cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 2086/QĐ-UBND ngày 28/06/2011 Về chương trình hành động của về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 và giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Quảng Nam ban hành

  • Số hiệu văn bản: 2086/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Ngày ban hành: 28-06-2011
  • Ngày có hiệu lực: 28-06-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4898 ngày (13 năm 5 tháng 3 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2086/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 28 tháng 6 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH QUẢNG NAM VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2011 VÀ GIAI ĐOẠN 2011-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngày 16/11/2005;

Căn cứ Quyết định số 25/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hành tiết kiệm chống lãng phí;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 323/TTr-STC ngày 08/6/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình hành động của tỉnh Quảng Nam về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 và giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, ngành thuộc UBND tỉnh, thủ trưởng các Hội, Đoàn thể được giao dự toán ngân sách nhà nước, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Phước Thanh

 

QUY ĐỊNH

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH QUẢNG NAM VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2011 VÀ GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2086/QĐ-UBND ngày 28/6/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 16/11/2005, Nghị định số 68/2006/NĐ–CP ngày 18/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Quyết định số: 25/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hành tiết kiệm chống lãng phí; nay UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh trong năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và công dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, của mỗi người dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.

- Tiếp tục ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay; huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam.

2. Yêu cầu

- Thực hiện nghiêm các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Xây dựng các biện pháp cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; tiền và tài sản Nhà nước; sử dụng lao động, thời gian lao động trong từng cấp, từng đơn vị. Đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp phục vụ tốt cho sản xuất, kinh doanh nhằm hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh. Chăm lo đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu cơ bản và nhiệm vụ trong giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.

- Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, ngành, Hội, Đoàn thể (được giao dự toán ngân sách nhà nước), Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm thường xuyên triển khai học tập, quán triệt và tuyên truyền đối với cấp dưới, các đơn vị trực thuộc và đến từng cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thuộc phạm vi quản lý về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

- Cần tăng cường đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức thích hợp và có hiệu quả cao nhất.

2. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ để làm căn cứ tổ chức thực hiện việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Các Sở, Ban, ngành, Hội, Đoàn thể của tỉnh tổ chức tiến hành rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn của tỉnh, đặc biệt cần tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản của Nhà nước; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng; khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; thời gian lao động... không còn phù hợp để đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới định mức, tiêu chuẩn, chế độ thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh hoặc kiến nghị cấp trên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

- Việc sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, đúng thẩm quyền, phù hợp với yêu cầu thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh; đồng thời, thực hiện công khai đến cơ quan, tổ chức, đối tượng thực hiện.

3. Thực hiện công khai tạo điều kiện kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện việc công khai theo quy định, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ công chức biết để thực hiện và kiểm tra giám sát, cụ thể:

+ Công khai sử dụng nguồn kinh phí NSNN, kể cả các nguồn hỗ trợ, tài trợ, nguồn ODA, nguồn khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

+ Việc sử dụng các nguồn Quỹ của cơ quan.

+ Việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại.

+ Việc quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ...

- Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định của pháp luật về công khai, đưa công tác công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nề nếp.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Các Sở, ban, ngành, Hội, Đoàn thể (được giao dự toán ngân sách nhà nước) thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng quản lý của mình hằng năm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Qua công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phải có kết luận cụ thể; những trường hợp vi phạm, phải có kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG CÁC LĨNH VỰC

1. Trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước

- Thực hiện nghiêm các quy định của Luật NSNN trong tất cả các khâu: Lập, thẩm định, phê duyệt phân bổ dự toán, quản lý, sử dung, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí NSNN.

Trong năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015 phân bổ dự toán chi ngân sách cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thuộc tỉnh, dự toán chi ngân sách huyện, thành phố (bao gồm cả ngân sách xã, phường, thị trấn) theo Quyết định số 32/2010/QĐ-UBND ngày 10/12/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật NSNN.

- Đẩy mạnh công tác thu, kịp thời quản lý, huy động các nguồn thu phát sinh và nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước. Hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng để chiếm dụng, nợ đọng thuế. Nghiêm cấm các đơn vị, các cấp chính quyền địa phương chiếm dụng, phân chia nguồn thu không đúng tỷ lệ quy định tại quyết định phân chia tỷ lệ nguồn thu giữa các cấp ngân sách. Có biện pháp tăng cường công tác quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, không để thất thoát vốn nhà nước.

- Đối với nhiệm vụ chi, căn cứ vào định hướng phát triển và chế độ, tiêu chuẩn, định mức, các cấp ngân sách tiến hành phân bổ và giao dự toán ngân sách kịp thời cho các đơn vị sử dụng ngân sách và các địa phương. Trong giao dự toán ngân sách hằng năm, các đơn vị giao tiết kiệm 10% chi thường xuyên để bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương mới theo quy định. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát chi ngân sách qua Kho bạc nhà nước, thu hồi nộp NSNN kinh phí sử dụng không đúng mục đích, sai chế độ quy định.

Trong năm 2011 tiến hành rà soát, sắp xếp nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng cuối năm 2011 nhằm thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ.

- Trong điều hành ngân sách, phải căn cứ vào kết quả thu, sắp xếp các khoản chi theo dự toán, chưa bố trí chi khi nguồn thu không khả thi, không chi ngoài dự toán gây mất cân đối ngân sách. Đối với các nhu cầu chi phát sinh, các ngành, các địa phương phải chủ động sắp xếp từ nguồn tăng thu, bố trí lại chi tiêu và dự phòng của từng cấp ngân sách. Việc bổ sung ngân sách ngoài dự toán được giao phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Việc trang bị ôtô, mua sắm trang thiết bị đắt tiền phải được quản lý chặt chẽ theo tiêu chuẩn, định mức.

Trong năm 2011 tạm dừng trang bị mới xe ô tô, mua sắm tài sản có giá trị lớn, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng có giả trị lớn nhằm thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ.

- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với tất cả cơ quan nhà nước (kể cả xã, phường, thị trấn) theo quy định tại Nghị định số: 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

*Một số nội dung chi ngân sách tập trung thực hành tiết kiệm:

a) Về tiết kiệm nhiên liệu

- Việc sử dụng xe công để đưa đón cán bộ, công chức phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định của Thủ tướng Chính phủ; không được sử dụng xe công vào mục đích cá nhân. Đi công tác cơ sở cần phải phân công công việc cụ thể và bố trí phương tiện hợp lý. Tổ chức kiểm tra, xác định lại định mức tiêu hao nhiên liệu của các loại phương tiện để áp dụng cho phù hợp.

b) Trong tổ chức lễ hội, hội nghị, tiếp khách

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể trong tổ chức lễ hội, hội nghị. Khi tổ chức phải có nội dung thiết thực, thời gian hợp lý, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm; tránh phô trương, hình thức.

- Các đơn vị cần xây dựng Quy chế trong chi tiếp khách, nhằm đảm bảo tiết kiệm; không được sử dụng ngân sách nhà nước để chi tiếp khách, quà biếu, quà tặng không đúng chế độ quy định.

c) Về cước phí điện thoại, điện thắp sáng

Các đơn vị cần xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng điện thoại, điện thắp sáng tại nơi làm việc.

Đối với việc trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động, thanh toán cước phí điện thoại phải đảm bảo đúng đối tượng và mức quy định.

d) Về chi phí đi công tác ở nước ngoài

- Việc sử dụng ngân sách chi cho các đoàn cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý; xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại...phải đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.

2. Trong quản lý đầu tư xây dựng

- Các cơ quan, đơn vị quản lý, phê duyệt, triển khai dự án đầu tư phải thực hiện đúng quy trình, quy chế quản lý đầu tư hiện hành của Nhà nước, thực hiện đầu tư có tập trung, không dàn trải; tăng cường công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành.

- Thực hiện rà soát toàn bộ các dự án đầu tư trong kế hoạch, ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ dự án đầu tư không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa xác định được nguồn vốn hoặc hiệu quả đầu tư thấp.

Trong năm 2011, cơ chế đầu tư thực hiện theo Quyết định số 4142/QĐ-UBND ngày 10/12/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam về một số chủ trương, biện pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2011; Quyết định số 921/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/12/2011 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

3. Trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, trụ sở làm việc

- Đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và đảm bảo thực hành tiết kiệm.

- Quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch phát triển khoáng sản chung của cả nước và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khoáng sản phải được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự xã hội và môi trường sinh thái.

- Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước thực hiện theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 và Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát tình hình sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp và tổ chức bán đấu giá hoặc thanh lý tạo vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương.

4. Trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp

- Kiểm soát chặt chẽ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ngăn chặn kịp thời tiêu cực, sai trái trong việc định giá, đấu giá tài sản của doanh nghiệp; mua bán cổ phần của doanh nghiệp được chuyển đổi phải được công khai hóa.

- Thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc và công khai tài chính trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước; phát hiện kịp thời, xử lý các hành vi gây lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác quản lý về vốn và chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người lao động và bảo đảm phát triển vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước, tránh lãng phí, thất thoát.

5. Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động

- Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, tài chính theo Nghị định số: 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ và biên chế để bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu công việc, năng cao hiệu quả công tác.

- Các cơ quan, tổ chức phải xây dựng quy chế, kỷ luật lao động nội bộ để quản lý, sử dụng thời gian lao động; thực hiện “08 giờ làm việc có chất lượng và hiệu quả” trong cán bộ, công chức, viên chức.

6. Tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng.

- Ngành văn hóa, khối mặt trận, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng (Báo, Đài Phát Thanh-Truyền hình) tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, thể hiện trong tổ chức các hoạt động lễ hội, tổ chức đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hóa khác, đảm bảo tiết kiệm, lành mạnh, văn minh và giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, gây lãng phí.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện chế độ báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gửi về Sở Tài chính hằng quý, năm theo nội dung và biểu mẫu quy định, thời gian như sau:

- Báo cáo quý: Trước ngày 30 của tháng cuối quý.

- Báo cáo năm: Trước ngày 05/9 hằng năm (tổng hợp số liệu từ tháng 9 đến tháng 12 năm trước và số liệu 8 tháng của năm báo cáo).

Giao Sở Tài chính tổng hợp công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Chương trình hành động của UBND tỉnh và chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, ngành, Hội, Đoàn thể (được giao dự toán ngân sách nhà nước), Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 và giai đoạn 2011-2015 để tổ chức thực hiện.

Các Sở, Ban, ngành, Hội, Đoàn thể (được giao dự toán ngân sách nhà nước), UBND các huyện, thành phố gửi báo cáo Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 và giai đoạn 2011-2015 về UBND tỉnh và Sở Tài chính để tổng hợp và báo cáo cấp trên theo quy định, thời gian trước ngày 15/7/2011.

2. Hằng năm tổ chức cuộc họp tổng kết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị, địa phương mình, để đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế; rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian đến.

Thực hiện biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Các cơ quan thanh tra nhà nước có trách nhiệm thanh tra, phát hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, ngành, Hội, Đoàn thể (được giao dự toán ngân sách nhà nước), Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình hành động này./.