cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ Quy định điều kiện công bố dịch và hết dịch bệnh truyền nhiễm (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 64/2010/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 25-10-2010
  • Ngày có hiệu lực: 15-12-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-03-2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1917 ngày (5 năm 3 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-03-2016
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-03-2016, Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ Quy định điều kiện công bố dịch và hết dịch bệnh truyền nhiễm (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ Quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/2010/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN CÔNG BỐ DỊCH, CÔNG BỐ HẾT DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Điều 38, Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về điều kiện công bố dịch và công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Điều 2. Điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm

Việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:

1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:

a) Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;

c) Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;

d) Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Điều 3. Điều kiện công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm

1. Việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Khoảng thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc mới là khoảng thời gian bằng thời gian ủ bệnh truyền nhiễm đó. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể thời gian ủ bệnh đối với từng bệnh truyền nhiễm.

2. Trong trường hợp Tổ chức Y tế thế giới có khuyến cáo mới về các điều kiện công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm khác với các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì việc xác định bổ sung các điều kiện theo khuyến cáo mới được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 4. Trách nhiệm trong việc công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm

Người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 38 và khoản 2 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm công bố dịch sau khi đã xác định đủ các điều kiện công bố dịch quy định tại Điều 2 Quyết định này và công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm sau khi đã xác định đủ các điều kiện công bố hết dịch quy định tại Điều 3 Quyết định này.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2010.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng