Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 04/01/2011 Phê duyệt Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2105 trên địa bàn tỉnh Bình Phước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
- Ngày ban hành: 04-01-2011
- Ngày có hiệu lực: 14-01-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-01-2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2551 ngày (6 năm 12 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 08-01-2018
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2011/QĐ-UBND | Đồng Xoài, ngày 04 tháng 01 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TÌNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2010/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh được thông qua tại kỳ họp thứ 19 khóa VII về việc thông qua Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1514/TTr-LĐTBXH ngày 28/12/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2105 trên địa bàn tỉnh Bình Phước (có đề án kèm theo).
Điều 2.
1. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa các nhiệm vụ của Đề án này vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và cả giai đoạn của tỉnh.
3. Giao Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án giải quyết việc làm hàng năm và cả giai đoạn.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
ĐỀ ÁN
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Kèm theo Quyết định số 02/2011/QĐ-UBND ngày 04/01/2011 của UBND tỉnh)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH ĐỊA PHƯƠNG:
- Bình Phước là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây của vùng Đông Nam bộ, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương và phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông và Campuchia;
- Từ năm 2003, tỉnh Bình Phước nằm trong Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, với thế mạnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát huy các thế mạnh nông nghiệp gồm các sản phẩm chủ lực như: cao su, điều, tiêu và chế biến các mặt hàng nông sản . ..;
- Đến nay, toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính, trong đó có 07 huyện và 03 thị xã, 111 xã, phường, thị trấn. Theo thống kê chưa đầy đủ dân số toàn tỉnh Bình Phước đến ngày 31/12/2009 ước khoảng 874.714 người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 459.246 lao động chiếm trên 52%;
- Với lực lượng lao động dồi dào cũng như tiềm năng khai thác các thế mạnh về các loại cây công nghiệp cũng như sự thu hút đầu tư của tỉnh trong các khu, cụm công nghiệp, hàng năm với sự quan tâm chỉ đạo của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010 đã phần nào giải quyết được một lượng lớn lao động trong tỉnh (trung bình mỗi năm giải quyết khoảng 25.000 lao động có công việc ổn định, thu nhập cao nhằm giảm nghèo và làm giàu) theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/2005/NQ-HĐND ngày 30/11/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra.
Theo dự tính đến năm 2015 dân số của toàn tỉnh Bình Phước ước đạt khoảng gần 1 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 531.500 chiếm 53,2%, số lao động có nhu cầu tìm việc làm hàng năm trung bình khoảng 35.000 đến 40.000 người. Vì vậy, việc giải quyết một lượng lớn lao động trên địa bàn tỉnh là vấn đề bức xúc và cần thiết.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ CHỦ TRƯỞNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC LÀM:
1. Cơ sở pháp lý:
- Bộ Luật Lao động quy định tại Điều 13 như sau: “Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội” và một trong những biện pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm đó là theo Điều 15 Bộ Luật Lao động “Chính phủ lập chương trình quốc gia về việc làm, lập quỹ quốc gia về việc làm từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác, phát triển hệ thống tổ chức giới thiệu việc làm”
- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
2. Chủ trương của Đảng và Nhà nước:
- Tạo việc làm là ưu tiên số một trong các chính sách kinh tế và xã hội; tạo việc làm là yếu tố quyết định để phát huy yếu tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng yêu cầu chính đáng của nhân dân;
- Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kết hợp tăng trưởng việc làm với không ngừng nâng cao chất lượng việc làm; tập trung đầu tư, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho các vùng kinh tế trọng điểm; ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn sử dụng nhiều lao động;
- Tạo việc làm trên cơ sở phát triển thị trường lao động trong nước và mở rộng thị trường lao động ngoài nước; tập trung ưu tiên cho những đối tượng yếu thế trong thị trường lao động; nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành trong công tác hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho người lao động;
- Tăng cường trách nhiệm các cơ quan Nhà nước trong công tác hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động, đồng thời, huy động tối đa và phát huy có hiệu quả nguồn lực sẵn có trong dân để tạo thêm nhiều việc làm mới.
Phần II
MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM:
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
Đảm bảo giải quyết cho 151.000 lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm và ổn định cuộc sống. Giảm tỷ lệ thất nghiệp hoặc duy trì ở mức khoảng 3,2%, tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90%. Giảm thiểu tối đa việc thiếu việc làm, thất nghiệp và sa thải lao động hàng loạt trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Tạo việc làm mới cho 151.000 lao động trong giai đoạn 2011 - 2015, cụ thể từng năm như sau:
+ Năm 2011: giải quyết việc làm cho 28.000 lao động;
+ Năm 2012: giải quyết việc làm cho 29.400 lao động;
+ Năm 2013: giải quyết việc làm cho 30.200 lao động;
+ Năm 2014: giải quyết việc làm cho 31.200 lao động;
+ Năm 2015: giải quyết việc làm cho 32.200 lao động.
Trong 151.000 lao động được giải quyết việc làm nói trên có 1.000 lao động đi xuất khẩu lao động và 15.000 đến 17.000 lao động được giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn vay 120.
- Trong giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 30.000 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2010 lên 40% vào năm 2015, cụ thể từng năm như sau:
+ Năm 2011: đào tạo nghề 5.000 lao động;
+ Năm 2012: đào tạo nghề: 5500 lao động;
+ Năm 2013: đào tạo nghề: 6000 lao động;
+ Năm 2014: đào tạo nghề: 6.500 lao động;
+ Năm 2015: đào tạo nghề: 7.000 lao động.
- Góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị hoặc duy trì ở mức dưới 3,2% vào cuối năm 2015;
- Góp phần giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn xuống dưới 5% vào năm 2015.
II. PHẦN NỘI DUNG:
1. Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015 bao gồm 5 nội dung chính sau:
a) Cho vay vốn tạo việc làm với lãi suất ưu đãi đối với các dự án tạo thêm việc làm mới và xuất khẩu lao động đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng yếu thế, đối tượng được thu hồi đất nông nghiệp, đối tượng chuyển đổi ngành nghề, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người mãn hạn tù, người được đặc xá tha tù trước thời hạn, thanh niên, bộ đội xuất ngũ, đối với các đối tượng chính sách . . .;
b) Hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 gắn với tạo việc làm mới trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề, trang trại nhận lao động vào làm việc ổn định từ một năm trở lên;
c) Hỗ trợ xuất khẩu lao động: tiếp tục cho phép các doanh nghiệp có năng lực trong xuất khẩu lao động vào địa bàn tỉnh để tuyển chọn lao động tại địa phương đi xuất khẩu lao động nhằm tạo ra nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Tiếp tục cho vay xuất khẩu lao động bằng nguồn vốn từ ngân sách địa phương và tranh thủ vận động hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại trong tỉnh nhằm tăng mức cho vay và không hạn chế thị trường lao động khi người lao động có nhu cầu vay vốn để đi xuất khẩu lao động.
d) Hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua các sàn giao dịch, phiên giao dịch việc làm, nâng cao năng lực các Trung tâm giới thiệu việc làm, tiếp tục điều tra thị trường cung, cầu lao động và ứng dụng tin học vào việc thu thập thông tin thị trường lao động ở cấp xã, phường, thôn, ấp.
đ) Nâng cao năng lực quản lý lao động, việc làm cho công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước, quản lý sự nghiệp và người sử dụng lao động ở tất cả các cấp, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn.
2. Các giải pháp thực hiện Đề án:
2.1. Giải pháp về giải quyết việc làm và đào tạo nghề giai đoạn 2011 - 2015.
a) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giải quyết việc làm để từ đó có được một cái nhìn toàn diện về công tác giải quyết việc làm, đánh giá đúng và đạt các chỉ tiêu đặt ra. Tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn kinh phí giải quyết việc làm và đào đạo nghề từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, trình Hội đồng nhân dân tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để bổ sung vào nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hàng năm.
b) Tiếp tục hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch tại các huyện, thị xã trong tỉnh thuộc dự án nâng cao năng lực Trung tâm giới thiệu việc làm, điều tra khảo sát cung, cầu lao động của các doanh nghiệp để từ đó có được chính sách hoạch định đúng về việc đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
c) Có cơ chế ưu tiên cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm đối với các đối tượng thuộc vùng được chuyển đổi mục đất đất nông nghiệp sang để phục vụ làm các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
d) Có chính sách và cơ chế phát huy các nguồn lực trong tỉnh và tranh thủ sự đầu tư của nước ngoài vào các nghành nghề, lĩnh vực thu hút nhiều lao động. Ưu tiên phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ các hộ sản xuất, kinh doanh.
đ) Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người lao động đối với việc học nghề.
e) Tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy nghề, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp với thực tiễn sản xuất, nâng cấp sửa chữa nhà xưởng cho các cơ sở dạy nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo.
f) Lập đề án quy hoạch phát triển và xã hội hóa hoạt động dạy nghề nhằm tăng quy mô và số lượng cơ sở dạy nghề.
2.2. Giải pháp về chính sách, cơ chế:
a) Giải pháp về chính sách:
- Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, loại bỏ cản trở và tạo điều kiện, môi trường kinh doanh bình đẳng, hiệu quả có tính cạnh tranh, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động;
- Có chính sách và cơ chế huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế cho đầu tư phát triển kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động, trước hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh;
- Phát triển mạnh hệ thống dạy nghề với đa cấp trình độ, chuyển từ dạy nghề trình độ thấp sang trình độ cao nhằm nâng cao chất lượng cung lao động cho thị trường lao động; thực hiện quy hoạch, đầu tư tập trung vào hệ thống dạy nghề kỹ thuật thực hành.
- Hoàn thiện hệ thống các kênh giao dịch trên thị trường lao động (thông tin, quảng cáo, trang tìm việc làm trên các báo, đài, ti vi, hội chợ việc làm); hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường quốc gia và nối mạng, trước hết ở các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, cho xuất khẩu lao động.
b) Về cơ chế:
- Phân bổ nguồn lực: phân bổ theo quy mô lực lượng lao động, ưu tiên các huyện đạt hiệu quả cao trong hoạt động vay vốn, có nhiều đồng bào sinh sống, vùng có diện tích thu hồi đất nông nghiệp lớn . . .
- Phối hợp: tăng cường sự tham gia của người dân và các tổ chức đoàn thể trong mọi hoạt động của Chương trình (phối hợp ngang, phối hợp dọc, phối hợp với các tổ chức quần chúng) từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch triển khai thực hiện, quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá, trên cơ sở thông tin đầy đủ tới người dân, chủ trương, chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước về công tác tạo việc làm, và tự giải quyết việc làm cho bản thân mình…;
- Phân cấp: tiếp tục duy trì và tăng cường phân cấp cho cấp huyện trong việc quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình (thẩm định và phê duyệt dự án);
- Giám sát, đánh giá:
+ Phát huy đồng bộ các hệ thống giám sát, đánh giá: giám sát từ trên xuống, giám sát từ cơ sở, tự giám sát và thuê giám sát độc lập (khi cần thiết) … trên cơ sở khung giám sát đánh giá Chương trình;
+ Việc giám sát, đánh gia đầu vào, đầu ra, và tác động thông qua đánh giá thực hiện các hoạt động, các chỉ tiêu.
+ Việc thu nhập, báo cáo thông thông tin về tình hình thực hiện Đề án, định kỳ theo quý, năm, sơ kết nửa giai đoạn và tổng kết khi kết thúc Đề án.
+ Sở Lao động –Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực quản lý Đề án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án này.
2.3. Một số giải pháp nhằm đảm bảo việc làm, chống sa thải hàng loạt:
a) Hướng bảo đảm việc làm:
- Phát huy vai trò và tầm ảnh hưởng của tổ chức Công đoàn, Hội đồng hòa giải cơ sở trong các doanh nghiệp.
