cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 50/2009/QĐ-UBND ngày 07/07/2009 Về tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 50/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 07-07-2009
  • Ngày có hiệu lực: 17-07-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-10-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1563 ngày (4 năm 3 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-10-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-10-2013, Quyết định số 50/2009/QĐ-UBND ngày 07/07/2009 Về tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 47/2013/QĐ-UBND ngày 17/10/2013 Về Quy định tuyển dụng viên chức và xếp lương khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp do thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 50/2009/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 331/GDDT-TC ngày 04 tháng 3 năm 2009 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 673/TTr-SNV ngày 07 tháng 5 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Bãi bỏ các Quyết định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Hà

 

QUY ĐỊNH

VỀ TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 50/2009/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố, bao gồm:

1. Cơ sở giáo dục mầm non: Nhà trẻ; Trường mẫu giáo; Trường mầm non.

2. Cơ sở giáo dục phổ thông: Trường tiểu học; Trường trung học cơ sở; Trường trung học phổ thông; Trường phổ thông có nhiều cấp học; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên.

3. Các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.

Điều 2. Nguyên tắc tuyển dụng

Việc tổ chức tuyển dụng phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện chính sách ưu tiên theo quy định.

Mọi công dân có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định đều được tham gia tuyển dụng.

Những người được tuyển dụng phải đúng tiêu chuẩn nghiệp vụ và được bố trí đúng việc.

Chương II

CƠ QUAN TUYỂN DỤNG, HÌNH THỨC TUYỂN DỤNG ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN VÀ QUY TRÌNH TUYỂN DỤNG

Điều 3. Cơ quan tuyển dụng

- Giao cho Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở, các đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc quận, huyện.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tuyển dụng giáo viên trung học phổ thông, giáo viên các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trực tiếp tuyển dụng giảng viên, giáo viên của đơn vị.

Điều 4. Hình thức tuyển dụng

Việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo thực hiện bằng hình thức xét tuyển qua hồ sơ.

1. Căn cứ xét tuyển:

Căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao và nhu cầu vị trí công tác.

2. Nội dung xét tuyển:

- Yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch;

- Kết quả học tập trung bình toàn khóa của người dự tuyển;

- Đối tượng ưu tiên theo quy định.

Điều 5. Điều kiện dự tuyển

Người dự tuyển làm viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố phải có đủ các điều kiện sau:

1. Là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng đối với các huyện có khó khăn về phương tiện đi lại, sau khi tuyển dụng, nếu còn thiếu giáo viên được tuyển dụng giáo viên có hộ khẩu tạm trú, hộ khẩu tỉnh (những vùng giáp ranh).

2. Tuổi đời của người dự tuyển từ đủ 18 tuổi đến dưới 45 tuổi.

3. Có đơn xin dự tuyển, có lý lịch rõ ràng, có đủ sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ.

4. Về trình độ: Đạt trình độ chuẩn theo quy định hiện hành tương ứng với ngạch giáo viên dự tuyển.

5. Không còn trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Điều 6. Ưu tiên trong tuyển dụng

Chính sách ưu tiên trong tuyển dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quy định về nội dung và hình thức tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể:

1. Người dân tộc thiểu số, người tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh; con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước); con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con anh hùng lực lượng vũ trang, con anh hùng lao động được cộng 30 điểm vào kết quả tuyển dụng.

2. Những người có học vị tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng được cộng thêm 20 điểm vào kết quả tuyển dụng.

3. Những người có học vị thạc sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; những người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ hai năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ, công chức cấp xã có thời gian làm việc liên tục tại cơ quan, tổ chức cấp xã từ 3 năm trở lên được cộng thêm 10 điểm vào kết quả tuyển dụng.

4. Người dự thi thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ở 1 diện ưu tiên cao nhất.

Điều 7. Quy trình tuyển dụng

1. Thành lập Hội đồng xét tuyển:

Ủy ban nhân dân quận, huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng xét tuyển. Thành phần Hội đồng gồm:

- Đối với quận, huyện: Giao cho Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên là đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, các Hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non trực thuộc quận, huyện có thí sinh tham gia dự tuyển và 01 Ủy viên kiêm thư ký.

- Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở làm Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên là đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở và 01 Ủy viên kiêm thư ký Hội đồng (là lãnh đạo Phòng Tổ chức Cán bộ của Sở).

- Đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên là đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng chuyên môn và 01 Ủy viên kiêm thư ký Hội đồng (là lãnh đạo Phòng Tổ chức của trường).

2. Thông báo tuyển dụng:

- Đối với việc tuyển dụng giáo viên mầm non, trung học các cấp, trên cơ sở chỉ tiêu của quận, huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất ra thông báo tuyển dụng giáo viên trong toàn thành phố với nội dung theo quy định.

Trường hợp trong năm học, các quận, huyện có nhu cầu bổ sung, Hội đồng tuyển dụng quận, huyện sẽ ra thông báo tuyển dụng riêng.

- Đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: do Hội đồng tuyển dụng của trường thông báo.

3. Hội đồng xét tuyển của quận, huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện các bước:

- Tiếp nhận và nhập dữ liệu hồ sơ xin xét tuyển.

- Tổng hợp danh sách, sắp xếp theo thứ tự từ người có kết quả học tập toàn khóa cao nhất đến người có kết quả học tập toàn khóa thấp nhất theo từng ngành học, bậc học.

- Xác định người trúng truyển: Người trúng tuyển là người đạt yêu cầu, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch dự tuyển và có kết quả học tập trung bình toàn khóa (được quy đổi theo thang điểm 100) nhân hệ số 2, sau đó được cộng với điểm ưu tiên theo quy định tại Điều 6 Quy định này.

- Lập danh sách thí sinh có kết quả học tập toàn khóa cao nhất đến hết chỉ tiêu tuyển dụng trình Hội đồng.

- Trình Hội đồng thông qua kết quả xét tuyển.

- Báo cáo kết quả xét tuyển với Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Sở Nội vụ.

4. Sở Nội vụ:

- Thẩm định kết quả xét tuyển.

- Tổng hợp danh sách trúng tuyển và báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân thành phố.

- Dự thảo quyết định công nhận kết quả xét tuyển trình Ủy ban nhân dân thành phố ký ban hành.

5. Thẩm quyền quyết định tuyển dụng viên chức:

Căn cứ quyết định công nhận kết quả xét tuyển của Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định tuyển dụng viên chức.

6. Bổ nhiệm ngạch:

- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định bổ nhiệm ngạch đối với giáo viên thuộc nhóm viên chức loại A.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định bổ nhiệm ngạch đối với giáo viên thuộc nhóm viên chức loại B.

7. Riêng đối với các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp:

- Sở Nội vụ chịu trách nhiệm thẩm định kết quả xét tuyển và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định công nhận kết quả.

- Căn cứ quyết định công nhận kết quả xét tuyển của Ủy ban nhân dân thành phố, Hiệu trưởng ban hành quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch cho viên chức.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm hướng dẫn

1. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trực thuộc chịu trách nhiệm triển khai tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2009 theo Quy định này.

2. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quy trình xét tuyển viên chức; giúp Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát và thanh tra công tác tuyển dụng.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ tiếp nhận và nhập dữ liệu; lập thang bảng điểm; xác định người trúng tuyển; lập danh sách tổng hợp cho Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trực thuộc.

4. Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Điều 9. Xử lý vi phạm

Cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm Quy định này thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo Quy định này.

2. Trong quá trình tuyển dụng, Sở Nội vụ thực hiện giám sát theo thẩm quyền.

3. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, sửa đổi, bổ sung./.