Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020"
- Số hiệu văn bản: 23/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 06-01-2010
- Ngày có hiệu lực: 06-01-2010
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 07-12-2018
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-05-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3430 ngày (9 năm 4 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 29-05-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2010 – 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, các hoạt động dịch vụ và phương thức kinh doanh; góp phần định hướng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển; đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ở địa bàn nông thôn, trên cơ sở đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo tiền đề để chủ động hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế thành công ở địa bàn nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trung bình hàng năm (chưa loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 khoảng 22%/năm; giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 20%.
- Đến hết năm 2010, cơ bản hoàn thành việc rà soát, đánh giá và tổ chức lại hợp tác xã thương mại ở địa bàn nông thôn.
- Đến năm 2011, hoàn thành quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn; trong đó có quy hoạch chợ biên giới.
- Đến năm 2012, hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng các chợ đầu mối bán buôn nông sản tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch được duyệt.
- Đến năm 2015, 50% chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp, cải tạo và xây mới; 100% chợ trung tâm của các huyện được kiên cố hóa; 30% thị trấn có loại hình tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa.
- Đến năm 2015, tỷ lệ hàng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng chiếm từ 25 – 30%; đến năm 2020 là 45 – 50%.
- Đến năm 2020, tất cả các xã đều có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ đầu mối nông sản, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; 80% số thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa. Hình thành 01 sở giao dịch gạo tại Cần Thơ, 01 sở giao dịch cà phê tại Đắk Lắk và một số trung tâm đấu giá hàng nông sản.
- Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước nhất là công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Phát triển thương mại nông thôn theo mô hình sau:
a) Cấu trúc thương mại trên địa bàn xã, bao gồm:
- Mạng lưới chợ dân sinh (là loại hình tổ chức thương mại chủ yếu ở địa bàn xã đến năm 2015 và 2020).
- Mạng lưới kinh doanh của cá nhân, hộ kinh doanh, kể cả hộ nông dân vừa sản xuất vừa kinh doanh thương mại.
- Mạng lưới kinh doanh của các hợp tác xã thương mại với quy mô nhỏ và vừa ở các xã, cụm xã với hoạt động chủ yếu là cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của xã viên hợp tác xã, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và sinh hoạt của cư dân nông thôn.
b) Cấu trúc thương mại trên địa bàn thị trấn, thị tứ, bao gồm:
- Mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất – chế biến, lưu thông hàng hóa và các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thương mại có hệ thống chi nhánh, cửa hàng, cơ sở sơ chế, phân loại, bao gói, bảo quản và dự trữ nhỏ; các xí nghiệp, trạm trại sản xuất, hệ thống bến bãi, kho cơ sở và kho trung chuyển đặt tại các thị trấn, thị tứ.
- Mạng lưới kinh doanh của các hộ kinh doanh có phương thức kinh doanh cơ bản như hộ kinh doanh trên địa bàn xã nhưng có quy mô lớn hơn, có phương thức kinh doanh hiện đại (nhượng quyền thương mại, kinh doanh theo chuỗi, thương mại điện tử) sớm hơn.
- Mạng lưới chợ trung tâm huyện, chợ dân sinh và một số loại hình tổ chức phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại quy mô nhỏ và vừa (chủ yếu là hạng III), cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi... được hình thành từng bước theo quy hoạch.
c) Phát triển các loại hình tổ chức thương mại đặc thù:
Tại các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung hoặc vùng ven đô, tiếp tục cải tạo, nâng cấp, xây mới một số chợ đầu mối tổng hợp hoặc chuyên doanh bán buôn nông sản và vật tư nông nghiệp, tạo tiền đề hình thành các trung tâm đấu giá và sở giao dịch hàng nông sản; đồng thời phát triển chợ trên sông, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.
2. Tổ chức mạng lưới kinh doanh theo ngành hàng
a) Đối với hàng nông sản
- Tại những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, hình thành các kênh tiêu thụ cấp độ lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp nòng cốt (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa); doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh, hệ thống đại lý, chợ đầu mối nông sản cấp vùng và cấp tỉnh. Gắn tổ chức kênh này với việc xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ một số nông sản chủ yếu (thóc gạo, lạc, rau, quả, thủy sản, muối) thông qua các hợp tác xã với phương thức ký hợp đồng ngay từ đầu vụ sản xuất.
- Tại những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chưa phát triển, phân tán, tạo lập kênh lưu thông ở cấp độ vừa và nhỏ, phù hợp cung cầu thị trường; với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh… Hàng nông sản được tiêu thụ chủ yếu thông qua mạng lưới chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh tại các thị trấn, thị tứ; chợ dân sinh và cửa hàng tạp hóa ở địa bàn xã. Gắn với kênh này là việc xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ một số nông sản chủ yếu (thóc gạo, lạc, rau, quả xuất khẩu, thủy sản, muối) thông qua các hộ kinh doanh với hợp đồng kinh tế được ký vào thời điểm thu hoạch.
- Tại các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xây dựng mối liên kết kinh tế bền vững giữa hộ nông dân, hợp tác xã thương mại với cơ sở sản xuất – chế biến, giữa cơ sở sản xuất – chế biến với doanh nghiệp thương mại; xây dựng cơ chế để các hộ sản xuất và xã viên hợp tác xã được mua cổ phần trong các công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.
b) Đối với vật tư nông nghiệp
Phát triển mạng lưới kinh doanh theo hướng củng cố, hoàn thiện mạng lưới chợ tư liệu sản xuất, hệ thống phân phối, hệ thống đại lý, cơ sở kinh doanh của các chủ thể sản xuất kinh doanh. Triển khai xây dựng mô hình thí điểm cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) theo hướng gắn với các mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản.
c) Đối với hàng công nghiệp tiêu dùng
- Căn cứ nhu cầu, thị hiếu và mức thu nhập của cư dân nông thôn, thiết lập mạng lưới kinh doanh tiêu dùng với quy mô và phương thức hoạt động phù hợp từng địa bàn; phát triển các chợ kinh doanh tổng hợp, hệ thống đại lý, cửa hàng thương nghiệp tại các trung tâm cụm xã, cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại và hộ kinh doanh.
- Từng bước phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại trong quá trình cải tạo mạng lưới chợ truyền thống ở nông thôn, trước hết là tại các chợ ở thị trấn, thị tứ.
3. Phát triển chợ đến địa bàn nông thôn
a) Đối với nông thôn đồng bằng
- Di dời, cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ dân sinh có quy mô chợ hạng III ở địa bàn xã.
- Nâng cấp, cải tạo, mở rộng hoặc xây mới các chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ có quy mô chợ hạng II hoặc hạng I tại các trung tâm kinh tế huyện.
- Tập trung xây dựng chợ đầu mối bán buôn nông sản quy mô lớn tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung của vùng và tỉnh.
b) Đối với nông thôn trung du, miền núi
Ngoài định hướng phát triển chợ đầu mối nông sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh địa bàn xã và trung tâm huyện, chú trọng nâng cấp, cải tạo và xây mới chợ biên giới có quy mô hạng III, chợ cửa khẩu, chợ nằm trong khu kinh tế cửa khẩu có quy mô hạng II và hạng I.
4. Quản lý chợ trên địa bàn nông thôn
Phát triển doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ theo các mô hình sau:
a) Mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chuyên kinh doanh, quản lý chợ hoặc hoạt động đa lĩnh vực, trong đó có chợ, thông qua đấu thầu hoặc được giao quyền sử dụng, khai thác và quản lý chợ (đối với các chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư).
b) Mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên kinh doanh, quản lý chợ hoặc hoạt động đa lĩnh vực, trong đó có chợ, tự bỏ vốn đầu tư chợ và tổ chức kinh doanh, khai thác, quản lý.
Tùy theo điều kiện cụ thể, một doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ có thể quản lý một hoặc một số chợ.
5. Định hướng tổ chức, hoạt động các loại hình thương nhân chủ yếu
a) Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thương mại
- Rà soát, đánh giá, phân loại và tổ chức lại các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thương mại hiện có trên địa bàn nông thôn.
- Phát triển hợp tác xã thương mại theo một số mô hình sau:
+ Ở khu vực nông thôn đồng bằng: phát triển hợp tác xã đa chức năng hoặc hợp tác xã dịch vụ tổng hợp; chú trọng mô hình hợp tác xã nông nghiệp – thương mại – dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp;
+ Ở khu vực nông thôn trung du, miền núi: phát triển hợp tác xã đa chức năng, hợp tác xã kinh doanh thương mại tổng hợp với các hình thức bán lẻ linh hoạt; phát triển tổ hợp tác mua chung – bán chung, mua chung – bán riêng hoặc các tổ dịch vụ để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống ở những nơi chưa có điều kiện thành lập hợp tác xã;
+ Phát triển hợp tác xã chợ ở cả địa bàn nông thôn đồng bằng và nông thôn trung du, miền núi; trong đó chú trọng phát triển hợp tác xã mà xã viên chủ yếu là các hộ kinh doanh trong chợ.
- Phát triển các liên hiệp hợp tác xã thương mại theo hướng củng cố các đơn vị hiện có; thành lập mới liên hiệp hợp tác xã thương mại với phương thức kinh doanh kết hợp truyền thống với hiện đại tại các tỉnh có kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển.
b) Đối với thương mại tư nhân
- Khuyến khích phát triển các loại hình thương mại tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
- Khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển theo hướng:
+ Tham gia vào hệ thống kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã thương mại thông qua các hình thức đại lý mua, bán, hợp đồng mua bán; tham gia vào các chuỗi phân phối bằng liên kết, liên doanh, nhượng quyền thương mại;
+ Tự phát triển hoặc liên kết, hợp nhất thành công ty hoặc hợp tác xã bán lẻ; từng bước ứng dụng mô hình chuổi phân phối bán lẻ và phương thức nhượng quyền thương mại, trước hết tại địa bàn thị trấn, thị tứ;
+ Các hộ kinh doanh trong chợ tham gia các hợp tác xã chợ, vừa là xã viên của hợp tác xã chợ, vừa là đối tượng sử dụng các loại hình dịch vụ do hợp tác xã chợ tổ chức.
III. GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU
1. Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mới hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn, trong đó trọng tâm là quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển thương mại.
2. Chính sách đầu tư
a) Các dự án đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; được vay tín dụng đầu tư nhà nước theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP.
b) Sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với một số loại hình hạ tầng thương mại chủ yếu ở địa bàn nông thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
3. Thực hiện thí điểm bảo hiểm sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực cho một số loại sản phẩm nông thủy sản.
4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thị trường.
Thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh, nhất là tại các chợ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Xây dựng, tổ chức thực hiện các dự án: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án phát triển thương mại nông thôn theo danh mục tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
a) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:
- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Đề án.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại, phát triển mạng lưới kinh doanh ở địa bàn nông thôn.
- Hàng năm, tổng hợp nhu cầu kinh phí triển khai các dự án thực hiện Đề án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện các dự án được giao theo quy định tại Quyết định này.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương:
- Bố trí kinh phí theo kế hoạch hàng năm để triển khai các dự án quy định tại Quyết định này.
- Rà soát, đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với các dự án hạ tầng thương mại chủ yếu ở địa bàn nông thôn.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ, ngành liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất, cân đối và phân bổ quỹ đất phù hợp với quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn.
đ) Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách thương mại trong khu vực kinh tế tập thể và các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thương mại điển hình ở địa bàn nông thôn.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Xây dựng kế hoạch hàng năm và lập dự toán kinh phí cho các dự án của Đề án.
- Chủ động bố trí ngân sách địa phương kết hợp với vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương triển khai thực hiện các dự án của Đề án tổ chức thực hiện các dự án được giao theo quy định tại Quyết định này.
- Nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác chống buôn lậu, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; vi phạm pháp luật về giá, trốn lậu thuế và các hành vi gian lận thương mại khác; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
- Bố trí kinh phí, biên chế chuyên trách, phương tiện làm việc để Sở Công Thương, Phòng Công Thương các huyện và bộ phận chuyên môn tại xã làm tốt vai trò tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại ở địa bàn nông thôn.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các dự án: định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Công Thương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
Tên dự án | Mục tiêu dự án | Cơ quan thực hiện | Thời gian thực hiện | Kinh phí thực hiện | |
Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | ||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
I. Dự án quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn | Điều chỉnh, xây dựng mới quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, tạo điều kiện cho việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn và thu hút nguồn vốn đầu tư | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Từ năm 2010 đến năm 2011 | Tổng kinh phí dự kiến là 31,5 tỷ đồng (500 triệu đồng/1 quy hoạch x 63 tỉnh), sử dụng ngân sách địa phương. |
II. Các dự án phát triển chợ ở địa bàn nông thôn | |||||
1. Dự án phát triển chợ đầu mối nông sản | Cải tạo, nâng cấp 31 chợ; xây mới 82 chợ đầu mối nông sản ở địa bàn nông thôn | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Từ năm 2010 đến năm 2020 | Tổng số vốn đầu tư dự kiến là 6.040 tỷ đồng (từ 2010-2015 là 5.641 tỷ đồng; từ 2016-2020 là 399 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn của các chủ thể sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế là chủ yếu và vốn vay; ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (riêng hạ tầng chợ đầu mối nông sản chuyên doanh hoặc tổng hợp ở các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung do ngân sách trung ương hỗ trợ). |
2. Dự án phát triển chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu | Cải tạo, nâng cấp 142 chợ; xây mới 276 chợ | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Từ năm 2010 đến năm 2020 | Tổng số vốn đầu tư dự kiến là 1.534 tỷ đồng (từ 2010-2015 là 1.034 tỷ đồng; từ 2016-2020 là 500 tỷ đồng). Trong đó, vốn của các chủ thể sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế và vốn vay là chủ yếu. Riêng chợ biên giới ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, ngân sách trung ương hỗ trợ. |
3. Dự án phát triển chợ dân sinh tại địa bàn xã | Xây dựng 3.000 chợ tại 3.000 xã chưa có chợ (không bao gồm các chợ biên giới) | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | | Từ 2010 đến 2020 (từ 2010 – 2015, xây dựng 1.500 chợ; từ 2016 – 2020, xây dựng 1.500 chợ) | Tổng số vốn đầu tư dự kiến là 1.500 tỷ đồng (trung bình: 500 triệu đồng/chợ), bao gồm vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và vốn vay, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Riêng chợ dân sinh xã ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, ngân sách trung ương hỗ trợ. |
III. Các dự án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp | |||||
1. Dự án xây dựng mô hình: Doanh nghiệp/Liên hiệp Hợp tác xã – Hợp tác xã – Nông dân | Nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung | Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Thuận, Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang | Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam | 2010 - 2011 | Tổng số kinh phí dự kiến là 6 tỷ đồng (500 triệu/1 dự án x 12 tỉnh), sử dụng ngân sách trung ương |
2. Dự án xây dựng mô hình: Doanh nghiệp – Hộ kinh doanh – Nông dân | Nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân tại những vùng sản xuất nông nghiệp không tập trung | Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Thuận, Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang | Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam | 2010 - 2011 | Tổng số kinh phí dự kiến là 6 tỷ đồng (500 triệu/1 dự án x 12 tỉnh), sử dụng ngân sách trung ương |
IV. Các dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực | |||||
1. Dự án đào tạo, bồi dưỡng cho 252 chủ nhiệm Hợp tác xã thương mại | Nâng cao kiến thức thương mại và năng lực quản lý cho 252 chủ nhiệm Hợp tác xã thương mại (1 tỉnh 4 người) | Bộ Công Thương | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Dự kiến khoảng 1 năm (2010) | Tổng kinh phí dự kiến là 810.280.000 đồng (tám trăm mười triệu, hai trăm tám mươi ngàn đồng), sử dụng ngân sách trung ương. |
2. Dự án đào tạo, bồi dưỡng 1.000 cán bộ quản lý chợ | Nâng cao nghiệp vụ thương mại và năng lực quản lý, điều hành chợ | Bộ Công Thương | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Dự kiến khoảng 2 năm (2010 - 2011) | Tổng kinh phí dự kiến là 1.027.660.000 đồng (một tỷ, không trăm hai bảy triệu, sáu trăm sáu mươi ngàn đồng), sử dụng ngân sách trung ương. |
3. Dự án đào tạo, bồi dưỡng 10.000 hộ kinh doanh | Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thương mại cho các đối tượng kinh doanh ở quy mô hộ gia đình tại khu vực nông thôn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hộ kinh doanh trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất | Bộ Công Thương | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương | Dự kiến khoảng 5 năm (2010 - 2014) | Tổng kinh phí dự kiến là 6.572.940.000 đồng (sáu tỷ, năm trăm bảy hai triệu, chín trăm bốn mươi ngàn đồng), sử dụng ngân sách trung ương. |