Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND ngày 27/08/2010 Quy định hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 28/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 27-08-2010
- Ngày có hiệu lực: 06-09-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-11-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 788 ngày (2 năm 1 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-11-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2010/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 27 tháng 8 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH HỖ TRỢ MỘT PHẦN CHI PHÍ ĐIỀU TRỊ CHO NGƯỜI GẶP KHÓ KHĂN ĐỘT XUẤT DO MẮC BỆNH NẶNG, BỆNH HIỂM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám chữa bệnh cho người nghèo và Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức khám, chữa bệnh và lập, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Văn bản số 1256 /STC-HCSN ngày 29 tháng 7 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định về việc hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như sau:
1. Đối tượng được hỗ trợ:
Người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lâm Đồng gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị cao; trừ các trường hợp gặp khó khăn đột xuất do hậu quả của các tệ nạn xã hội, đánh nhau, tự tử hoặc do vi phạm pháp luật.
2. Nội dung hỗ trợ:
Hỗ trợ một phần chi phí điều trị được thực hiện đối với bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngoại tỉnh và bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.
a) Những chi phí điều trị được hỗ trợ:
- Chi phí trực tiếp khám, chữa bệnh (thuốc; máu; dịch truyền; xét nghiệm; chẩn đoán hình ảnh; vật tư tiêu hao; vật tư thay thế; các dịch vụ kỹ thuật y tế, bao gồm cả các dịch vụ kỹ thuật cao, dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng…);
- Chi phí thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế nhưng đã được phép lưu hành và những kỹ thuật cao về y khoa đã áp dụng tại Việt Nam theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh không được Bảo hiểm y tế chi trả;
- Chi phí vận chuyển lên tuyến trên theo yêu cầu chuyên môn cho những đối tượng không được Bảo hiểm y tế chi trả.
b) Những chi phí điều trị không được hỗ trợ:
- Các chi phí điều trị trực tiếp theo yêu cầu của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân;
- Chi phí chuyển viện theo yêu cầu;
3. Mức hỗ trợ:
Người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ 50% chi phí điều trị theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1, nhưng tối đa không quá 10.000.000 đồng/người/lần hỗ trợ. Mỗi người được hỗ trợ tối đa không quá 4 lần/năm.
4. Hồ sơ, thủ tục và trình tự hỗ trợ:
a) Hồ sơ hỗ trợ một phần chi phí điều trị gồm:
- Đơn xin hỗ trợ một phần chi phí điều trị, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có hộ khẩu thường trú;
- Bản sao Giấy ra viện;
- Biên lai thanh toán viện phí; các hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến việc mua thuốc, y dụng cụ, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế... để điều trị bệnh;
- Bản sao Thẻ bảo hiểm y tế hoặc Giấy chứng minh nhân dân đối với người chưa tham gia bảo hiểm y tế. Trường hợp người nghèo chưa có Thẻ bảo hiểm y tế phải có bản sao Sổ hộ nghèo.
b) Nơi tiếp nhận hồ sơ:
Người gặp khó khăn đột xuất do mắc các bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo nộp hồ sơ tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, nơi có hộ khẩu thường trú để được xem xét hỗ trợ.
c) Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ, Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố xem xét, đề xuất mức hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổng hợp danh sách gửi kèm theo hồ sơ về Sở Y tế để giám định hồ sơ, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Sở Y tế ký kết hợp đồng với Bảo hiểm xã hội tỉnh để thực hiện việc giám định hồ sơ.
5. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ:
a) Lập dự toán:
Hàng năm, căn cứ vào số lượng đối tượng thực tế được hỗ trợ của năm trước, mức hỗ trợ và khả năng ngân sách địa phương, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo từ ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn.
b) Quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ:
- Sở Y tế chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho người gặp khó khăn đột xuất do mắc các bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh đúng mục đích, đúng đối tượng.
Việc thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ được thực hiện theo đúng quy định của chế độ tài chính - kế toán hiện hành; trong đó, chi phí giám định hồ sơ và chi phí phục vụ công tác quản lý không vượt quá 5% tổng số kinh phí hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo hàng năm.
- Sở Tài chính và Sở Y tế chịu trách nhiệm phối hợp hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |