cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 08/2010/CT-UBND ngày 29/07/2010 Triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu văn bản: 08/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 29-07-2010
  • Ngày có hiệu lực: 08-08-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3706 ngày (10 năm 1 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-09-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-09-2020, Chỉ thị số 08/2010/CT-UBND ngày 29/07/2010 Triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 40/2020/QĐ-UBND ngày 16/09/2020 Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 trên địa bàn tỉnh An Giang”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2010/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 29 tháng 7 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Đây là đạo luật quan trọng, là cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường khi bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước gây ra trong thi hành công vụ. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên các lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; trách nhiệm giải quyết bồi thường của cơ quan nhà nước ở các ngành, các cấp; cơ chế giải quyết bồi thường theo yêu cầu của người bị thiệt hại.

Để đảm bảo việc thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu quả; nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tư pháp:

a) Tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan bằng các hình thức và biện pháp thích hợp để cán bộ, công chức hiểu rõ, thực thi nghiêm chỉnh Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các quy định liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh trong thực thi công vụ, ra sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.

b) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Sở Nội vụ:

a) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ nhằm không để xảy ra các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức.

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính:

Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường và công tác giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan cho cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.

b) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của mình.

c) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương.

d) Định kỳ sáu tháng và hằng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

a) Tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan cho cán bộ, công chức, đơn vị, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.

b) Thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định tại các khoản 2, 3, 6, 7 và 8 Điều 21 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 3 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ.

c) Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường của các đơn vị do Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý và Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc địa phương do mình quản lý.

d) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương.

đ) Định kỳ sáu tháng và hằng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Các Phòng, Trung tâm thuộc Văn phòng;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh