cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 2175/2009/QĐ-UBND ngày 21/09/2009 Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 2175/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Ngày ban hành: 21-09-2009
  • Ngày có hiệu lực: 01-10-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-05-2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2411 ngày (6 năm 7 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-05-2016
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-05-2016, Quyết định số 2175/2009/QĐ-UBND ngày 21/09/2009 Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 28/04/2016 Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2175/2009/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 21 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 27/2003/TT-BTC ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Bộ Tài chính Hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 547/TTr-KH&ĐT ngày 04 tháng 8 năm 2009 và báo cáo thẩm định số 337/BCTĐ-STP ngày 10 tháng 7 năm 2009 của Sở Tư pháp Cao Bằng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lý Hải Hầu

 

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2175 /2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chính sách, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học – công nghệ và môi trường của tỉnh có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành thực hiện trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng quy định này là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng (sau đây gọi là Liên hiệp Hội) và các Hội thành viên được thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Điều 2. Tính chất và nhiệm vụ của hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội

1. Tính chất hoạt động của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên không vì lợi nhuận, không phải là hoạt động nghề nghiệp, là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tham gia đóng góp trí tuệ vào các hoạt động của tỉnh.

2. Mục đích của hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên là cung cấp cho các cơ quan đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện đề án.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên không thay thế việc tư vấn, thẩm định của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tư vấn là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong việc đề xuất, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt đề án.

2. Phản biện là hoạt động cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đâù hoặc thực trạng đặt ra.

3. Giám định xã hội là hoạt động theo dõi, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện, mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án.

4. Dự án đầu tư có tính chất phức tạp là những dự án có nhiều thành phần, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

5. Dự án trọng điểm là những dự án được xác định có vai trò quan trọng cần có sự ưu tiên chỉ đạo và tập trung các nguồn lực cần thiết so với những dự án khác.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Những lĩnh vực chủ yếu thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và huyện, thị từ năm 2010 trở đi.

2. Quy hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực.

3. Các đề án về chính sách phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học – công nghệ và môi trường của tỉnh; các dự án đầu tư có tính chất phức tạp, dự án trọng điểm (sau đây gọi chung là đề án) cần lấy ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là của các nhà khoa học; các vấn đề đặc biệt khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu.

Điều 5. Nội dung hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Xem xét tính khả thi của đề án; sự phù hợp với quy hoạch, cảnh quan; tác động tới môi trường; các vấn đề liên quan tới kỹ thuật, công nghệ; những vấn đề liên quan tới lịch sử, văn hoá, xã hội, dân tộc, tập quán và liên quan tới lao động, việc làm, xoá đói giảm nghèo.

Điều 6. Hình thức tổ chức thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với Liên hiệp Hội và các Hội thành viên, nhằm có thêm kênh thông tin độc lập, khách quan để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào nội dung cụ thể của từng đề án, đề nghị Liên hiệp Hội, các Hội thành viên tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội về đề án hoặc từng phần cụ thể của đề án trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Những yêu cầu của các cơ quan đối với các vấn đề cần tư vấn, phản biện, giám định xã hội để Liên hiệp Hội và các Hội thành viên cung cấp được thực hiện thông qua hợp đồng dân sự giữa hai bên.

4 Trường hợp Liên hiệp Hội và các Hội thành viên tự đề xuất nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội thì phải xác định phạm vi và nội dung công việc cần thiết có thể tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Đồng thời đề xuất kiến nghị gửi đến các cơ quan và cấp có thẩm quyền xem xét, nếu được chấp thuận thì hai bên có biên bản thoả thuận hoặc hợp đồng thực hiện.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội

1. Chủ động đặt yêu cầu tư vấn, phản biện hoặc giám định xã hội với Liên hiệp Hội, các Hội thành viên về những vấn đề quy định tại khoản 1, Điều 1 Quy định này.

2. Cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, tư liệu cần thiết, bảo đảm các điều kiện thuận lợi về kinh phí và sử dụng cơ sở vật chất (nếu có thoả thuận) cho Liên hiệp hội và các Hội thành viên trong qua trình thực hiện nhiệm vụ.

3. Xử lý các kiến nghị trong văn bản tư vấn, phản biện hoặc giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên. Văn bản tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên được tập hợp trong hồ sơ đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Điều 8. Trách nhiệm của Liên hiệp hội và các Hội thành viên

1. Tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, lĩnh vực có chuyên môn sâu ở các Hội thành viên và các tổ chức có liên quan ở địa phương và các cơ quan Trung ương (nếu xét thấy cần thiết) để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

2. Đảm bảo yêu cầu về chất lượng tư vấn, phản biện, giám định xã hội, tiến độ thực hiện và tính độc lập, khách quan, trung thực của báo cáo kết quả tư vấn phản biện và giám định xã hội.

3. Chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung tư vấn, phản biện, giám định xã hội và những ý kiến do mình đề xuất.

4. Quản lý, bảo mật (nếu có yêu cầu) các hồ sơ, tư liệu của đề án được cung cấp; bảo quản các phương tiện kỹ thuật (nếu được giao sử dụng) và hoàn trả sau khi hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu.

Điều 9. Nội dung chi và kinh phí hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội

1. Nội dung và mức chi được xác định căn cứ vào quy mô, tính chất của đề án và điều khoản giao việc.

Mức chi cụ thể cho từng nội dung của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Thông tư số 27/2003/TT-BTC ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Bộ Tài chính.

2. Nguồn kinh phí cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Các đề án do cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị yêu cầu thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội và các đề án do Liên hiệp Hội và các Hội thành viên tự đề xuất và được chấp nhận, kinh phí thực hiện được xác định trên cơ sở hợp đồng theo quy định hiện hành, do hai bên thoả thuận phù hợp với những nội dung và mức chi quy định tại Thông tư số 27/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính và được trích từ nguồn kinh phí của đề án.

Trường hợp các đề án không được bố trí nguồn kinh phí riêng thì được sử dụng từ kinh phí hoạt động của cơ quan đặt yêu cầu (hoặc chấp nhận), thanh toán trực tiếp cho Liên hiệp Hội hoặc các Hội thành viên theo hợp đồng.

3. Công tác quản lý, cấp phát và quyết toán: Công tác quản lý tài chính đối với hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội hoặc các Hội thành viên phải thực hiên theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các chế độ quản lý hiện hành và các quy định cụ thể dưới đây:

a) Lập dự toán: Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội và nội dung, mức chi được quy định tại khoản 1 Điều này, Liên hiệp Hội và các Hội thành viên lập dự toán, trong đó phân ra: dự toán kinh phí để thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các đề án được Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị yêu cầu (hoặc chấp nhận); dự toán kinh phí do Liên hiệp Hội và các Hội thành viên đề xuất tư vấn, phản biện và giám định xã hội, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh;

b) Cấp phát kinh phí: Trên cơ sở dự toán chi Ngân sách được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao, căn cứ vào nhiệm vụ được giao thực tế, cơ quan tài chính cấp phát cho Liên hiệp Hội và các Hội thành viên theo phân cấp ngân sách để thực hiện;

c) Quyết toán kinh phí: trường hợp hết năm ngân sách, kinh phí chưa sử dụng hết được xử lý như sau:

Đối với dự toán kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp phát cho Liên hiệp Hội và các Hội thành viên, thực hiện quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn dưới Luật;

Đối với kinh phí thu được từ các hợp đồng thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các đề án, Liên hiệp Hội và các Hội thành viên sau khi đã chi phục vụ trực tiếp cho các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, phần còn lại được sử dụng vào việc tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội;

Hàng năm, Liên hiệp Hội và các Hội thành viên có trách nhiệm báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp về tình hình quản lý, sử dụng thu, chi từ hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, Liên hiệp Hội và các Hội thành viên khi thực hiện tư vấn phản biện, giám định xã hội, thực hiện theo các quy định tại Quy định này./.