Quyết định số 40/2010/QĐ-UBND ngày 03/12/2010 Về Quy định phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 40/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Nông
- Ngày ban hành: 03-12-2010
- Ngày có hiệu lực: 13-12-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-12-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1817 ngày (4 năm 11 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-12-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2010/QĐ-UBND | Gia Nghĩa, ngày 03 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12/06/2008;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/04/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Căn cứ Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/07/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư liên tịch 20/2008/TTLT-BXD-BNV ngày 16/12/2008 của Bộ Xây dựng – Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành xây dựng;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 646/TTr-SXD ngày 20/09/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND ngày 21/07/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG
(Ban hành theo Quyết định số 40/2010/QĐ-UBND ngày 03/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này áp dụng đối với công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (không phân biệt quy mô, nguồn vốn, bao gồm cả công trình ngầm) trong phạm vi toàn tỉnh Đăk Nông, trừ các công trình thuộc lĩnh vực bí mật quốc gia, công trình quốc phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Điều 3. Nguyên tắc chung
Quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Nhà thầu xây dựng, Tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng và bảo hành, bảo trì công trình; kịp thời khắc phục các sai sót để ngăn ngừa, hạn chế các hậu quả gây thiệt hại, lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng công trình, đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và hiệu quả khai thác, sử dụng công trình.
Điều 4. Mục tiêu quản lý
1. Phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhằm xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
2. Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Xây dựng với các Sở, Ngành và các cấp chính quyền để thống nhất quản lý nhằm tránh chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng quản lý, kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo pháp luật, phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương.
Điều 5. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chứng nhận chất lượng công trình là hoạt động kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực; kiểm tra, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.
2. Kiểm định chất lượng là hoạt động kiểm tra chất lượng vật tư, cấu kiện, công trình xây dựng của chủ đầu tư và các tổ chức, nhà thầu khác có liên quan.
3. Giám định chất lượng là hoạt động kiểm tra chất lượng vật tư, cấu kiện, công trình xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước.
4. Giám định sự cố là hoạt động khảo sát, đánh giá mức độ và nguyên nhân gây ra sự cố công trình xây dựng.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 6. Trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Sở Xây dựng
Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi toàn tỉnh không phân biệt quy mô, nguồn vốn. Chịu trách nhiệm chung về quản lý chất lượng toàn bộ các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các công trình xây dựng dân dụng (trừ các công trình quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Quy định này), hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình sản xuất vật liệu xây dựng.
Điều 7. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các Sở: Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp và các cơ quan khác có liên quan
1. Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng các công trình giao thông (trừ giao thông đô thị).
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng các công trình thỦy lợi vừa và nhỏ và chương trình mục tiêu cấp, thoát nước nông thôn.
3. Sở Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng các công trình công nghiệp (trừ sản xuất vật liệu xây dựng).
4. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng các công trình hạ tầng thông tin truyền thông.
5. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng máy móc, thiết bị công nghệ được lắp đặt trong công trình xây dựng.
6. Công an tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng các công trình đảm bảo an ninh xã hội; Công trình phục vụ phòng cháy, chữa cháy; Các hạng mục đảm bảo an toàn cháy, nổ.
7. Ban Quản lý khu công nghiệp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong các khu công nghiệp thuộc thẩm quyền mình phụ trách.
Điều 8. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Ủy ban nhân dân các huyện và thị xã (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng trong phạm vi địa giới do mình quản lý:
a) Các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước: Công trình do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư.
b) Các công trình sử dụng nguồn vốn khác (trừ vốn do trung ương quản lý): Các công trình sử dụng vốn do nhân dân đóng góp và các công trình khác theo quy định khi xây dựng không phải lập dự án đầu tư.
Điều 9. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã).
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Phòng Công Thương của Ủy ban nhân dân huyện hoặc Phòng Quản lý đô thị của Ủy ban nhân dân thị xã quản lý về chất lượng công trình đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng thuộc cấp mình quyết định đầu tư, các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ và các công trình sử dụng vốn do nhân dân đóng góp xây dựng trên địa bàn; theo dõi và thông tin kịp thời các hiện tượng vi phạm trong quản lý chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình phụ trách tới Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Chương III
NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 10. Nội dung quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với Sở Xây dựng
1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các Quy phạm Pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
2. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phù hợp với thực tế của tỉnh.
3. Ban hành và phổ biến các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, gồm các khâu: Lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu (về khối lượng, chất lượng), bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng; Hướng dẫn các biện pháp đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, cảnh báo sự cố công trình.
4. Kiểm tra, thanh tra hoạt động của các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh, báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra và kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có) với Bộ Xây dựng theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện, các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
6. Lập và thông báo kế hoạch kiểm tra định kỳ về chất lượng công trình xây dựng trước ngày 20 tháng 02 hàng năm gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ đầu tư, các Sở, Ngành có liên quan để theo dõi, phối hợp thực hiện.
7. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; xử lý các vi phạm trong việc quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật.
8. Phối hợp với Sở quản lý xây dựng chuyên ngành kiểm tra chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
9. Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp và các ngành (nếu cần) khi kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng trong các khu công nghiệp theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.
10. Hướng dẫn Chủ đầu tư, Chủ sở hữu, Chủ quản lý sử dụng về công tác bảo hành, bảo trì công trình xây dựng; Nghiệp vụ giải quyết sự cố đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả giải quyết sự cố của Chủ đầu tư, Chủ sở hữu, Chủ quản lý sử dụng.
11. Hướng dẫn thực hiện việc giao nộp và lưu trữ hồ sơ, tài liệu khảo sát, thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn công công trình xây dựng.
12. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kiểm định chất lượng, chứng nhận chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn giải quyết khiếu nại trong việc thực hiện chứng nhận chất lượng công trình.
13. Hướng dẫn, tổ chức hoặc chỉ định tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện việc giám định chất lượng, giám định sự cố khi công trình xây dựng xảy ra sự cố trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.
14. Chỉ đạo cho Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch xây dựng tỉnh Đăk Nông trực thuộc Sở Xây dựng (là đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Sở Xây dựng, có phòng thí nghiệm LAS-XD hợp chuẩn, thuộc mạng lưới kiểm định chất lượng công trình xây dựng) tham mưu cho Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện các việc: Kiểm định chất lượng, giám định chất lượng, chứng nhận chất lượng và giám định sự cố công trình xây dựng.
15. Tổng hợp, báo cáo Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời giúp Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh định kỳ trước ngày 15 tháng 6 (đối với báo cáo 6 tháng), trước ngày 15 tháng 12 (đối với báo cáo năm) và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu của Bộ Xây dựng.
Điều 11. Nội dung quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các Sở có quản lý xây dựng chuyên ngành: Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông
1. Thực hiện quy định tại các khoản: khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 6, khoản 7 Điều 10 của Quy định này đối với lĩnh vực chuyên ngành.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện quy định tại các khoản: khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11 Điều 10 của Quy định này đối với lĩnh vực chuyên ngành.
3. Kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các quy định quản lý nhà nước về chất lượng công trình đối với lĩnh vực chuyên ngành.
4. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở Xây dựng định kỳ (6 tháng, 1 năm), đột xuất về việc tuân thủ các quy định về chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn toàn tỉnh.
Điều 12. Nội dung quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với Ban Quản lý khu công nghiệp
1. Thực hiện quy định tại các khoản: khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 6, khoản 7, khoản 11 Điều 10 của Quy định này đối các công trình xây dựng trong khu công nghiệp do mình quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý xây dựng chuyên ngành thực hiện quy định tại các khoản: khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11 Điều 10 của Quy định này đối các công trình xây dựng trong khu công nghiệp do mình quản lý.
3. Báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở Xây dựng định kỳ (6 tháng, 1 năm), đột xuất theo yêu cầu của Sở Xây dựng về việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng các công trình xây dựng trong khu công nghiệp do mình quản lý.
Điều 13. Nội dung quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với các Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Đề xuất để Sở Xây dựng nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phù hợp với thực tế của địa phương.
2. Lập danh mục, theo dõi các công trình khởi công xây dựng trên địa bàn; Định kỳ 6 tháng/1 lần báo cáo về Sở Xây dựng và Sở quản lý xây dựng chuyên ngành (đối với công trình xây dựng chuyên ngành).
3. Lập và thông báo cho các Chủ đầu tư, các cơ quan có liên quan kế hoạch kiểm tra định kỳ vào đầu năm và gửi về Sở Xây dựng trước ngày 15 tháng 02 hàng năm để theo dõi, phối hợp thực hiện.
4. Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn.
5. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý xây dựng chuyên ngành, các cơ quan liên quan khi có yêu cầu phối hợp kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
6. Tổ chức thực hiện việc giao nộp và lưu trữ hồ sơ, tài liệu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn công công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (đối với công trình xây dựng chuyên ngành).
7. Phổ biến, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, các Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, Ngành về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, không ban hành các quy định riêng.
8. Hướng dẫn Chủ đầu tư, Chủ sở hữu, Chủ quản lý sử dụng về công tác bảo hành, bảo trì công trình xây dựng, giải quyết sự cố công trình trên địa bàn. Tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng và Sở quản lý xây dựng chuyên ngành (đối với công trình xây dựng chuyên ngành) về kết quả giải quyết sự cố của Chủ đầu tư, Chủ sở hữu, Chủ quản lý sử dụng.
9. Kiểm tra, thống kê tình trạng công trình xây dựng bao gồm cả nhà ở đã xuống cấp trên địa bàn; Đề xuất biện pháp giải quyết đối với những công trình không đảm bảo an toàn cho người sử dụng; Kiểm tra công tác bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn;
10. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở Xây dựng, Sở quản lý xây dựng chuyên ngành, định kỳ (6 tháng, 1 năm), đột xuất về việc tuân thủ các quy định về chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn.
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường trong việc quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thực hiện các quy định hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Lập danh mục, theo dõi tất cả các công trình khởi công xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Định kỳ (6 tháng, 1 năm) báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện thông qua Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Công thương.
3. Phân công cán bộ theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các nội dung trong giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ; đối với các công trình khác được xây dựng trên địa bàn thì theo dõi việc chấp hành các quy định về biển báo công trường, các điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường như: rào chắn, biển báo, màn che công trình, thoát nước thi công, thu gom nước thải, rác thải xây dựng, lán trại tạm, giấy phép sử dụng tạm thời hè, lòng đường.
4. Hướng dẫn chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng lập Hồ sơ sự cố công trình xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc phạm vi địa bàn; Theo dõi, lập danh mục công trình xảy ra sự cố trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Theo dõi, đánh giá sơ bộ chất lượng sử dụng tất cả các công trình trên địa bàn. Trường hợp phát hiện công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ hoặc các công trình lân cận công trình đang xây dựng có dấu hiệu không đảm bảo an toàn cho người sử dụng hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố sụp đổ, phải kịp thời khuyến cáo cho chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng; đồng thời báo cáo, đề xuất hướng xử lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện.
6. Tổng hợp, báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm và đột xuất với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Quản lý đô thị (đối với thị xã), Phòng Công Thương (đối với các huyện) về tình hình quản lý chất lượng công trình xây dựng, tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn xã.
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 15. Khen thưởng
1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng được khen thưởng theo quy định hiện hành của pháp luật.
2. Hàng năm, Sở Xây dựng tổ chức xét chọn các công trình xây dựng đạt chất lượng cao đề nghị Bộ Xây dựng tặng Huy chương vàng.
Điều 16. Xử lý vi phạm
1. Các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp phải thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quy định này.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp, nếu phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm xử lý hoặc kiến nghị cơ quan cấp trên xử lý theo quy định hiện hành.
3. Đối với các công trình (đã thi công xong) có nguy cơ sụp đổ, ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận: Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc phá dỡ công trình có nguy cơ sụp đổ trong phạm vi địa giới hành chính do mình phụ trách. Trường hợp Chủ sở hữu, Chủ quản lý sử dụng công trình không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế phá dỡ theo quy định hiện hành.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa, Ban Quản lý các khu công nghiệp, thực hiện Quy định này; định kỳ hàng năm, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gia Nghĩa tổ chức triển khai thực hiện Quy định này tới Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
3. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, các ngành, các cấp, các tổ chức, đơn vị và cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết kịp thời./.