Quyết định số 05/2010/QĐ-UBND ngày 26/01/2010 Phê duyệt Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- Số hiệu văn bản: 05/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Ngày ban hành: 26-01-2010
- Ngày có hiệu lực: 05-02-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-02-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3295 ngày (9 năm 0 tháng 10 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 13-02-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2010/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 01 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 96/TTr-STP ngày 12 tháng 11 năm 2009 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 12/SNV-TCBC ngày 05 tháng 01 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu, nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng:
a) Mục tiêu:
- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng, tăng cường về số lượng và chất lượng các tổ chức hành nghề công chứng, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng; đồng thời, từng bước chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng và Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp.
- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo một mạng lưới gắn kết với địa bàn dân cư trên toàn tỉnh nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức và thực hiện quy định pháp luật về công chứng, đảm bảo và tăng cường an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, phục vụ hiệu qủa cho quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ngãi.
- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải đi đôi với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng - một hoạt động đặc biệt, gắn liền với quyền lực Nhà nước phải có bước đi phù hợp, theo định hướng và lộ trình cụ thể nhằm bảo đảm cho sự phát triển hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, đúng với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
b) Nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng:
- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh theo định hướng và lộ trình phù hợp với từng khu vực và từng giai đoạn.
- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các khu vực có yêu cầu công chứng cao.
- Nhà nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu công chứng tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng thời có biện pháp khuyến khích xã hội hóa hoạt động công chứng tại các khu vực này.
- Ưu tiên phát triển Văn phòng công chứng có đội ngũ nhân sự lành nghề, am hiểu pháp luật, có cơ sở vật chất thuận lợi cho việc tiếp dân và bảo đảm lưu trữ tốt, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công chứng.
2. Định hướng phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng:
a) Định hướng chung về phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Quảng Ngãi:
- Ổn định và tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của Phòng công chứng hiện có. Phát triển Văn phòng công chứng tại các khu vực có yêu cầu công chứng cao và có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi nhằm thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng; đồng thời, có chính sách khuyến khích phát triển Văn phòng công chứng tại các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; thành lập mới Phòng công chứng tại một số huyện vùng núi, hải đảo nơi chưa có Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng để phục vụ nhân dân.
- Phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo định hướng và lộ trình của tỉnh, xây dựng mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng gắn với địa bàn dân cư để phục vụ nhu cầu công chứng của nhân dân một cách tiện lợi, kịp thời.
b) Định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo khu vực:
Để thực hiện được các mục tiêu và nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã nêu ở trên, định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Quảng Ngãi theo khu vực được xây dựng trên các cơ sở: diện tích và phân bố dân cư, phân bố các ngành nghề kinh doanh có yêu cầu công chứng cao (tài chính - ngân hàng, bất động sản, luật sư), dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu công chứng của từng khu vực; cụ thể như sau:
- Khu vực 1: gồm thành phố Quảng Ngãi và các huyện: Đức Phổ, Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành.
- Khu vực 2: gồm các huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, Minh Long, Lý Sơn.
Tỉnh Quảng Ngãi tập trung phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại khu vực 1 và có chính sách khuyến khích phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại khu vực 2. Đồng thời, thành lập mới các Phòng công chứng tại một số huyện vùng núi, hải đảo nơi chưa có Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng để phục vụ nhân dân.
3. Lộ trình phát triển tổ chức hành nghề công chứng:
Căn cứ vào nhu cầu công chứng và yêu cầu quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thực hiện theo lộ trình 02 giai đoạn như sau:
a) Giai đoạn 1 (từ năm 2010 - 2015): Tập trung củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Phòng Công chứng hiện có; phát triển Văn phòng công chứng tại khu vực có yêu cầu công chứng cao và có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi để thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, đồng thời có biện pháp khuyến khích phát triển Văn phòng công chứng tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Cụ thể như sau:
- Củng cố, kiện toàn Phòng Công chứng số 1; bố trí hoặc xây dựng mới trụ sở phù hợp cho Phòng Công chứng số 1; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên.
- Phát triển Văn phòng công chứng tại khu vực 1; có biện pháp khuyến khích phát triển Văn phòng công chứng tại khu vực 2.
- Phát triển 01 Văn phòng công chứng tại địa bàn thành phố Quảng Ngãi; khuyến khích, cho phép các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng đặt trụ sở tại huyện Bình Sơn và huyện Đức Phổ. b) Giai đoạn 2 (sau năm 2015):
- Phát triển thêm các Văn phòng công chứng tại khu vực có yêu cầu công chứng cao và phù hợp với định hướng của tỉnh; tổ chức lại Phòng công chứng ở khu vực mà Văn phòng công chứng đã hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu công chứng của khu vực và yêu cầu quản lý Nhà nước.
- Khi nhu cầu công chứng phát triển, tiếp tục cho phép các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng đặt trụ sở tại các huyện còn lại; thành lập mới các Phòng công chứng tại một số huyện miền núi, hải đảo nơi chưa có Phòng công chứng và Văn phòng công chứng để phục vụ nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện có một tổ chức hành nghề công chứng.
- Ổn định và tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các Phòng công chứng hiện có; tiến tới chuyển đổi, xã hội hóa các Phòng Công chứng.
c) Thực hiện chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch:
Đối với những địa bàn đã có tổ chức hành nghề công chứng hoạt động thì thực hiện chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
4. Thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng:
Việc thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định pháp luật.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Trách nhiệm của Sở Tư pháp:
- Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án này trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tỉnh Quảng Ngãi.
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Đề án; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển và tình hình thực tiễn.
- Sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án trong từng giai đoạn.
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh và có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
+ Chủ trì tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; các biện pháp bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc ban đầu cho Phòng công chứng.
+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng.
+ Tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, giải thể tổ chức hành nghề công chứng; cấp giấy phép hoạt động đối với Văn phòng công chứng theo quy định của pháp luật.
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định pháp luật.
b) Trách nhiệm của Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thành lập mới Phòng công chứng; củng cố, kiện toàn tổ chức các Phòng công chứng.
c) Trách nhiệm của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp cùng với Sở Tư pháp xây dựng dự toán và bố trí kinh phí tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
- Phối hợp cùng với Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng và hướng dẫn hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
- Phối hợp cùng với Sở Tư pháp và Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bố trí trụ sở phù hợp cho Phòng công chứng số 1 và các Phòng công chứng thành lập mới.
d) Trách nhiệm của Cục Thuế tỉnh:
Phối hợp cùng với Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
đ) Các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố: Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tổ chức thực hiện Đề án.
e) Trách nhiệm của các tổ chức hành nghề công chứng: Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thành lập và đăng ký hoạt động; thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |