cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 14/2011/CT-UBND ngày 24/10/2011 Về tăng cường công tác quản lý tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu văn bản: 14/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Ngày ban hành: 24-10-2011
  • Ngày có hiệu lực: 03-11-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4770 ngày (13 năm 25 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2011/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 24 tháng 10 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện, trong thời gian qua các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý tần số và thiết bị vô tuyến điện (VTĐ), góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn - an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn vẫn còn những hạn chế như: Một số tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép, thiết bị vô tuyến điện không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa được hợp quy, không đúng theo quy hoạch tần số quốc gia… gây can nhiễu đến các mạng thông tin vô tuyến khác, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, gần đây các tổ chức, cá nhân sử dụng các loại điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 có băng tần sử dụng từ 1900MHz đến 1930MHz không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện của Việt Nam gây can nhiễu cho mạng thông tin di động 3G trên diện rộng; một số Đài Truyền thanh - Truyền hình của các huyện, Đài Truyền thanh các xã, thị trấn trang bị máy phát thanh; phát hình không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không đăng ký cấp phép tần số… gây can nhiễu cho các mạng thông tin đã được cấp phép.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, sản xuất, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện:

a) Phải đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, kể cả máy điện thoại không dây (loại kéo dài thuê bao) không thuộc thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định tại điều 27 Luật tần số vô tuyến điện ; đồng thời, tuân thủ chặt chẽ các quy định trong giấy phép sử dụng, không gây nhiễu có hại.

b) Chỉ được sử dụng thiết bị vô tuyến điện phát sóng phát thanh, truyền hình khi đã được cấp giấy phép sử dụng và thiết bị phải đảm bảo chỉ tiêu chất lượng. Khi xây dựng dự án đầu tư các thiết bị phát sóng truyền hình, phát thanh FM phải tuân thủ theo đúng giấy phép hoạt động báo chí, quy hoạch truyền dẫn - phát sóng phát thanh truyền hình, quy hoạch tần số vô tuyến điện cho phát thanh, truyền hình và lấy ý kiến thẩm định của Sở Thông tin và Truyền thông về tần số, thiết bị vô tuyến điện trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Đài truyền thanh không dây (có khả năng điều chỉnh được tần số và công suất) chỉ được sử dụng dải tần (54 - 68)MHz để phát sóng với công suất tối đa không quá 30W; thiết bị phải đảm bảo chỉ tiêu chất lượng và khi sử dụng phải có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Không tiếp tục trang bị thiết bị hoạt động ở dải tần (87 - 108)MHz cho Đài truyền thanh không dây; đối với các đơn vị đã trang bị, lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây hoạt động ở dải tần (87 - 108)MHz phải khẩn trương có kế hoạch chuyển đổi thiết bị về dải tần (54- 68)MHz và hoàn thành hồ sơ đăng ký sử dụng gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

d) Nghiêm cấm việc tàng trữ, kinh doanh và sử dụng các thiết bị vô tuyến điện, máy điện thoại không dây không phù hợp với các quy hoạch băng tần số vô tuyến điện của Việt Nam hoặc không thực hiện đúng quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Các hoạt động kinh doanh mua bán, sản xuất thiết bị, thử nghiệm hoặc sử dụng thiết bị vô tuyến điện, máy điện thoại không dây phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện. Đối với các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

đ) Trong trường hợp khẩn cấp khi có nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản, nếu có nhu cầu sử dụng thông tin liên lạc thì tổ chức, cá nhân có thể sử dụng tạm thời tần số và thiết bị vô tuyến điện chưa được cấp giấy phép để phục vụ cho việc gọi cấp cứu và phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII và các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ xin cấp phép sử dụng và cách thức sử dụng tần số, thiết bị VTĐ theo đúng quy định hiện hành.

b) Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi với nhiều hình thức về các quy định của pháp luật trong việc sử dụng tần số và thiết bị VTĐ để các tổ chức, cá nhân được biết và tự giác chấp hành.

c) Thống kê danh sách các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch, quy hoạch tần số VTĐ.

d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị VTĐ thuộc mạng thông tin VTĐ dùng riêng, các đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình có phạm vi hoạt động hạn chế trong địa bàn tỉnh. Đối với các trường hợp sử dụng máy điện thoại không dây không phù hợp với quy hoạch tần số VTĐ của Việt Nam, gây can nhiễu phải xử lý triệt để theo quy định.

đ) Theo dõi, đôn đốc các cơ quan báo, đài địa phương căn cứ vào nội dung Chỉ thị này và các quy định hiện hành về tần số VTĐ để tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện.

e) Định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, tịch thu và xử lý các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tàng trữ, kinh doanh thiết bị VTĐ, máy điện thoại không dây,... không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy định.

4. Sở Giao thông Vận tải:

Kết hợp việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật chuyên ngành của đơn vị để phổ biến kiến thức sử dụng thông tin liên lạc; các quy định của Nhà nước về tần số vô tuyến điện cho những doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi được biết, tự giác thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin liên lạc, bảo đảm an toàn thông tin VTĐ trong hoạt động kinh doanh.

5. Công an tỉnh:

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Trung tâm Tần số VTĐ Khu vực VII kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến an ninh thông tin về tần số VTĐ, xử lý triệt để các trường hợp sử dụng thiết bị VTĐ, máy điện thoại không dây không phù hợp với quy hoạch tần số của Việt Nam, gây can nhiễu có hại; thực hiện việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đúng mục đích các băng tần số được phân bổ.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số VTĐ Khu vực VII để kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn, an ninh thông tin về tần số VTĐ; thực hiện việc quản lý, sử dụng hiệu quả đúng mục đích các băng tần số được phân bổ.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về sử dụng tần số và thiết bị VTĐ.

b) Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc sử dụng tần số VTĐ. Trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền, UBND các huyện, thị xã, thành phố phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

c) Chỉ đạo Đài Truyền thanh- Truyền hình cấp huyện; UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn khi sử dụng thiết bị VTĐ phát thanh truyền hình, Đài Truyền thanh không dây phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tần số và thiết bị VTĐ.

8. Hiệu lực thi hành:

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 15/2006/CT-UBND ngày 01/8/2006 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng VTĐ.

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, sử dụng thiết bị phát sóng VTĐ triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, điều chỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; (b/c)
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Vụ pháp chế - Bộ TT&TT;
- Cục Kiểm tra VB - Bộ Tư pháp;
- Cục Tần số VTĐ;
Các Ban thuộc HĐND tỉnh;
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
UBND các huyện, TX, TP;
- Trung tâm Tần số VTĐ Khu vực VII;
Các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân KD, SX, sử dụng tần số, thiết bị VTĐ;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Website tỉnh, TT Công báo;
- VP UBND tỉnh: LĐVP; Các P, TT;
- Lưu: VT, CN.(Tr.100)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư