Quyết định số 4670/2010/QĐ-UBND ngày 27/12/2010 Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 4670/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Ngày ban hành: 27-12-2010
- Ngày có hiệu lực: 06-01-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-02-2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2595 ngày (7 năm 1 tháng 10 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 13-02-2018
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4670/2010/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 27 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 173/2010/NQ-HĐND ngày 08/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 18 về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như sau:
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG
1. Phạm vi, đối tượng áp dụng.
a) Chính sách hỗ trợ này áp dụng đối với các tổ chức (sau đây gọi là nhà đầu tư) có đăng ký kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại Thanh Hóa khi đầu tư xây dựng mới siêu thị, trung tâm thương mại hoặc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn tỉnh; các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
b) Các chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng nông sản thực phẩm để tiêu thụ hàng hóa ở các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung; chợ biên giới, chợ dân sinh xã và chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có Điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư theo Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ, không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng chính sách này.
2. Điều kiện áp dụng.
- Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp phải nằm trong Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được UBND tỉnh phê duyệt.
- Chủ đầu tư xây dựng mới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hoặc cải tạo, nâng cấp chợ phải có dự án đầu tư được phê duyệt theo quy định hiện hành;
- Chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng cải tạo chợ, siêu thị, TTTM đảm bảo tiến độ và chất lượng theo đúng dự án đã được phê duyệt.
II. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Nhà đầu tư có đủ điều kiện, khi đầu tư xây dựng mới siêu thị, trung tâm thương mại hoặc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của nhà nước, ngoài ra còn được hưởng chính sách hỗ trợ sau đây:
1. Ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
a) Nhà đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ ở khu vực nông thôn trong trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ với mức tương ứng bằng số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp cho cả thời gian thực hiện dự án.
b) Nhà đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ ở khu vực đô thị, xây dựng mới siêu thị, trung tâm thương mại (cả ở đô thị và nông thôn) được giao đất hoặc thuê đất với mức giá thấp nhất theo giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp do cấp có thẩm quyền quy định tại vị trí loại đường nơi thực hiện dự án.
2. Hỗ trợ đầu tư.
2.1. Nhà nước đảm bảo đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu đến chân hàng rào công trình chợ, siêu thị và trung tâm thương mại.
2.2. Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ, sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng được hỗ trợ như sau:
- Chợ hạng I:
+ Vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 500 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư từ 7 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng được hỗ trợ 350 triệu đồng.
- Chợ hạng II:
+ Vốn đầu tư từ 7 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 350 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng đến dưới 7 tỷ đồng được hỗ trợ 200 triệu đồng.
- Chợ hạng III:
+ Vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 200 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư từ 2 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng được hỗ trợ 100 triệu đồng.
3. Hỗ trợ về đào tạo:
UBND tỉnh lựa chọn cơ sở đào tạo có uy tín, có năng lực để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, quản trị kinh doanh, văn hóa kinh doanh và các quy định của pháp luật về hoạt động thương mại cho tổ chức quản lý kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cá nhân, hộ kinh doanh trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; thời gian tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tùy thuộc vào nhu cầu của đối tượng tham gia nhưng tối đa không quá 3 tháng.
- Cá nhân, hộ kinh doanh trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại có nhu cầu thì được hỗ trợ cho 01 người đi bồi dưỡng; được hỗ trợ tiền học phí theo mức thu thực tế của cơ sở đào tạo nhưng tối đa không quá 400.000 đồng/người.
- Mỗi tổ chức quản lý kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại có nhu cầu thì được hỗ trợ cho 02 người đi bồi dưỡng; được hỗ trợ tiền học phí theo mức thu thực tế của cơ sở đào tạo nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng/người.
Mỗi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nêu trên chỉ được hỗ trợ một lần.
4. Thời gian áp dụng:
Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa áp dụng đối với các dự án được triển khai thực hiện trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015.
5. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách:
Bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh hàng năm.
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện chính sách này trên địa bàn toàn tỉnh; trình UBND tỉnh phê duyệt quy định về trình tự, hồ sơ, thủ tục thực hiện chính sách, đảm bảo cụ thể, đúng đối tượng, dễ thực hiện, dễ kiểm tra và không trái với các quy định hiện hành của pháp luật; thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ cho các đơn vị được thụ hưởng chính sách.
2. Hàng năm, Sở Công Thương có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách, gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp vào dự toán ngân sách tỉnh, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua.
3. Các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách này tại đơn vị, địa phương trình; báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |