Chỉ thị số 19/2011/CT-UBND ngày 20/06/2011 Tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 19/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 20-06-2011
- Ngày có hiệu lực: 30-06-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-02-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1314 ngày (3 năm 7 tháng 9 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 03-02-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2011/CT-UBND | Nghệ An, ngày 20 tháng 6 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM NHẰM ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thời gian qua, công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đã được cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương quan tâm chỉ đạo. Bước đầu đã góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và ngăn chặn lây lan dịch bệnh động vật. Tuy vậy nhiều đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, chưa xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền nên thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, để việc giết mổ diễn ra tùy tiện khắp nơi, không kiểm soát được.
Để chấn chỉnh công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh động vật qua giết mổ, lưu thông động vật, sản phẩm động vật, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. thị xã (gọi chung là huyện) chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan:
a) Rà soát lại các cơ sở giết mổ tập trung đã xây dựng:
- Cơ sở giết mổ tập trung nào phù hợp: Tiếp tục duy trì và tăng cường chỉ đạo để hoạt động kiểm soát giết mổ đạt hiệu quả cao.
- Những cơ sở giết mổ tập trung không phù hợp: Giải thể chuyển sang sử dụng mục đích khác; đồng thời khảo sát địa điểm xây dựng mới các cơ sở giết mổ hợp lý để khép kín hệ thống giết mổ tập trung trên địa bàn của huyện.
Đối với những huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung: Khẩn trương quy hoạch, lựa chọn địa điểm (phù hợp với địa bàn, đảm bảo ổn định lâu dài, đáp ứng các yêu cầu kỷ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và động vật) giao chủ đầu tư lập hồ sơ thiết kế xây dựng lò mổ, sớm đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tập trung; chấm dứt tình trạng giết mổ phân tán, nhỏ lẻ, giết mổ tại các chợ, đặc biệt là ở khu vực nội thành, nội thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư.
b) Sớm quy hoạch lại các chợ, các điểm kinh doanh mua bán động vật sống và các khu vực kinh doanh thực phẩm động vật tươi sống để thuận lợi trong việc kiểm soát dịch bệnh động vật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
c) Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các quy định về vệ sinh thú y trong giết mổ, kinh doanh, sơ chế động vật, sản phẩm động vật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật đối với giết mổ như: Không qua kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh...
d) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân chỉ tiêu dùng sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan thú y kiểm soát (có đóng dấu hoặc dán tem vệ sinh thú y trên thân thịt...).
2. Sở Nông nghiệp & PTNT: Chủ trì, phối hợp với các Sở: Y tế, Tài nguyên- Môi trường, Công -Thương, Xây dựng Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giúp các địa phương trong việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở giết mổ; tổ chức tập huấn đào tạo cán bộ quản lý, kiểm soát giết mổ, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho người và động vật, phòng chống ô nhiễm môi trường.
3. Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & PTNT, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, các Báo trên địa bàn tỉnh thực hiện các chương trình tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, lưu thông và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc gia súc, gia cầm; phòng, chống các bệnh nguy hiểm từ động vật sang người qua con đường tiêu thụ thực phẩm.
4. Công an tỉnh: Chỉ đạo các phòng ban chức năng, Công an các huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ chính quyền địa phương và các ngành chức năng như: Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú y... trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về giết mổ, lưu thông, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ngành liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc kịp thời phản ánh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |