Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 26/06/2009 Về quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- Số hiệu văn bản: 1470/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 26-06-2009
- Ngày có hiệu lực: 26-06-2009
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5630 ngày (15 năm 5 tháng 5 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1470/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 26 tháng 6 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14/6/2005;
Căn cứ Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg ngày 27/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; Quyết định 28/2008/QĐ-TTg ngày 14/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg ngày 27/8/2001về việc thành lập ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
Xét Tờ trình số 300/TTr-CAT ngày 18/6/2009 của Công an tỉnh Lâm Đồng;
Theo đề nghị của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Lâm Đồng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 74/2002/QĐ-UB ngày 9/5/2002 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Các thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Tỉnh; Công an tỉnh; Chi cục Hải quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 26/6/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (bao gồm tuyên truyền, giáo dục và phòng chống các hành vi vi phạm về: vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; các hành vi gian lận thương mại: trốn thuế, sử dụng hóa đơn giả, tem hàng nhập khẩu giả và các hoạt động kinh doanh trái phép khác).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Việc phối hợp hoạt động được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan Nhà nước.
2. Quá trình phối hợp phải đảm bảo đúng vai trò, trách nhiệm và tính độc lập của mỗi cơ quan, đơn vị mình khi tham gia phối hợp.
3. Cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu phối hợp là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quá trình phối hợp. Quá trình phối hợp phải kịp thời, thống nhất, chặt chẽ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
4. Nghiêm cấm việc lợi dụng quy chế này để làm trái các quy định của pháp luật. Quan hệ phối hợp khi giải quyết công việc phải có kế hoạch cụ thể được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham gia phê duyệt. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc phát sinh những vướng mắc trong khi triển khai phải được bàn bạc, giải quyết kịp thời và báo cáo lên cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý để phối hợp giải quyết. Trong quá trình triển khai thực hiện các lực lượng tham gia phải có trách nhiệm giữ bí mật theo quy định của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG
Điều 4. Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Ban chỉ đạo 127/ĐP) giúp UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Ban chỉ đạo 127/ĐP có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại điều 2 Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 26/9/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc kiện toàn Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh Lâm Đồng.
Điều 5. Cơ quan Công an
1. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và công tác vận động quần chúng bảo vệ ANTQ phát hiện, xử lý. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
2. Phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, đối tượng, phương thức thủ đoạn hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thượng mại cho các cơ quan Nhà nước có liên quan khi được đề nghị. Ngoài trừ các trường hợp thuộc thông tin bí mật của từng ngành quy định.
3. Tiếp nhận hồ sơ có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại do các cơ quan chuyển đến để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh
Phối hợp kịp thời, nhanh chóng, chặt chẽ theo quy định của Bộ quốc phòng và các quy định pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Điều 7. Sở Công Thương
1. Tiến hành thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành, lĩnh vực quản lý, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý hoặc bàn giao hồ sơ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Tham mưu cho UBND tỉnh và chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan; tổ chức quản lý thị trường theo lĩnh vực, ngành, địa bàn. Xây dựng chương trình, hành động, kế hoạch công tác phối hợp để đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời các diễn biến phức tạp không để xảy ra đột biến bất ngờ trên thị trường.
3. Phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, đối tượng, phương thức thủ đoạn hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thượng mại cho các cơ quan Nhà nước có liên quan khi được đề nghị. Ngoại trừ các trường hợp thuộc thông tin bí mật của từng ngành quy định.
Điều 8. Chi Cục quản lý thị trường
1. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát hàng hoá lưu thông trên thị trường kết hợp kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, buôn bán cố định, để phát hiện các hộ cá nhân, doanh nghiệp có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất hàng giả, hàng hóa nhập lậu và gian lận thương mại để ngăn chặn và xử lý theo quy định.
2. Chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh để phát hiện xử lý đối với các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại.
3. Phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, đối tượng, phương thức thủ đoạn hoạt động liên quan đến tình hình sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại với các cơ quan Nhà nước để phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.
Điều 9. Sở khoa học và Công nghệ - Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng
1. Thực hiện công tác thanh tra, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo chuyên ngành, lĩnh vực được giao.
2. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước xây dựng kế hoạch phối hợp và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo lĩnh vực, ngành, địa bàn phát hiện xử lý trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả và gian lận thương mại.
3. Thường xuyên cung cấp các thông tin, tài liệu và trao đổi kinh nghiệm cho các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống hàng giả, xâm phạm sở hữu công nghiệp để chủ động có biện pháp đấu tranh.
Điều 10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tiến hành thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả và gian lận thương mại để xử lý theo thẩm quyền.
2. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại.
3. Trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm với các cơ quan Nhà nước để có biện pháp chủ động đấu tranh phòng chống các vi phạm. Bàn giao, tiếp nhận hồ sơ tang vật vi phạm theo lĩnh vực quản lý để xử lý theo thẩm quyền.
Điều 11. Sở Y tế
1. Tiến hành thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, để phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng tân dược giả, hàng cấm và gian lận thương mại theo thẩm quyền.
2. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại trên lĩnh vực y tế.
3. Phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu và kinh nghiệm với các cơ quan Nhà nước để có biện pháp chủ động đấu tranh. Bàn giao, tiếp nhận hồ sơ tang vật vi phạm theo lĩnh vực quản lý để xử lý theo thẩm quyền.
Điều 12. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với các cơ quan Nhà nước, làm tốt chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục cho nhân dân và các tầng lớp thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng, việc chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.
Điều 13. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Tiến hành thanh tra, kiểm tra theo ngành, lĩnh vực trao đổi thông tin, tài liệu với các cơ quan Nhà nước để có biện pháp chủ động đấu tranh.
2. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại.
3. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân cảnh giác, tố giác các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại với các cơ quan Nhà nước.
Điều 14. Cơ quan Thuế
1. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế (gọi chung là người nộp thuế) theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước, tổ chức thanh tra, kiểm tra người nộp thuế có hành vi gian lận thương mại để trốn thuế. Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan về người nộp thuế thuộc phạm vi cơ quan thuế quản lý cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
3. Tiếp nhận xử lý các trường hợp vi phạm về gian lận thương mại, kinh doanh trốn thuế, mua bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp do các cơ quan Nhà nước chuyển đến.
Điều 15. Chi cục Hải quan thành phố Đà Lạt
1. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, trốn thuế của cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
2. Phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu nghiệp vụ, tình hình, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế… các thông tin về tội phạm, phòng ngừa tội phạm có liên quan đến yếu tố nước ngoài trên địa bàn.
Điều 16. Trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp
1. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.
2. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết về tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại cho các cơ quan Nhà nước.
3. Phối hợp với các cơ quan Nhà nước để tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17.
1. Căn cứ Quy chế này, Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước trong tỉnh có trách nhiệm xây dựng chương trình công tác, kế hoạch cụ thể để chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn.
2. Trong quá trình thực hiện quy chế, những tổ chức, cá nhân có thành tích thì được khen thưởng, nếu những tổ chức, cá nhân vi phạm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
Điều 18. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Ban chỉ đạo 127/ĐP là cơ quan thường trực, tiếp nhận tổng hợp các thông tin từ các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và báo cáo kết quả việc thực hiện phối hợp. Chủ trì việc báo cáo và tổ chức tổng kết hàng năm việc thực hiện quy chế phối hợp.
2. Các cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội có trách nhiệm báo cáo định kỳ kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo 127/ĐP theo quy định.