Chỉ thị số 08/2010/CT-UBND ngày 01/12/2010 Về tăng cường thực hiện công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- Số hiệu văn bản: 08/2010/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 01-12-2010
- Ngày có hiệu lực: 16-12-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-08-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3179 ngày (8 năm 8 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-08-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2010/CT-UBND | Lào Cai, ngày 01 tháng 12 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG, AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Trong những năm qua, công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN) trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được các ngành, địa phương; cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quan tâm triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng: Nhận thức của các ngành, các địa phương, người sử dụng lao động và người lao động về BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN được nâng cao; môi trường, điều kiện lao động trong nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (gọi chung là doanh nghiệp) được quan tâm đầu tư cải thiện; quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN cơ bản được bảo đảm, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh) chưa nhận thức và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định của pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN; công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chưa quan tâm đúng mức; còn để xảy ra cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây thiệt hại về người và của; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề về ATVSLĐ – PCCN còn ít; xử lý việc vi phạm pháp luật về ATVSLĐ - PCCN chưa kiên quyết, kịp thời.
Để nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả công tác triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN theo tinh thần Chỉ thị số 10/2008/CT-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện công tác BHLĐ, ATLĐ và Chỉ thị số 20/2004/CT-TTg ngày 20/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Các Sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong việc thực hiện pháp luật BHLĐ, ATVSLĐ – PCCN; nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ – PCCN đưa vào trong chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm. Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các cấp tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ – PCCN; lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp từng nhóm đối tượng và điều kiện của đơn vị.
2. Chủ sử dụng lao động của mỗi doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN: Lập và thực hiện kế hoạch công tác BHLĐ hàng năm gắn với thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh; quy định rõ chế độ, trách nhiệm đối với từng cấp, từng chức danh quản lý và nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn đối với từng loại máy, thiết bị, công việc, nơi làm việc; đo, kiểm tra đánh giá môi trường, điều kiện lao động; có biện pháp tích cực và đầu tư đúng mức cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ - PCCN cho người lao động; thực hiện kiểm định, đăng ký sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện PCCN, phương tiện cấp cứu theo quy định và duy trì thường xuyên việc kiểm tra, đảm bảo sử dụng hiệu quả những trang thiết bị đó; thực hiện đầy đủ chế độ bồi dưỡng cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; thực hiện khám sức khoẻ định kỳ; khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; phân loại và quản lý sức khoẻ người lao động phù hợp với công việc được giao, bảo đảm người lao động làm việc ở những nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải được đào tạo nghề phù hợp theo quy định; thực hiện đúng các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tổ chức tốt công tác tự kiểm tra; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên; không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người, bị thương nhiều người, không để xảy ra cháy nổ. Thực hiện đầy đủ việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo định kỳ tai nạn lao động, làm tốt công tác phát động thi đua, tổng kết, khen thưởng BHLĐ và chế độ báo cáo định kỳ về công tác BHLĐ. Đảm bảo môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực về công tác BHLĐ của tỉnh) có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Chương trình, kế hoạch BHLĐ, ATVSLĐ của tỉnh cho từng giai đoạn và hàng năm phù hợp với yêu cầu quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
b) Triển khai, hướng dẫn kịp thời các văn bản pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ đến các ngành, địa phương và doanh nghiệp; quản lý, hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn và đăng ký sử dụng các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ đối với các tổ chức, cá nhân; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác BHLĐ, ATVSLĐ cho cán bộ quản lý các cấp và người sử dụng lao động trong các thành phần kinh tế; phối hợp với các ngành, các cơ quan chức năng tư vấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực hiện pháp luật lao động và chuyên đề công tác BHLĐ, ATVSLĐ trong các thành phần kinh tế, đặc biệt chú ý đối với những công trình trọng điểm, các khu công nghiệp, khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng, điện và công trình thuỷ điện, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật và những ngành, nghề có yếu tố, nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.
d) Phối hợp với Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng và các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ; chú ý xây dựng phóng sự tuyên truyền về gương làm tốt cũng như cảnh báo về nguy cơ mất ATVSLĐ.
e) Phối hợp với các đơn vị liên quan kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý công tác ATVSLĐ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - TBXH và Bộ Nội vụ.
f) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và Ban Thi đua, Khen thưởng tỉnh hướng dẫn và chỉ đạo làm tốt công tác tổng kết, khen thưởng định kỳ 05 năm và hàng năm về công tác BHLĐ, ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.
g) Tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện công tác BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN trên địa bàn tỉnh; kịp thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả tổ chức thực hiện ở địa phương.
4. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – TBXH và các Sở, ngành liên quan quản lý, hướng dẫn thực hiện công tác VSLĐ, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp; thanh tra, kiểm tra chuyên đề VSLĐ trong doanh nghiệp. Chỉ đạo cơ sở y tế làm tốt công tác khám, chăm sóc sức khoẻ người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tổ chức và nâng cao hiệu quả việc cấp cứu đối với trường hợp tai nạn lao động, hạn chế thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người lao động; thực hiện những nhiệm vụ khác về VSLĐ theo quy định của pháp luật.
5. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan quản lý, hướng dẫn thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề phòng cháy, chữa cháy theo thẩm quyền; phối hợp thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ đối với cơ quan, doanh nghiệp. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và các Sở, ngành quản lý Nhà nước về BHLĐ, ATVSLĐ trong việc đưa ra truy tố, xét xử những cá nhân thiếu trách nhiệm, có hành vi vi phạm pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN để xảy ra những vụ cháy nổ, những vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
6. Sở Công thương tăng cường quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành quản lý; chủ động phối hợp với ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN đối với các khu công nghiệp, khai thác khoáng sản, điện và công trình thuỷ điện, vật liệu nổ công nghiệp; đảm bảo giám sát từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành, khai thác sử dụng.
7. Sở Xây dựng tăng cường quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành quản lý; chủ động phối hợp với ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ đối với các cơ sở khai thác - sản xuất vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng trọng điểm, các công trình xây dựng nhà ở hộ gia đình do các chủ cai thầu (không đăng ký hành nghề xây dựng) hay nhóm người lao động tổ chức thi công; đảm bảo giám sát từ khâu qui hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu đến khai thác sử dụng.
8. Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành quản lý; chủ động phối hợp với ngành liên quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ đối với các công trình xây dựng, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng cầu, đường giao thông; đặc biệt các công trình làm việc trên sông nước, ven sông suối, dưới chân núi cao; đảm bảo giám sát từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến khâu nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì và khai thác sử dụng công trình.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Chủ động phối hợp với ngành liên quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp; đặc biệt trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc phòng chống mối mọt, côn trùng; phân bón; thức ăn chăn nuôi; chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng máy nông nghiệp,… theo tinh thần Chỉ thị số 20/2004/CT-TTg ngày 08/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác BHLĐ, ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp; chủ động phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất thành lập bộ phận chuyên trách công tác BHLĐ, ATLĐ trong nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
10. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành liên quan, địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường; kiểm tra, đánh giá tác động ảnh hưởng môi trường đến điều kiện làm việc của người lao động; ngăn ngừa các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và ATVSLĐ.
11. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, thanh tra lao động các Sở, ngành chức năng và các huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN.
12. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lào Cai phối hợp với ngành chức năng triển khai, hướng dẫn doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp thực hiện tốt quy định của pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN; kiểm tra phát hiện và kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ – PCCN để xảy ra cháy nổ, tai nạn lao động nghiêm trọng theo thẩm quyền và phân cấp quản lý.
13. UBND các huyện, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện pháp luật BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN đối với cơ quan, doanh nghiệp; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo thẩm quyền và phân cấp quản lý; đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và ngành nghề khu vực nông thôn. Phối hợp với ngành chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp,.. trên địa bàn; phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
14. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hàng năm căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương bố trí kinh phí thực hiện Chương trình BHLĐ, ATVSLĐ của tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
15. Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN để người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân biết thực hiện; xây dựng và đăng tin, bài, phóng sự phản ánh kịp thời gương tốt trong thực hiện công tác ATVSLĐ – PCCN, phê phán đơn vị còn vi phạm; đồng thời cảnh báo những nguy cơ mất ATVSLĐ, cháy nổ để mọi người biết và chủ động phòng ngừa. Ngoài việc tuyên truyền bằng tiếng Việt, cần tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số biết, chủ động thực hiện.
16. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn và tham gia cùng với cơ quan chức năng quản lý công tác BHLĐ, ATVSLĐ; kiểm tra đối với doanh nghiệp theo qui định của Luật Công đoàn và qui định của pháp luật lao động hiện hành; chỉ đạo tổ chức công đoàn các cấp phối hợp với người sử dụng lao động trong việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN và mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại doanh nghiệp; tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về ATVSLĐ.
17. Đề nghị các tổ chức đoàn thể tỉnh: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,... chỉ đạo cơ sở trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ - PCCN; cập nhật kiến thức về phương pháp sơ cấp cứu người bị tai nạn lao động; phát hiện và thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền về những nguy cơ xảy ra tai nạn, mất an toàn trong lao động sản xuất để có biện pháp xử lý; nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc phòng ngừa cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung nêu trên. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị và tổng hợp báo cáo định kỳ 06 tháng, hàng năm với UBND tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 21/CT- UB ngày 22/12/1997 của UBND tỉnh Lào Cai về việc tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |