cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 05/03/2010 Chủ động triển khai biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu văn bản: 06/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 05-03-2010
  • Ngày có hiệu lực: 05-03-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5378 ngày (14 năm 8 tháng 28 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Huế, ngày 05 tháng 3 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH BẢO VỆ RỪNG, PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG

Năm 2009, các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đã chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhiều vụ cháy rừng đã được phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời, do vậy không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.

Từ đầu năm 2010 đến nay do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra tình trạng khô hanh kéo dài; nhiệt độ không khí trung bình cao hơn nhiều năm gần đây, đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Đến nay, đã xảy ra cháy rừng ở một số điểm tại huyện A Lưới, huyện Hương Trà. Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND các cấp, các ngành, các chủ rừng và nhân dân thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến sâu rộng những chủ trương, quy định của Nhà nước về các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cấp xã, thôn, làng, bản; tổ chức ký cam kết đến các hộ gia đình, các chủ rừng gần rừng, ven rừng thực hiện những quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi, việc làm của người khác có khả năng gây ra cháy rừng.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật phòng cháy, chữa cháy, Nghị định 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Chỉ thị 270/CT-TTg ngày 12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, Chỉ thị 298/CT-TTg ngày 01/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và phòng cháy, chữa cháy rừng .

2. Tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm năm 2009 và triển khai sớm nhiệm vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2010 ngay từ đầu năm.

Rà soát, bổ sung lại phương án chữa cháy rừng, nhất là phương án chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn; củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp; thành lập và củng cố các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại chỗ.

Thực thi có hiệu quả cấp dự báo cháy rừng của UBND tỉnh đã ban hành; củng cố, xây dựng và hoàn thành sớm các công trình quản lý, bảo vệ rừng để sớm phát huy tác dụng phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các địa phương có nhiều rừng phải tổ chức diễn tập chữa cháy rừng ở địa phương mình với quy mô phù hợp, thiết thực và hiệu quả để kịp thời rút kinh nghiệm trong chỉ đạo chữa cháy rừng.

Chính quyền địa phương, Ban chỉ huy Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp phải tăng cường công tác đôn đốc và kiểm tra việc phòng cháy, chữa cháy rừng trong suốt mùa khô nóng nhất là những vùng rừng trọng điểm dễ cháy; cấm tuyệt đối việc rà tìm phế liệu chiến tranh, đốt nương rẫy và các hoạt động dùng lửa khác sai quy định trong rừng hoặc ven rừng dễ gây cháy lan sang rừng.

Khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND và Ban chỉ huy Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp được quyền huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy kịp thời; khen thưởng kịp thời thích đáng những cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Các chủ rừng tăng cường vai trò và trách nhiệm của mình trong việc chủ động, bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng; phải xây dựng và thực hiện đúng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm diện tích rừng do mình quản lý. Khẩn trương xây dựng và hoàn thành sớm các công trình bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng để đưa vào sử dụng có hiệu quả ngay từ đầu mùa khô nóng; có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc đốt rà tìm phế liệu chiến tranh, đốt than, đốt tổ ong để lấy mật, khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương rẫy, xử lý thực bì sai quy định,... Nếu để xảy ra cháy rừng trong địa bàn mình phụ trách, chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai có hiệu quả phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí đủ kinh phí cho các đơn vị để thực hiện tốt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có diện tích rừng lớn, tập trung phải lập phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức lực lượng xung kích, phương tiện, diễn tập để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng; có kế hoạch khảo sát và xây dựng các hồ chứa nước để phục vụ cho công tác chữa cháy rừng.

5. Cơ quan Kiểm lâm các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi giám sát việc thực hiện phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, các chủ rừng; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông báo cấp cháy rừng trong mùa khô nóng cho toàn thể nhân dân biết,tăng cường đưa tin những điển hình tốt về bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao ý thức bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng của nhân dân.

Tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện tốt việc cảnh báo, dự báo và kiểm soát lửa rừng; nâng cao chất lượng xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch và các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ; ưu tiên đối với những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

6. Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Kiểm lâm các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng và cơ sở; tham gia thẩm duyệt dự án và phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời hướng dẫn việc tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng; tham gia cứu chữa các vụ cháy rừng và điều tra xác minh nguyên nhân gây cháy; có kế hoạch thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT ngày 13/12/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

7. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng và có trách nhiệm huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra; có kế hoạch thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT ngày 13/12/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

8. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy rừng; thông báo cấp cháy rừng trong mùa khô nóng cho toàn thể nhân dân biết theo chế độ thông tin cảnh báo phòng chống thiên tai; tăng cường đưa tin những điển hình tốt về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao ý thức của cộng đồng.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành và các cơ quan đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Chi cục Kiểm lâm (Văn phòng Thường trực BCH BVR-PCCCR tỉnh) có trách nhiệm đôn đốc theo dõi và báo cáo định kỳ về UBND tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện