Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 27/08/2009 Tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới do tỉnh Phú Thọ ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 13/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Ngày ban hành: 27-08-2009
- Ngày có hiệu lực: 27-08-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-08-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1072 ngày (2 năm 11 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 03-08-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-UBND | Việt Trì, ngày 27 tháng 8 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm từ nhiều nguồn gốc khác nhau; qua đó đã ngăn chặn được tình trạng để lọt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào tay bọn tội phạm và phần tử sấu lợi dụng gây án, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trừ, sản xuất, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực diễn ra khá phức tạp; một số vụ việc đối tượng đã sử dụng súng săn, súng tự chế, dao găm, kiếm, mác... gây án hình sự, ảnh hưởng sấu đến an ninh trật tự địa phương. Chỉ tính riêng năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ việc có liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ (chủ yếu là vũ khí thô sở) hậu quả đã làm chết 01 người và bị thương 12 người.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là:
- Việc triển khai thực hiện Nghị định số 47/CP của Chính phủ tuy đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện; song, có lúc, có địa phương thực hiện chưa tích cực, chưa thường xuyên, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp các loại vũ khí còn rơi vãi sau chiến tranh hoặc phát hiện, tố giác những trường hợp tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các loại vũ khí để thu hồi.
- Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm khác có nguồn gốc từ ngoài vào địa bàn còn nhiều sơ hở, chưa chặt chẽ. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và một số doanh nghiệp chưa nêu cao trách nhiệm trong việc tự kiểm tra công tác bảo quản, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị thuộc phạm vi phụ trách, thậm chí có nơi còn coi nhẹ, buông lỏng.v.v...
- Chế tài xử lý một số hành vi vi phạm hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đủ mạnh để có tác dụng răn đe giáo dục chung.
Để khắc phục tình trạng trên, thực hiện Chỉ thị số 902/CT-TTg ngày 23/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an. Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với những hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp,Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên chức và mọi người dân những quy định của Nhà nước về quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (được quy định tại Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ), các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm (quy định tại Quyết định 464/QĐ-BNV ngày 27/12/1993 của Bộ Nội vụ nay là Bộ Công an) và các loại pháo bị cấm (quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo), kể cả những hành vi đốt và thả “đèn trời” để mọi người biết và thực hiện; đồng thời, mở đợt cao điểm vận động toàn dân tích cực tham gia, phát hiện, tố giác những trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm, các loại pháo, thuốc pháo, các loại vũ khí còn rơi vãi sau chiến tranh để tổ chức thu hồi.
2. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng kiểm lâm được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo quản, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng thất thoát hoặc sử dụng trái mục đích.
3. Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động tham mưu đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân khu II chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đóng quân trên địa bàn tỉnh quản lý tốt các loại vũ khí quân dụng được trang bị; đồng thời, tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh công tác sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, bảo quản, sử dụng các loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ thuộc phạm vi quản lý; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an xử lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thu hồi (kể cả số vũ khí quân dụng, bom, mìn... còn rơi vãi do nhân dân phát hiện).
- Công an tỉnh xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra rà soát toàn diện công tác đăng ký quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sơ hở thiếu sót, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Các lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm soát quân sự, các đoàn kiểm tra liên ngành... thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an kiểm tra phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép các loại vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ (dao găm, kiếm, mác, mã tấu, đao...), vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (gậy, roi điện tử), các loại pháo, “đèn trời”...
4. Đối với công tác quản lý súng săn cần chú ý tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Thu hồi hết số giấy phép sử dụng súng săn đã cấp trước đây, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân không được lưu hành, sử dụng các loại súng săn (nhất là súng săn tự chế) dưới mọi hình thức.
5. Các vụ án do đối tượng sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra phải khẩn trương điều tra làm rõ động cơ, mục đích, nguồn gốc để thực hiện công tác phòng ngừa, bịt kín sơ hở thiếu sót, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời công khai theo quy định của pháp luật.
6. Các cơ quan thông tin, truyền thông, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 902/CT/TTg ngày 23/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này trên địa bàn tỉnh để toàn dân biết, thực hiện.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Quân sự địa phương chủ động phát triển những trường hợp vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, các loại pháo, các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và thu hồi triệt để.
8. Giao cho Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này ở các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh; tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Công an và UBND tỉnh; đồng thời, đề xuất việc khen thưởng đối với những đơn vị, địa phương, cá nhân có thánh tích trong công tác phát hiện, thu hồi các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị này được phổ biến đến toàn thể các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh biết, thực hiện.
| CHỦ TỊCH |