cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 19/01/2010 Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 do tỉnh Phú Thọ ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Ngày ban hành: 19-01-2010
  • Ngày có hiệu lực: 19-01-2010
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-08-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 572 ngày (1 năm 6 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-08-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-08-2011, Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 19/01/2010 Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 do tỉnh Phú Thọ ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND ngày 04/08/2011 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành đến ngày 30/6/2011 đã hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Việt Trì, ngày 19 tháng 01 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI 5 NĂM 2011- 2015

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường; cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động sâu rộng đến tăng trưởng kinh tế, việc làm và đời sống nhân dân.

Để khắc phục và giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu và thực hiện thắng lợi, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 751/CT-TTg ngày 03/6/2009. Nội dung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015 tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

A. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI 5 NĂM 2011- 2015.

Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015 phải được xây dựng trên cơ sở tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2006- 2010, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của HĐND và kế hoạch của UBND tỉnh và trên cơ sở dự báo tình hình thế giới, tình hình trong nước và của tỉnh giai đoạn 2011-2015; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm phù hợp với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và với điều kiện thực tế của tỉnh. Những nội dung chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 gồm:

I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI 5 NĂM 2006- 2010

Trên cơ sở báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010, báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 theo ngành, lĩnh vực và khung theo dõi đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010 đã được phê duyệt; các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị ước thực hiện kế hoạch năm 2009, dự kiến kế hoạch năm 2010, đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trên tất cả các mặt, trong đó đặc biệt chú trọng mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được các cấp có thẩm quyền thông qua. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010, trong đó đặc biệt chú trọng đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp, chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng trưởng bền vững đi đôi với việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

2. Các vấn đề đặt ra trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn; những kết quả thành tựu về tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (cơ cấu ngành và nội bộ ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lao động và cơ cấu vùng kinh tế). Đánh giá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư phát triển do tác động trực tiếp từ việc hội nhập kinh tế quốc tế; đánh giá về chuyển dịch cơ cấu theo hướng tập trung các ngành công nghiệp, các ngành dịch vụ.

3. Phân tích về chất lượng tăng trưởng của ngành, địa phương quản lý; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai; chất lượng nguồn nhân lực, khai thác sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và đổi mới công nghệ.

4. Các nội dung trong lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng tới việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, lĩnh vực khoa học, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên, môi trường (sự biến đổi môi trường, việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại rác thải sinh hoạt và công nghiệp; tái sử dụng và tái chế chất thải...).

5. Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, nguồn vốn từ khu vực dân cư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các khoản viện trợ phi Chính phủ, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tình hình thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án lớn khác.

6. Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch; công tác cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Khi đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010, phải làm rõ kết quả thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); kết quả thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010. Đồng thời phải làm rõ những tồn tại, yếu kém so với mục tiêu đã đề ra; nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém; trách nhiệm của từng ngành, từng cấp để từ đó rút ra những bài học, kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển sắp tới của tỉnh.

II. VỀ NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2011- 2015.

Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 của tỉnh được xây dựng trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những yếu tố không thuận lợi, trong giai đoạn 2011-2015 cũng có nhiều cơ hội từ việc phục hồi và phát triển kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng sẽ tạo cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư; bên cạnh đó việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng sẽ tạo những điều kiện mới cho sự phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả, tính bền vững của sự phát triển. Quy mô và tiềm lực kinh tế của tỉnh được nâng cao hơn trước; sự ổn định về chính trị- xã hội của cả nước, của tỉnh là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

1. Mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011-2015

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 là phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế- xã hội; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 11- 11,5%/năm; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế, tạo chuyển biến mạnh trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Động viên cao độ các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tốc độ đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển văn hoá- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá và nâng cao chất lượng các lĩnh vực xã hội, cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo, tạo việc làm bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phòng chống tội phạm và giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế- xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

2. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực.

a) Về phát triển kinh tế:

- Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của ngành nông lâm nghiệp, thủy sản. Tập trung xây dựng, chuyển giao công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng, chất lượng hiệu quả cao, cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Triển khai có hiệu quả các chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm, gắn với đầu tư có trọng điểm kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp theo Nghị quyết TW 7; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên (đất đai, lao động và nguồn vốn) và cải thiện được đời sống của người lao động nông nghiệp. Tiếp tục xây dựng mô hình nông thôn mới.

- Khai thác lợi thế về vị trí địa kinh tế, tập trung khai thác ưu thế của hệ thống kết cấu hạ tầng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, chú trọng các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, có thị trường, có khả năng cạnh tranh phù hợp lợi thế của tỉnh và có vai trò đột phá trong phát triển kinh tế, như: bia, cán thép, xi măng, chế biến khoáng sản, điện tử, cơ khí...; Tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng có nghề. Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Đẩy nhanh tốc độ phát triển khu vực dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, có giá trị gia tăng cao: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ thông tin; phát triển và nâng cao chất lượng vận tải, đảm bảo lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân. Tập trung phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thể mạnh của tỉnh như: chè, giấy, vật liệu xây dựng, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ...;

- Khai thác tiềm năng du lịch trên cơ sở phát huy các lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm, các loại hình du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Xây dựng chương trình hợp tác phát triển dịch vụ, du lịch gắn với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ, nhanh chóng hình thành các tua, tuyến du lịch văn hoá, du lịch tâm linh, các khu vui chơi giải trí trên địa bàn.

- Đẩy mạnh huy động vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, vốn ODA để tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2015; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt là các tuyến giao thông gắn kết các trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống giao thông đối ngoại tiếp giáp với các thủ đô Hà Nội, Yên Bái, Sơn La.

- Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế, gắn các khu vực tập trung phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Hình thành và phát triển tạo ra các hạt nhân phát triển kinh tế của tỉnh trên cơ sở phát triển nhanh thành phố đô thị Việt Trì đạt đô thị loại I vào năm 2015, trên cơ sở đẩy mạnh vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, thương mại của thành phố Việt Trì để đảm nhận chức năng công nghiệp, dịch vụ thương mại và trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Phấn đấu nâng cấp cấp thị xã phú Thọ, các thị trấn trung tâm huyện lỵ theo quy hoạch.

b) Nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và các lĩnh vực khác.

- Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản về phát triển khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh và quản lý. Thực hiện chặt chẽ thẩm định công nghệ, đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư; chú trọng công tác quản lý môi trường và phát triển bền vững, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp về xử lý chất thải, nước thải các dự án đang triển khai trong các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị.

- Tăng cường khả năng phòng tránh và hạn chế tác động của thiên tai, sự biến động bất lợi của khí hậu đối với môi trường, ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức trong nhân dân về bảo vệ môi trường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các dịch vụ môi trường ở khu đô thị và nơi tập trung dân cư.

- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tập trung chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy về phổ cập bậc trung học và đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề; đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn để thực hiện việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức tốt công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm. Đổi mới quản lý nhà nước, mở rộng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa đi đôi với thực hiện tốt chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa các lĩnh vực này.

- Đẩy mạnh giải quyết việc làm, khuyến khích tạo động lực vươn lên làm giàu, thực hiện giảm nghèo bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội; ưu tiên hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế- xã hội miền núi, hỗ trợ đồng bào dân tộc; các chương trình mục tiêu quốc gia v.v...;

c) Nhiệm vụ về bảo vệ môi trường:

- Thực hiện chặt chẽ thẩm định công nghệ, đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư; chú trọng công tác quản lý môi trường và phát triển bền vững, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp về xử lý chất thải, nước thải các dự án đang triển khai trong các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị. Xử lý kiên quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

- Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; hạn chế tác động của thiên tai, sự biến động bất lợi của khí hậu đối với môi trường, ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khắc phục và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, có biện pháp tích cực nhằm cải tạo môi trường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các dịch vụ môi trường.

d) Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách tổng thể hành chính tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, quy chế; củng cố tổ chức, bộ máy, xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức và cải cách hành chính công. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND các cấp, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách tư pháp; kết hợp chặt chẽ giữa việc thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng với chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn, gắn nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch giáo dục quốc phòng; huấn luyện, diễn tập phòng thủ cấp huyện, xã và cụm xã. Đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý, tai nạn giao thông.

B. YÊU CẦU TRONG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015

I. Về tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010

Việc tổ chức đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 phải huy động, phát huy được sự phối hợp của các cấp, các ngành để bảo đảm nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tổng kết.

Về phương pháp đánh giá thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010: Để bảo đảm chất lượng công tác đánh giá, cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển đã được thông qua các cấp, các ngành trong tỉnh và các quy định về nội dung, phương pháp đánh giá thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội ban hành tại Quyết định số 555/QĐ-BKH ngày 30/5/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành khung theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015 cần tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan nghiên cứu, các tầng lớp xã hội, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế nhằm nâng cao tính khả thi của kế hoạch đề ra và tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

II. Về xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 phải xây dựng bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của HĐND và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, phải bảo đảm điều kiện để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011- 2020 của các ngành, các cấp; phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch về phát triển kinh tế- xã hội vùng, lãnh thổ.

Kế hoạch xây dựng phải gắn với khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đồng thời, kế hoạch được xây dựng phải phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp và sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

C. PHÂN CÔNG VÀ TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015

1. Tiến độ xây dựng kế hoạch.

- Trước ngày 15/11/2009, sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn khung kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011- 2015 cho các sở, ban, ngành, các huyện, thành thị và các đơn vị có liên quan.

- Trước ngày 10/12/2009 các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị gửi báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2015 về sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình UBND tỉnh và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc tổng hợp báo cáo phải xong trước ngày 31/12/2009.

2. Phân công thực hiện.

 (1) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị và các đơn vị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Chủ trì tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010 của tỉnh; tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án lớn thực hiện trong giai đoạn 2006-2010. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án lớn cho kế hoạch 5 năm 2011-2015.

- Đôn đốc kiểm tra việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức làm việc với các huyện, thành, thị về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

- Tổng hợp và xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của tỉnh, trình UBND tỉnh và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 (2) Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, bao gồm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước giai đoạn 2006-2010; dự báo khả năng cân đối ngân sách nhà nước tỉnh, xây dựng kế hoạch động viên vào nguồn lực ngân sách tỉnh giai đoạn 2011- 2015.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí dự toán ngân sách hàng năm cho các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể cho các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị bố trí dự toán ngân sách hàng năm để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2010-2015.

 (3) Các sở, ban, ngành; UBND huyện, thành, thị:

- Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2010-2015 thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý đúng theo tiến độ quy định, có chất lượng, bao gồm đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và Kế hoạch 5 năm 2011-2015.

- Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị xây dựng danh mục các công trình, dự án lớn trong triển khai giai đoạn 2011-2015, phân chia cụ thể theo nguồn vốn: Ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, ODA, FDI.

- Các sở, ngành chủ trì quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính làm việc với các đơn vị liên quan để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010; dự kiến nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015, trình UBND, HĐND tỉnh phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành, thị; các đơn vị có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Doãn Khánh