cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 10/10/2011 Tăng cường quản lý hoạt động nghề cá trên biển (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 26/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 10-10-2011
  • Ngày có hiệu lực: 10-10-2011
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-05-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 936 ngày (2 năm 6 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 03-05-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 03-05-2014, Chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 10/10/2011 Tăng cường quản lý hoạt động nghề cá trên biển (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 06/2014/CT-UBND ngày 23/04/2014 Tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tỉnh Nghệ An hoạt động thủy sản trên các vùng biển”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/CT-UBND

Nghệ An, ngày 10 tháng 10 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGHỀ CÁ TRÊN BIỂN

Thời gian qua, các ngành, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong quản lý nguồn lợi thủy sản, công tác quản lý tàu thuyền, phòng chống thiên tai trên biển đã có chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, những năm gần đây nguồn lợi thủy sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm, quá nhiều số lượng tàu cá có công suất nhỏ tập trung hoạt động ven bờ trong khi tàu cá công suất lớn cũng hoạt động trái phép ở vùng ven bờ, tình trạng sử dụng ngư cụ, phương pháp khai thác mang tính hủy diệt vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Mặt khác, tàu cá ngư dân tỉnh ta vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử phạt vẫn xảy ra.

Để tăng cường công tác quản lý và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động nghề cá trên biển, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An; UBND các huyện ven biển và thị xã Cửa Lò tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, làm cho mọi người nắm và hiểu được các quy định liên quan để thực hiện.

2. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị ven biển, thành lập lực lượng liên ngành đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tập trung vào một số việc sau:

a) Kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động sai vùng, tuyến quy định; vi phạm các quy định về ngư cụ khai thác, sử dụng nguồn sáng có công suất vượt quá quy định, khai thác thủy sản ở các vùng cấm, đối tượng cấm và các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp khác. Đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản theo yêu cầu của Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tăng cường ngăn chặn ngay và xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức cho tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt ở mức cao nhất theo Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ (kể cả hình thức phạt bổ sung là thu hồi giấy phép khai thác) đối với các tàu lưới kéo hoạt động sai vùng, tuyến khai thác.

d) Kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các tàu cá nước ngoài vào hoạt động khai thác thủy sản và thu mua sản phẩm thủy sản bất hợp pháp trên các vùng biển thuộc tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường kiểm tra công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản và đảm bảo thông tin tàu cá.

a) Kiểm tra, rà soát chấn chỉnh toàn bộ công tác đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép Khai thác thủy sản cho tàu cá (bao gồm: tổ chức nhân sự, việc chấp hành quy chế hoạt động, điều kiện, phương tiện hoạt động và chất lượng hoạt động).

b) Rà soát, kiểm tra và có biện pháp đảm bảo đủ trang bị thông tin tàu cá theo quy định (tại Thông tư số 15/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển) và đảm bảo tàu cá có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và thiết bị thông tin mới được xuất bến hoạt động khai thác hải sản trên biển.

c) Xử lý nghiêm các chủ tàu vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm và trang bị phương tiện thông tin liên lạc theo quy định; các cá nhân, đơn vị quản lý nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn tự đặt ra quy định trái phép gây khó khăn và thiệt hại cho ngư dân và doanh nghiệp.

d) Tăng cường công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và đào tạo nghề cho ngư dân.

4. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị ven biển, chỉ đạo công tác tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình Tổ hợp tác và mô hình Đồng quản lý.

a) Đẩy mạnh phát triển tổ chức khai thác thủy sản theo hướng thành lập các Tổ hợp tác; hỗ trợ ngư dân xây dựng quy chế hoạt động của tổ và phương tiện để bảo đảm tổ hoạt động có hiệu quả thiết thực.

b) Phát triển mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ dựa vào cộng đồng, khuyến khích cộng đồng ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hình thức cộng đồng và chính quyền cùng quản lý.

c) Chủ động tham mưu, đề xuất để Uỷ ban tỉnh ban hành đề án xây dựng Tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển; có cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác theo mô hình tổ hợp tác, đồng quản lý trong phạm vi của tỉnh.

5. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và hàng quý báo cáo UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng