Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 13/01/2010 Ban hành Quy chế phân cấp quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 01/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 13-01-2010
- Ngày có hiệu lực: 23-01-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-01-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1441 ngày (3 năm 11 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 03-01-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2010/QĐ-UBND | Tam Kỳ, ngày 13 tháng 01 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHÂN CẤP MỘT SỐ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1566/TTr-SNV ngày 14/12/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế phân cấp một số công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 72/2005/QĐ-UBND ngày 10/11/2005 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phân cấp một số công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, Trưởng Ban Tôn giáo, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHÂN CẤP MỘT SỐ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 13/01/ 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế này quy định thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong hệ thống hành chính về một số công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành;
2. Những nội dung công việc quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo không phân cấp trong Quy chế này, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện theo thẩm quyền quy định tại Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 và các văn bản pháp quy khác của Nhà nước;
3. Mọi tổ chức và cá nhân khi tiến hành các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải thực hiện đúng Quy chế này.
Điều 2. Nguyên tắc phân cấp
1. Bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương;
2. Xác định rõ thẩm quyền giải quyết từng nội dung công việc, tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo;
3. Bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Các hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo gây rối an ninh trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân và các hành vi vi phạm pháp luật khác đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương II
PHẠM VI TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Uỷ ban nhân dân tỉnh
1. Chấp thuận việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng được tổ chức lần đầu; lễ hội tín ngưỡng lần đầu được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn; lễ hội tín ngưỡng được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi về nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống;
2. Công nhận tổ chức tôn giáo có phạm vi hoạt động ở trong tỉnh;
3. Chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo cơ sở;
4. Tiếp nhận đăng ký hội đoàn tôn giáo có phạm vi hoạt động ở nhiều huyện, thành phố thuộc tỉnh;
5. Cấp đăng ký cho dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác có phạm vi hoạt động trong tỉnh;
6. Chấp thuận việc mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo;
7. Tiếp nhận đăng ký việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử của các chức sắc, nhà tu hành thuộc thành phần quy định tại khoản 2, Điều 16, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ;
8. Tiếp nhận thông báo cách chức, bãi nhiệm chức sắc đã đăng ký quy định tại khoản 2, Điều 16, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ;
9. Chấp thuận thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành vi phạm pháp luật về tôn giáo đã bị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị xử lý về hình sự;
10. Chấp thuận hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đăng ký của tổ chức tôn giáo cơ sở có sự tham gia của tín đồ ngoài huyện, thành phố thuộc tỉnh hoặc ngoài tỉnh;
11. Chấp thuận đại hội, hội nghị của các tổ chức tôn giáo ở cấp tỉnh;
12. Chấp thuận các cuộc lễ tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo có sự tham gia của tín đồ đến từ nhiều huyện, thành phố trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh;
13. Chấp thuận việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình kiến trúc tôn giáo có làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình;
14. Tiếp nhận thông báo tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ngoài phạm vi một huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Điều 4. Sở Nội vụ tỉnh (Ban Tôn giáo)
Cấp đăng ký hoạt động cho tổ chức tôn giáo có phạm vi hoạt động trong tỉnh.
Điều 5. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố (gọi chung là cấp huyện)
1. Tiếp nhận đăng ký hội đoàn tôn giáo có phạm vi hoạt động trong huyện, thành phố;
2. Cấp đăng ký cho dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác có phạm vi hoạt động trong huyện, thành phố;
3. Tiếp nhận thông báo thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành;
4. Tiếp nhận đăng ký thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành;
5. Chấp thuận hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đăng ký của tổ chức tôn giáo cơ sở có sự tham gia của tín đồ trong phạm vi huyện, thành phố;
6. Chấp thuận việc tổ chức đại hội, hội nghị của tổ chức tôn giáo cấp cơ sở;
7. Chấp thuận các cuộc lễ tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo có sự tham gia của tín đồ trong phạm vi huyện, thành phố;
8. Chấp thuận cho chức sắc, nhà tu hành giảng đạo, truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo;
9. Tiếp nhận thông báo tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo có phạm vi ngoài một xã, phường, thị trấn thuộc huyện, thành phố.
Điều 6. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã)
1. Tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội tín ngưỡng không thuộc quy định tại khoản 1, Điều 4, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ;
2. Tiếp nhận đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở;
3. Tiếp nhận việc đăng ký người vào tu của người phụ trách cơ sở tôn giáo;
4. Tiếp nhận thông báo của tổ chức cơ sở tôn giáo về việc sửa chữa nhỏ, không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình cơ sở tôn giáo;
5. Tiếp nhận thông báo tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo trong phạm vi xã, phường, thị trấn;
6. Tiếp nhận và cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo của các điểm nhóm thuộc các hệ phái Tin lành.
Điều 7. Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) tỉnh thực hiện
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng cấp và chính quyền các địa phương liên quan thẩm định các nhu cầu hoạt động các tổ chức và cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh;
2. Chấp thuận việc mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho chức sắc, nhà tu hành của các tổ chức tôn giáo trong tỉnh;
3. Chấp thuận các hội nghị của các tổ chức tôn giáo trong tỉnh theo Điều 25, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ;
4. Tiếp nhận thông báo việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo ngoài phạm vi một huyện, thành phố thuộc tỉnh;
5. Tiếp nhận hồ sơ và xem xét cấp đăng ký cho tổ chức hội đoàn, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác của tôn giáo có phạm vi hoạt động nhiều huyện, thành phố trực thuộc tỉnh;
6. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký của tổ chức tôn giáo việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, suy cử thuộc thành phần quy định tại khoản 2, Điều 16, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ;
7. Có ý kiến bằng văn bản về việc chức sắc, nhà tu hành thường trú tại tỉnh khi tham gia khoá đào tạo tôn giáo, tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài trình Ban Tôn giáo Chính phủ xem xét, giải quyết;
8. Tiếp nhận thông báo về việc cách chức, bãi nhiệm chức sắc của các tổ chức tôn giáo.
Điều 8. UBND tỉnh uỷ quyền UBND cấp huyện thực hiện
1. Chấp thuận các cuộc lễ tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo có sự tham gia của tín đồ nhiều huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, bao gồm cả cuộc lễ có sự tham dự hoặc chủ trì của chức sắc ngoài tỉnh có phạm vi phụ trách đến địa bàn diễn ra cuộc lễ;
2. Chấp thuận các cuộc lễ tôn giáo ngoài chương trình đăng ký hằng năm, diễn ra trong cơ sở tôn giáo có nội dung: Khánh thành, hoàn nguyện công trình xây dựng cơ sở tôn giáo; tưởng niệm ngày từ trần của các chức sắc; kỷ niệm ngày thành lập tổ chức tôn giáo cơ sở; công bố quyết định thành lập tổ chức tôn giáo cơ sở; công bố quyết định bổ nhiệm, phong phẩm chức sắc, có sự tham gia của tín đồ nhiều huyện, thành phố trực thuộc tỉnh hoặc ngoài tỉnh;
3. Chấp thuận hoạt động tôn giáo diễn ra định kỳ hằng năm, ngoài chương trình đăng ký của tổ chức tôn giáo cơ sở, có sự tham gia của tín đồ ngoài huyện, thành phố thuộc tỉnh hoặc ngoài tỉnh, bao gồm cả cuộc lễ có sự tham dự hoặc chủ trì của chức sắc ngoài tỉnh có phạm vi phụ trách đến cơ sở tôn giáo diễn ra cuộc lễ;
4. Tiếp nhận đăng ký việc bầu cử, suy cử thành viên tổ chức tôn giáo cơ sở của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân như: Ban Hộ tự của Phật giáo, Hội đồng Giáo xứ của Công giáo, Ban Chấp sự, Ban Trị sự Chi hội Tin lành, Ban Cai quản họ đạo của đạo Cao đài...
5. Cấp giấy phép việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thuộc cơ sở tôn giáo không phải là di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh cho các trường hợp:
a) Nhà ở và các công trình phụ phục vụ sinh hoạt đời sống của chức sắc, nhà tu hành; tường rào, cổng ngõ trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không ảnh hưởng đến công trình kiến trúc chính (nhà thờ, nhà nguyện, chánh điện, thánh đường, thánh thất...), có giá trị không quá 300.000.000 đồng Việt Nam (ba trăm triệu đồng VN) trên một lần cấp phép đối với một công trình hoàn chỉnh;
b) Tượng hoặc tháp trong khuôn viên cơ sở tôn giáo có giá trị không quá 150.000.000 đồng Việt Nam (một trăm năm mươi triệu đồng VN) đối với một công trình. Các trường hợp đặt tượng, xây tháp ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo không điều chỉnh trong Quy chế này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.
1. Những lễ hội tín ngưỡng thuộc thẩm quyền chấp thuận của UBND tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét quyết định và trả lời cho tổ chức, cá nhân đúng quy định pháp luật;
2. Những hoạt động tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét quyết định và trả lời cho tổ chức, cá nhân đúng quy định pháp luật;
3. Những hoạt động tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, Phòng Nội vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình UBND cùng cấp xem xét quyết định và trả lời tổ chức và cá nhân đúng quy định pháp luật.
Điều 10. UBND cấp huyện xem xét uỷ quyền Phòng Nội vụ cùng cấp giải quyết, trả lời một số nội dung công việc thuộc thẩm quyền cấp huyện về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan, tổ chức kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định./.