Chỉ thị số 08/2011/CT-UBND ngày 17/03/2011 Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 08/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 17-03-2011
- Ngày có hiệu lực: 27-03-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-04-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1105 ngày (3 năm 0 tháng 10 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 05-04-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2011/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 17 tháng 3 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Những việc vi phạm pháp luật theo quy định được hòa giải và các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư được Tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải kịp thời với tỷ lệ hòa giải thành trung bình mỗi năm trên 80%. Qua đó, đã giúp phát huy tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
Tuy nhiên, hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và còn tồn tại một số khó khăn, bất cập như: công tác hòa giải chưa được chính quyền một số địa phương và các ngành quan tâm đúng mức; việc hòa giải có lúc, có nơi chưa thực hiện kịp thời, đúng quy định; kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải của một bộ phận hòa giải viên còn hạn chế; các chế độ đối với hòa giải viên chưa phù hợp,...
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, nhằm phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại; đồng thời, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức một cách đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở cho cán bộ và nhân dân; phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi để công tác hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, phát huy tác dụng và hiệu quả tích cực trong cuộc sống.
2. Cơ quan Tư pháp phát huy tính chủ động trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (sau đây gọi tắt là Nghị định số 160/1999/NĐ-CP) Đề xuất biện pháp để củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương. Chú trọng việc cung cấp tài liệu và tổ chức bồi dưỡng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiệp vụ hòa giải cho người làm công tác hòa giải. Thực hiện và hướng dẫn các Tổ hòa giải ở cơ sở thống kê công tác hòa giải theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BTP ngày 26/5/2008 của Bộ Tư pháp để bảo đảm tính chính xác, thống nhất. Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Tư pháp cấp trên tình hình thực hiện công tác hòa giải cơ sở ở địa phương. Tổ chức thi đua, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở để kịp thời động viên, khuyến khích, phát huy những nhân tố tích cực.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan Tư pháp trong công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đối với các xã, phường, thị trấn; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn củng cố, kiện toàn, thành lập các Tổ hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Hàng năm, phân bổ hợp lý nguồn ngân sách địa phương phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở. Định kỳ 6 tháng, hàng năm thống kê, báo cáo công tác hòa giải ở cơ sở về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp để tổng hợp).
5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận để củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở; bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ đối với công tác hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về tài chính. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, thống kê, báo cáo công tác hòa giải ở cơ sở về Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Đối với hòa giải các tranh chấp đất đai: Chỉ đạo, hướng dẫn các Tổ hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải theo quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 160/1999/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan; nếu hòa giải không thành, hướng dẫn các bên tranh chấp đất đai gửi đơn về Ủy ban nhân dân cấp xã để được hòa giải theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |