cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 30/2010/QĐ-UBND ngày 01/12/2010 Ban hành Quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu văn bản: 30/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Ngày ban hành: 01-12-2010
  • Ngày có hiệu lực: 11-12-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-12-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3673 ngày (10 năm 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 31-12-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 31-12-2020, Quyết định số 30/2010/QĐ-UBND ngày 01/12/2010 Ban hành Quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 33/2020/QĐ-UBND ngày 24/11/2020 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành trong lĩnh vực lâm nghiệp”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 30/2010/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 01 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1554/SNN-PTNT ngày 21/10/2010, ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 01/BC-STP ngày 02/01/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2477/QĐ-UB ngày 15/12/1994 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành Quy trình phòng cháy chữa cháy rừng.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện; Giám đốc các BQL: Rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham, Rừng phòng hộ Khu Đông huyện Ba Tơ, Rừng phòng hộ Khu Tây huyện Ba Tơ, Rừng phòng hộ huyện Trà Bồng, Rừng phòng hộ huyện Minh Long, Rừng phòng hộ huyện Sơn Tây, Rừng phòng hộ huyện Tây Trà; Giám đốc các BQL Dự án cơ sở: Lâm nông nghiệp Đức Phổ, Lâm nông nghiệp Mộ Đức, Lâm nông nghiệp Bình Sơn, 661 Dung Quất, Lâm nông nghiệp Nghĩa Thọ - Nghĩa Sơn; Giám đốc BQL Dự án Lâm viên Thiên Ấn; Giám đốc các doanh nghiệp: Công ty Lâm nghiệp Sông Re, Công ty Lâm nghiệp Trà Tân, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ, Công ty Nông nghiệp 24/3, Lâm trường Trà Bồng và thủ trưởng các Sở ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2010/QĐ-UBND ngày 01/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này qui định về biện pháp kỹ thuật, tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị, đầu tư kinh phí, chế độ, chính sách và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có các hoạt động liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 3. Các hành vi bị cấm trong rừng, ven rừng

1. Đốt lửa, sử dụng lửa trong phân khu bảo vệ rừng phòng hộ rất xung yếu.

2. Đốt lửa, sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô.

3. Đốt lửa, sử dụng lửa gần kho, bãi gỗ khi có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V.

4. Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, hạ cây rừng và đốt để lấy than ở trong rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh.

5. Đốt nương, rẫy, đồng ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng.

6. Các hành vi khác trực tiếp gây ra nguy cơ cháy rừng.

Điều 4. Chính sách đối với người tham gia chữa cháy rừng

1. Người tham gia chữa cháy rừng mà không phải là lực lượng của chủ rừng được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng tiền tương ứng với ngày công lao động nghề rừng phổ biến ở địa phương mình.

2. Người trực tiếp chữa cháy, người tham gia chữa cháy rừng mà hy sinh, bị thương, bị tổn hại sức khỏe thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Hoàn trả và bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để chữa cháy rừng

1. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để phục vụ chữa cháy rừng được hoàn trả sau khi chữa cháy; trường hợp phương tiện, tài sản bị mất mát, hư hỏng, nhà, công trình bị phá dỡ, diện tích rừng bị chặt hạ thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí bồi thường thiệt hại được cấp từ ngân sách nhà nước.

Tài sản huy động chữa cháy rừng của chủ rừng nào thì chủ rừng đó có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng

1. Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;

2. Xây dựng, ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi rừng mình quản lý;

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, dự án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy đối với khu vực rừng mình quản lý;

4. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng; thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng;

5. Kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy rừng và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng theo thẩm quyền;

6. Đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định; bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của Nhà nước đã ban hành;

7. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng, thông báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cơ quan quản lý trực tiếp những thay đổi lớn có liên quan đến bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý;

8. Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;

9. Thực hiện các hoạt động phòng cháy, chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

10. Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.

Chương II

PHÒNG CHÁY RỪNG

Mục 1: ĐIỀU KIỆN AN TOÀN VỀ PHÒNG CHÁY RỪNG

Điều 7. Các biện pháp phòng cháy rừng

1. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng trong cán bộ và nhân dân.

2. Xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng.

3. Quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở trong rừng và ven rừng.

4. Áp dụng các giải pháp làm giảm vật liệu cháy hoặc làm giảm độ khô nỏ của vật liệu cháy trong rừng.

5. Áp dụng các biện pháp phòng chống cháy lan.

6. Tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy rừng.

7. Các biện pháp phòng cháy khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng

1. Điều kiện chung:

a) Có quy định, nội quy, biển báo, biển cấm lửa được bố trí tại các vị trí quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng;

b) Có các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng;

c) Có các quy trình, giải pháp phòng chống cháy lan phù hợp với điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy của từng loại rừng;

d) Có trang bị các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo quy định;

đ) Có lực lượng phòng cháy, chữa cháy được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ;

e) Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

2. Đối với các khu rừng dễ cháy, ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này còn phải áp dụng biện pháp tu bổ công trình phòng cháy, chữa cháy rừng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng xong trước mùa khô hàng năm, tổ chức tuần tra canh gác vào thời gian cao điểm có nguy cơ cháy cao.

3. Đối với các khu rừng có đường sắt, đường dây điện cao thế, đường ống dẫn khí đốt, dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ đi qua phải có đường băng cản lửa, hành lang an toàn phù hợp với từng loại công trình theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa.

Điều 9. Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy đối với dự án trồng rừng

1. Khi lập dự án trồng rừng phải có giải pháp thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm các nội dung sau:

a) Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan giữa các lô, khoảnh và tiểu khu rừng phù hợp với đặc điểm của từng loại rừng;

b) Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan đến đường sắt, hệ thống đường dây điện cao thế, đường ống dẫn khí đốt, dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, nhà và công trình hiện có;

c) Hệ thống quan sát, thông tin phát hiện và báo cháy rừng;

d) Nguồn nước, hệ thống cấp nước chữa cháy và các phương tiện chữa cháy khác đảm bảo yêu cầu phục vụ chữa cháy, phù hợp với đặc điểm của từng loại rừng;

đ) Dự toán thiết kế phải đảm bảo đủ kinh phí cho việc thực hiện các hạng mục công trình phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Đối với dự án trồng rừng tập trung, rừng quy mô lớn và thuộc loại rừng dễ cháy, trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải có ý kiến chấp thuận về các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng của cơ quan Kiểm lâm và cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền.

Điều 10. Kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng

1. Kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng được tiến hành theo các nội dung sau:

a) Việc thực hiện các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng quy định tại Điều 8 của Quy định này và các quy định khác của pháp luật;

b) Việc chấp hành các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng và các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy rừng của người hoặc cơ quan có thẩm quyền.

2. Kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng được tiến hành theo chế độ kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất.

3. Trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng: Lực lượng Kiểm lâm; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện phải có trách nhiệm phối hợp kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng theo chế độ kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều này; trong đó, lực lượng Kiểm lâm chủ trì, các lực lượng khác phối hợp để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác kiểm tra.

Mục 2: DỰ BÁO CHÁY RỪNG VÀ THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 11. Cấp dự báo, báo động và biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

1. Cấp dự báo cháy rừng:

Cấp dự báo cháy rừng gồm 5 cấp, từ cấp I đến cấp V;

Ký hiệu biển báo cấp cháy rừng là ½ hình tròn có đường kính vành ngoài 2,5 m, vành trong 1,8 m, nền trắng, xung quanh viền màu đỏ, có mũi tên quay chỉ cấp dự báo cháy rừng từ cấp I đến cấp V, được thể hiện về mầu sắc và đặc trưng của cấp dự báo: cấp I: mầu xanh đậm; cấp II: mầu xanh nhạt; cấp III: mầu vàng; cấp IV: mầu đỏ; cấp V: mầu đỏ tươi.

2. Báo động cấp cháy và biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng:

a) Báo động cấp I: Cấp cháy thấp, trên biển báo mũi tên chỉ số I; ít có khả năng cháy rừng.

- Chủ tịch UBND xã chỉ đạo Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của xã (sau đây gọi tắt là Ban chỉ huy) và các chủ rừng triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, tuyên truyền giáo dục về phòng cháy, chữa cháy rừng và đốt nương rẫy đúng kỹ thuật.

b) Báo động cấp II: Cấp cháy trung bình, trên biển báo mũi tên chỉ số

II; thời tiết hơi khô, có khả năng cháy rừng.

- Chủ tịch UBND xã chỉ đạo Ban chỉ huy cấp xã và các chủ rừng tăng cường kiểm tra, đôn đốc bố trí người canh phòng, lực lượng sẵn sàng kịp thời dập tắt khi mới xảy ra cháy rừng, hướng dẫn kỹ thuật làm nương rẫy.

c) Báo động cấp III: Cấp cháy cao, trên biển báo mũi tên chỉ số III; thời tiết hanh khô, dễ xảy ra cháy rừng.

- Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Ban chỉ huy cấp huyện, Hạt Kiểm lâm đôn đốc việc phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng, cấm đốt nương rẫy.

- Các chủ rừng phải thường xuyên kiểm tra lực lượng canh phòng và lực lượng khoán quản lý bảo vệ rừng, nhất là rừng trồng.

- Lực lượng canh phòng trực 10/24 giờ trong ngày (từ 10h đến 20h). Đặc biệt chú trọng các giờ cao điểm.

- Khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND xã được quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy.

d) Báo động cấp IV: Cấp cháy nguy hiểm, trên biển báo mũi tên chỉ số IV; thời tiết hanh khô kéo dài, có nguy cơ cháy rừng lớn, tác hại cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng.

- Chủ tịch UBND huyện và Ban chỉ huy cấp huyện trực tiếp chỉ đạo việc phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương.

- Các chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm và cán bộ hợp đồng bảo vệ rừng 6 tháng mùa khô thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy.

- Lực lượng canh phòng phải thường xuyên trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng, đảm bảo trực 12/24 giờ trong ngày (từ 9h đến 21h) nhất là các giờ cao điểm; phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay.

- Huyện đề nghị tăng cường lực lượng, phương tiện chữa cháy khi cần thiết.

đ) Báo động cấp V: Cấp cháy cực kỳ nguy hiểm, trên biển báo mũi tên chỉ số V; thời tiết khô hanh, hạn, kiệt kéo dài liên tục, rất nguy hiểm, có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng và tốc độ lửa lan tràn nhanh, tác hại cháy rừng ở mức độ lớn cực kỳ nguy hiểm.

- Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Ban chỉ huy các cấp tỉnh, huyện, xã, các chủ rừng.

- Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm, đảm bảo trực 24/24 giờ trong ngày, tăng cường kiểm tra người và phương tiện vào rừng.

- Thông báo thường xuyên nội quy dùng lửa trong rừng và ven rừng.

- Khi xảy ra cháy rừng phải huy động lực lượng và phương tiện dập tắt ngay, tiến hành điều tra, xác minh vụ cháy và truy tìm thủ phạm xử lý nghiêm minh.

- Khi cần thiết, đề nghị Trung ương chi viện lực lượng và phương tiện chữa cháy.

Điều 12. Thông tin cấp dự báo cháy rừng

Các cơ quan dự báo phải thông báo kịp thời, thường xuyên đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, chủ rừng và người dân ở địa phương biết được mức độ về khả năng xuất hiện cháy rừng, cảnh giác và ngăn ngừa cháy rừng.

Nội dung dự báo ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện gồm:

- Thời gian có khả năng xảy ra cháy rừng.

- Địa điểm (vùng trọng điểm) có thể xảy ra cháy rừng.

- Cấp cháy, biện pháp phòng và chữa cháy rừng.

- Về tổ chức lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Điều 13. Phân vùng trọng điểm cháy rừng

Căn cứ tình hình tài nguyên rừng, các nguyên nhân ảnh hưởng đến cháy rừng và thực trạng cháy rừng xảy ra ở từng khu vực để xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn; xác lập vị trí các khu vực rừng dể xảy ra cháy lên bản đồ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bản đồ phòng cháy, chữa cháy rừng thể hiện các mặt:

- Loại rừng dễ cháy theo cấp tuổi: non, trung niên, thành thục;

- Hệ thống đường băng, chòi canh, bảng, biển;

- Hệ thống thông tin liên lạc;

- Hồ chứa nước, các nguồn nước khác;

- Trạm dự báo cháy rừng;

- Vị trí bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, phát hiện cháy và dập tắt cháy;

- Vùng dân cư phân bố ven rừng và trong rừng;

Thể hiện mầu sắc phải rõ ràng dễ nhận biết để thực hiện. Tỷ lệ bản đồ 1/50.000 hoặc 1/25.000 Bản đồ phân vùng trọng điểm cháy nhằm giúp cho công tác quản lý và điều hành về phòng cháy, chữa cháy rừng được thuận lợi và đạt hiệu quả cho từng vùng sinh thái rừng khác nhau của từng địa phương. Bản đồ này được đặt tại trụ sở làm việc, tại các chòi canh, trung tâm bảo vệ rừng của từng đơn vị.

Điều 14. Tuyên truyền, giáo dục về phòng cháy, chữa cháy rừng

1. Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục một cách thường xuyên, liên tục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nơi có rừng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều biện pháp và hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư; tổ chức cho cán bộ và nhân dân học tập, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ rừng.

