cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 32/2009/QĐ-UBND ngày 23/11/2009 Về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 32/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Ngày ban hành: 23-11-2009
  • Ngày có hiệu lực: 03-12-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-07-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2793 ngày (7 năm 7 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-07-2017
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-07-2017, Quyết định số 32/2009/QĐ-UBND ngày 23/11/2009 Về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định 20/2017/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chứa quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2009/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 23 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CẤP XÃ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015;

Căn cứ Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 406/SNV-TCBM&ĐT ngày 14/9/2009;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 168/TT-SNNNT ngày 29 tháng 9 năm 2009 về việc đề nghị ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã (gồm 5 chương 11 điều theo quy chế đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Vụ pháp chế - Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- Sở Tư pháp (để kiểm tra);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- TT.Tỉnh ủy, TT HĐNT tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VPUB;
- Công báo tỉnh. Website tỉnh Đắk Lắk;
- Các bộ phận: NL, TH, TM
- Lưu: VT, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CẤP XÃ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2009/QĐ-UBND, ngày 23 tháng 11 năm 2009 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu của việc ban hành Quy chế

1. Nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng và giúp UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Nghị định số 23/2006/QĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

2. Quản lý các dự án trồng rừng sản xuất tại cấp xã theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tại cấp xã của dự án trồng mới 5 triệu ha theo Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

3. Quản lý, bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có, bảo vệ và phát triển rừng trồng; góp phần từng bước thực hiện xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng và góp phần hoàn thành các chương trình, dự án trồng rừng, giao đất khoán rừng, canh tác nương rẫy…

Điều 2. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Quy chế này được áp dụng cho các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã) có diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch để trồng rừng từ 500,0 ha trở lên được thành lập Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã.

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 3. Về cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã không quá 05 người, trong đó:

- Trưởng ban: là Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND xã, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

- Phó trưởng ban: là công chức kiểm lâm địa bàn xã, làm việc theo chế độ chuyên trách.

- Các thành viên: là Trưởng hoặc Phó công an xã, xã đội; cán bộ khuyến lâm; khuyến nông xã…làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Điều 4. Về tổ chức thành lập

Việc tổ chức, thành lập Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã, do UBND xã ra quyết định. Quyết định thành lập và danh sách Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã được báo cáo về Chi cục Kiểm lâm cơ quan tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện.

Điều 5. Về hoạt động

Hoạt động của Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã chịu sự chỉ đạo điều hành của Chủ tịch UBND xã về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của Hạt Kiểm lâm sở tại về chuyên môn nghiệp vụ.

Chương III

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Điều 6. Về chức năng

Tham mưu giúp UBND xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng được qui định tại Luật bảo vệ và phát triển rừng ban hành năm 2004, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản pháp luật hiện hành của nhà nước.

Điều 7. Về nhiệm vụ

Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã tham mưu giúp UBND xã thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến các thôn, buôn làng và người dân trong xã.

- Lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt.

- Thực hiện việc thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi địa phương mình quản lý và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Thực hiện việc bàn giao rừng tại thực địa cho các chủ rừng và xác nhận ranh giới rừng của các chủ rừng trên thực địa. Xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp huyện đưa vào quản lý, sử dụng đối với những diện tích rừng Nhà nước chưa có chủ quản cụ thể.

- Lập và quản lý hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng và đất để trồng rừng; các hợp đồng cho thuê rừng, khoán rừng giữa tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân trong xã.

- Hướng dẫn nhân dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp; làm nương rẫy, định canh, thâm canh, luân canh, chăn thả gia súc theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt.

- Thực hiện các dự án hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy, dự án trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy, dự án trồng rừng sản xuất, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng….

- Chỉ đạo, hướng dẫn các thôn, buôn xây dựng và thực hiện quy ước quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; tổ chức và huy động lực lượng quần chúng trên địa bàn phối hợp với kiểm lâm, lực lượng công an, quân đội trên địa bàn phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng.

- Thực hiện các biện pháp ngăn chặn xử lý các hành vi chặt phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã. Kiểm tra lập biên bản đối với các hành vi vi phạm pháp luật về rừng, tạm giữ tang vật, phương tiện phạm pháp, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo qui định.

- Thống kê tổng hợp số dân di cư tự do (hộ, nhân khẩu) vào cư trú trái phép trong rừng, phá rừng làm nương rẫy để có các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm xảy ra.

- Hàng tháng, hàng quý, hàng năm tham gia giao ban để báo cáo tình hình hoạt động công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã để Hạt Kiểm lâm, UBND xã báo cáo lên UBND huyện, Chi cục Kiểm lâm cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Quản lý dự án trồng rừng ở cấp xã.

Chương IV

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 8. Về chế độ, chính sách

1. Nội dung chi

Kinh phí chi cho hoạt động của Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã gồm các nội dung sau:

- Tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho các thôn, buôn và người dân trong xã;

- Huy động lực lượng quần chúng trên địa bàn phối hợp với kiểm lâm, lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ trên địa bàn phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng và phòng cháy chữa cháy rừng;

- Xây dựng phương pháp giao rừng, cho thuê rừng và đất để trồng rừng, lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương;

- Thực hiện thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp;

- Thực hiện ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã;

- Chi cho các hoạt động nghiệp vụ bảo vệ rừng khác theo qui định của pháp luật;

- Các khoản chi khác theo qui định tại quy chế này.

2. Mức chi

Các thành viên trong Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã làm việc theo chế độ kiêm nhiệm khi được huy động thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép (chặt phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép), phòng cháy, chữa cháy rừng; mức chi bằng ngày công lao động phổ thông ở địa phương.

Chi hỗ trợ cho Các thành viên trong Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã khi thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép (chặt phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép), phòng cháy, chữa cháy rừng nếu bị tai nạn được thanh toán tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện hành.

Điều 9. Về nguồn kinh phí hoạt động

Kinh phí hoạt động chỉ cho các hoạt động theo Quy chế này được trích từ ngân sách tỉnh do Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã lập toán gửi Hạt Kiểm lâm tổng hợp báo cáo về Chi cục Kiểm lâm để xây dựng dự toán chi thường xuyên trình Sở Tài chính xem xét bố trí, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 10. Cấp phát và quyết toán kinh phí

Chi cục Kiểm lâm căn cứ vào dự toán được phê duyệt hàng năm phân bổ cho các Hạt Kiểm lâm để theo dõi, quản lý, cấp phát và quyết toán theo qui định hiện hành.

Chương V

TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

Điều 11. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả tổ chức hoạt động.

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn để triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tổ chức hoạt động của Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã và có chế độ khen thưởng, kỷ luật theo quy định hiện hành.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra hoạt động của Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh và định kỳ tổng hợp, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh về kết quả hoạt động.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan để kịp thời đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung./.