cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 20/05/2011 Về Quy định quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại bằng nguồn vốn Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 15/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Ngày ban hành: 20-05-2011
  • Ngày có hiệu lực: 30-05-2011
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-12-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1666 ngày (4 năm 6 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-12-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-12-2015, Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 20/05/2011 Về Quy định quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại bằng nguồn vốn Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND ngày 11/12/2015 Về Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Lai Châu”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/2011/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 20 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI BẰNG NGUỒN VỐN NGHỊ QUYẾT 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27/12/2008 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại tờ trình số 232/TTr-SCT ngày 16 tháng 5 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại bằng nguồn vốn Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động TBXH; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI BẰNG NGUỒN VỐN NGHỊ QUYẾT 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27/12/2008 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Kèm theo Quyết định số: 15/2011/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh Lai Châu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, thông tin thị trường cho nông dân theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ tại các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu (Sau đây gọi tắt là chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a). Nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thế mạnh của các huyện nghèo, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và năng lực, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện nghèo hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với: Đơn vị chủ trì thực hiện các đề án của chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, cơ quan quản lý và các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đơn vị chủ trì thực hiện chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ

Phòng Công Thương là cơ quan tham mưu cho UBND huyện quản lý và chủ trì thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Chủ trì phối hợp với các phòng, ban liên quan tổng hợp các đề án, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện để xây dựng chương trình xúc tiến thương mại hàng năm trình UBND huyện phê duyệt.

2. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng và thực hiện các đề án xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

3. Tổ chức triển khai, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

4. Quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

5. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình với UBND huyện và các Sở, Ban ngành liên quan.

Điều 4. Đơn vị tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ

Đơn vị tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo.

Điều 5. Nội dung hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ

1. Hỗ trợ hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương:

a. Khảo sát xây dựng thông tin dữ liệu về các sản phẩm truyền thống của địa phương để quảng cáo, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài Trung ương và địa phương; trên mạng internet thông qua các trang thông tin điện tử của Trung ương và địa phương, các website thương mại điện tử.

b. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu các mặt hàng truyền thống của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

c. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người sản xuất của địa phương quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua các hoạt động như: Tham gia hội chợ triển lãm trong nước, quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Hỗ trợ thông tin thị trường

a. Tổ chức các chương trình khảo sát cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tham quan học tập kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường trong tỉnh và các tỉnh thành trong nước.

b. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, các hoạt động tư vấn giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, thâm nhập và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cho thương nhân tham gia các hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

3. Các hoạt động xúc tiến thương mại khác do UBND tỉnh quyết định.

4. Không hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đang được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí xúc tiến thương mại khác.

Điều 6. Mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ 100% kinh phí cho các hoạt động tại các điểm a, điểm b khoản 1 của điều 5; điểm b, khoản 2 của điều 5.

2. Hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng, chi phí vận chuyển hàng hóa khi tham gia hội chợ quy định tại điểm c, khoản 1 của điều 5.

3. Hỗ trợ 70% kinh phí hoạt động quy định tại điểm a, khoản 2, điều 5.

4. Các mức hỗ trợ trên không được vượt tổng kinh phí chi của chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của huyện quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a

Hàng năm căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, đề xuất của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Phòng Công Thương chủ trì phối hợp với Phòng Kế hoạch - Tài chính và các phòng, ban liên quan tổng hợp thành chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ gửi Sở Công thương xin ý kiến tham gia trước khi trình UBND huyện phê duyệt.

Điều 8. Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ

Căn cứ vào chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã được UBND huyện phê duyệt, Phòng Công thương chủ trì tổ chức thực hiện hoặc lựa chọn đơn vị có đủ năng lực và điều kiện theo quy định thực hiện các đề án, chương trình đã được UBND huyện phê duyệt.

Điều 9. Thanh quyết toán

Hàng năm sau khi kết thúc năm ngân sách, Phòng Công thương và các đơn vị được giao chủ trì thực hiện chương trình xúc tiến thương mại có trách nhiệm thanh, quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chương trình xúc tiến thương mại theo đúng quy định hiện hành.

Điều 10. Trách nhiệm hướng dẫn thực hiện và chế độ báo cáo

1. Sở Công thương có trách nhiệm:

- Tổng hợp các kiến nghị đề xuất của UBND các huyện để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, điều chỉnh quy định này cho phù hợp.

- Hướng dẫn và hỗ trợ UBND các huyện về chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại quy định này.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại từ nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ được giao hàng năm.

- Hướng dẫn các huyện trong công tác thanh, quyết toán kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đúng quy định của pháp luật.

3. Các Sở, ban ngành khác có liên quan, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công thương hướng dẫn, hỗ trợ các huyện thực hiện tốt quy định này.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện:

- Hàng năm xây dựng chương trình xúc tiến thương mại theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo đúng quy định này và các văn bản khác có liên quan.

- Kịp thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai về Sở Công thương, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Hàng quý, năm báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện về Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.