2. Trước khi bước vào mùa khô, tại những nơi thường xuyên có khách đến tham quan, du lịch, ven đường quốc lộ, trường học ở gần những khu rừng trọng điểm dễ cháy phải tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm như: phim ảnh, đèn chiếu, panô, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi về phòng và chữa cháy rừng để giúp cho mọi người nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Xung quanh các khu rừng tập trung và khu rừng dễ cháy phải xây dựng các bảng biểu, biển báo hiệu cấp cháy rừng, bảng quy ước bảo vệ rừng, biển cấm lửa rừng... bố trí ở những nơi gần dân cư, trên các trục đường có nhiều người qua lại để thông tin, tuyên truyền trực quan về phòng cháy, chữa cháy rừng. Các bảng, biển này phải được tu sửa hàng năm.

Mục 3: CÁC BIỆN PHÁP LÂM SINH PHÒNG CHÁY RỪNG

Điều 15. Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng

Ủy ban nhân dân các cấp, các chủ rừng phải xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành. Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng được xây dựng cho tùng giai đoạn từ 3 đến 5 năm; hàng năm phải lập kế hoạch thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở từng khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy lớn; tổ chức diễn tập phương án chữa cháy rừng theo quy mô phù hợp với từng cấp độ chữa cháy rừng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.

1. Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phải đảm bảo các yêu cầu và nội dung cơ bản sau:

a) Đề ra chương trình kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp, điều kiện phòng cháy, chữa cháy rừng:

- Tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng trong toàn xã hội;

- Quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở trong rừng và ven rừng;

- Áp dụng các giải pháp làm giảm vật liệu cháy hoặc làm giảm độ khô nỏ của vật liệu cháy trong rừng;

- Áp dụng các biện pháp phòng chống cháy lan;

- Tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy rừng;

- Xây dựng các công trình và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Các biện pháp phòng cháy khác theo quy định của pháp luật.

b) Đề ra các tình huống cháy rừng cụ thể có thể xảy ra, khả năng cháy lan, phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau và tình huống cháy lớn phức tạp nhất.

c) Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh quy định mẫu "Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng" và thời hạn phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Điều 16. Xây dựng đường băng cản lửa

1. Đường băng cản lửa bao gồm đường băng trắng và đường băng xanh nhằm ngăn cách lửa rừng với nương rẫy, ruộng, vườn, điểm dân cư, đường giao thông, kho tàng, ... và phân chia khu rừng dễ cháy thành nhiều lô, khoảnh.

2. Khi lập dự án trồng rừng phải xây dựng các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan giữa các lô, khoảnh và tiểu khu rừng phù hợp với đặc điểm của từng loại rừng và các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng quy trình, giải pháp phòng chống cháy lan phù hợp với đặc điểm khu rừng và đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật; khi thiết kế trồng rừng tập trung, nhất thiết phải thiết kế và thi công ngay hệ thống đường băng trắng hoặc băng xanh gắn với qui hoạch xây dựng hệ thống đường giao thông trong các khu rừng.

4. Xây dựng đường băng trắng cản lửa: Chỉ được xây dựng đường băng trắng ở những nơi địa hình có độ dốc nhỏ hơn hoặc bằng 25o, làm đường băng trắng chỉ áp dụng từ 1 đến 2 năm đầu khi chưa có đủ điều kiện về kinh phí, lao động, giống cây con. Những năm sau đó phải tiến hành trồng ngay cây xanh trên băng để tiết kiệm đất và bảo vệ đất chống xói mòn rửa trôi.

5. Xây dựng đường băng xanh cản lửa: Phải xây dựng hệ thống đường băng xanh hỗn giao với nhiều loài cây khác nhau để tạo thành đai xanh có kết cấu nhiều tầng nhằm phát huy tác dụng vừa ngăn được cháy lan mặt đất và cháy lướt tán rừng, bao gồm:

a) Cự ly giữa các đường băng:

- Đường băng chính: Đối với rừng tự nhiên cách nhau từ 2-3 km, đối với rừng trồng cách nhau từ 1-2 km.

- Đường băng nhánh (phụ):

+ Đối với rừng tự nhiên: Có cự ly cách nhau từ 1 - 2 km.

+ Đối với rừng trồng: Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng nơi mà khoảng cách giữa các đường băng từ 300 - 500 m, đảm bảo sao cho diện tích rừng từ 20 - 30 ha có đường băng cản lửa bao quanh.

b) Độ rộng của đường băng:

Đối với rừng trồng đã khép tán và rừng tự nhiên độ rộng của đường băng phải lớn hơn chiều cao cây rừng.

- Đường băng chính: Độ rộng từ 15 - 25 m.

- Đường băng nhánh (phụ): Độ rộng tối thiểu từ 8 - 10 m.

c) Hướng của các đường băng cản lửa:

- Ở những nơi có độ dốc dưới 15 độ, đường băng phải vuông góc với hướng gió chính trong mùa cháy rừng.

- Đối với những nơi có địa hình phức tạp, độ dốc trên 15 độ, đường băng được bố trí trùng với đường đồng mức. Trong trường hợp có thể lợi dụng đường mòn, khe suối, đường dân sinh kinh tế miền núi để làm đường băng thì dọc 2 bên đường băng đó phải xây dựng một hoặc hai vành đai cây xanh cản lửa, mỗi đai có bề rộng từ 5 m đến 8 m, hàng năm phải chăm sóc, tu bổ băng cây xanh theo kỹ thuật chăm sóc rừng trồng.

d) Lựa chọn giống cây ở địa phương có sức chống chịu lửa tốt, cây chứa nhiều nước, có khả năng chịu nhiệt cao, có vỏ dày, lá có lông hoặc vảy, có sức tái sinh chồi và hạt mạnh, sinh trưởng và phát triển nhanh, không rụng lá trong mùa khô, không cùng sâu bệnh hại với cây trồng rừng hoặc không là ký chủ của sâu bệnh hại cây rừng.

Điều 17. Các biện pháp làm giảm nguồn vật liệu cháy

1. Dọn vệ sinh rừng:

a) Hàng năm vào đầu mùa khô (đầu tháng hai), ở những khu rừng dễ cháy, phải phát dọn thực bì theo giải, theo băng rộng từ 10 - 15 m dọc các đường giao thông, đường mòn, khu dân cư, kho tàng, ... Vật liệu khô được vun thành giải dài từ 6 - 8 m ở ngoài bìa rừng để đốt. Khi đốt, phải có người canh gác, đốt vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều lúc có gió nhẹ, đốt ngược chiều gió. Nhất thiết không được đốt vào lúc trưa hoặc thời điểm có gió mạnh.

b) Đối với rừng trồng trong giai đoạn chưa khép tán, hàng năm vào đầu mùa khô nóng phải tiến hành vệ sinh rừng, phát dọn sạch thực bì, dẫy cỏ quanh gốc cây trồng nhằm tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, đồng thời làm giảm nguồn vật liệu cháy.

c) Đối với khu rừng sau khai thác phải kết hợp chặt tu bổ với thu dọn cành nhánh, loại bỏ các cây già cỗi, cong queo, sâu bệnh, cây chết đứng và các loại vật liệu cháy khác dưới tán rừng để xử lý trước mùa khô.

2. Đốt trước nguồn vật liệu cháy:

Hàng năm, vào trước mùa khô tùy theo tình hình thời tiết quyết định đốt trước một số vật liệu cháy để làm giảm số lượng của chúng xuống đến mức khó xảy ra cháy và nếu có xảy ra cháy thì quy mô và tốc độ cháy không nguy hiểm lắm.

a) Xây dựng kế hoạch đốt trước: Kế hoạch đốt trước vật liệu cháy được xây dựng từ đầu năm cùng với kế hoạch thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Nội dung kế hoạch phải thể hiện rõ:

- Hiện trạng rừng, lịch sử cháy rừng và đốt chủ động của vùng rừng dự kiến đốt trước trong vòng 3 năm trước đó;

- Xác định từng lô rừng để đốt trước:

Yêu cầu mô tả: tên lô, vị trí, phạm vi, diện tích, trạng thái rừng, loại và cấp thực bì, độ dốc, các đường ranh ngăn lửa tự nhiên và nhân tạo sẵn có, tình hình hoạt động phòng cháy, tình hình sản xuất, tác động của con người có liên quan đến yêu cầu phòng cháy, tình hình tái sinh tự nhiên (nếu có)...

- Lập thiết kế đốt dọn thực bì trên từng lô rừng, bao gồm:

+ Thời gian dự kiến đốt dọn.

+ Thời điểm đốt: giới hạn thời điểm đốt trong ngày.

+ Thiết lập đường ranh ngăn lửa cháy lan: vị trí, độ dài, bề rộng đường ranh.

+ Cách tiến hành: bố trí các điểm phát lửa, trình tự phát lửa từng vị trí trên lô.

+ Dự kiến thời gian tiêu hao để hoàn thành đốt dọn trên lô.

+ Biện pháp an toàn, dự phòng các bất trắc.

+ Nhu cầu nhân lực: số người tham gia, số công thanh toán.

+ Nhu cầu và trang thiết bị cần thiết.

+ Dự toán kinh phí cho các khoản nhân công, vật tư cần thiết, xây dựng hồ sơ quản lý.

Thành quả thiết kế đốt trước gồm: bản đồ thiết kế tỷ lệ 1/10.000 và bản thuyết minh thiết kế dự toán.

Thiết kế đốt chủ động trong phòng cháy rừng phải được phê duyệt, quản lý, thực hiện như đối với một công trình xây dựng cơ bản lâm sinh hiện hành.

b) Xác định phạm vi, đối tượng rừng đốt trước:

Đối tượng rừng được chọn để tiến hành đốt trước trong kỳ là:

- Rừng trồng trên 2 năm chưa xảy ra cháy hoặc chưa tiến hành đốt dọn.

- Không bố trí đốt liền vùng, liền đồi trên diện tích lớn hơn 20 ha, nhất là nơi có độ dốc trên 15 độ, mà phải chia nhỏ thành từng lô có diện tích từ 5 đến 10 ha. Trong từng khoảnh có diện tích khoảng 100 ha, diện tích đốt dọn trong kỳ không được vượt quá 50 % diện tích khoảnh.

c) Xác định thời điểm đốt trước:

- Tùy theo diễn biến tình hình thời tiết từng năm, trên từng địa bàn cụ thể mà xác định thời điểm đốt thích hợp. Thường thì thời điểm đốt thích hợp là từ cuối mùa mưa vào tháng đầu của mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến giữa tháng 02 năm sau), không được phép kéo dài quá một tháng đầu mùa khô, nằm trong giới hạn dự báo cháy rừng cấp I đến cấp II.

- Thời điểm khống chế việc đốt trước trong ngày vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối lúc gió nhẹ.

- Để xác định thời điểm đốt thích hợp phải đốt thử nghiệm để kiểm tra mức độ bắt lửa của vật liệu cháy, sao cho vật liệu tinh có thể cháy được và chiều cao ngọn lửa không quá 1m, tốc độ lan tràn dưới 0,2 km/giờ (3 m/phút).

d) Biện pháp an toàn trong đốt trước:

- Nếu chiều cao ngọn lửa và tốc độ lan tràn vượt quá giới hạn cho phép phải tạm ngưng việc đốt dọn hoặc làm dịu ngọn lửa bằng bơm xịt nước.

- Không đốt ngược từ dưới dốc lên đối với những nơi dốc trên 15 độ.

- Không đốt xuôi chiều gió, trừ trường hợp tốc độ lan tràn của lửa thấp hoặc đốt từ đỉnh dốc xuống.

- Phải bố trí đủ nhân lực đề phòng khi lửa cháy lan, vượt tầm khống chế cho phép và phải trang bị bảo hộ lao động, dụng cụ chữa cháy cần thiết.

- Đốt xong tới đâu phải dập tắt lửa tới đó. Sau khi đốt phải kiểm tra dập tắt hoàn toàn các ổ lửa có nguy cơ lây lan, như các gốc cây, cành gãy ...

Điều 18. Xây dựng các hồ chứa nước

Phải quy hoạch, xây dựng sử dụng các khe, ao, hồ sẵn có để dự trữ nước cho việc chữa cháy rừng.

Kích thước hồ tối thiểu là 8m x 8m, độ sâu của nước trong mùa khô không ít hơn 1,5m, dung lượng nước không dưới 50m3, phải làm đường đi tới hồ, ở bên hồ phải có bãi đặt máy bơm đi lại thuận tiện nhanh chóng cho việc chữa cháy.

Điều 19. Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy để phòng cháy rừng

1. Lực lượng Kiểm lâm tham mưu cho UBND các cấp trong việc quy hoạch, quản lý canh tác nương rẫy. Quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy phải phù hợp với quy hoạch phát triển lâm nghiệp của từng địa phương và những quy định khác có liên quan. Trong việc quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy phải vạch rõ ranh giới, cắm mốc bảng, niêm yết ngoài thực địa, lập bản đồ quy hoạch phân loại đất đai giành cho sản xuất nương rẫy.

2. Trong những vùng được phép sản xuất nương rẫy, lực lượng Kiểm lâm phải hướng dẫn nhân dân phát dọn thực bì, phơi khô, vun thành giải rộng 2 - 3 m, giải nọ cách giải kia 5 - 6 m, giải sát bìa rừng phải cách xa rừng từ 6 đến 8 m, đốt lúc gió nhẹ vào buổi sáng hoặc chiều tối, đốt lần lượt từng giải theo thứ tự từ trên sườn đồi xuống chân đồi.

3. Trước khi đốt phải báo với Tổ quản lý bảo vệ rừng, Trưởng thôn hoặc cán bộ phụ trách lâm nghiệp của xã; khi đốt phải có người canh gác, cứ 10 - 15 m phải có một người canh gác trên băng. Tuyệt đối không được để lửa cháy lan vào các khu rừng lân cận. Đốt xong, kiểm tra toàn bộ nương khi lửa tắt hẳn mới ra về.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy với giao đất, giao rừng, định canh, định cư, xây dựng kinh tế vườn rừng, trại rừng, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật và chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi; giữ cho rừng an toàn về lửa trong suốt mùa khô hanh.

Điều 20. Các biện pháp phát hiện sớm điểm cháy rừng

1. Biện pháp quan sát từ chòi canh lửa rừng:

Các khu rừng tập trung có diện tích từ 500 ha trở lên phải xây dựng hệ thống chòi canh đảm bảo kiểm soát được các điểm cháy xuất hiện trên toàn bộ diện tích khu rừng.

a) Chòi canh phát hiện cháy rừng phải được bố trí ở những nơi có tầm nhìn xa nhất (tối thiểu từ 5 - 10 km) để dễ dàng phát hiện các đám khói hoặc lửa rừng bốc lên, dự báo được mức độ lửa cháy to hay nhỏ để huy động kịp thời lực lượng và phương tiện đến dập tắt lửa ngay tại chỗ, không để lửa cháy lan.

b) Chòi canh phát hiện cháy rừng phải cao hơn chiều cao của cây rừng, chiều cao tối thiểu của chòi là từ 15 - 20 m; gồm có 2 loại:

- Chòi chính: đặt ở vị trí trung tâm của khu rừng, có tầm nhìn xa từ 10 - 15km. Chòi được làm bằng nguyên liệu bền, chắc như sắt, gỗ.

- Chòi phụ: số lượng chòi phụ nhiều hơn chòi chính, được bố trí trong toàn bộ hệ thống chòi canh, có tầm nhìn xa từ 5 - 10 km.

Chòi chính và chòi phụ được bố trí theo mạng lưới tam giác đều, chòi chính đặt ở trung tâm tam giác, chòi phụ đặt ở 3 đỉnh của tam giác.

c) Xây dựng chòi canh phải đảm bảo một số yêu cầu sau:

- Phải có thang lên xuống thuận tiện.

- Xung quanh chân chòi phải phát dọn sạch thực bì trong phạm vi bán kính từ 30 - 50 m để đề phòng cháy rừng, lửa lan đến chòi.

- Trên chòi là một gian nhà có 4 cửa để quan sát mọi phía, có trang bị dụng cụ chống sét, mái che mưa nắng.

- Có bản đồ toàn bộ khu vực rừng cần bảo vệ, địa bàn cầm tay, ống nhòm, kẻng báo động, cờ hiệu, có hệ thống thông tin về cháy rừng.

- Ở dưới chân chòi chính cần làm một gian nhà có giường nghỉ ngơi, bàn làm việc cho nhóm công tác từ 2 - 3 người.

d) Mỗi chòi canh phân công từ 2 đến 3 người thay phiên nhau làm nhiệm vụ trong suốt mùa cháy rừng từ tháng 02 đến tháng 8 hàng năm.

- Thời gian quan trắc từ chòi canh theo cấp dự báo cháy rừng:

+ Khi dự báo cháy rừng ở cấp II phải quan trắc từ 10 - 17 giờ hang ngày.

+ Khi dự báo cháy rừng ở cấp III phải quan trắc từ 9 - 18 giờ hàng ngày.

+ Khi dự báo cháy rừng ở cấp IV phải quan trắc từ 8 - 22 giờ hàng ngày.

+ Khi dự báo cháy rừng ở cấp V phải quan trắc liên tục 24 giờ hàng ngày.

- Thời gian giãn cách giữa 2 lần quan trắc kế tiếp tối đa như sau:

+ Dự báo cháy rừng ở cấp III khoảng giãn cách giữa 2 lần quan trắc là 30 phút.

+ Dự báo cháy rừng ở cấp IV khoảng giãn cách giữa 2 lần quan trắc là 20 phút.

+ Dự báo cháy rừng ở cấp V khoảng giãn cách giữa 2 lần quan trắc là 10 phút.

2. Tuần tra phát hiện lửa rừng:

Với những khu rừng có diện tích dưới 500 ha, không có chòi canh hoặc những khu rừng gần khu dân cư, khu du lịch,... phải tổ chức tuần tra phát hiện lửa rừng hoặc kết hợp phát hiện lửa rừng bằng tuần tra với quan sát tại chòi canh. Việc tuần tra phải đảm bảo phát hiện lửa rừng kịp thời khi đám cháy mới hình thành.

3. Kiểm soát ngăn chặn người vào rừng:

Vào mùa khô nóng phải bố trí lực lượng, tăng cường các điểm chốt chặn kiểm soát người ra vào rừng, nghiêm cấm các hoạt động trái phép gây phát sinh lửa trong rừng.

4. Báo động khi xảy ra cháy rừng:

Khi phát hiện có đám cháy rừng, người quan sát trên chòi canh hoặc người tuần tra phải xác định rõ tọa độ đám cháy ở lô, khoảnh nào, mức độ cháy và thông báo ngay cho chủ rừng hoặc Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở nhanh chóng ra lệnh điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng tùy theo mức độ cháy.

Lực lượng trực chòi canh, tuần tra phát hiện lửa rừng và kiểm soát người ra vào rừng do chủ rừng chịu trách nhiệm bố trí và tổ chức hoạt động.

Chương III

CHỮA CHÁY RỪNG

Mục 1: BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 21. Yêu cầu chữa cháy rừng cháy.

Chữa cháy rừng phải đảm bảo 3 yêu cầu sau:

1. Dập tắt lửa phải khẩn trương, kịp thời, triệt để.

2. Hạn chế ở mức thấp nhất sự thiệt hại về mọi mặt.

3. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện, dụng cụ chữa

Điều 22. Kỹ thuật chữa cháy rừng

1. Biện pháp chữa cháy trực tiếp: Là sử dụng tất cả các phương tiện từ thủ công đến cơ giới hiện đại, như máy phun nước và hóa chất tác động trực tiếp vào đám cháy để dập tắt lửa, có tác dụng rất tốt đối với những đám cháy nhỏ diện tích dưới 1 ha, được áp dụng với các đám cháy lan mặt đất và cháy ngầm.

2. Biện pháp chữa cháy gián tiếp: Là biện pháp dùng phương tiện, lực lượng để giới hạn đám cháy, được áp dụng cho các đám cháy lớn, diện tích trên 1 ha và diện tích của khu rừng còn lại rất lớn.

a) Giới hạn đám cháy bằng băng trắng ngăn lửa:

- Băng trắng ngăn lửa được làm ở phía trước đám cháy và có xu hướng cong về hai phía của ngọn lửa tùy theo diện tích cháy, tốc độ gió và địa hình. Chiều dài và khoảng cách giữa băng ngăn lửa với đám cháy tùy thuộc vào tốc độ lan tràn của đám cháy. Nhưng phải đảm bảo sau khi thi công xong thì đám cháy mới đến băng ngăn lửa.

- Khi thiết kế băng phải lợi dụng địa hình sông, suối, sườn dông, đường mòn, đường giao thông hoặc các đường băng đã thiết kế trước đây để vạch hướng đường băng đảm bảo thi công nhanh, đạt hiệu quả cao.

- Đường băng trắng có chiều rộng từ 15 - 20 m. Nếu tốc độ gió lớn, đám cháy lan tràn nhanh thì chiều rộng của băng có thể 20 - 30 m.

- Trên băng được tiến hành chặt trắng toàn bộ cây, dọn sạch cành nhánh, cỏ và vật liệu cháy khác. Nếu có điều kiện thì cuốc hoặc cày, đất được hất về phía đám cháy nhằm góp phần ngăn chặn đám cháy.

b) Giới hạn đám cháy bằng các băng đốt trước:

- Xây dựng các băng đốt trước để giới hạn đám cháy có nghĩa là dung lửa dập lửa. Cụ thể ở phía trước đám cháy, cách đám cháy không xa, chọn 2 băng song song bao quanh trước đám cháy góp phần nhanh chóng hạn chế sự lan tràn của lửa ra các vùng lân cận.

- Vị trí của băng đốt trước cách đám cháy phụ thuộc vào tốc độ thi công và tốc độ lan tràn của đám cháy. Khoảng cách phải đảm bảo làm sao khi thi công xong thì đám cháy mới tiến tới. Do vậy, người chỉ huy chữa cháy phải nắm chắc dự báo và thông báo về tốc độ gió trong khi chữa cháy.

- Trên hai băng đó tiến hành dọn sạch tất cả các vật liệu cháy ra bên ngoài về phía giữa hai băng, dùng lửa đốt cháy theo từng đoạn một, khi đốt phải thận trọng, không để lửa bốc cao và lan tràn ra ngoài.

- Cự ly giữa hai băng dọn sạch vật liệu cháy, phụ thuộc vào tốc độ gió và quy mô của đám cháy. Nếu tốc độ gió từ 9 - 15 km/giờ thì khoảng cách giữa 2 băng từ 20 - 30 m, nếu tốc độ gió trên 18 km/giờ thì khoảng cách giữa 2 băng từ 30 - 50 m.

Điều 23. Đảm bảo an toàn trong chữa cháy rừng

Trong quá trình chữa cháy rừng, trước hết phải bảo đảm an toàn cho người tham gia chữa cháy. Do vậy, cần thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Nắm chắc đặc điểm vùng rừng dễ cháy:

- Kiểm lâm phụ trách địa bàn, cán bộ quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng phải nắm vững tình hình rừng, thảm tươi cây bụi, đường mòn, dông, sông suối, nguồn nước, tình hình dân sinh kinh tế, lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương.

- Khi xảy ra cháy rừng phải nắm chắc vị trí, tọa độ đám cháy, mức độ quy mô đám cháy, tốc độ gió để huy động lực lượng, phương tiện chính xác, tránh lãng phí.

- Mọi người tham gia chữa cháy rừng cần phải hiểu rõ các quy định về phòng cháy và kỹ thuật an toàn khi chữa cháy, không để người bệnh tật, yếu sức khỏe đi chữa cháy.

2. Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy:

- Phải chuẩn bị dụng cụ, phương tiện đầy đủ đảm bảo sử dụng tốt.

- Các công cụ thủ công phải được mài, dũa, chêm chắc chắn và sắp xếp ngăn nắp theo thứ tự.

- Các máy móc phải được lau chùi, sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên, bảo đảm vận hành tốt. Khi sử dụng máy móc hóa chất phải thực hiện nghiêm chỉnh quy trình kỹ thuật.

3. Bố trí lực lượng chữa cháy:

- Lực lượng chữa cháy phải được phân chia thành tổ từ 10 - 15 người, nhóm từ 3 - 5 người, có người chỉ huy thống nhất và phải được tập huấn nghiệp vụ trước khi bước vào mùa khô nóng.

- Khi đi chữa cháy phải chuẩn bị đầy đủ nước uống từ 5 - 6 lít cho một người, lương khô dự trữ từ 2 - 3 ngày.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, nhất là thuốc bỏng, bông băng cấp cứu, hồi sức.

- Nếu công việc chữa cháy kéo dài, việc ăn sau đó phải được các chủ rừng cung cấp và những người tham gia chữa cháy phải được thay ca, nghỉ ngơi.

- Nơi tập kết những người chữa cháy phải ở cách xa phía sau đám cháy, cự ly là 100 m, xung quanh khu tập kết phải làm băng trắng để tránh lửa lan đến.

- Khi chữa cháy trong trường hợp đốt trước, người tham gia chữa cháy không được đi lại trong vùng giữa băng cản lửa với đám cháy để tránh bị cháy hay bị ngã sập xuống hố lửa.

- Khi dập lửa ở sườn dốc trên 20o không được đi lại ở phía cao hơn ngọn lửa đang cháy để đề phòng trượt chân ngã xuống đám cháy rừng hoặc lửa cháy trùm bao vây người không có lối thoát.

- Những trường hợp bị thương phải được sơ cứu kịp thời rồi đưa ngay về tuyến sau để được cứu chữa.

Mục 2: TỔ CHỨC CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 24. Trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy rừng

 

1. Người phát hiện thấy cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị sau đây biết:

a) Chủ rừng;

b) Đội phòng cháy, chữa cháy rừng nơi gần nhất;

c) Chính quyền địa phương cơ sở;

d) Cơ quan Kiểm lâm sở tại hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất;

đ) Đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nơi gần nhất.

2. Cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này khi nhận được tin báo về vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn được phân công quản lý thì phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến tổ chức

chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác biết để chi viện chữa cháy; trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý thì sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của mình.

3. Người có mặt tại nơi xảy ra cháy phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn cháy lan và dập cháy; người tham gia chữa cháy phải tuân theo lệnh của người chỉ huy chữa cháy.

Điều 25. Phân cấp tổ chức chữa cháy rừng

Tùy theo tình hình cụ thể của mỗi vụ cháy rừng, yêu cầu về lực lượng và phương tiện chữa cháy có khác nhau. Được phân theo 4 cấp độ như sau:

1. Cấp độ I (cấp cơ sở): Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng tại đơn vị cơ sở, khi xảy ra tình huống cháy rừng với những đặc điểm sau:

Trong mọi tình huống cháy rừng, việc tổ chức chữa cháy rừng tại thời điểm phát hiện đám cháy, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân hoặc đơn vị tập thể chủ động huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ tham gia chữa cháy trong khi chờ lực lượng tiếp ứng.

2. Cấp độ II (cấp xã): Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng quy mô cấp xã, thị trấn khi xảy ra một trong những tình huống cháy rừng sau:

a) Cháy tại những lô rừng phân tán có diện tích nhỏ dưới 1ha, lô rừng độc lập, không liền ranh với những lô khác hay khu dân cư, cháy trong điều kiện thời tiết khô hanh kéo dài, tốc độ lửa lan tràn nhanh (cấp dự báo cháy rừng ở cấp III, cấp IV);

b) Tại thời điểm phát hiện đám cháy, mặt lửa đã lan rộng vượt quá khả năng cứu chữa của chủ rừng;

c) Xảy ra cháy ở lô rừng bất kỳ, trong điều kiện thời tiết dự báo cháy rừng ở cấp II, thực bì chưa khô nỏ, tốc độ lan tràn lửa chậm.

3. Cấp độ III (cấp huyện): Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng qui mô cấp huyện, khi xảy ra một trong những tình huống cháy rừng sau:

a) Cháy tại những lô rừng tập trung, liền lô, liền khoảnh có diện tích lớn trên 01 ha; hoặc liền ranh với những lô rừng cao su, rẫy mía hay khu vực dân cư; khu rừng nằm trên địa bàn của nhiều xã, thị trấn tiếp giáp nhau, cần có sự tiếp ứng của nhiều địa phương trong cùng địa bàn huyện;

b) Cháy trong điều kiện thời tiết ở cấp dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V thời tiết khô hanh, tốc độ lửa lan nhanh;

c) Cháy ở lô rừng bất kỳ, trong điều kiện thời tiết dự báo cháy rừng ở cấp III, cấp xã, thị trấn đã tổ chức chữa cháy nhưng không kiểm soát được đám cháy, cần có sự tiếp ứng của cấp huyện.

4. Cấp độ IV (cấp tỉnh): Tổ chức phối hợp chữa cháy rừng qui mô cấp tỉnh, khi xảy ra một trong những tình huống cháy rừng sau:

a) Trong cùng thời điểm xảy ra cháy rừng ở nhiều vùng tiếp giáp nhau, trong điều kiện thời tiết ở cấp IV, cấp V của cấp dự báo cháy rừng, thời tiết khô, hanh, tốc độ lửa lan nhanh;

b) Trong trường hợp cấp huyện đã tổ chức triển khai chữa cháy, nhưng không khống chế được đám cháy và đám cháy có chiều hướng phát triển vượt quá tầm kiểm soát, cần có sự ứng cứu của lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng cấp tỉnh và liên huyện.

Điều 26. Chỉ huy chữa cháy rừng

1. Trong mọi trường hợp xảy ra cháy rừng, khi người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (Đội trưởng trở lên) có mặt

tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy. Mọi thành viên của Ban chỉ huy chữa cháy rừng các cấp có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy và chịu sự phân công của người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

2. Trường hợp tại nơi xảy ra cháy lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chưa đến kịp, người chỉ huy chữa cháy được quy định như sau:

a) Qui mô cấp độ I:

- Nếu cháy rừng, chủ rừng là cơ quan hoặc đơn vị tập thể thì do người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy và tổ chức chữa cháy; Trưởng thôn tại nơi xảy ra cháy rừng có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy.

- Nếu cháy rừng, chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì Trưởng thôn hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy và tổ chức chữa cháy.

b) Qui mô cấp độ II trở lên: Do Chủ tịch UBND (Trưởng Ban chỉ huy) cấp tương ứng, hoặc người được Chủ tịch UBND cấp đó ủy quyền là người chỉ huy và tổ chức chữa cháy.

Điều 27. Huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng

Khi xảy ra cháy rừng, căn cứ yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Chủ tịch UBND cấp tương ứng với cấp độ tổ chức chữa cháy hoặc người được Chủ tịch UBND cấp đó ủy quyền quyết định huy động nhân lực và phương tiện trong phạm vi địa bàn do cấp mình quản lý để tham gia chữa cháy.

Khi nhận được tin báo, tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan nhanh chóng điều động nhân lực, phương tiện đến hiện trường tham gia chữa cháy.

Trong tình huống cấp thiết, Trưởng ban chỉ huy chữa cháy rừng căn cứ vào thẩm quyền của từng cấp để quyết định việc trưng dụng người và phương tiện của mọi tổ chức, cá nhân để phục vụ chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật. Ban chỉ huy chữa cháy rừng phải lập danh sách những người tình nguyện, hoặc huy động tham gia chữa cháy rừng.

Điều 28. Tổ chức lực lượng phối hợp chữa cháy rừng

Trong mọi tình huống, lực lượng tham gia chữa cháy được tổ chức thành những bộ phận chủ yếu gồm:

1. Bộ phận chủ lực: Bộ phận này có nhiệm vụ trực tiếp sử dụng mọi công cụ, phương tiện và biện pháp cần thiết để khống chế và dập tắt đám cháy, gồm: Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, lực lượng Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm, Đội phòng cháy, chữa cháy rừng của lực lượng Quân đội địa phương, dân phòng, Đội phòng cháy, chữa cháy thuộc các đơn vị cơ sở tại địa phương đảm trách được triển khai thành nhiều mũi tác nghiệp theo sự phân công của Ban chỉ huy.

2. Bộ phận phụ trợ: Bộ phận này có nhiệm vụ hỗ trợ cùng bộ phận chủ lực trong việc mở đường, vận chuyển máy móc thiết bị chữa cháy đến hiện trường, bảo vệ trật tự, dẫn đường cho lực lượng tiếp ứng, giúp đưa người và tài sản của nhân dân (nếu có) ra khỏi khu vực cháy, gồm: Lực lượng Công an, Dân quân tự vệ địa phương đảm trách.

3. Bộ phận cứu hộ: Bộ phận này có nhiệm vụ cứu hộ, cấp cứu người bị nạn. Gồm nhân viên y tế của đơn vị chủ rừng; cán bộ, nhân viên của Trung tâm cứu hộ, Trung tâm y tế điều động đến đảm trách.

4. Bộ phận hậu cần: làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu, tiếp nước, thức ăn cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng (trong trường hợp thời gian chữa cháy kéo dài).

- Nếu qui mô tổ chức chữa cháy ở cấp độ I và II, thì do đơn vị chủ rừng cử công nhân viên đảm trách.

- Nếu qui mô tổ chức chữa cháy ở cấp độ III và IV, do UBND xã, thị trấn huy động và tổ chức thực hiện.

Điều 29. Theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến cháy rừng

Trong suốt mùa khô nóng, chính quyền địa phương, chủ rừng, cơ quan Kiểm lâm các cấp phải theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến về tình hình cháy rừng, lập và lưu trữ hồ sơ quản lý cháy rừng của từng địa phương, đơn vị, gồm các nội dung:

- Theo dõi, cập nhật thông tin về dự báo cấp cháy rừng hàng ngày;

- Theo dõi, cập nhật tình hình tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý;

- Theo dõi, cập nhật diễn biến các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn quản lý, thể hiện được các nội dung:

+ Thời điểm xảy ra cháy rừng;

+ Vị trí cháy rừng;

+ Quy mô, mức độ cháy rừng;

+ Diện tích rừng bị cháy, mức độ thiệt hại;

+ Nguyên nhân cháy rừng;

+ Biện pháp chữa cháy rừng, số người tham gia chữa cháy;

+ Chủ quản lý của khu rừng bị cháy;

+ Tình hình khắc phục hậu quả sau khi cháy;

+ Xử lý vi phạm gây cháy rừng.

- Khi cháy rừng, các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm phải báo cáo bằng văn bản theo mẫu quy định về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Quảng Ngãi (Chi cục Kiểm lâm) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Trung ương.

Chương IV

TỔ CHỨC VÀ LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 30. Tổ chức chỉ đạo, chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp

1. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được đặt dưới sự chỉ đạo thống

nhất của UBND các cấp theo phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp được quy định tại Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

2. UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã) thường xuyên củng cố và kiện toàn các Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định tại Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cùng cấp chỉ đạo triển khai các hoạt động về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 31. Tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành

1. Ở tỉnh: Xây dựng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng; đào tạo,

bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ, chiến thuật phòng cháy, chữa cháy rừng và trang bị phương tiện, thiết bị cần thiết để Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thực sự là lực lượng nòng cốt, sẵn sàng ứng cứu kịp thời, có hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Ở huyện: Xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện bao gồm Tổ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các Hạt Kiểm lâm; tổ chức đào tạo, huấn luyện và trang bị phương tiện, thiết bị cần thiết, xây dựng Quy chế hoạt động và phương án tác chiến chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.

Điều 32. Tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở

1. Ở các xã: Có cán bộ hợp đồng bảo vệ rừng trong các tháng cao điểm mùa khô, các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng do Chủ tịch UBND xã quyết định thành lập; mỗi thôn, bản có rừng thành lập ít nhất một tổ đội; mỗi tổ đội từ 15 - 20 người có sức khoẻ tốt và tinh thần trách nhiệm cao để tham gia công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Những chủ rừng là cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thành lập và trực tiếp quản lý, chỉ đạo đội phòng cháy, chữa cháy rừng; ban hành Quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động của đội phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Những chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng lớn (trên 100 ha) phải thành lập tổ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động của tổ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chương V

ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 33. Nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng

Nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng gồm:

1. Ngân sách nhà nước.

2. Kinh phí đầu tư của chủ rừng.

3. Thu từ nguồn bảo hiểm cháy, nổ.

4. Tài trợ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Sử dụng nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng

1. Nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật, theo đó kinh phí đầu tư liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng gắn liền với dự án đầu tư được bố trí từ nguồn vốn dự án được phê duyệt theo kế hoạch hàng năm.

2. Nguồn vốn kinh phí sự nghiệp hàng năm dùng cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nhà nước đã ban hành.

Điều 35. Ngân sách đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng

1. Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng của các cơ quan chuyên trách, chủ rừng là các đơn vị nhà nước và các tổ chức thụ hưởng ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách.

2. Các chủ rừng không thụ hưởng ngân sách nhà nước tự bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

3. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ trong các lĩnh vực sau đây:

a) Hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng;

b) Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng;

c) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng;

d) Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 36. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh đề xuất và tổ chức thực hiện phương án, quy hoạch, kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các Sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

3. Chỉ đạo việc tổ chức, xây dựng lực lượng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng trong phạm vi toàn tỉnh.

4. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và UBND các huyện ban hành chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; lập kế hoạch, biện pháp, giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng cụ thể, phù hợp cho từng thời gian.

5. Lập kế hoạch, dự trù kinh phí hàng năm cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.

Điều 37. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy thực hiện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên phạm vi toàn tỉnh và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất và thực hiện phương án, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu; trực tiếp chỉ huy công tác chữa cháy rừng tại hiện trường; thu thập thông tin, tài liệu, điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy rừng và đề nghị xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

1. Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện, Đồn biên phòng và các đơn vị Quân đội phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Công an ở địa phương tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa bàn hoạt động của đơn vị mình.

2. Chỉ đạo các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng tham gia tuần tra phát hiện lửa rừng và sẵn sàng cứu chữa khi xảy ra cháy rừng theo lệnh huy động của người có thẩm quyền.

3. Huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị quân đội tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Điều 39. Trách nhiệm của UBND cấp huyện và UBND cấp xã

Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã nơi có rừng, theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình chịu trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy rừng và có trách nhiệm cụ thể sau:

1. Ban hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương.

2. Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý hành chính các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng theo thẩm quyền.

4. Hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân, xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng.

5. Đầu tư ngân sách cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng; trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng.

6. Chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.

7. Chỉ đạo tổ chức chữa cháy rừng, điều tra nguyên nhân gây cháy rừng và khắc phục hậu quả vụ cháy rừng.

8. Thống kê, báo cáo UBND cấp trên về tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

Điều 40. Trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan

1. Phối hợp với Công an tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Huy động lực lượng, phương tiện trong phạm vi quản lý của mình để tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.

3. Thống kê báo cáo UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 41. Trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng

1. Xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng; thông báo các bản tin dự báo cháy rừng trong các thời điểm cần thiết.

Chương VII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 42. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hoặc có công phát hiện, ngăn chặn những hành vi phá hoại, khắc phục và hạn chế những thiệt hại do cháy rừng gây ra sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước về thi đua khen thưởng.

Điều 43. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân nếu vi phạm quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 44. Trách nhiệm thi hành

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các cấp; các cơ quan, đơn vị có hoạt động kinh doanh lâm nghiệp và các chủ rừng chịu trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung tại Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.