113 nghìn người; trong đó, lĩnh vực văn hóa năm 2015 khoảng 57 nghìn người, năm 2020 khoảng 75 nghìn người; lĩnh vực thể dục thể thao năm 2015 khoảng 22 nghìn người, năm 2020 khoảng 28 nghìn người; lĩnh vực gia đình năm 2015 khoảng 2 nghìn người, năm 2020 khoảng 2,4 nghìn người.
h) Đội ngũ cán bộ tư pháp
- Nhu cầu đào tạo cán bộ pháp luật cho hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đến năm 2020 cần bổ sung thêm khoảng 700 chấp hành viên, khoảng 1.300 thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, khoảng 4.300 đến 4.500 thư ký thi hành án, 1.600 kế toán.
- Đến năm 2020, ngành tư pháp cần bổ sung thêm khoảng 18 nghìn luật sư và khoảng 2.000 công chứng viên, đào tạo cán bộ pháp luật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (mỗi doanh nghiệp cần từ 1 - 2 cán bộ pháp luật).
- Các cơ quan tư pháp địa phương đến năm 2020 cần khoảng 17.000 người, trong đó, nhu cầu của các Sở Tư pháp khoảng 1.500 người; các Phòng Tư pháp cấp huyện khoảng trên 3.000 người và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã khoảng hơn 12.000 người.
i) Đội ngũ cán bộ tòa án
Đến năm 2020, ngành tòa án cần bổ sung khoảng 1.000 người mỗi năm, trong đó có khoảng 500 thẩm phán. Như vậy, nhu cầu nhân lực của ngành tòa án đến năm 2020 là khoảng hơn 22.000 cán bộ, công chức, cụ thể:
- Nhu cầu nhân lực của Tòa án nhân dân tối cao khoảng 2.000 người, trong đó thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là 17 người; thẩm phán của 3 Tòa án nhân dân cấp cao là 150 người.
- Nhu cầu nhân lực của các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khoảng 6.500 người, trong đó có khoảng 2.000 thẩm phán.
- Nhu cầu nhân lực của các Tòa án nhân dân cấp huyện là khoảng 3.500 người, trong đó thẩm phán khoảng 5.500 người.
k) Nhân lực để phát triển các ngành kinh tế biển
Chiến lược biển Việt Nam xác định: “…. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53,0 - 55,0% GDP, 55,0 - 56,0% kim ngạch xuất khẩu của cả nước …”. Các ngành kinh tế biển sẽ có sức hút lớn đối với thị trường lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo với chất lượng ngày càng cao.
Kinh tế biển là lĩnh vực tổng hợp đa ngành nghề và mỗi lĩnh vực lại có tính chuyên nghiệp cao. Do đó việc đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế biển cần được tiếp cận một cách tổng thể, đồng thời cần có sự phân công, chuyên sâu đối với từng lĩnh vực tại mỗi vùng, mỗi địa phương. Trước mắt để đáp ứng một số mục tiêu cơ bản của chiến lược biển đến năm 2020 cần tập trung đào tạo nhân lực cho một số lĩnh vực quan trọng như dầu khí, vận tải biển, đóng tàu, du lịch biển, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, xuất khẩu hải sản, dịch vụ cảng biển, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển …; phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80,0% trong tổng số nhân lực của các ngành kinh tế biển.
l) Nhân lực của các lực lượng vũ trang
Đảm bảo phát triển nhân lực của lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đồng thời quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
5. Phát triển nhân lực các vùng kinh tế - xã hội
a) Vùng trung du và miền núi phía Bắc
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 7,5 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng trên 7,0%/năm, đạt khoảng 3,2 triệu người (tăng 900 nghìn người so với năm 2010) và chiếm khoảng 43,0% tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 khoảng 1,3 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 850 nghìn người và khu vực dịch vụ khoảng 1,1 triệu người.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 8,2 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng gần 7,0%/năm, đạt khoảng 4,5 triệu người (tăng 1,3 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 55,0% tổng nhân lực làm việc trong nền kinh tế. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2020 khoảng 1,9 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 1,4 triệu người và khu vực dịch vụ khoảng 1,2 triệu người.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, cần tập trung đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực của vùng là: Sản xuất, chế biến các loại nông - lâm sản, đặc sản chất lượng và giá trị kinh tế cao (chè, hồi, quế, nguyên liệu giấy, các loại dược liệu quý, sữa bò …; công nghiệp chế biến khoáng sản, thủy điện, công nghiệp cơ khí (chế tạo và sửa chữa ôtô, xe máy, máy nông nghiệp …), chế tạo và lắp ráp điện tử, công nghiệp vật liệu, du lịch dịch vụ, kinh tế cửa khẩu …).
b) Vùng đồng bằng sông Hồng
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 13,0 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 8,0%/năm, đạt khoảng 9 triệu người (tăng 2,6 triệu người so với năm 2010) và chiếm khoảng 73,0% tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 khoảng gần 2 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 3,6 triệu người và khu vực dịch vụ khoảng 3,7 triệu người.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 15 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 7,0%/năm, đạt khoảng 13 triệu người (tăng 4 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 89,0% tổng nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2020 khoảng 3,8 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng là 4,7 triệu người và khu vực dịch vụ là 4,5 triệu người.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, cần tập trung đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của vùng như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; cơ khí chế tạo, điện tử, vật liệu mới, chế biến dược phẩm và thực phẩm … Đào tạo nghề trình độ cao cho các ngành công nghiệp điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật điện, sản xuất vật liệu, du lịch, viễn thông …
c) Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 12 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 8,0%/năm, đạt khoảng 6 triệu người (tăng 2 triệu người so với năm 2010) và chiếm khoảng 48,0% tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 khoảng 2 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 2 triệu người và khu vực dịch vụ khoảng 2 triệu người.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 13 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 9,0%/năm, đạt khoảng 8,5 triệu người (tăng 3 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 65,0% tổng nhân lực làm việc trong nền kinh tế. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2020 khoảng 3 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 3 triệu người và khu vực dịch vụ khoảng 2,5 triệu người.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, cần tập trung đào tạo nhân lực đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực của vùng là: Công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí (đóng và sửa chữa tàu thuyền, chế tạo và sửa chữa ôtô, máy động lực, máy nông nghiệp …), chế tạo và lắp ráp thiết bị điện - điện tử, công nghiệp công nghệ cao (sản xuất phần mềm, thiết bị tin học, vật liệu mới, vật liệu cao cấp …); công nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu; dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là dịch vụ gắn với phát triển du lịch và các dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ công nghệ, pháp lý, môi trường, viễn thông, phát triển thị trường bất động sản …
d) Vùng Tây Nguyên
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng là khoảng 3,2 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 9,0%/năm, đạt khoảng 1,3 triệu người (tăng 900 nghìn người so với năm 2010) và chiếm khoảng 41,0% tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 khoảng 580 nghìn người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 340 nghìn người và khu vực dịch vụ khoảng 390 nghìn người.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 3,6 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 5,5%/năm, đạt khoảng 1,8 triệu người (tăng 400 nghìn người so với năm 2015) và chiếm khoảng 50,0% tổng nhân lực làm việc trong nền kinh tế. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2020 khoảng 780 ngàn, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 520 nghìn người và khu vực dịch vụ khoảng 452 nghìn người.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, tập trung đào tạo đủ nhân lực cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn của vùng là: Thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản …; nhân lực kỹ thuật cho phát triển các ngành trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều …. Phát triển đào tạo nhân lực tại chỗ cho các ngành dịch vụ: Tài chính ngân hàng, tín dụng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
đ) Vùng Đông Nam Bộ
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng là khoảng 9 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 8,0%/năm, đạt khoảng 6,8 triệu người (tăng hơn 2 triệu người so với năm 2010) và chiếm khoảng 76,0% tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 khoảng 500 nghìn người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 3,2 triệu người và khu vực dịch vụ khoảng 3,1 triệu người.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng khoảng 10,6 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 7,0%/năm, đạt khoảng 9,8 triệu người (tăng 3 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 92,0% tổng nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2020 khoảng 1 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 4,5 triệu người và khu vực dịch vụ khoảng 4,3 triệu người.
- Giai đoạn 2011 - 2020, tập trung đào tạo đủ nhân lực có chất lượng cho các ngành có hàm lượng chất xám cao, các ngành có giá trị gia tăng cao như ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin - viễn thông, hóa dầu, kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí chế tạo, nhóm ngành thiết kế, các dịch vụ du lịch chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao …
e) Vùng đồng bằng sông Cửu Long
- Đến năm 2015, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế của vùng là khoảng 11 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 13,0%/năm, đạt khoảng 4 triệu người (tăng 2 triệu người so với năm 2010) và chiếm khoảng 36,0% tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2015 khoảng 1 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 1 triệu người và khu vực dịch vụ khoảng 2 triệu người.
- Đến năm 2020, tổng số nhân lực làm việc trong nền kinh tế cùa vùng khoảng 12 triệu người; tốc độ tăng nhân lực qua đào tạo bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 9,0%/năm, đạt khoảng 6,5 triệu người (tăng 2,5 triệu người so với năm 2015) và chiếm khoảng 51,0% tổng nhân lực làm việc trong nền kinh tế vùng. Tổng số nhân lực qua đào tạo khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2020 khoảng 2,5 triệu người, khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 2 triệu người và khu vực dịch vụ khoảng 2 triệu người.
- Trong giai đoạn 2011 - 2020, tập trung đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến nông lâm, thủy hải sản xuất khẩu; chế biến rau quả, chế biến thịt, cơ khí phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí sửa chữa, điện, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, dược phẩm, công nghiệp dệt may, da giày …
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển nhân lực đối với phát triển bền vững đất nước
- Làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực, biến thách thức về nhân lực (số lượng đông, tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp…) thành lợi thế (chủ yếu qua đào tạo), là nhiệm vụ của toàn xã hội, mang tính xã hội (của các cấp lãnh đạo, của nhà trường, của doanh nghiệp và của gia đình cũng như bản thân mỗi người lao động). Đây chính là thể hiện quan điểm phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội vì con người và do con người, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần giúp cho mọi người hiểu rõ về các chính sách phát triển nhân lực: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo …; vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nhân lực để sử dụng với chất lượng ngày càng cao.
2. Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực
- Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực.
- Hình thành một cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn cả nước. Đảm bảo cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội.
- Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nhân lực.
- Đổi mới các chính sách, cơ chế, công cụ để phát triển nhân lực, trong đó, bao gồm các nội dung về môi trường làm việc, cơ chế thị trường chung, về chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh sống, định cư …; đồng thời, đặc biệt chú ý các chính sách đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao, nhân tài.
3. Đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế
a) Đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo và dạy nghề từ Trung ương đến địa phương
- Tổ chức hợp lý hệ thống cấp bậc đào tạo.
- Thực hiện phân cấp quản lý đào tạo giữa Bộ, ngành và địa phương.
- Quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và mạng lưới các trường cao đẳng, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề.
+ Đối với mạng lưới trường đại học và cao đẳng, việc phát triển dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Bộ, ngành và ở mỗi vùng; phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế; ưu tiên đầu tư thành lập trường đại học, cao đẳng trên địa bàn miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Khuyến khích thành lập các trường đại học, cao đẳng tư thục tại các địa bàn có điều kiện, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, các vùng và cả nước. Dự kiến, quy mô đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng năm 2020 khoảng 3,4 - 3,9 triệu sinh viên. Tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 350 - 400 sinh viên. Mạng lưới trường đại học và cao đẳng vào năm 2020 sẽ có tổng cộng 573 trường, trong đó 259 trường đại học và 314 trường cao đẳng. Trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ thành lập thêm 158 trường (70 trường đại học và 88 trường cao đẳng).
+ Đối với mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề (sau đây gọi chung là cơ sở dạy nghề) giai đoạn 2011 - 2020, cần phát triển rộng khắp cả nước, đáp ứng nhu cầu của xã hội về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu học nghề, nhất là nhân lực nông thôn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Đồng thời, hình thành các trường, nghề chất lượng cao đạt đẳng cấp quốc tế, khu vực và các trường đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; đầu tư cho các trường ở các tỉnh khó khăn và các trung tâm dạy nghề kiểu mẫu. Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề theo hướng xã hội hóa; khuyến khích mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho dạy nghề, phát triển các cơ sở dạy nghề tư thục và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài; mở rộng hợp tác quốc tế về dạy nghề.
Đến năm 2015: Có 190 trường cao đẳng nghề (60 trường ngoài công lập), 300 trường trung cấp nghề (100 trường ngoài công lập) và 920 trung tâm dạy nghề (320 trung tâm ngoài công lập). Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trường cao đẳng nghề và có ít nhất 1 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu; mỗi quận/huyện/thị xã có 1 trung tâm dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề.
Đến năm 2020: Có 230 trường cao đẳng nghề (80 trường ngoài công lập), 310 trường trung cấp nghề (120 trường ngoài công lập) và 1.050 trung tâm dạy nghề (350 trung tâm ngoài công lập), mỗi tỉnh có ít nhất 02 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.
b) Đổi mới tiếp cận xây dựng nền giáo dục, đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội
- Thực hiện đúng yêu cầu học để làm việc, chứ không phải chỉ để biết.
- Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu xã hội cấp quốc gia, tại mỗi địa phương và mỗi cơ sở đào tạo.
- Xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với việc đào tạo nhân lực để sử dụng.
