cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 09/2010/CT-UBND ngày 21/12/2010 Về tăng cường công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường do tỉnh Lâm Đồng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Ngày ban hành: 21-12-2010
  • Ngày có hiệu lực: 31-12-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-01-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1489 ngày (4 năm 29 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-01-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-01-2015, Chỉ thị số 09/2010/CT-UBND ngày 21/12/2010 Về tăng cường công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định 88/2009/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường do tỉnh Lâm Đồng ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 28/01/2015 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng hết hiệu lực toàn bộ năm 2014”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2010/CT-UBND

Đà Lạt, ngày 21 tháng 12 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 88/2009/NĐ-CP NGÀY 19/10/2009 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG.

Thực hiện Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21 tháng 10 năm 2009 và Thông tư số 20/2010/TT-BTNMT ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

Việc thống nhất cấp một loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, trong công tác cấp Giấy chứng nhận, làm tiền đề cho việc quản lý và hỗ trợ thị trường bất động sản một cách minh bạch, tạo thuận lợi cơ bản cho ngành Tài nguyên và Môi trường trong việc chủ động xây dựng quy định cụ thể hoá quy phạm, kế hoạch triển khai.

Để đẩy nhanh tiến độ công tác cấp Giấy chứng nhận, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền những nội dung cơ bản của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ, Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21 tháng 10 năm 2009 và Thông tư số 20/2010/TT-BTNMT ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhất là việc công khai minh bạch, cụ thể hoá các thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu để các chủ sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Công tác tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều phương thức để làm cho người sử dụng đất hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ và tự giác thực hiện các quy định của Nhà nước về kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

b) Khẩn trương dự thảo các văn bản cụ thể hoá những nội dung thuộc trách nhiệm của địa phương, đơn vị mà Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ và Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009, Thông tư số 20/2010/TT-BTNMT ngày 22/10/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường giao; trong đó chú trọng việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định xét duyệt hồ sơ để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ sử dụng đất, sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi được cấp Giấy chứng nhận.

2. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc:

a) Xây dựng kế hoạch cấp Giấy chứng nhận và tổ chức thực hiện kế hoạch theo hình thức cuốn chiếu theo từng khu vực, từng địa bàn (xác định cụ thể vùng trọng điểm để tập trung tổ chức thực hiện) niêm yết công khai tại Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố và trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và đến từng địa bàn dân cư (đến tận thôn, xóm, khu phố, tổ dân phố) nơi có đất để chủ sử dụng đất biết và thực hiện việc kê khai đăng ký, lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

b) Căn cứ các tài liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt hiện có tại từng địa phương khẩn trương xác định diện tích đã sử dụng vào các mục đích nhưng chưa được đo đạc để xây dựng kế hoạch phương án đo đạc, lập hồ sơ địa chính theo trình tự quy định;

c) Rà soát, đối chiếu các tài liệu về địa chính kết hợp với việc kiểm tra trên thực địa để xác định thống kê cụ thể từng thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận, kịp thời thông báo, hướng dẫn chủ sử dụng thực hiện kê khai, đăng ký để lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Riêng đối với những khu vực có biến động lớn không thể thực hiện việc chỉnh lý biến động thì chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đo đạc lại phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận;

d) Chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để giải quyết kịp thời các nhu cầu đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận, kể cả việc hợp đồng thêm biên chế để đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ;

đ) Song song với việc đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận, các địa phương phải tiếp tục tổ chức xử lý giải quyết dứt điểm các tồn tại, sai sót qua rà soát kết quả cấp Giấy chứng nhận tại từng địa bàn đảm bảo tính pháp lý của Giấy chứng nhận và hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai;

e) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng phương án cấp đổi Giấy chứng nhận tại những địa bàn được đầu tư đo đạc lại theo quy trình chính quy để có cơ sở thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận và lập hồ sơ địa chính. Tổ chức thực hiện kế hoạch cấp Giấy chứng nhận cho từng địa phương theo kế hoạch được duyệt.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện của các địa phương. Đồng thời kiểm tra, rà soát các tổ chức sử dụng đất trên toàn tỉnh để lập thủ tục cấp mới, thu hồi hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận theo quy định. Định kỳ 3 tháng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện, kiến nghị giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng xây dựng, hoàn thiện phương án sử dụng đất quy hoạch lâm nghiệp theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định 450/QĐ-UBND ngày 19/02/2008, xác định ranh giới trên thực địa làm cơ sở cho các địa phương xem xét và cấp Giấy chứng nhận được thuận lợi.

5. Sở Tài chính thẩm định đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về kinh phí thực hiện, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định theo quy định hiện hành.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa