cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 41/QĐ-TCLN ngày 26/04/2010 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 41/QĐ-TCLN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
  • Ngày ban hành: 26-04-2010
  • Ngày có hiệu lực: 26-04-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-12-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1695 ngày (4 năm 7 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 16-12-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 16-12-2014, Quyết định số 41/QĐ-TCLN ngày 26/04/2010 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 567/QĐ-TCLN-VP ngày 15/12/2014 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/QĐ-TCLN

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CITES VIỆT NAM THUỘC TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Quyết định số 04/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và Chánh Văn phòng Tổng cục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam là cơ quan thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức, thực hiện quyền và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là CITES).

2. Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam và các Cơ quan đại diện Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam có con dấu riêng, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp.

Trụ sở của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đặt tại Thành phố Hà Nội; trụ sở của Cơ quan đại diện Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam tại phía Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Tên giao dịch Quốc tế: Viet Nam CITES Management Authority; viết tắt là VN CITES MA.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Đại diện theo ủy quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mức thành viên CITES;

2. Xây dựng, trình Tổng cục trưởng các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách thực thi CITES; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý CITES và các cơ sở nuôi, trồng động vật, thực vật thuộc các Phụ lục của CITES;

3. Trình Tổng cục trưởng danh mục các loài động vật, thực vật quy định tại các Phụ lục của CITES;

4. Hướng dẫn xử lý mẫu vật quy định tại các Phụ lục của CITES bị tịch thu do xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển trái phép theo quy định của pháp luật Việt Nam và CITES;

5. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, văn bản quy phạm nội bộ, văn bản cá biệt thuộc phạm vi quản lý của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam;

6. Tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo về thực thi CITES, bảo tồn và nuôi trồng các loài động vật, thực vật thuộc các Phụ lục của CITES;

7. Xây dựng báo cáo quốc gia hàng năm về thực thi CITES và các báo cáo kỹ thuật theo yêu cầu của Ban thư ký CITES và các Ủy ban;

8. Quản lý cấp, thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ CITES; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật theo quy định hiện hành của Nhà nước và CITES;

9. Chủ trì hoặc phối hợp quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế về thực thi CITES;

10. Hướng dẫn đăng ký hoạt động nuôi, trồng động vật, thực vật thuộc các Phụ lục CITES vì mục đích thương mại; tổ chức thẩm định và đăng ký với Ban Thư ký CITES quốc tế các cơ sở nuôi, trồng các loài động vật, thực vật vì mục đích thương mại thuộc Phụ lục I của CITES;

11. Chủ trì, phối hợp với các Cơ quan Khoa học CITES và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực thi CITES:

a) Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng tự nhiên và tình trạng buôn bán các loài động vật, thực vật thuộc các Phụ lục của CITES;

b) Đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của CITES;

c) Phối hợp kiểm tra các cơ sở nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh các loài động vật, thực vật thuộc các Phụ lục của CITES;

d) Phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh mẫu vật động vật, thực vật thuộc các Phụ lục của CITES tại nhà ga hàng không, nhà ga đường sắt, cảng biển, khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật;

12. Là cơ quan đầu mối quốc gia tại Diễn đàn hổ toàn cầu (GTF); Chương trình Giám sát săn bắn voi bất hợp pháp (MIKE) và Hệ thống thông tin về buôn bán voi (ETIS); Mạng lưới thực thi luật các loài hoang dã của ASEAN (ASEAN-WEN) và Nhóm chuyên gia thực thi CITES của ASEAN (AEG-CITES);

13. Quản lý cán bộ công chức và tài sản theo quy định của pháp luật;

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng cục trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam có Giám đốc và các Phó Giám đốc giúp việc.

Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam điều hành hoạt động của Cơ quan, chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trước pháp luật và các quy định của CITES về hoạt động của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam.

Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam giúp Giám đốc theo dõi, chỉ đạo, giải quyết một số mặt công tác theo sự phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc, trước pháp luật và các quy định của CITES về nhiệm vụ được phân công.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, các Phó Giám đốc thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Cơ cấu tổ chức:

a) Các Cơ quan đại diện Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam tại phía Nam và miền Trung, chịu sự quản lý thống nhất của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam.

b) Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ:

- Bộ phận tổng hợp và quản lý giấy phép;

- Bộ phận quan hệ quốc tế về CITES;

- Bộ phận thực thi, đào tạo và tuyên truyền.

3. Công chức của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ được giao; có nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các Bộ phận; trình Tổng cục trưởng ban hành Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Cơ quan đại diện Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy chế làm việc của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam; bố trí công chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn, bản mô tả công việc và nhiệm vụ được giao.

Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng Tổng cục, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Thanh tra Tổng cục và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các Phó Tổng cục trưởng TCLN;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các đơn vị trực thuộc Tổng cục;
- Sở NN và PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu: VT.

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị