Quyết định số 147/2009/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 Về Quy định hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- Số hiệu văn bản: 147/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bắc Giang
- Ngày ban hành: 31-12-2009
- Ngày có hiệu lực: 10-01-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-01-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4027 ngày (11 năm 0 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-01-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 147/2009/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 31 tháng 12 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT GẠCH, NGÓI THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003; Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Luật Khoáng sản năm 1996, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005 và Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 1996, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993, Pháp lệnh phòng chống lụt, bão sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn cứ Quyết định 121/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 730/TTr-SCT ngày 08 tháng 12 năm 2009 về việc ban hành Quy định hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 197/2002/QĐ-UB ngày 04/10/2002 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 3. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT GẠCH, NGÓI THỦ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 147/2009/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2009 của UBND tỉnh Bắc Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này nhằm thống nhất quản lý đối với các hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Đối tượng điều chỉnh
1. UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn.
2. Các ngành: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tham mưu cho UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công theo quy định của pháp luật.
3. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn chịu sự quản lý nhà nước của UBND các cấp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3. Định hướng hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công
Rà soát và tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công hiện nay trên địa bàn tỉnh; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói thủ công chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò tuynel hoặc các lò công nghệ tiên tiến khác đảm bảo đạt quy chuẩn về môi trường.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Khu vực cấm hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công
1. Nghiêm cấm mọi hoạt động nung đốt gạch, ngói thủ công trong khu vực canh tác nông nghiệp, khu vực đông dân cư, phạm vi bảo vệ đê điều, thuỷ lợi, di tích văn hoá hoặc gây ảnh hưởng đến thoát lũ ở bãi sông.
2. Nghiêm cấm hoạt động khai thác đất nông nghiệp, đất sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng, đất dành riêng cho tôn giáo, đô thị, khu công nghiệp, đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình kiến trúc, giao thông, thông tin, đê điều, thuỷ lợi, di tích lịch sử - văn hoá, đất ở khu vực bãi giáp ven sông đang có tình trạng sạt lở để sản xuất gạch, ngói.
Điều 5. Đất sản xuất gạch, ngói thủ công
1. Đất sản xuất gạch, ngói thủ công chỉ được tận dụng đất bãi ven sông, đất hoang hoá và phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trường hợp khai thác đất bãi ven sông, đất thuộc khu vực ở gần phạm vi bảo vệ đê điều phía đồng liên quan đến tuyến đê cấp III, cấp IV, phạm vi đào lấy đất, độ sâu đào ở từng khu vực phải có văn bản thoả thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 6. Cấp giấy phép khai thác đất để sản xuất gạch, ngói
Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác đất để sản xuất gạch, ngói thủ công thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 7. Thời gian nung đốt lò gạch, ngói thủ công
Thời gian được phép nung đốt lò gạch, ngói thủ công (là thời gian bắt đầu và kết thúc có khói) từ ngày 01/11 năm trước đến ngày 01/3 năm sau.
Điều 8. Xử lý ô nhiễm môi trường
Các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói thủ công bắt buộc phải thực hiện các biện pháp áp dụng công nghệ xử lý khí thải độc hại và các chất thải khác đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường theo quy định hiện hành.
Điều 9. Xử lý sự cố do hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công gây ra
1. Khi xảy ra sự cố gây thiệt hại đến đến đời sống, sức khoẻ, sản xuất của người dân trên địa bàn mà nguyên nhân do hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công gây nên thì trình tự xử lý như sau:
a) UBND xã nơi bị thiệt hại chủ động phối hợp với UBND các xã có liên quan (nếu có), đại diện chủ lò trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi phát hiện ra sự việc hoặc nhận được khiếu kiện của người dân, phải tiến hành kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại, xử lý theo quy định.
b) Trường hợp UBND các xã không xử lý, giải quyết được thì phải báo cáo, xin ý kiến của UBND huyện, thành phố để giải quyết. Trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản báo cáo xin ý kiến của UBND xã, UBND huyện, thành phố phải có văn bản trả lời UBND xã. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản trả lời của UBND huyện, thành phố, UBND xã phải phê duyệt được phương án đền bù thiệt hại và báo cáo kết quả về UBND huyện, thành phố.
c) Trong thời gian 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày phương án đền bù được UBND xã phê duyệt, bên gây thiệt hại phải thực hiện xong việc đền bù.
