cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1019/QĐ-BTC ngày 11/05/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục giám sát quản lý về hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1019/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 11-05-2010
  • Ngày có hiệu lực: 11-05-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 12-02-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 88 ngày ( 2 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 12-02-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 12-02-2010, Quyết định số 1019/QĐ-BTC ngày 11/05/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục giám sát quản lý về hải quan trực thuộc Tổng cục Hải quan (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 385/QĐ-BTC ngày 12/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Xuất gạo dự trữ nhà nước hỗ trợ cứu đói cho tỉnh Nam Định (Tình trạng hiệu lực không xác định)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1019/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC GIÁM SÁT QUẢN LÝ VỀ HẢI QUAN TRỰC THUỘC TỔNG CỤC HẢI QUAN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Cục Giám sát quản lý về hải quan là đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan, có chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành hải quan thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh (sau đây gọi tắt là nghiệp vụ giám quản); trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiệp vụ giám quản theo quy định của pháp luật.

2. Cục Giám sát quản lý về hải quan có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính:

a) Văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản quy định về thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát hải quan thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

b) Các chương trình, đề án về thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát hải quan;

c) Ý kiến tham gia với các Bộ, ngành về các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải có liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

d) Quyết định thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng nội địa (ICD); ban hành mẫu tờ khai hải quan;

đ) Giải quyết các vướng mắc về nghiệp vụ giám quản vượt quá thẩm quyền quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

2. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét, quyết định:

a) Quy chế, quy trình nghiệp vụ về thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát hải quan;

b) Văn bản trả lời chính sách, chế độ, quy trình thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát hải quan thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

c) Ý kiến kiến nghị với các Bộ, ngành về giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

d) Thành lập kho ngoại quan, địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS), địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu ở biên giới thuộc khu kinh tế cửa khẩu; việc trang bị phương tiện, thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan;

đ) Xử lý các vướng mắc của các tổ chức, cá nhân về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan vượt quá thẩm quyền của Cục Giám sát quản lý về hải quan.

3. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định về thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát hải quan:

a) Hướng dẫn, giải thích về thủ tục hải quan, các quy chế, quy trình kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật và của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

b) Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy chế, quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực được phân công quản lý;

c) Giải quyết các vướng mắc về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với cơ quan hải quan các cấp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong phạm vi các quy định của pháp luật và quy trình nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan.

4. Chỉ đạo, kiểm tra cơ quan hải quan các cấp trong việc:

a) Thực hiện thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát hải quan;

b) Tổ chức thực hiện việc thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng nội địa (ICD), thành lập kho ngoại quan, địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS), địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu ở biên giới thuộc khu kinh tế cửa khẩu theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Tổ chức thực hiện các công việc về cải cách, hiện đại hóa và hội nhập về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật và phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

6. Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát hải quan.

7. Tham gia xây dựng chương trình, giáo trình và giảng dạy nghiệp vụ về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

8. Tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện chính sách pháp luật hải quan liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan.

9. Quản lý cán bộ, công chức và tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Tài chính.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

Cục Giám sát quản lý về hải quan có các phòng:

1. Phòng Tổng hợp.

2. Phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại (gọi tắt là Phòng Giám quản 1).

3. Phòng Giám quản hàng hóa đầu tư, gia công và chế xuất (gọi tắt là Phòng Giám quản 2).

4. Phòng Giám quản phương tiện xuất nhập cảnh và hàng hóa khác (gọi tắt là Phòng Giám quản 3).

Nhiệm vụ cụ thể của các phòng do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.

Biên chế của Cục Giám sát quản lý về hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong tổng số biên chế được giao.

Điều 4. Lãnh đạo Cục

1. Cục Giám sát quản lý về hải quan có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng.

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục; Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Cục trưởng, Phó Cục trưởng và các chức danh lãnh đạo khác của Cục Giám sát quản lý về hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Như Điều 5;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Văn Ninh