Chỉ thị số 31/2009/CT-UBND ngày 15/10/2009 Tăng cường công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 31/2009/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 15-10-2009
- Ngày có hiệu lực: 25-10-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-07-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1363 ngày (3 năm 8 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 19-07-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2009/CT-UBND | Huế, ngày 15 tháng 10 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HOÁ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt là QPPL), góp phần hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống các văn bản QPPL vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết và hạn chế như: cồng kềnh, chưa phù hợp với thực tế; văn bản hết hiệu lực và văn bản còn hiệu lực đan xen với nhau; có nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo; văn bản cấp dưới trái với văn bản của cấp trên và tại một số ngành, địa phương đã thiếu quan tâm, chỉ đạo và đầu tư cho công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản dẫn đến tình trạng văn bản đã ban hành nhiều năm qua vẫn chưa được rà soát để loại bỏ những văn bản đã hết hiệu lực về thời gian hoặc trái với quy định của cấp trên hoặc đã có những văn bản khác ban hành thay thế.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế (viết tắt là cấp huyện) và các xã, phường, thị trấn (viết tắt là cấp xã) thực hiện những nội dung sau:
1. Bên cạnh việc thực hiện đồng thời các biện pháp nhằm đổi mới và nâng cao kỹ thuật soạn thảo, ban hành văn bản, tăng cường công tác kiểm tra văn bản QPPL, còn cần phải đặc biệt quan tâm tới việc rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL, phải coi đây là việc làm thường xuyên của HĐND, UBND các cấp theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.
2. Đối tượng rà soát không chỉ là văn bản QPPL do HĐND, UBND các cấp ban hành mà kể cả các văn bản do các ngành thuộc UBND các cấp ban hành có chứa đựng quy phạm pháp luật hoặc các văn bản không được ban hành dưới hình thức của văn bản QPPL nhưng có một phần hoặc toàn bộ nội dung là quy phạm pháp luật.
3. Ngoài việc thường xuyên tiến hành công tác rà soát ghi ở điểm 1 trên đây, công tác rà soát và hệ thống hoá còn phải được tiến hành định kỳ (5 năm) theo chuyên đề, lĩnh vực đối với văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành và đối với văn bản do HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành được rà soát và hệ thống hoá theo chuyên đề, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của địa phương như quy định tại Điều 12 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.
4. Danh mục văn bản QPPL được lập, sau khi rà soát, hệ thống hoá, phải được HĐND, UBND ban hành ra văn bản đó xử lý nhanh chóng, kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng văn bản đáng phải xử lý bãi bỏ, sửa đổi hoặc thay thế nhưng để kéo dài, gây khó khăn cho công tác quản lý và điều hành, gây thiệt hại về tài sản của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
5. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL do các ngành, các cấp thực hiện và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
6. Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |