Quyết định số 3035/QĐ-TCHQ ngày 23/11/2010 Ban hành Quy chế quản lý, vận hành Hệ thống Giám sát truyền, nhận thông tin nghiệp vụ hải quan ban hành bởi Tổng cục Hải quan (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 3035/QĐ-TCHQ
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
- Ngày ban hành: 23-11-2010
- Ngày có hiệu lực: 23-11-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-01-2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2233 ngày (6 năm 1 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 03-01-2017
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3035/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG GIÁM SÁT TRUYỀN, NHẬN THÔNG TIN NGHIỆP VỤ HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/06/2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/06/2005;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/06/2006;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Quyết định số 722/QĐ-TCHQ ngày 07/04/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành Hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý, vận hành Hệ thống Giám sát truyền, nhận thông tin nghiệp vụ hải quan".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG GIÁM SÁT TRUYỀN, NHẬN THÔNG TIN NGHIỆP VỤ HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-TCHQ ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này hướng dẫn nội bộ ngành Hải quan quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Giám sát truyền, nhận thông tin nghiệp vụ hải quan.
2. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, cán bộ công chức, viên chức ngành Hải quan (sau đây gọi chung là đơn vị, cá nhân) tham gia quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Giám sát truyền, nhận thông tin nghiệp vụ hải quan theo hướng dẫn tại Quy chế này.
Điều 2. Hệ thống Giám sát truyền, nhận thông tin nghiệp vụ Hải quan
Hệ thống Giám sát truyền, nhận thông tin nghiệp vụ hải quan (sau đây gọi là Hệ thống Giám sát) là hệ thống chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được áp dụng thống nhất trong toàn ngành Hải quan để giám sát, báo cáo về truyền, nhận thông tin và vận hành các hệ thống thông tin nghiệp vụ tại cấp Tổng cục, Cục và Chi cục.
Điều 3. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau
1. Hệ thống quản lý thông tin tờ khai Hải quan (SLXNK): hệ thống chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thống nhất trong toàn ngành Hải quan sử dụng để quản lý tờ khai hải quan và các chứng từ liên quan trong bộ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) theo hợp đồng mua bán.
2. Hệ thống quản lý giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (GTT22): hệ thống chương trình ứng dụng CNTT thống nhất trong toàn ngành Hải quan sử dụng để xác định và quản lý giá tính thuế đối với hàng hóa XNK.
3. Hệ thống quản lý rủi ro (QLRR): hệ thống quản lý rủi ro là hệ thống chương trình ứng dụng Quản lý rủi ro (QLRR) để tổ chức quản lý hồ sơ doanh nghiệp, hồ sơ rủi ro, dữ liệu rủi ro phục vụ việc đánh giá quá trình chấp hành pháp luật và phân tích, đánh giá rủi ro về các đối tượng tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động XNK.
4. Hệ thống quản lý vi phạm (VICUM): hệ thống chương trình ứng dụng CNTT thống nhất trong toàn ngành Hải quan sử dụng để cung cấp thông tin cho các cấp có thẩm quyền của cơ quan hải quan ra quyết định hình thức kiểm tra đối với hàng hóa XNK; phục vụ công tác kiểm soát, điều tra chống buôn lậu; công tác xử lý, thống kê vi phạm.
5. Hệ thống thông tin kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (KT559): hệ thống chương trình ứng dụng CNTT được quản lý sử dụng thống nhất trong toàn ngành Hải quan phục vụ công tác quản lý, theo dõi tình hình thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa XNK.
6. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan: hệ thống thông tin do Tổng cục Hải quan quản lý tập trung, thống nhất sử dụng để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
7. Giám sát là công việc được thực hiện bởi đơn vị, cá nhân (đã được cấp tài khoản) truy cập Hệ thống Giám sát để phân tích các báo cáo của hệ thống đưa ra.
Điều 4. Quy định chung đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Giám sát
Đơn vị Hải quan các cấp có trách nhiệm thực hiện kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu tại các hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan theo đúng Quy chế quy định về quản lý, vận hành của từng hệ thống.
Các đơn vị, cá nhân được cấp tài khoản truy cập Hệ thống Giám sát thực hiện giám sát việc kết xuất, truyền, nhận, cập nhật dữ liệu và tình trạng hoạt động của các hệ thống CNTT như sau:
1. Tần suất giám sát:
Giám sát kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu ngay sau khi thực hiện một trong các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật.
2. Các tiêu chí giám sát:
a) Giám sát kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu theo mẫu thuộc Phụ lục I.
b) Giám sát tình trạng hoạt động của các dịch vụ theo mẫu thuộc Phụ lục II.
3. Xử lý sự cố:
Khi phát hiện có sự sai khác giữa các tiêu chí về kết xuất thông tin và nhận thông tin; lỗi cập nhật về truyền nhận; dịch vụ không hoạt động … thì báo cáo ngay với đơn vị quản lý CNTT để được hướng dẫn xử lý.
Điều 5. Quy định về an ninh, an toàn của Hệ thống Giám sát
1. Đơn vị, cá nhân sau khi được cấp tài khoản, quyền truy cập hệ thống có trách nhiệm tự thay đổi và bảo quản mật khẩu. Căn cứ vào tài khoản truy cập của từng người sử dụng để xác định trách nhiệm trong việc thực hiện các chức năng của Hệ thống Giám sát truyền nhận thông tin nghiệp vụ Hải quan.
2. Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
a) Truy cập trái phép hoặc hướng dẫn người khác sử dụng các công cụ phần mềm nhằm khai thác, sử dụng các chức năng của Hệ thống Giám sát vượt quá thẩm quyền.
b) Đánh cắp và sử dụng trái phép mật khẩu truy cập Hệ thống Giám sát.
c) Gây rối, phá hoại hệ thống thiết bị thông tin; phong tỏa, làm biến dạng hoặc hủy loại các dữ liệu trên hệ thống.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Trình tự đăng ký truy cập Hệ thống Giám sát
Đơn vị Vụ, Cục được cấp 01 tài khoản (tài khoản cấp Cục), mỗi đơn vị cấp Chi cục được cấp 01 tài khoản (tài khoản cấp Chi cục). Đơn vị Vụ, Cục tổng hợp danh sách đề nghị cấp tài khoản (cấp Cục và Chi cục) truy cập Hệ thống Giám sát thực hiện theo trình tự sau:
1. Gửi văn bản tới Tổng cục Hải quan (Cục CNTT và Thống kê hải quan) đề nghị được cấp tài khoản truy cập Hệ thống Giám sát.
2. Trên cơ sở văn bản đề nghị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Cục CNTT và Thống kê hải quan tiến hành cấp tài khoản, phân quyền truy cập (căn cứ theo tài khoản cấp Cục, cấp Chi cục) đồng thời gửi văn bản trả lời kèm tài khoản truy cập để trong phong bì dán kín.
3. Sau khi nhận được văn bản cấp tài khoản truy cập, các đơn vị, cá nhân cần thực hiện đổi mật khẩu.
4. Trong thời gian 30 ngày kể từ khi nhận được tài khoản nhưng đơn vị, cá nhân không tiến hành đổi mật khẩu thì tài khoản sẽ bị khóa.
5. Trường hợp các đơn vị đã được cấp tài khoản, không có nhu cầu truy cập Hệ thống Giám sát cần có văn bản gửi Tổng cục Hải quan (Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan) để khóa hoặc loại bỏ tài khoản truy cập.
Điều 7. Giám sát kết xuất, truyền, nhận và cập nhật thông tin của hệ thống quản lý tờ khai hải quan
1. Cấp Tổng cục Hải quan:
a) Giám sát việc nhận, cập nhật dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK tại Tổng cục.
b) Giám sát việc kết xuất, truyền dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK từ Cục lên Tổng cục; nhận và cập nhật dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK từ Chi cục lên Cục.
c) Giám sát việc kết xuất, truyền dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK của các Chi cục.
d) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK từ Cục lên Tổng cục và Chi cục lên Cục; nhận và cập nhật dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK tại Tổng cục và Cục.
2. Cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK từ Cục lên Tổng cục; nhận và cập nhật dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK từ Chi cục lên Cục.
b) Giám sát việc kết xuất, truyền dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK của các Chi cục.
c) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất và truyền dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK từ Cục lên Tổng cục, Chi cục lên Cục; nhận và cập nhật dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK tại Cục.
3. Cấp Chi cục Hải quan:
a) Giám sát việc kết xuất và truyền dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK từ Chi cục lên Cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất và truyền dữ liệu tờ khai hàng hóa XNK từ Chi cục lên Cục.
Điều 8. Giám sát kết xuất, truyền, nhận và cập nhật thông tin của hệ thống quản lý giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
1. Cấp Tổng cục Hải quan:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu giá tại Tổng cục, Cục và Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu giá tại Tổng cục, Cục và Chi cục.
2. Cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu giá tại Cục và Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu giá tại Cục và Chi cục.
3. Cấp Chi cục Hải quan:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu giá tại Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu giá tại Chi cục.
Điều 9. Giám sát kết xuất, truyền, nhận và cập nhật thông tin của hệ thống quản lý rủi ro
1. Cấp Tổng cục Hải quan:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền dữ liệu tại Tổng cục.
b) Giám sát việc nhận dữ liệu quản lý rủi ro tại các Cục.
c) Giám sát việc nhận và cập nhật dữ liệu quản lý rủi ro tại các Chi cục.
d) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất và truyền dữ liệu quản lý rủi ro tại Tổng cục; nhận dữ liệu quản lý rủi ro tại Cục; nhận và cập nhật dữ liệu quản lý rủi ro tại Chi cục.
2. Cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
a) Giám sát việc nhận dữ liệu quản lý rủi ro tại Cục.
b) Giám sát việc nhận và cập nhật dữ liệu quản lý rủi ro tại các Chi cục.
c) Tra cứu lịch sử các thao tác nhận dữ liệu quản lý rủi ro tại Cục; nhận và cập nhật dữ liệu quản lý rủi ro tại Chi cục.
3. Cấp Chi cục Hải quan:
a) Giám sát việc nhận và cập nhật dữ liệu quản lý rủi ro tại Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác nhận và cập nhật dữ liệu quản lý rủi ro tại Chi cục.
Điều 10. Giám sát kết xuất, truyền, nhận và cập nhật thông tin của hệ thống quản lý vi phạm
1. Cấp Tổng cục Hải quan:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu vi phạm tại Tổng cục, Cục và Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu vi phạm tại Tổng cục, Cục và Chi cục.
2. Cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu vi phạm tại Cục và Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu vi phạm tại Cục và Chi cục.
3. Cấp Chi cục Hải quan:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu vi phạm tại Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật dữ liệu vi phạm tại Chi cục.
Điều 11. Giám sát kết xuất, truyền, nhận và cập nhật danh sách tờ khai nợ thuế thuộc hệ thống thông tin kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
1. Cấp Tổng cục Hải quan:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền, nhận và cập nhật danh sách tờ khai nợ thuế tại Tổng cục, Cục và Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật danh sách tờ khai nợ thuế tại Tổng cục, Cục và Chi cục.
2. Cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền, nhận và cập nhật danh sách tờ khai nợ thuế tại Cục và Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật danh sách tờ khai nợ thuế tại Cục và Chi cục.
3. Cấp Chi cục Hải quan:
a) Giám sát việc kết xuất, truyền, nhận và cập nhật danh sách tờ khai nợ thuế tại Chi cục.
b) Tra cứu lịch sử các thao tác kết xuất, truyền, nhận và cập nhật danh sách tờ khai nợ thuế tại Chi cục.
Điều 12. Giám sát vận hành các hệ thống thông tin nghiệp vụ (giám sát tình trạng hoạt động các modul dịch vụ của hệ thống)
1. Giám sát tình trạng hoạt động các modul dịch vụ của các hệ thống CNTT sau đây:
- Hệ thống quản lý thông tin tờ khai Hải quan.
- Hệ thống quản lý giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Hệ thống quản lý vi phạm.
- Hệ thống thông tin kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
2. Quy định về giám sát tại cấp Tổng cục, Cục và Chi cục như sau:
a) Giám sát tình trạng hoạt động của các modul dịch vụ (đang chạy, dừng, tạm dừng) của các chương trình nghiệp vụ hải quan theo mẫu thuộc Phụ lục II.
b) Tra cứu lịch sử hoạt động, lỗi của các modul dịch vụ.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục
1. Cục CNTT & Thống kê hải quan có trách nhiệm:
a) Chủ trì về mặt kỹ thuật xây dựng, nâng cấp Hệ thống Giám sát.
b) Quản trị Hệ thống Giám sát; cấp tài khoản truy cập, phân quyền và kiểm soát truy cập đối với người sử dụng theo quy định; thực hiện các biện pháp bảo đảm hoạt động an toàn của toàn bộ hệ thống.
c) Trực tiếp giám sát truyền nhận thông tin, vận hành Hệ thống quản lý thông tin tờ khai Hải quan, Hệ thống quản lý vi phạm và Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
2. Cục Thuế xuất nhập khẩu có trách nhiệm:
Giám sát truyền nhận thông tin, vận hành Hệ thống quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và Hệ thống thông tin kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
3. Cục Điều tra chống buôn lậu có trách nhiệm:
Giám sát truyền nhận thông tin, vận hành Hệ thống quản lý rủi ro.
Điều 14. Trách nhiệm của Cục Hải quan tỉnh, thành phố
Tuyệt đối tuân thủ các quy định của Quy chế quản lý, vận hành Hệ thống Giám sát truyền, nhận thông tin nghiệp vụ hải quan.
Điều 15. Xử lý vi phạm
Các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Điều 16. Điều khoản thi hành
Quy chế này được phổ biến đến cán bộ, công chức, nhân viên trong ngành Hải quan để quán triệt và thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn hoặc phát sinh vướng mắc thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị các cấp báo cáo kịp thời về Tổng cục Hải quan (qua Cục CNTT & Thống kê hải quan) để được hướng dẫn, xử lý.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
PHỤ LỤC I
CÁC TIÊU CHÍ GIÁM SÁT TRUYỀN, NHẬN VÀ CẬP NHẬT TẠI 03 CẤP TỔNG CỤC, CỤC VÀ CHI CỤC
1. Thông tin chung
STT | TÊN TIÊU CHÍ | GHI CHÚ |
1 | Đơn vị kết xuất |
|
2 | Ngày kết xuất |
|
3 | Thời gian kết xuất |
|
4 | Số file kết xuất tự động |
|
5 | Số file kết xuất theo điều kiện |
|
6 | Tổng File được kết xuất |
|
7 | Tổng dung lượng các file kết xuất |
|
8 | Đơn vị nhận |
|
9 | Tổng số file nhận |
|
10 | Tổng dung lượng các file nhận |
|
11 | Tổng dung lượng cập nhật |
|
12 | Lỗi khi cập nhật |
|
2. Thông tin nhận file
STT | TÊN TIÊU CHÍ | GHI CHÚ |
1 | Cục Hải quan nhận dữ liệu |
|
2 | Thời gian bắt đầu nhận |
|
3 | Thời gian kết thúc nhận |
|
4 | Tên file nhận |
|
5 | Dung lượng file nhận |
|
6 | Thời gian bắt đầu cập nhật |
|
7 | Thời gian kết thúc cập nhật |
|
8 | Tên file cập nhật |
|
9 | Dung lượng file cập nhật |
|
10 | Phiên bản cập nhật |
|
11 | Lỗi cập nhật |
|
PHỤ LỤC II
GIÁM SÁT MODUL DỊCH VỤ CỦA CÁC HỆ THỐNG THÔNG TIN NGHIỆP VỤ
1. Thông tin tổng hợp
STT | TÊN TIÊU CHÍ | GHI CHÚ |
1 | Đơn vị hải quan | Tên đơn vị hải quan |
2 | Ngày giám sát |
|
3 | Thông báo |
|
4 | Chi tiết | Nhấn để xem chi tiết |
2. Thông tin chi tiết
STT | TÊN TIÊU CHÍ | GHI CHÚ |
1 | Đơn vị hải quan | Tên đơn vị hải quan |
2 | Địa chỉ IP | Địa chỉ IP chứa service |
3 | Tên service | Tên service giám sát |
4 | Thời điểm phát sinh | Thời điểm phát sinh lỗi |
5 | Kiểu thông báo | Running (xanh), stop (vàng), error (đỏ) |
6 | Nội dung thông báo | Thông báo chi tiết |