Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 07/01/2011 Về tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử lý các sai phạm qua thanh tra trên địa bàn do tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 07-01-2011
- Ngày có hiệu lực: 17-01-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-02-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1133 ngày (3 năm 1 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 23-02-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2011/CT-UBND | Tam Kỳ, ngày 07 tháng 01 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ XỬ LÝ CÁC SAI PHẠM QUA THANH TRA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
Thực hiện Luật Thanh tra ngày năm 2004 và Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra; trong những năm qua, ngành Thanh tra, các cơ quan hành chính tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều cuộc thanh tra kinh tế-xã hội, qua đó phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và một số lĩnh vực khác; đã góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong sử dụng tài sản công, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tập thể và cá nhân, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật trên địa bàn tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân có sai phạm qua thanh tra phát hiện đều có trách nhiệm khắc phục hậu quả, chấp hành nộp vào ngân sách các khoản tiền, tài sản được xử lý thu hồi và tổ chức xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, công chức có sai phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn dây dưa, không chấp hành các quyết định xử lý sau thanh tra.
Để tăng cường hiệu lực xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các kết luận, quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra đối với các sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý, phụ trách của mình cụ thể như sau:
- Thủ trưởng đơn vị là đối tượng thanh tra có trách nhiệm tập trung chỉ đạo các tập thể hoặc cá nhân, xác định rõ mức độ sai phạm đối với các hành vi về quản lý tài chính ngân sách, quản lý tài sản của Nhà nước trong việc thực hiện không đúng hoặc cố ý làm trái dẫn đến vi phạm pháp luật, phải thu hồi nộp lại ngân sách Nhà nước đầy đủ các khoản tiền, tài sản đã bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc gây thất thoát.
Trường hợp tập thể hoặc cá nhân sai phạm có ý kiến khác hoặc chưa đồng ý với quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra thì vẫn phải chấp hành thu nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan, tổ chức thanh tra trong khi chờ ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm; nghiêm túc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có hành vi vi phạm.
- Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra đơn vị cấp dưới thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra. Trường hợp phát hiện đơn vị thuộc quyền quản lý không thực hiện hoặc quá thời gian quy định mà vẫn chưa thực hiện thì có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở thực hiện kịp thời các kiến nghị xử lý. Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền phân cấp xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, tiến hành thực hiện theo đúng thủ tục quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
- Đối với các sai phạm có dấu hiệu tội phạm mà các cơ quan, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra đã quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiếp tục xem xét theo quy định thì đối tượng thanh tra và cơ quan quản lý cấp trên của đối tượng thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra để tập hợp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật.
2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân có liên quan không thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
- Đối với các khoản phải thu hồi là tiền, tài sản có giá trị như tiền, các cơ quan, tổ chức thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch, áp dụng biện pháp trích tài khoản tiền gửi của đơn vị bị xử lý, chuyển vào tài khoản tạm giữ của các cơ quan, tổ chức thanh tra theo quy định của pháp luật. Trường hợp đơn vị, cá nhân bị xử lý không có tiền trong tài khoản để trích nộp, tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Đối với tài sản khác (nhà, đất, xe, thiết bị,...) các cơ quan, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tạm giữ tài sản, các cơ quan nhà nước liên quan đến công chứng, chuyển dịch tài sản để phối hợp thực hiện trong thời gian chờ ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
- Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, tùy theo mức độ vi phạm, các cơ quan tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Khi có kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là cấp trên của đối tượng thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo đối tượng thanh tra thực hiện đúng kết luận xử lý theo phạm vi trách nhiệm, tiến hành xác định rõ mức độ sai phạm; xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các sai phạm đối với tập thể, cá nhân nhất là người đứng đầu. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào không chỉ đạo tập thể, cá nhân có sai phạm kiểm điểm trách nhiệm để xử lý kỷ luật theo thông báo xử lý của cơ quan có thẩm quyền, hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, đã kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật nhưng thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật theo phân cấp quản lý cán bộ không xem xét, không ban hành quyết định kỷ luật trong thời hạn quy định, hay Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xử lý kỷ luật với hình thức kỷ luật không tương xứng với mức độ sai phạm của người vi phạm, tùy mức độ vi phạm phải kiểm điểm và chịu hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
4. Đối với các tổ chức, đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có hành vi vi phạm; ngoài việc xử lý về tài chính nêu trên, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Luật Doanh nghiệp cũng như các văn bản khác có liên quan
5. Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này; thường xuyên cập nhật những nội dung mà các đơn vị là đối tượng thanh tra đã thực hiện, những nội dung chưa thực hiện, tiến hành đôn đốc và báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý.
6. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời phản ảnh về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |