Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 29/06/2011 Về Quy định Cơ chế đầu tư và Mô hình quản lý công trình nước sạch nông thôn tỉnh Hưng Yên do Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hưng Yên
- Ngày ban hành: 29-06-2011
- Ngày có hiệu lực: 09-07-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-10-2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1938 ngày (5 năm 3 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-10-2016
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2011/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 29 tháng 6 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CƠ CHẾ ĐẦU TƯ VÀ MÔ HÌNH QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TỈNH HƯNG YÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;
Căn cứ Thông báo số 967-TB/TU ngày 13/8/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ chế đầu tư và mô hình quản lý công trình cấp nước sạch tập trung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
Xét đề nghị của liên ngành: Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Kế hoạch và đầu tư - Tài chính tại Tờ trình số 69/TTr-LN ngày 09/6/2011 về việc đề nghị phê duyệt quy định cơ chế đầu tư và mô hình quản lý công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Cơ chế đầu tư và Mô hình quản lý công trình nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Cục Thuế tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn; các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
CƠ CHẾ ĐẦU TƯ VÀ MÔ HÌNH QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH TẬP TRUNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 29/6/2011 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này áp dụng cho việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, nối mạng mở rộng từ công trình cấp nước sạch tập trung và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và các mục đích khác của cộng đồng dân cư nông thôn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Điều kiện thực hiện
Các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải có phương án tổ chức kinh doanh, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, có năng lực quản lý, khai thác và cam kết cung cấp dịch vụ nước sạch phục vụ cho cộng đồng dân cư nông thôn theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 4. Quy mô và loại công trình
- Quy mô: Xã và liên xã;
- Loại Công trình: Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và nối mạng cấp nước của các xã, thị trấn, thị tứ và điểm dân cư nông thôn.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Tiêu chí lựa chọn đầu tư
Các xã hoặc liên xã đáp ứng các tiêu chí sau:
- Có từ 60% hộ gia đình trở lên có nhu cầu đấu nối và sử dụng nước sạch;
- Số hộ sử dụng nước đóng góp 10% tổng kinh phí đầu tư, trả tiền mua nước đầy đủ;
- Có nguồn nước thô đảm bảo chất lượng, trữ lượng.
Điều 6. Đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được cấp có thẩm quyền phê duyệt
1. Nhà nước hỗ trợ 60% tổng dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khu vực thị trấn, thị tứ nhà nước hỗ trợ 45 %); đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư 40% tổng dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khu vực thị trấn, thị tứ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư 55 %).
2. Lựa chọn đơn vị đầu tư: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ quy định hiện hành của nhà nước và quy định tại Quyết định này, trình UBND tỉnh quyết định lựa chọn và hỗ trợ kinh phí cho đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đủ năng lực về vốn và trình độ quản lý, vận hành và khai thác công trình có hiệu quả.
3. Về quản lý đầu tư và vận hành công trình
Giao Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hưng Yên: tổ chức giám sát, nghiệm thu toàn bộ công trình; thanh toán phần vốn nhà nước hỗ trợ theo dự án được duyệt cho đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được nhà nước cho phép đầu tư, khai thác, vận hành quản lý công trình theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 7. Đối với dự án nhà nước đầu tư: Chỉ áp dụng cho các xã, liên xã không có đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chấp nhận đầu tư, môi trường bị ô nhiễm có nhu cầu cấp thiết sử dụng nước sạch.
1. Về cơ cấu vốn
- Vốn nhà nước đầu tư (khoảng 90% tổng dự toán của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt): Khu đầu mối, hệ thống đường ống cấp nước chính và đường ống nhánh, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác;
- Vốn nhân dân góp (khoảng 10% tổng dự toán của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt): Đồng hồ đo nước và tuyến ống đấu nối từ ống nhánh đến đồng hồ của hộ dùng nước.
2. Về quản lý đầu tư và vận hành công trình: Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư thực hiện dự án và vận hành quản lý công trình.
Điều 8. Về quản lý vận hành công trình đã đầu tư hiện đang hoạt động
1. Các công trình đang hoạt động ổn định, có hiệu quả: giữ nguyên đơn vị đang quản lý vận hành và khai thác công trình, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn có trách nhiệm tư vấn, giám sát hoạt động, hỗ trợ kỹ thuật cho các trạm cấp nước này.
2. Các công trình đã bàn giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý, vận hành và khai thác công trình nhưng hoạt động không hiệu quả, nếu không chọn được đơn vị đầu tư và quản lý vận hành công trình thì giao Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn sửa chữa và vận hành quản lý công trình (Dự án sửa chữa công trình phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
Điều 9. Cơ chế tài chính, giá nước và thời gian quản lý khai thác công trình
1. Phần vốn nhà nước các công trình phải trích và nộp khấu hao theo quy định. Các ưu đãi về thuế, đất đai và các ưu đãi khác áp dụng theo Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Giá bán nước cần tính đúng, tính đủ, đảm bảo lấy thu bù chi và không vượt quá giá bán nước sạch được UBND tỉnh quy định.
3. Thời gian khai thác sử dụng công trình tối thiểu 30 năm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm thi hành.
1. Sở Tài chính căn cứ quy định hiện hành của nhà nước trình UBND tỉnh mức trích khấu hao tài sản cố định thuộc phần vốn nhà nước đã đầu tư của từng dự án; đôn đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn thu của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nộp đúng thời gian quy định, đủ số tiền khấu hao phải nộp vào ngân sách tỉnh; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định sử dụng nguồn thu này.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện đúng quy định hiện hành của nhà nước, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh vào tháng 10 hàng năm.
3. Các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Xây dựng; Tài nguyên và môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội; Cục Thuế tỉnh và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao phối hợp triển khai thực hiện quyết định này.
4. UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, thị trấn có công trình có trách nhiệm phối hợp thực hiện, bảo vệ công trình; thực hiện quy trình tham gia ý kiến và giám sát của cộng đồng dân cư trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện dịch vụ cấp nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật; vận động tuyên truyền nhân dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn sử dụng nước sạch, phát huy hiệu quả đầu tư công trình.