- Đổi mới nội dung và phương hướng giáo dục theo hướng hiện đại và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
c) Cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và ưu đãi cho người học.
d) Xây dựng hệ thống quốc gia để đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo
Thành lập cơ quan chuyên môn ở cấp quốc gia làm nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá, xử lý việc thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực trên phạm vi cả nước nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối, hài hòa về số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong từng thời kỳ nhất định phù hợp với những định hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
4. Đảm bảo vốn cho phát triển nhân lực
a) Dự báo nhu cầu vốn
Căn cứ vào nhu cầu phát triển nhân lực nói chung, quy mô đào tạo và dạy nghề nói riêng, sơ bộ dự báo nhu cầu vốn cho phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 như sau:
- Tổng vốn đầu tư cho phát triển nhân lực (bao gồm cả giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế - chăm sóc sức khỏe và các chi phí khác dành cho phát triển nhân lực) cả giai đoạn 2011 - 2020 ước tính khoảng 2.135 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,0% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, thời kỳ 2011 - 2015 là 800 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 13,0% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thời kỳ 2016 - 2020 là 1.335 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12,0% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
- Tổng vốn đầu tư trực tiếp cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020 dự kiến khoảng 1.225 - 1.300 nghìn tỷ đồng; trong đó, thời kỳ 2011 - 2015 là 475 - 500 nghìn tỷ đồng và thời kỳ 2016 - 2020 là 750 - 800 nghìn tỷ đồng.
b) Huy động các nguồn vốn đảm bảo cho yêu cầu phát triển nhân lực
- Tăng ngân sách nhà nước cho phát triển nhân lực
Về cơ bản, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chủ yếu đóng góp vào công cuộc phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2020 bên cạnh một số nguồn lực khác.
+ Tăng đầu tư phát triển cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để hiện đại hóa có trọng tâm, trọng điểm hệ thống đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
+ Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án đào tạo nhân lực theo mục tiêu ưu tiên và thực hiện bình đẳng xã hội (hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
- Đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực.
+ Đối với việc huy động vốn từ người dân: Nhà nước có cơ chế, chính sách mạnh để tăng cường huy động các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực bằng các hình thức: Trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật phát triển đào tạo nhân lực, cơ sở khám chữa bệnh …, góp vốn, mua công trái, hình thành các loại quỹ khuyến học của cộng đồng.
+ Đối với việc huy động vốn từ các doanh nghiệp và tổ chức: Pháp lý hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển của nhân lực Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế tăng đầu tư kinh phí để xây dựng, phát triển hệ thống đào tạo trong doanh nghiệp nhằm trực tiếp đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp hoặc tăng nguồn kinh phí của doanh nghiệp cho đào tạo nhân lực. Mở rộng hình thức đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
+ Đối với việc huy động các nguồn vốn nước ngoài: Tăng cường thu hút các nguồn vốn nước ngoài và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, FDI, viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để phát triển nhân lực. Tập trung các nguồn vốn ODA, FDI để xây dựng các cơ sở đào tạo (trường đại học, trường dạy nghề) đạt trình độ quốc tế.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng một số trường đạt chuẩn quốc tế. Dự kiến đến năm 2020, nước ta cần phải triển khai xây dựng 04 trường đại học xuất sắc trình độ quốc tế, 14 trường đại học trọng điểm, 32 trường cao đẳng nghề có chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước tiên tiến và phát triển trong khu vực; 140 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề có năng lực đào tạo nghề đạt chuẩn quốc gia.
- Xúc tiến, thu hút một số trường đại học, dạy nghề có đẳng cấp quốc tế vào Việt Nam hoạt động.
- Hợp tác quốc tế đào tạo giảng viên (bao gồm cả đào tạo mới và đào tạo bồi dưỡng, đào tạo ở trong nước và nước ngoài) ở các bậc học từ trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học, giảng viên dạy nghề các cấp.
- Đẩy mạnh hợp tác với các nước có trình độ đào tạo hiện đại, tiên tiến để từng bước tiếp thu, chuyển giao công nghệ đào tạo đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
Để việc thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực một cách có hiệu quả, cần rà soát lại các văn bản pháp luật đã ban hành để chỉnh sửa nếu thấy cần thiết để đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ trong việc thực thi. Các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tốt những công việc sau đây.
1. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện Quy hoạch này; chủ trì hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia và đưa vào kế hoạch 5 năm, hàng năm của mình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia và xây dựng Hệ thống tiêu chí đánh giá phát triển nhân lực để giám sát việc thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
2. Các Bộ, ngành tổ chức triển khai xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của mình phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia và yêu cầu phát triển của ngành.
3. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát Quy hoạch tổng thể các tỉnh, thành phố, lồng ghép các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển của Quy hoạch này vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương và đưa vào các kế hoạch 5 năm, hàng năm của địa phương. Tổ chức tốt hệ thống thông tin nhu cầu nhân lực trên địa bàn, phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu, huy động nguồn lực và đào tạo nhân lực. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích việc thành lập các công ty cung ứng và cung cấp thông tin nhân lực theo đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nhân lực.
4. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, cần công khai Quy hoạch trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, để nhân dân biết, kiểm tra, giám sát và theo dõi trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
5. Các Bộ, ngành, địa phương định kỳ đánh giá và tổng kết hàng năm tình hình thực hiện Quy hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, các Bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên tiến hành xem xét, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |