Chỉ thị số 13/2011/CT-UBND ngày 06/07/2011 Về tăng cường thực hiện các quy định pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Long An
- Số hiệu văn bản: 13/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Long An
- Ngày ban hành: 06-07-2011
- Ngày có hiệu lực: 16-07-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-12-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3800 ngày (10 năm 5 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-12-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2011/CT-UBND | Long An, ngày 06 tháng 7 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2006, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, phòng chống tham nhũng để các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả quản lý tại cơ quan, đơn vị, địa phương; xuất hiện ngày càng nhiều các gương điển hình tiên tiến trong phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu; thiếu kiểm tra, đôn đốc nên kết quả của công tác đầu tranh, phòng chống tham nhũng chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do còn có một số cấp lãnh đạo thiếu quan tâm chỉ đạo sâu sát, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện; chưa bố trí được cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất và bản lĩnh để tham mưu thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
Để chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót về công tác đấu tranh phòng chống, tham nhũng trong thời gian qua; đồng thời, đảm bảo việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, hướng đến mục tiêu của chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị như sau:
1. Thủ trưởng các sở ngành và Chủ tịch UBND các huyện thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu và triển khai thực hiện tốt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng, nhằm làm cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong cơ quan, đơn vị, địa phương thông suốt để thực hiện tốt các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
2. Đổi mới việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm; đặc biệt chú trọng việc bổ sung các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thiết thực và hiệu quả tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách; xem đây là nhiệm vụ trong tâm và lâu dài.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó chú ý việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị; công tác cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; việc xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, nộp lại quà tặng theo Quyết định 64/2007/QĐ-TTg; việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, trả lương qua tài khoản; công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, giải quyết tố cáo về tham nhũng…
4. Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; tăng cường thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, quy tắc ứng xử trong cơ quan; tích cực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tạo điều kiện thuận lợi đề thanh tra nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.
5. Tăng cường công tác tiếp công dân để tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo về tham nhũng. Kịp thời phát hiện, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt về công tác phòng, chống tham nhũng; kịp thời khen thưởng, đề xuất khen thưởng cũng như có biện pháp bảo vệ người tố cáo, phát hiện tham nhũng.
6. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực chuyên môn để tham mưu, theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.
7. Tiếp tục kiện toàn về tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan thanh tra và Văn phòng Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tỉnh. Tiếp nhận, xử lý kịp thời các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc bao che, không xử lý hoặc xử lý không cương quyết các vụ việc tố cáo về hành vi tham nhũng. Ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh với các đơn vị liên quan nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
8. Mọi thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng, liên hệ với đường dây nóng của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh: 0166.6637727 hoặc 072.3553195. Trụ sở: 39, Nguyển Đình Chiểu, phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An.
9. Giao cho Thanh tra tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tăng cường thực hiện các quy định pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh và Thanh tra Chính phủ.
Nhân được chỉ thị này, thủ trưởng các sở ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, nghiêm túc triển khai thực hiện. Hàng tháng, báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép vào báo cáo định kỳ công tác phòng, chống tham nhũng cho Thanh tra tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh quy định./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |