Chỉ thị số 04/2011/CT-UBND ngày 27/09/2011 Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 04/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
- Ngày ban hành: 27-09-2011
- Ngày có hiệu lực: 07-10-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-11-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1490 ngày (4 năm 1 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 05-11-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2011/CT-UBND | Sóc Trăng, ngày 27 tháng 09 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hướng dẫn về nghiệp vụ của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), công tác thi hành án dân sự của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhất là từ khi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Số việc đã thi hành, số tiền và tài sản thu được năm sau cao hơn năm trước; nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm; cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án được tăng cường; trình độ cán bộ được nâng lên. Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như: số vụ việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều; khiếu nại về thi hành án chưa giải quyết kịp thời; công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án với cơ quan có liên quan chưa thường xuyên; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao,... làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Tư pháp:
Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trước đây trái với Luật Thi hành án dân sự, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Chủ trì, tham mưu giúp Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự bằng nhiều hình thức; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự trong nhân dân. Đồng thời biên soạn, in ấn tài liệu, tổ chức tập huấn nội dung Luật Thi hành án dân sự cho đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
2. Cục Thi hành án dân sự tỉnh:
a) Chủ động tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 173 Luật Thi hành án dân sự; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiên quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án để giảm hẳn số việc thi hành án chuyển kỳ sau; trước mắt tiến hành tổng rà soát, xác minh và phân loại án, tổ chức các đợt cao điểm để thi hành án tồn đọng. Đồng thời tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố giải quyết những vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự. Định kỳ duy trì lịch tiếp công dân và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo đúng quy định pháp luật.
c) Thực hiện các biện pháp kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự ngang tầm vị trí, vai trò mà Luật Thi hành án dân sự quy định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong điều kiện hội nhập quốc tế. Hàng năm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước cho chấp hành viên, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự. Triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cơ quan Thi hành án dân sự. Thực hiện việc luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và chế độ chính sách đối với cán bộ thi hành án dân sự trên địa bàn thuộc thẩm quyền.
d) Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tích cực tổ chức thi hành có hiệu quả các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; đẩy nhanh tiến độ thi hành án, khắc phục tình trạng án tồn đọng, hoàn thành các chỉ tiêu về thi hành án theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Tư pháp. Đồng thời chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch chỉ đạo các Sở ngành và địa phương tổ chức thi hành dứt điểm vụ án.
3. Công an tỉnh:
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết. Chỉ đạo Trại tạm giam Công an tỉnh giáo dục, nâng cao ý thức của người đang chấp hành hình phạt hoặc đang bị tạm giam, tạm giữ thực hiện nghiêm nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Đồng thời thực hiện việc thông báo các giấy tờ về thi hành án dân sự cho người phải thi hành án; cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự các thông tin liên quan về người phải thi hành án dân sự và phối hợp thu tiền thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
4. Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng:
Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp thi hành án dân sự. Đặc biệt là cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin về tài khoản, các khoản thu nhập của người phải thi hành án theo yêu cầu của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự; thực hiện nghiêm, kịp thời quy định pháp luật về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án và các yêu cầu khác của chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định.
5. Sở Tài chính:
Phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ tài chính để thi hành án đối với người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức do Nhà nước thành lập hoạt động bằng ngân sách Nhà nước; đề xuất UBND tỉnh bảo đảm kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và hỗ trợ các cơ quan Thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết.
6. Các sở, ban ngành tỉnh: có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc thực hiện việc cung cấp thông tin, tài liệu, xác nhận tài sản và nguồn thu nhập của người phải thi hành án cho các cơ quan thi hành án khi có yêu cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án có được thông tin về tài sản, nguồn thu nhập của người phải thi hành án để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành.
7. Đề nghị Tòa án nhân dân, Công an và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh:
Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; phối hợp rà soát, đối chiếu tang vật, tiền, tài sản tồn đọng để có biện pháp xử lý phù hợp, giải quyết dứt điểm; tổ chức thực hiện chức năng kiểm sát thi hành án dân sự theo quy định pháp luật.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức đoàn thể:
Tăng cường giám sát công tác thi hành án dân sự theo quy định pháp luật; kịp thời phản ánh những thiếu sót, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương như: giám sát việc chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của chấp hành viên, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án dân sự.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự cho các cơ quan, tổ chức và tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự.
b) Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, thành phố. Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh kiện toàn tổ chức, bộ máy của Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố; đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
c) Chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thi hành án dân sự trên địa bàn; tổ chức tốt việc cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Chi cục Thi hành án dân sự. Chỉ đạo kịp thời việc đăng ký, chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án theo quy định pháp luật.
d) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc tăng cường phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ; cung cấp thông tin, tài liệu, xác nhận tài sản và thu nhập của người phải thi hành án cho các cơ quan thi hành án khi có yêu cầu; tạo điều kiện cho người được thi hành án có được thông tin về tài sản, nguồn thu nhập của người phải thi hành án để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành.
đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tăng cường phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự thi hành có hiệu quả các vụ việc thi hành án trên địa bàn.
Căn cứ Chỉ thị này, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Giao Cục Thi hành án dân sự tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; định kỳ 6 tháng, năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 02/2007/CT-UBND ngày 17/01/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |