Quyết định số 22/2010/QĐ-UBND ngày 04/08/2010 Quy định về tổ chức và hoạt động Mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- Số hiệu văn bản: 22/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Ngày ban hành: 04-08-2010
- Ngày có hiệu lực: 14-08-2010
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5216 ngày (14 năm 3 tháng 16 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2010/QĐ-UBND | Buôn Ma Thuột, ngày 04 tháng 8 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG MẠNG LƯỚI THÚ Y XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 4 năm 2004; Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/ NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã;
Căn cứ công văn số 1569/TTg-NN ngày 19 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nhân viên thú y cấp xã;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 100 /TTr-NN&PTNT ngày 25 tháng 6 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức và hoạt động Mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2389/1999/QĐ-UB ngày 27 tháng 9 năm 1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành quy chế quản lý mạng lưới thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thay thế Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc quy định mức phụ cấp cho nhân viên thú y cấp xã.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Tài chính; các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG MẠNG LƯỚI THÚ Y XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 22/2010/QĐ-UBND Ngày 04 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
Điều 1. Vị trí
Mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn là hệ thống tổ chức chuyên môn về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã); Thú y xã, phường, thị trấn (gọi chung là thú y cấp xã) chịu sự chỉ đạo, giám sát của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời chịu sự quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Trạm thú y huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là Trạm thú y).
Điều 2. Chức năng
Thú y cấp xã có chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã và Trạm thú y thực hiện chức năng quản lý nhà nước và dịch vụ về công tác chăn nuôi, thú y, thủy sản đối với vật nuôi trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Chương II
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Tổ chức
1. Ở mỗi xã, phường, thị trấn có thú y cấp xã; số lượng nhân viên thú y cấp xã từ 01 đến 03 người, tuỳ theo nhu cầu công việc của từng địa phương.
2. Thẩm quyền quản lý:
a) Nhân viên thú y cấp xã do Trạm thú y tuyển chọn, ký hợp đồng sau khi thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Nội vụ;
b) Thời hạn ký hợp đồng đối với nhân viên thú y cấp xã là 03 năm.
Điều 4. Tiêu chuẩn nhân viên thú y cấp xã
1. Nhân viên thú y cấp xã có trình độ từ trung cấp chăn nuôi, thú y trở lên. Ở những địa phương chưa có người có trình độ trung cấp thì tạm thời ký hợp đồng với người có trình độ từ sơ cấp chăn nuôi, thú y, thủy sản trở lên hoặc qua lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về công tác chăn nuôi, thú y, thủy sản do các trường chuyên ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản hoặc Chi cục thú y tổ chức;
2. Có đủ sức khoẻ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm và nhiệt tình trong hoạt động chuyên môn.
Điều 5. Nhiệm vụ của nhân viên thú y cấp xã
1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, thủy sản; tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước về công tác chăn nuôi, thú y, thủy sản theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật và giới thiệu các kỹ năng, nghiệp vụ về chăn nuôi, thú y, thủy sản; vận động nhân dân và các tổ chức, đoàn thể có liên quan cùng tham gia thực hiện;
2. Kiểm tra, nắm bắt tình hình chăn nuôi; tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình chăn nuôi, thú y, thủy sản trên địa bàn phụ trách;
3. Kiểm tra, theo dõi dịch bệnh trên đàn vật nuôi, khi có dấu hiệu nghi ngờ dịch bệnh phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã và Trạm thú y; tham gia thực hiện công tác khống chế, khoanh vùng dập dịch;
4. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động chuyên môn trong công tác chăn nuôi, thú y, thủy sản trên địa bàn: Tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, kỹ thuật chăn nuôi.... theo hướng dẫn của Trạm thú y;
5. Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về công tác chăn nuôi, thú y, thuỷ sản cho người chăn nuôi;
6. Phối hợp với Trạm thú y thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y trên địa bàn phụ trách;
7. Tham gia vào việc quản lý chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn phụ trách theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền;
8. Bảo quản, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các tài sản, vật tư, phương tiện kỹ thuật được cấp phát.
Điều 6. Quyền lợi của nhân viên thú y cấp xã
1. Mỗi xã, phường, thị trấn hàng tháng được hưởng một định suất phụ cấp bằng hệ số 1 so với mức lương tối thiểu hiện hành theo Công văn 1569/TTg của Thủ tướng chính phủ; Nguồn kinh phí chi trả từ ngân sách tỉnh;
2. Nhân viên thú y cấp xã được tham gia các cuộc họp giao ban, tập huấn nâng cao nghiệp vụ do Trạm thú y tổ chức; được cung cấp các tài liệu và vật tư phương tiện để thực hiện nhiệm vụ;
3. Khi được huy động tham gia phòng chống dịch hoặc trực tiếp thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, tiêm phòng; ủy quyền thu các khoản phí, lệ phí trong công tác thú y tại địa phương sẽ được cơ quan huy động trả thù lao (ngoài phụ cấp hàng tháng) theo chế độ hiện hành;
4. Thú y cấp xã được nhận thù lao từ các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu trong công tác chăn nuôi, thú y, thuỷ sản theo thỏa thuận với người yêu cầu.
Điều 7. Địa điểm làm việc
Nơi làm việc của thú y cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các ngành, các cấp
1. Các Sở, ngành có liên quan và Chi cục thú y căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện Quy định này.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra tại địa phương.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã và Trạm thú y có trách nhiệm chủ động phối hợp lẫn nhau để tổ chức thực hiện những nội dung của Quy định này, tạo điều kiện cho thú y cấp xã hoạt động thuận lợi và có hiệu quả.
4. Thú y cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Trạm thú y và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động công tác thú y trên địa bàn phụ trách./.