- Kiểm tra việc triển khai thực hiện Bộ Luật Lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015.
- Xây dựng đơn giá tiền lương hợp lý trong các doanh nghiệp Nhà nước, người lao động là đầu mối trung tâm của việc xác định đơn giá tiền lương trong mỗi thời điểm nhất định .
- Kiểm tra tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp đang hoạt động, tổng hợp, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để từ đó có cơ chế đào tạo phù hợp các nghề nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp .
- Vận dụng linh hoạt các văn bản hướng dẫn của các các Bộ, ngành Trung ương để các doanh nghiệp và người lao động được thụ hưởng những chính sách khuyến khích của Chính phủ về lao động, việc làm.
b) Hướng chống sa thải lao động hàng loạt ở địa phương.
b.1. Chống thất nghiệp tạm thời: đây là loại thất nghiệp của những người vì một lý do nào đó mà bỏ việc làm cũ để tìm việc làm mới (do yếu tố tiền lương ít, do chuyển chỗ ở .. ) những người lần đầu tiên tham gia vào thị trường lao động như (học sinh, sinh viên vừa tốt nghiệp đi tìm việc làm, thanh niên vừa đến tuổi lao động tham gia tìm việc làm), thất nghiệp thời vụ lúc nông nhàn. . .
+ Tăng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động trong nông nghiệp, nông thôn.
+ Kế hoạch đào tạo phù hợp cho lực lượng lao động sắp tham gia thị trường lao động ở nông thôn, thành thị, bộ đội xuất ngũ, . .
b.2. Chống thất nghiệp cơ cấu: loại thất nghiệp này xảy ra do có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong quá trình phát triển của nền kinh tế - xã hội luôn luôn diễn ra chuyển dịch cơ cấu lao động một cách khách quan. Ngành nghề này phát triển trong khi ngành nghề khác bị thu hẹp, khu vực này tăng trưởng trong khi khu vực khác sụt giảm. .. . . Do đó, trong những ngành nghề, khu vực nào bị thu hẹp, sụt giảm thì công ăn việc làm bị thu hẹp, tạo ra thất nghiệp cơ cấu, trong khi các ngành, khu vực tăng trưởng thiếu lao động. Nếu khả năng điều chỉnh thị trường lao động yếu, thì loại thất nghiệp này trở nên trầm trọng và kéo dài.
+ Kế hoạch để các doanh nghiệp trích quỹ dự phòng trợ cấp thôi việc, đào tạo nghề dự phòng cho người lao động. Đồng thời, kết hợp với các cơ quan quản lý tài chính kiểm tra việc trích lập quỹ trợ cấp thôi việc của các doanh nghiệp.
+ Các giải pháp để người thất nghiệp tự đào tạo lại nghề nghiệp cho phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động.
b.3. Chống thất nghiệp chu kỳ: đây là loại thất nghiệp gắn liền với chu kỳ kinh tế, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, giới chủ sa thải hàng loạt công nhân. Tình trạng mất việc làm xảy ra tràn lan ở khắp mọi nơi, mọi nghề của nền kinh tế.
+ Kế hoạch trích Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, có nguy cơ sa thải lao động hàng loạt.
+ Các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh để thu hút thêm lao động, tạo thêm công ăn việc làm.
+ Kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút lao động thất nghiệp cơ cấu chuyển dịch từ các ngành khác sang theo yêu cầu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Tổng kinh phí để thực hiện đề án là: 181,655 tỷ đồng (có biểu tổng hợp cụ thể kèm theo ):
Trong đó:
+ Vốn Trung ương bổ sung mới: 34,900 tỷ đồng;
+ Vốn mới địa phương bổ sung: 44,850 tỷ đồng.
+ Vốn huy động từ các doanh nghiệp và các ngân hàng trong tỉnh: 7,5 tỷ đồng.
+ Vốn hiện đang quay vòng của các giai đoạn trước: 94,405 tỷ đồng.
* Về cơ cấu phân bổ vốn địa phương: (139,255 tỷ đồng). Trong đó:
+ Vốn vay quay vòng từ các giai đoạn trước (thu hồi cho vay tiếp) : 94,405 tỷ đồng;
+ Đề nghị ngân sách địa phương bổ sung mới: 44,850 tỷ đồng.
* Cơ cấu phân bổ nguồn vốn mới từ ngân sách địa phương (44,850 tỷ đồng); Trong đó:
+ Bổ sung Quỹ quốc gia giải quyết việc làm: mỗi năm là 3,5 tỷ đồng và cả giai đoạn là 17,5 tỷ đồng;
+ Phát triển thị trường lao động và cập nhật biến động cung, cầu lao động mỗi năm là 320 triệu đồng và cả giai đoạn là 1,6 tỷ đồng ;
+ Chi cho đào tạo nghề dài hạn là : mỗi năm là 4,9 tỷ đồng và cả giai đoạn 24,5 tỷ đồng ;
+ Nâng cao năng lực cho Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm: mỗi năm là 100 triệu đồng và cả giai đoạn là 500 triệu đồng;
+ Tập huấn cho cán bộ làm công tác lao động - việc làm từ tỉnh đến cơ sở, kinh phí quản lý đề án, tuyên truyền công tác giải quyết việc làm (cả xuất khẩu lao động): mỗi năm là 150 triệu đồng và cả giai đoạn là 750 triệu đồng;
* Cơ cấu phân bổ vốn mới của Trung ương: (34,900 tỷ đồng), bao gồm:
+ Bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm hàng năm là 6 tỷ đồng (cả giai đoạn là 30 tỷ đồng);
+ Đầu tư cho Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh thông qua sàn giao dịch việc làm cả giai đoạn là 4 tỷ đồng, (trong đó mỗi năm bổ sung thêm là 800 triệu đồng).
+ Kinh phí tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giải quyết việc làm từ cấp tỉnh đến cơ sở mỗi năm bổ sung thêm là 80 triệu đồng (cả giai đoạn là 400 triệu đồng).
+ Bổ sung nguồn kinh phí điều tra cập nhật biến động cung, cầu lao động của cả giai đoạn là 500 triệu đồng, bình quân mỗi năm chi 100 triệu đồng.
4. Phạm vi và thời gian thực hiện Đề án:
4.1 Sau khi đã được phê duyệt, Đề án sẽ thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 01/01/2011 về kết thúc Đề án vào ngày 31/12/2015.
4.2 Thời gian thực hiện đề án : 5 năm, từ 01/01/2011 đến 31/12/2015.
5. Tổ chức thực hiện:
* Kiện toàn Ban chỉ đạo và cơ quan giúp việc:
5.1. Ban chỉ đạo cấp tỉnh: được kiện toàn theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh với thành phần:
- Trưởng ban: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Phó Trưởng ban Thường trực: Giám đốc Sở LĐTB&XH;
- Các thành viên tham gia: Lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội;
5.2. Ban Chỉ đạo cấp huyện, thị xã: Ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã do Chủ tịch UBND huyện, thị xã thành lập, với các thành phần:
- Trưởng ban: Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã;
- Phó Trưởng ban Thường trực: Trưởng Phòng Lao động - TB&XH;
- Các thành viên: Lãnh đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thị xã và một số đoàn thể cần thiết trong huyện, thị xã..
Phần III
TÍNH HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
- Tạo điều kiện cho những người lao động chưa có việc làm, người lao động thất nghiệp, người thiếu việc làm, các cơ sở sản xuất; kinh doanh, dịch vụ có khả năng thu hút nhiều chỗ làm việc mới tiếp cận với các món vay ưu đãi lãi suất thấp thông qua Quỹ quốc gia về việc làm nhằn góp phần tạo việc làm mới cho 151.000 lao động; trong đó: 25 % việc làm được tạo ra từ các dự án vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 15% từ các trang trại, 10% từ các làng nghề, 20% từ các dự án hộ gia đình tự tạo việc làm và 30% từ việc đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm trong các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.Ngoài ra còn ưu tiên cho vay vốn tạo việc làm một số đối tượng lao động đặc thù như lao động tàn tật, lao động là người dân tộc thiểu số …
- Khuyến khích các doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc thông qua hỗ trợ chi phí đào tạo lao động cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề, trang trại ;
- Phát triển và tiếp tục nâng cấp hiện đại hoá hệ thống thông tin thị trường lao động qua việc tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm cho người lao động và các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động tham gia; đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời những diễn biến của thị trường lao động, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định các chính sách về cung, cầu lao động từ đó điều chỉnh kế hoạch, chính sách việc làm và thị trường lao động cho thật phù hợp;
- Nâng cao năng lực quản lý lao động, việc làm và kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho công chức, viên chức làm công tác trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và người sử dụng lao động nhằn chuẩn hóa và phổ biến kiến thức và kỹ năng quản lý lao động, điều hành và triển khai Chương trình việc làm, pháp luật lao động và các văn bản liên quan nhằm trang bị đầy đủ những kiến thức cho cán bộ ở mọi cấp, ngành của địa phương.
- Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, tăng cường số lượng và chất lượng về tay nghề của lao động trên địa bàn tỉnh khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài.
- Khắc phục những tồn tại mà Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010 chưa thực hiện được như: giảm dần khoảng cách cung, cầu lao động nhờ sự phát triển của hệ thống thông tin thị trường lao động, đặc biệt hệ thống sàn giao dịch thị trường lao động của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, phối kết hợp với nhiều tổ chức, đoàn thể khác trong tỉnh tổ chức tuyên truyền mọi lĩnh vực về việc làm, đảm bảo việc làm ở mọi thời điểm.
- Hoàn thành có hiệu quả các chỉ tiêu mà Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015 đã nêu ra một cách bề vững, lâu dài và thiết thực tạo tiền đề thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020./.
BIỂU TỔNG HỢP DỰ TOÁN NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2010 – 2015
(Kèm theo Đề án GQVL giai đoạn 2011 -2015 trên địa bàn tỉnh Bình Phước)
Đơn vị tính : triệu đồng
Nguồn kinh phí | Giai đoạn 2011-2015 | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 |
1. Tồng vốn cho vay GQVL a) Nguồn Thu hồi: b) Ngân sách cấp: Trong đó: + Ngân Sách TW: + Ngân Sách địa phương: c) Nguồn huy động khác: | 149.405 94.405 47.500
30.000 17.500 7.500 | 29.881 18.881 9.500
6.000 3.500 1.500 | 29.881 18.881 9.500
6.000 3.500 1.500 | 29.881 18.881 9.500
6.000 3.500 1.500 | 29.881 18.881 9.500
6.000 3.500 1.500 | 29.881 18.881 9.500
6.000 3.500 1.500 |
2. Phát triển thị trường lao động và điều tra cập nhật Cung - Cầu lao động : Trong đó: + Ngân sách TW: + Ngân sách địa phương: | 2.100
500 1.600 | 420
100 320 | 420
100 320 | 420
100 320 | 420
100 320 | 420
100 320 |
3. Đầu tư cho Trung tâm GTVL tỉnh thông qua sàn giao dịch việc làm. Trong đó: + Ngân sách TW: + Ngân sách địa phương: | 4.500
4.000 500 | 900
800 100 | 900
800 100 | 900
800 100 | 900
800 100 | 900
800 100 |
4. Kinh phí tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở và tuyên truyền công tác GQVL và XKLĐ: Trong đó: + Ngân sách TW: + Ngân sách địa phương: | 1.150
400 750 | 230
80 150 | 230
80 150 | 230 | 230
80 150 | 230
80 150 |
5. Đào tạo nghề hệ dài hạn (Trường Trung cấp nghề Tôn Đức Thắng) Trong đó: + Ngân sách địa phương: | 24.500
24.500 | 4.900
4.900 | 4.900
4.900 | 4.900
4.900 | 4.900
4.900 | 4.900
4.900 |
Tổng Cộng | 181.655 | 36.331 | 36.331 | 36.331 | 36.331 | 36.331 |