2. Trường hợp sản xuất gạch, ngói thủ công gây ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, giao thông, đê điều hoặc vi phạm các quy định về phòng, chống, lụt, bão thì bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Chương III
LỘ TRÌNH XOÁ BỎ LÒ GẠCH, NGÓI THỦ CÔNG
Điều 10. Lộ trình xóa bỏ lò gạch, ngói thủ công
1. Kể từ ngày 01/3/2010: cấm triệt để mọi hoạt động nung đốt lò gạch, ngói thủ công trong khu vực đất canh tác nông nghiệp và khu vực đông dân cư.
2. Kể từ ngày 01/3/2012: cấm triệt để mọi hoạt động nung đốt lò gạch, ngói thủ công trên địa bàn các huyện Hiệp Hoà, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam và thành phố Bắc Giang.
3. Kể từ ngày 01/3/2013: Cấm triệt để mọi hoạt động nung đốt lò gạch, ngói thủ công trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Yên Thế.
Điều 11. Chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc tại các lò gạch, ngói thủ công
1. Người lao động đang làm việc tại các lò gạch, ngói thủ công bị xoá bỏ theo Quy định này sẽ được hỗ trợ tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới.
2. Nguồn kinh phí hỗ trợ được cân đối từ kinh phí đào tạo nghề cho nông dân và các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 12. Trách nhiệm của các Sở, UBND các cấp
1. Sở Công Thương
Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm trong thực hiện quy định này. Hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn với UBND tỉnh trước ngày 15 tháng 3.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với UBND huyện, thành phố xây dựng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để sản xuất gạch, ngói tại địa phương; kiểm tra, thanh tra việc khai thác, sử dụng đất và công tác bảo vệ môi trường trong nung đốt gạch, ngói trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Xây dựng
Chủ trì xây dựng và định kỳ bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn và kiểm tra chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng theo tiêu chuẩn và các quy định hiện hành.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố triển khai hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ mới trong nung đốt gạch, ngói nhằm giảm thiểu tối đa tác động ảnh hưởng đến môi trường.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp, đôn đốc UBND huyện, thành phố kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão và các trường hợp gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp; phối hợp với Sở Lao động - TBXH tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới cho người lao động đang làm việc tại các lò gạch, ngói thủ công sau khi bị xoá bỏ theo Quy định này.
6. Sở Lao động và Thương binh xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân, trong đó có tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề mới cho người lao động đang làm việc ổn định tại các lò gạch, ngói thủ công sau khi bị xoá bỏ theo Quy định này.
7. Công an tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ chủ động giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh.
8. UBND huyện, thành phố
a) Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy định này tới các cơ quan, tổ chức, hộ sản xuất gạch, ngói thủ công và nhân dân trên địa bàn.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương; chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch sử dụng đất để sản xuất vật liệu xây dựng (bao gồm: đất mặt bằng sản xuất và đất khai thác làm nguyên liệu) và phê duyệt theo quy định.
c) Phối hợp với các ngành thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất, cam kết bảo vệ môi trường trong sản xuất gạch, ngói thủ công của các chủ lò.
d) Chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công theo quy định.
đ) Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện đầu tư, khai thác đất, sản xuất gạch, ngói thủ công của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn về các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng trước ngày 10 tháng 3.
9. UBND cấp xã
a) Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định này tới nhân dân trên địa bàn.
b) Xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch sử dụng đất để sản xuất gạch, ngói (bao gồm: đất mặt bằng sản xuất và đất khai thác làm nguyên liệu) trình UBND huyện, thành phố phê duyệt.
c) Chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công theo quy định.
d) Hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện đầu tư, khai thác, sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn về UBND huyện, thành phố trước ngày 05 tháng 3.
Điều 13. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất gạch, ngói thủ công
Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy phép khai thác đất; quyết định cho thuê đất để sản xuất gạch, ngói; giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; phải nộp các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường và ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật và Quy định này.
Chương V
KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 14. Công tác kiểm tra
Việc kiểm tra hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công phải được tiến hành thường xuyên.
Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định này sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.
2. Mọi hành vi vi phạm quy định này phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Tổ chức thực hiện
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời bằng văn bản về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định./.