Chỉ thị số 29/2011/CT-UBND ngày 29/08/2011 Về tăng cường thực hiện biện pháp để quản lý, bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu văn bản: 29/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 29-08-2011
- Ngày có hiệu lực: 08-09-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-12-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3402 ngày (9 năm 3 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 31-12-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2011/CT-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 8 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Qua gần 04 năm triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 22/2007/CT-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Kiểm lâm đã tích cực phối hợp với chính quyền các cấp và các ngành chức năng tuyên truyền giáo dục, tổ chức thực hiện việc bảo vệ và gây nuôi phát triển động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Đã tổ chức cứu hộ 1.881 cá thể động vật hoang dã các loại, trong đó có 24 loài quý, hiếm và thả về môi trường tự nhiên của chúng 1.333 cá thể động vật hoang dã; Lập biên bản, xử lý nhiều vụ vi phạm về động vật hoang dã, trong đó có 03 vụ phải khởi tố hình sự; Kiểm tra, giám sát chặt chẽ 230 tổ chức, cơ sở nuôi sinh sản và nuôi sinh trưởng động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo tồn và phát triển động vật hoang dã, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, có sản phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, vì vậy đã hạn chế, giảm thiểu được tình trạng vận chuyển, mua, bán, nuôi, nhốt, giết mổ trái phép động vật hoang dã.
Tuy nhiên, việc mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của chúng vẫn còn xảy ra với các thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn.
Để tăng cường công tác phối hợp triển khai đồng bộ giữa các Sở, ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển động vật hoang dã trên địa bàn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị như sau:
1. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm:
a) Tăng cường thực hiện nghiêm Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 3417/CT-BNN-KL ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý động vật hoang dã.
b) Kiểm tra, rà soát, thống kê toàn bộ các điều kiện về nguồn gốc động vật hoang dã gây nuôi, chuồng trại gây nuôi đối với các tổ chức, cá nhân gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật; Cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý, đảm bảo phản ánh đúng thực trạng hoạt động gây nuôi và trồng cấy nhân tạo, phát triển các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp trên địa bàn; ngăn ngừa tình trạng lạm dụng mua bán, kinh doanh động vật hoang dã trái phép.
c) Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Kiên quyết xử lý, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đối với tổ chức, cá nhân vi phạm và không đủ điều kiện gây nuôi theo quy định của pháp luật.
d) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm tra, kiểm soát, quản lý, gây nuôi động vật hoang dã không phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố; các văn bản quản lý của các cấp chưa chặt chẽ, còn có sơ hở dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm; trên cơ sở đó tham mưu đề xuất cơ quan thẩm quyền bãi bỏ hoặc sửa đổi cho phù hợp.
đ) Chi Cục Kiểm lâm chủ động có kế hoạch phối hợp với Công an, Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường, Hải quan cửa khẩu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã trong công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, kinh doanh, gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn. Phối hợp các cơ quan chuyên môn liên quan nghiên cứu, biên soạn, xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng trị bệnh cho động vật hoang dã gây nuôi và kỹ thuật bảo đảm an toàn cho người nuôi dưỡng, chăm sóc động vật hoang dã, đảm bảo mọi đối tượng khi tham gia việc nuôi dưỡng, chăm sóc động vật hoang dã đều có kiến thức kỹ năng về nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng trị bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh cho động vật hoang dã gây nuôi.
e) Tổ chức thực hiện tốt công tác cứu hộ cá thể động vật hoang dã, trả về môi trường tự nhiên của chúng theo quy định của pháp luật.
2. Giao Công an thành phố, Sở Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc có trách nhiệm hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, các chợ, các địa điểm kinh doanh, các trục đường giao thông, khu dân cư, hộ gia đình có nuôi nhốt động vật hoang dã để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, giết mổ, quảng cáo trái phép động vật hoang dã.
3. Giao Cục Hải quan thành phố có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu động vật hoang dã trái phép hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã không hợp pháp tại các cửa khẩu trên địa bàn thành phố và phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
4. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tăng cường chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trên địa bàn, đặc biệt đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế không tổ chức đưa khách tham quan đến các điểm kinh doanh, giết mổ, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã.
5. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài và các phương tiện thông tin công cộng khác chủ động tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của nhà nước về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.
6. Giao Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp về mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trên địa bàn theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tích cực phối hợp, hỗ trợ cơ quan Kiểm lâm địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã; Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chủ động tổ chức và phối hợp với lực lượng Kiểm lâm địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc săn bắn, bẫy, bắt trái phép động vật hoang dã trong rừng phòng hộ Cần Giờ.
Giám đốc các Sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, các đơn vị chức năng liên quan có trách nhiệm triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này và đưa vào nội dung tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng hàng năm./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |