Chỉ thị số 06/2010/CT-UBND ngày 17/05/2010 Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Số hiệu văn bản: 06/2010/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 17-05-2010
- Ngày có hiệu lực: 27-05-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-05-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4016 ngày (11 năm 0 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-05-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2010/CT-UBND | Vinh, ngày 17 tháng 5 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Những năm qua, công tác quản lý, kinh doanh, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn tỉnh Nghệ An cơ bản thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; các hoạt động liên quan đến VLNCN đã được quản lý và ngày càng đi vào nề nếp, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, qua các đợt thanh kiểm tra liên quan về VLNCN cho thấy: Vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp vi phạm trong quá trình lưu thông, bảo quản, sử dụng VLNCN; nhiều khu vực sử dụng VLNCN chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy phạm pháp luật về VLNCN, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người lao động, thất thoát vật liệu nổ, sử dụng vật liệu nổ trái phép… Nguyên nhân của tồn tại nêu trên là do một số ngành chức năng, chính quyền địa phương còn buông lõng trong công tác quản lý nhà nước về VLNCN; ý thức, trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động liên quan VLNCN chưa cao, chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng VLNCN.
Để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại trong các hoạt động có liên quan đến VLNCN nêu trên; đồng thời nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Sở Công Thương:
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định các nội dung kỹ thuật của hồ sơ xin cấp phép sử dụng VLNCN; quản lý chặt chẽ về người chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, thủ kho và những người làm việc liên quan đến VLNCN; tăng cường công tác thanh, kiểm tra.
a) Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Quy định về quản lý, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng phù hợp với các quy định hiện hành của Chính phủ, Bộ Công Thương và phù hợp với thực trạng tình hình sử dụng VLNCN, trình UBND tỉnh ban hành trong quý IV năm 2010;
b) Về công tác thẩm định hồ sơ: Soát xét kỹ các nội dung của Bản đồ khu vực nổ mìn (trong đó xác định rõ khu vực nổ mìn, ranh giới an toàn, vị trí các công trình liên quan...); kiểm tra thực địa khu vực sử dụng VLNCN; giám sát, kiểm tra chặt chẽ về số lượng và các điều kiện của người chỉ huy nổ mìn, thợ mìn và những người làm việc liên quan đến VLNCN theo quy định tại Chương II - Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11/8/2009 và QC 02:2008/BCT của Bộ Công Thương.
c) Về đào tạo và quản lý nhân lực: Tổ chức mở các khóa đào tạo ngắn hạn thợ mìn và những người làm việc liên quan đến VLNCN. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các khóa huấn luyện, sát hạch định kỳ theo quy định;
d) Công tác thanh, kiểm tra: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị quản lý và sử dụng VLNCN tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; trong đó lưu ý kiểm tra bản đồ hiện trạng khu vực sử dụng VLNCN; xác định mức độ an toàn về chấn động và đá văng. Kịp thời phát hiện, đề xuất UBND tỉnh xử lý, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép của các đơn vị sử dụng VLNCN sai mục đích hoặc sai quy trình, quy phạm pháp luật về VLNCN.
2. Công an tỉnh:
a) Phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình lưu thông, bảo quản, vận chuyển và cung ứng VLNCN; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng VLNCN trái phép.
b) Phối hợp với Sở Công Thương trong công tác huấn luyện, sát hạch những người làm việc liên quan đến VLNCN.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
a) Thực hiện tốt các nội dung tại Điều 6- Quyết định số 23/2009/QĐ-UBND ngày 16/02/2009 của UBND tỉnh;
b) Tăng cường công tác kiểm tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động của những người làm việc liên quan đến VLNCN.
4. Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải:
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng VLNCN phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về VLNCN. Phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về VLNCN.
5. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với VLNCN; thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động liên quan VLNCN trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
6. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng VLNCN:
a) Có trách nhiệm gửi cán bộ, công nhân đi đào tạo và huấn luyện, sát hạch theo quy định của Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11/8/2009 và Quy chuẩn QC02:2008/BCT của Bộ Công Thương; đảm bảo đủ về số lượng và điều kiện đối với người chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, thủ kho và những người làm việc liên quan đến VLNCN theo quy định;
b) Báo cáo kịp thời về các biến động (nếu có) về tình hình sử dụng VLNCN, các thay đổi về: Thiết kế, phương án nổ mìn đặc trưng; tổ chức, nhân sự, khu vực, vị trí nổ mìn… về Sở Công Thương để theo dõi, quản lý;
c) Lập bản đồ hiện trạng khu vực nổ mìn gửi Sở Công Thương kèm theo báo cáo định kỳ sử dụng VLNCN (trước ngày 20/6 và 20/12 hàng năm). Bản đồ hiện trạng phải thể hiện đầy đủ về hiện trạng khu vực nổ mìn trong thời hạn cấp phép, vị trí các công trình liên quan, ranh giới khu vực an toàn và mức độ an toàn về chấn động và đá văng.
7. Các đơn vị thực hiện dịch vụ nổ mìn trong quá trình đăng ký phải nộp đầy đủ hồ sơ kỹ thuật và các văn bản pháp lý liên quan, đồng thời chứng minh đảm bảo đủ nhân lực để thực hiện dịch vụ; chấp hành tốt chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc và tổng hợp báo cáo việc thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) để tiếp tục chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |