Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 22/04/2011 Về quy chế quản lý, vận hành và cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tửban hành bởi tỉnh Thái Bình (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Ngày ban hành: 22-04-2011
- Ngày có hiệu lực: 02-05-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-07-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1161 ngày (3 năm 2 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 06-07-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2011/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 22 tháng 4 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH THÁI BÌNH.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 41/TTr-STTTT ngày 13/4/2011
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý, vận hành và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 của UBND tỉnh).
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về quản lý, vận hành và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình (sau đây gọi tắt là Cổng TTĐT).
2. Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức khác trong tỉnh tự nguyện tham gia vận hành và cung cấp thông tin trên Cổng TTĐT.
Điều 2. Vị trí, chức năng của Cổng TTĐT
1. Vị trí của Cổng TTĐT: Là kênh thông tin chính thức trên mạng Internet phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quảng bá thông tin của chính quyền các cấp và các cơ quan của tỉnh Thái Bình. Cổng TTĐT bao gồm Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh (sau đây gọi tắt là Cổng chính) và Cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan khác (sau đây gọi tắt là các Cổng thành phần).
2. Chức năng của Cổng TTĐT: Là công cụ giao tiếp điện tử hai chiều giữa các cơ quan của tỉnh với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, từng bước hình thành “Chính quyền điện tử” ở tỉnh.
3. Nhiệm vụ của Cổng TTĐT
a) Tuyên truyền các chủ trương, chính sách nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
b) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin mọi mặt hoạt động của các cấp chính quyền và các cơ quan trong tỉnh.
c) Cung cấp, hướng dẫn các thủ tục hành chính công, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
đ) Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, các dịch vụ thông tin điện tử khác trên mạng Internet quy định của pháp luật.
Điều 3. Các cơ quan, đơn vị tham gia Cổng TTĐT
1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin trên Cổng TTĐT là các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố.
2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có nhu cầu xây dựng Cổng thành phần hoặc tích hợp, cung cấp thông tin lên Cổng TTĐT thì có văn bản trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 4. Các thành phần của Cổng TTĐT
1. Hệ thống trang thiết bị phần cứng: gồm các máy chủ, đường truyền dữ liệu, thiết bị mạng, thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, các thiết bị phụ trợ khác có liên quan được bố trí trong Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông.
2. Hệ thống phần mềm: gồm các phần mềm hệ thống, phần mềm nền, phần mềm cơ sở dữ liệu, phần mềm Cổng và các phần mềm khác cài đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu.
3. Địa chỉ trên mạng Internet:
- Địa chỉ Cổng chính: http://www.thaibinh.gov.vn;
- Địa chỉ các Cổng thành phần: được thiết lập trên cơ sở thống nhất giữa cơ quan sử dụng Cổng thành phần với Sở Thông tin và Truyền thông; địa chỉ các Cổng thành phần có cấu trúc: http://[tên đơn vị].thaibinh.gov.vn, trong đó [tên đơn vị] là từ viết tắt của tên cơ quan, đơn vị.
Điều 5. Thông tin cung cấp trên Cổng TTĐT
1. Thông tin chỉ đạo, điều hành và hoạt động của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
2. Các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
3. Các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành.
4. Các thủ tục hành chính công, các dịch vụ công trực tuyến.
5. Tập hợp các cơ sở dữ liệu cần quảng bá trên mạng Internet.
6. Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách, chiến lược, quy hoạch chuyên ngành.
7. Thông tin quảng bá và thông tin phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
8. Trên Cổng chính đăng tải thông tin về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh. Trên các Cổng thành phần đăng tải thông tin về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và của các đơn vị trực thuộc.
9. Các thông tin khác phù hợp với quy định của Luật Công nghệ thông tin.
Thông tin cung cấp trên Cổng TTĐT phải đảm bảo tuân thủ những quy định hiện hành của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Nguyên tắc thu thập, biên tập, xử lý và cập nhật thông tin trên Cổng TTĐT
1. Tổ chức biên tập thông tin
a) Đối với Cổng chính: Ban biên tập tổ chức thực hiện việc thu thập, xử lý, biên tập và cập nhật các thông tin.
b) Đối với các Cổng thành phần: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thu thập, biên tập, xử lý và cập nhật thông tin của đơn vị mình.
2. Nguyên tắc thu thập thông tin
a) Thông tin phải được cung cấp thường xuyên, đầy đủ trên các chuyên mục đã xây dựng;
b) Các thông tin quảng bá, giới thiệu phải được cập nhật vào chuyên mục phù hợp và bổ sung, sửa đổi kịp thời khi có sự thay đổi về nội dung đã cập nhật;
c) Các thông tin hoạt động phải được cập nhật đầy đủ, kịp thời ngay sau khi diễn ra các sự kiện cần quảng bá;
d) Các thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành cần phổ biến trên mạng Internet phải cập nhật đầy đủ, kịp thời theo đúng các quy định hiện hành;
đ) Các dịch vụ công trực tuyến phải cập nhật đầy đủ thông tin đảm bảo cho việc tác nghiệp, tổng hợp, tra cứu của các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp, công dân được nhanh chóng, thuận tiện;
e) Đối với thông tin thuộc chuyên mục hỏi đáp theo đúng thẩm quyền trả lời của cơ quan, đơn vị: khi nhận được câu hỏi phải xem xét và trả lời công khai trên Cổng TTĐT hoặc trả lời trực tiếp cho người hỏi. Thời gian trả lời không quá 5 ngày làm việc đối với câu hỏi đúng thẩm quyền; 10 ngày làm việc đối với câu hỏi cần có sự phối hợp của liên ngành; 15 ngày làm việc đối với các trường hợp đặc biệt khác. Thời gian lưu trữ câu hỏi và trả lời tối thiểu 30 ngày kể từ ngày trả lời;
g) Các cơ sở dữ liệu đặc thù cần quảng bá trên mạng Internet phải cập nhật đầy đủ kịp thời. UBND tỉnh xem xét, cho phép quảng bá những cơ sở dữ liệu này. Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin cho Ban biên tập Cổng chính;
h) Cung cấp kịp thời các thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công cho Ban biên tập cổng chính và cập nhật trên cổng thành phần của đơn vị;
i) Cung cấp các thông tin khác phù hợp quy định hiện hành.
Điều 7. Tổ chức vận hành và cung cấp thông tin trên Cổng TTĐT
1. Đối với Cổng chính
a) UBND tỉnh thành lập Ban Biên tập để tổ chức thực hiện việc vận hành và cung cấp các thông tin trên Cổng chính.
b) Ban biên tập gồm:
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn hóa xã hội làm Trưởng ban;
- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm Phó Trưởng Ban Thường trực;
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban;
- Giám đốc Sở Tài chính làm Ủy viên;
- Một (01) Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Ủy viên;
- Các Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm Ủy viên;
- Trưởng phòng Báo chí và Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông làm Ủy viên, Thư ký Ban Biên tập;
- Một số thành viên khác do Trưởng ban Biên tập quyết định.
c) Các thành viên Ban Biên tập làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng thù lao trách nhiệm theo quy định của UBND tỉnh.
d) Cơ quan thường trực của Ban Biên tập là Sở Thông tin và Truyền thông. Trưởng Ban Biên tập sử dụng con dấu của UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Biên tập sử dụng con dấu của Sở Thông tin và Truyền thông để giao dịch.
2. Đối với các cổng thành phần: Tùy theo tình hình cụ thể có thể thành lập Ban Biên tập hoặc giao cho cán bộ, đơn vị chuyên môn trong cơ quan thực hiện việc vận hành và cung cấp thông tin lên cổng thành phần.
Điều 8. Kinh phí duy trì hoạt động của Cổng TTĐT
1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tài chính xây dựng quy định chế độ nhuận bút và các chi phí duy trì thường xuyên hoạt động của Cổng chính trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Kinh phí duy trì hoạt động Cổng chính được bố trí trong dự toán kinh phí sự nghiệp hàng năm của Sở Thông tin và Truyền thông.
3. Kinh phí duy trì hoạt động các Cổng thành phần được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị.
4. Kinh phí duy trì hoạt động của Cổng TTĐT được sử dụng cho việc thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Chi trả nhuận bút, chi cho việc chuẩn hóa, biên tập, cập nhật thông tin, dữ liệu theo quy định của UBND tỉnh;
b) Chi phí vận hành thường xuyên, xây dựng mới, sửa chữa, bảo dưỡng và nâng cấp Cổng TTĐT;
c) Chi cho công tác quản lý Cổng TTĐT;
d) Các chi khác phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước.
5. Đối với nguồn kinh phí phục vụ việc nâng cấp, bảo dưỡng, sữa chữa các trang thiết bị phần cứng, phần mềm và các hoạt động khác của Cổng TTĐT, căn cứ vào yêu cầu thực tế hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch kinh phí để trình UBND tỉnh quyết định.
Điều 9. Chế độ tổng hợp, báo cáo
1. Định kỳ hàng tháng, quý, năm, cán bộ phụ trách Cổng thành phần của các đơn vị tổng hợp, báo cáo lãnh đạo đơn vị về tình hình hoạt động của Cổng thành phần của cơ quan mình;
2. Các cơ quan, tổ chức có Cổng thành phần định kỳ quý, sáu tháng, năm báo cáo tình hình hoạt động của các Cổng thành phần với UBND tỉnh và cơ quan thường trực là Sở Thông tin và Truyền thông;
3. Ban biên tập Cổng chính thực hiện chế độ tổng hợp, báo cáo định kỳ quý, sáu tháng, năm với UBND tỉnh về tình hình hoạt động của Cổng TTĐT.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 10. Công tác quản lý đối với Cổng TTĐT
1. UBND tỉnh thống nhất quản lý toàn diện Cổng TTĐT;
2. UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với Cổng TTĐT;
3. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố quản lý các thông tin trên Cổng thành phần của đơn vị mình.
Điều 11. Trách nhiệm của Ban Biên tập Cổng chính
1. Chịu trách nhiệm về toàn bộ các thông tin đăng tải trên Cổng chính trước UBND tỉnh;
2. Tổ chức việc thu thập, biên tập và cung cấp thông tin trên Cổng chính;
3. Nghiên cứu đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp nâng cao chất lượng cổng thông tin điện tử.
Điều 12. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh
1. Cung cấp thường xuyên, kịp thời cho Ban biên tập cổng chính các thông tin được đăng tải trên môi trường mạng theo quy định hiện hành của Nhà nước gồm:
a. Hoạt động chỉ đạo điều hành, chương trình công tác của lãnh đạo UBND tỉnh;
b. Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, trong địa chỉ nơi nhận của các văn bản này phải gửi cho Cổng TTĐT;
c. Các thủ tục hành chính theo lộ trình cải cách hành chính của Chính phủ;
d. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo quí, năm;
e. Các thông tin khác theo đề nghị của Ban Biên tập Cổng chính.
2.Trong địa chỉ nơi nhận của các văn bản QPPL của UBND tỉnh (Loại trừ văn bản được quy định bảo vệ bí mật nhà nước theo pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28/12/2000; Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước) phải gửi cho Cổng TTĐT.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
1. Đảm bảo các phương tiện, điều kiện kỹ thuật để vận hành an toàn và thông suốt Cổng TTĐT trong mọi thời gian, mọi tình huống (trừ trường hợp bất khả kháng);
2. Thường trực hỗ trợ, giúp đỡ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác quản trị Cổng thành phần;
3. Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm phục vụ công tác quản lý, duy trì hoạt động và nâng cấp Cổng TTĐT trình UBND tỉnh xem xét, quyết định;
4. Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với Cổng TTĐT.
Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Tham mưu giúp UBND tỉnh phân bổ nguồn ngân sách hàng năm, thẩm định, phê duyệt dự toán, duyệt quyết toán hàng năm cho hoạt động của Cổng chính và các Cổng thành phần từ nguồn vốn sự nghiệp CNTT.
2. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố lập dự toán chi tiết nguồn kinh phí phục vụ cho việc vận hành và cung cấp thông tin lên Cổng chính và các Cổng thành phần được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm theo quy định hiện hành.
Điều 15. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố
1. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về những thông tin, dữ liệu trên Cổng thành phần do đơn vị quản lý;
2. Ban hành các quy định và phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý, biên tập và cập nhật thông tin lên Cổng thành phần của đơn vị mình;
3. Cung cấp các thông tin theo yêu cầu của Ban Biên tập cổng chính;
4. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê tình hình hoạt động của Cổng thành phần với Ban Biên tập Cổng chính.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Tổ chức thực hiện
Trưởng Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Bình; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan báo chí của tỉnh; các doanh nghiệp và cá nhân tham gia cung cấp, trao đổi thông tin trên Cổng TTĐT có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo trình UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.