Chỉ thị số 11/2010/CT-UBND ngày 13/10/2010 Tăng cường công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Số hiệu văn bản: 11/2010/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Trị
- Ngày ban hành: 13-10-2010
- Ngày có hiệu lực: 23-10-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-06-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3893 ngày (10 năm 8 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-06-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2010/CT-UBND | Đông Hà, ngày 13 tháng 10 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, KIỂM TRA VÀ RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua, công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực chất lượng của công tác tham gia, thẩm định kiểm tra rà soát văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả của công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo, ban hành không đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật được thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 còn thấp; công tác kiểm tra văn bản và rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa được tiến hành kịp thời, thường xuyên.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại nêu trên nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật UBND tỉnh, chỉ thị:
1. Sở Tư pháp
1.1. Bố trí công chức có đủ trình độ năng lực và kinh nghiệm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tham gia thẩm định, rà soát kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện việc tham gia, thấm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đúng thời gian quy định, đảm bảo tính hợp hiến hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của văn bản. Tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại chỗ kết hợp với việc định kỳ kiểm tra tại cơ sở nhằm bảo đảm tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của UBND, UBND cấp huyện sau khi được ban hành phải được kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật. Khi phát hiện thấy văn bản có dấu hiệu trái pháp luật phải kịp thời ra thông báo đề nghị cơ quan ban hành văn bản tự kiểm tra xử lý và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh;
1.2. Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, giúp UBND tỉnh rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh kịp thời báo cáo HĐND, UBND tỉnh xử lý các văn bản không phù hợp với quy định pháp luật theo định kỳ hàng năm lập, trình UBND tỉnh công bố;
1.3. Tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ thẩm định, kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ pháp chế các Sở, ban ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh;
1.4. Tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về mức chi đảm bảo cho công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua.
2. Văn phòng UBND tỉnh
2.1. Định kỳ hàng năm, chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các Sở, ban ngành liên quan lập dự kiến Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh trình UBND tỉnh ban hành. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh, báo cáo UBND tỉnh tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong việc soạn thảo, trình các dự thảo văn bản;
2.2. Đối với các hồ sơ trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chưa đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ trình chưa đầy đủ (Chưa có văn bản thẩm định của Sở Tư pháp Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm trả lại hồ sơ cho cơ quan soạn thảo đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ đề nghị Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND tỉnh) hoặc trực tiếp chuyển toàn bộ hồ sơ văn bản cho Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình ký, ban hành. Đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã bảo đảm đúng trình tự, thủ tục thì phải xử lý đúng thời gian, đúng quy trình, thủ tục theo pháp luật xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và Quy chế làm việc của UBND tỉnh;
2.3. Thực hiện việc gửi văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành đến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp theo đúng thời hạn quy định để kiểm tra theo thẩm quyền và gửi đến Sở Tư pháp để giúp UBND tỉnh tự kiểm tra;
2.4. Tổ chức thực hiện việc đăng Công báo đối với các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành theo đúng quy định của pháp luật. Đảm bảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh phải được lưu trữ, phân loại có hệ thống và khoa học để phục vụ cho việc tra cứu văn bản.
3. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan lập dự toán, bố trí kinh phí hàng năm cho công tác xây dựng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh, UBND tỉnh theo quy định tại các Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhả nước đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và Nghị quyết của HĐND tỉnh.
4. Các Sở, ban, ngành liên quan
4.1. Thực hiện việc đăng ký chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của HĐND, UBND tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo đúng tiến độ xây dựng các dự thảo văn bản theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh;
4.2. Trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp của HĐND, UBND tỉnh ban hành cần thực hiện theo đúng quy trình thủ tục được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 và Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND về việc Ban hành quy chế phối hợp trong công tác xây dựng soạn thảo, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp của HĐND, UBND tỉnh phải được gửi đến các Sở, ban ngành và các tổ chức đơn vị liên quan để lấy ý kiến tham gia và gửi đến Sở Tư pháp theo đúng thời hạn luật định để Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND tỉnh;
4.3. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp trong công tác tự kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh để kịp thời kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành sửa đối, bổ sung, thay thế hủy bỏ hoặc bãi bỏ khi không còn phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội tại địa phương hoặc với nội dung văn bản mới ban hành của cơ quan nhà nước cấp trên.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố
5.1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục pháp luật quy định. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác soạn thảo ban hành, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản theo quy định. Chỉ đạo đôn đốc phòng Tư pháp trong việc thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tự kiểm tra và kiểm tra văn bản văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; đảm báo đủ biên chế và công chức có nghiệp vụ năng lực cho phòng Tư pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định pháp luật;
5.2. Bố trí cán bộ, công chức có năng lực, chuyên môn làm công tác tham mưu soạn thảo thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại các phòng, ban chuyên môn. Thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn việc gửi văn bản quy phạm pháp luật sau khi đã ban hành về Sở Tư pháp đế kiểm tra đúng thời gian quy định; tổ chức thực hiện tốt công tác văn thư, lưu trữ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương;
5.3. Đảm bảo về kinh phí cơ sở vật chất cho các phòng, ban chuyên môn theo quy định của pháp luật để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp trong việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân vào việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Giám sát và vận động, nhân dân thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp ban hành góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
7. Các cơ quan báo chí địa phương có trách nhiệm đăng, phát kịp thời, đúng và đầy đủ những nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp mới ban hành theo đúng quy định pháp luật để nhân dân biết và thực hiện.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để có biện pháp giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |