Chỉ thị số 16/2011/CT-UBND ngày 09/12/2011 Về công tác quốc phòng địa phương năm 2012 do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 16/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 09-12-2011
- Ngày có hiệu lực: 19-12-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 848 ngày (2 năm 3 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-04-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2011/CT-UBND | An Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2011 |
CHỈ THỊ
CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2012
Tình hình thế giới và khu vực trong năm 2011, đã có nhiều diễn biến phức tạp. Trong nước, các nhen nhóm phản động kết hợp với các phần tử bất mãn, thoái hóa biến chất được sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” thực hiện chống phá với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn; cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu mặc dù đã được khắc phục nhưng vẫn còn để lại nhiều hậu quả; tình hình lạm phát, giá cả tăng cao; thiên tai bão lụt, dịch bệnh vẫn liên tiếp xảy ra. Những vấn đề này đã gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng địa phương.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu tích cực, chủ động của cơ quan quân sự và ban, ngành, đoàn thể các cấp, sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của nhân dân đã góp phần đưa công tác quốc phòng địa phương năm 2011 tiếp tục chuyển biến tích cực: Giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới và nội địa; đặc biệt đã kịp thời huy động các lực lượng trong công tác cứu hộ, cứu nạn nên đã nhanh chóng ngăn chặn, khắc phục được hậu quả do thiên tai, dịch bệnh góp phần ổn định, an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Xuất phát từ tình hình trên, để đảm bảo thực hiện tốt công tác quốc phòng địa phương năm 2012, UBND tỉnh chỉ thị lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các Chị thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng địa phương:
Quán triệt, nắm vững các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới; những quan điểm, định hướng lớn về “quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN” theo tinh thần Nghị quyết được xác định trong Cương lĩnh tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI và các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ chính trị, Ban Bí thư Trung ương, của Tỉnh ủy; trên cơ sở đó, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch và nghiên cứu giải pháp triển khai thực hiện công tác quốc phòng địa phương năm 2012 ở từng cấp, từng ngành đạt hiệu quả thiết thực.
2. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới:
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12- CT/TW ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới, Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10/7/2007 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng - an ninh, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 20/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành TW có liên quan về công tác giáo dục quốc phòng - an ninh.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể đối với công tác Giáo dục quốc phòng - an ninh, đưa công tác công tác Giáo dục quốc phòng- an ninh thành một trong những nội dung thi đua hàng năm của các đơn vị, địa phương. Kịp thời củng cố, kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh các cấp; nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thành viên trong Hội đồng.
Thực hiện Thông tư số 176/2011/TT-BQP ngày 15/9/2011 của Bộ Quốc phòng về ban hành chương bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh kèm theo quy định cụ thể các đối tượng phải được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên sau đại hội Đảng và sau bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc trong các tôn giáo - dân tộc và các đối tượng khác theo đúng quy định của pháp luật, đặt biệt quan tâm đến đội ngũ công nhân, viên chức với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, truyền thống của quê hương và các quan điểm của Đảng về quốc phòng - an ninh.
Chỉ đạo các nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp tổ chức dạy học theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và thực hiện nghiêm chương trình môn học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện môn giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh, sinh viên trong hệ thống các nhà trường, đặt biệt là đối với trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh. Tổ chức cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng - an ninh ở các nhà trường tham gia thực hiện chương trình đào tạo theo Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 12/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề giai đoạn 2010-2016”.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng đề án trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh của tỉnh theo Quyết định số 638/QĐ-TTg ngày 20/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án thành lập trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh tại các nhà trường quân đội giai đoạn 2009-2015 và những năm tiếp theo” bảo đảm đúng quy trình, kịp thời, hiệu quả thiết thực.
3. Thường xuyên chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh:
Chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, lấy hiệu quả hoạt động, khả năng sẵn sàng chiến đấu để đánh giá chất lượng của công tác tổ chức xây dựng lực lượng, giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự cho bộ đội địa phương, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; xây dựng cơ quan quân sự địa phương các cấp vững mạnh toàn diện.
Thực hiện kết luận số 41-KL/TW ngày 31/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 01/10/2009 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) và lực lượng dự bị động viên (DBĐV) trong tình hình mới.
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Đề án: “Xây dựng lực lượng DQTV giai đoạn 2011-2015” có hiệu quả; rà soát, củng cố lực lượng dân quân tự vệ bảo đảm số lượng, có chất lượng cao; triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐND ngày 04/3/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII kỳ họp thứ 18, Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 03/6/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành một số chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh An Giang và Quyết định số 54/2010/QĐ-UBND ngày 09/11/2010 của UBND tỉnh về việc quy định chức danh và một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách và lực lượng công an, quân sự các xã, phường, thị trấn, khóm, ấp thuộc tỉnh An Giang; kịp thời kiện toàn Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tỉnh và cấp huyện.
Có biện pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự. Kiểm tra, rà soát, sắp xếp, biên chế lực lượng Dự bị động viên theo đúng quy định. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi nhập ngũ, công dân trong độ tuổi tham gia DQTV và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân theo quy định của pháp luật; gắn công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ với công tác tuyển chọn công dân tham gia làm nghĩa vụ DQTV.
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, pháp luật và tổ chức huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng, diễn tập, hội thao, hội thi … cho lực lượng vũ trang địa phương, cần quan tâm đối với lực lượng DQTV, DBĐV và đội ngũ cán bộ các cấp, chú trọng cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; gắn việc tổ chức huấn luyện giã ngoại với công tác dân vận và tham gia xây dựng cơ sở chính trị. Trong diễn tập năm 2012 đối với cấp huyện, tập trung chỉ đạo, tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cho huyện Phú Tân, thị xã Tân Châu và huyện An Phú đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Chỉ đạo cấp xã, tích cực luyện tập, diễn tập các phương án chiến đấu, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn để kịp thời xử trí khi có tình huống xấu xảy ra.
Quan tâm đến công tác huấn luyện - nhà trường, tiếp tục thực hiện đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở theo đề án đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở (2010-2015) và triển khai thực hiện đề án số 02/ĐA-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2011 của UBND tỉnh về “Đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2002 và những năm tiếp theo” đảm bảo bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo đạt hiệu quả cao. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo sỹ quan dự bị theo đề án đã được tỉnh phê duyệt.
4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lượng lượng vũ trang địa phương, kịp thời chủ động xử trí các tình huống:
Tăng cường phối hợp chặt chẽ trong hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữa bộ đội địa phương, biên phòng với lực lượng công an, giữa dân quân tự vệ với công an xã, phường, thị trấn theo tinh thần Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương, đặt biệt là lực lượng DQTV trên các địa bàn trọng điểm, vùng biên giới, dân tôc, tôn giáo; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, bộ đội biên phòng và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, an ninh trật tự ở cơ sở và trong công tác bảo vệ rừng theo Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp chặt chẽ các lực lượng khác tham gia bảo vệ an toàn những ngày lễ tết và các sự kiện chính trị quan trọng khác trong năm 2012.
5. Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường cũng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ:
Triển khai thực hiện quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng chính phủ về Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 phải gắn với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ trên cơ sở triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 03/10/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị, Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện tốt cơ chế, nhiệm vụ, nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo tích cực triển khai thực hiện đề án xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt theo quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2009 và chỉ đạo việc triển khai cho cấp huyện, gắn việc xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh với xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng “ thế trận lòng dân”.
Kịp thời rà soát, xây dựng kế hoạch bảo đảm nhu cầu năm đầu chiến tranh (kế hoạch B) theo Chỉ thị số 12/2008/CT-TTg ngày 26/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ; điều chỉnh, bổ sung quyết tâm chiến đấu, kế hoạch tác chiến phòng thủ, kế hoạch phòng thủ dân sự đảm bảo sát với tình hình, nhiệm vụ; bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; kế hoạch động viên công nghiệp, kế hoach phòng không nhân dân và các kế hoạch khác có liên quan để chủ động và kịp thời xử trí các tình huống.
6. Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng, tăng cường công tác kiểm tra:
Theo từng địa bàn và theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng để góp phần đưa công tác quốc phòng địa phương đi vào nề nếp và đạt hiệu quả thiết thực; tăng cường công tác đối ngoại quân sự, công tác tìm kiếm cất bốc hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước, công tác chính sách hậu phương quân đội.
Thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban, báo cáo, thanh tra, kiểm tra, sơ, tổng kết về công tác quốc phòng địa phương.
Cơ quan quân sự các cấp chủ động xác định kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương các cơ quan, đơn vị thuộc quyền theo phạm vi chúc năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp nhằm kịp thời phát hiện và nhân rộng những nhân tố điển hình, chấn chỉnh những yếu kém và giải quyết những bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
7. Thực hiện tốt việc lập dự toán, chấp hành và thực hiện thanh, quyết toán ngân sách bảo đảm cho công tác quốc phòng:
Các ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện tốt việc lập dự toán, chấp hành và thực hiện thanh, quyết toán ngân sách đảm bảo cho công tác quốc phòng theo quy định của Luật ngân sách và thường xuyên quan tâm bảo đảm ngân sách kịp thời cho việc chỉ đạo, tổ chức và triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia công tác quốc phòng địa phương.
Cơ quan quân sự các cấp cần tích cực, chủ động làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo việc bảo đảm ngân sách trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương đúng nguyên tắc, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả cao.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt và có kế hoạch triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Bộ CHQS tỉnh) để có giải pháp xử lý./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |