cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 03/06/2009 Về quản lý và khai thác nơi đỗ xe trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu văn bản: 15/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Ngày ban hành: 03-06-2009
  • Ngày có hiệu lực: 13-06-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-07-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3677 ngày (10 năm 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-07-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-07-2019, Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 03/06/2009 Về quản lý và khai thác nơi đỗ xe trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 26/06/2019 Quy định về quản lý nơi đỗ xe trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 15/2009/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 03 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC NƠI ĐỖ XE TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và khai thác nơi đỗ xe trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các quận, huyện tổ chức triển khai hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy định nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, các cơ quan, đơn vị và các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC NƠI ĐỖ XE TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2009 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về quản lý và khai thác nơi đỗ xe trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bao gồm: bãi đỗ xe và các điểm đỗ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý và khai thác các nơi đỗ xe trên địa bàn thành phố do ngành giao thông vận tải thống nhất quản lý, bao gồm:

a) Bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt;

b) Bãi đỗ xe phát sinh theo nhu cầu thực tế;

c) Điểm đỗ xe tạm thời, cố định dưới lòng đường, trên vỉa hè.

2. Các trường hợp sau đây không thuộc đối tượng áp dụng Quy định này, gồm:

a) Nơi đỗ xe thuộc các ngành công an, quốc phòng sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng;

b) Nơi đỗ xe chỉ phục vụ nội bộ trong khuôn viên các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp;

c) Các hoạt động dừng xe, đỗ xe theo đúng quy định hiện hành của pháp luật trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông (xe không được tắt máy và người lái xe không được rời tay lái) trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện đó xếp dỡ hàng hoá hoặc thực hiện công việc khác.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

3. Bãi đỗ xe là địa điểm làm dịch vụ hỗ trợ, cung ứng chỗ đỗ xe và trông giữ phương tiện giao thông, gồm các loại như nhà đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe trên mặt đất, bãi đỗ xe ngầm dưới mặt đất.

4. Điểm đỗ xe cố định là địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cho phép trông giữ phương tiện giao thông trên vỉa hè hoặc dưới lòng đường.

5. Điểm đỗ xe tạm thời là địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cho phép trông giữ phương tiện giao thông trong một thời gian cụ thể để phục vụ hội nghị, thể thao và các hoạt động khác.

Điều 4. Sở Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất quản lý nhà nước đối với các hoạt động quản lý và khai thác nơi đỗ xe trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Các quy định đối với bãi đỗ xe

1. Vị trí bãi đỗ xe phù hợp với quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt hoặc được Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng và các ngành chức năng thống nhất về vị trí;

2. Diện tích bãi đỗ xe phải đảm bảo diện tích để đỗ xe từ 300m2 trở lên và có lối vào, lối ra riêng biệt. Trong trường hợp đặc biệt, cho phép bố trí một lối ra, vào đi chung có bề rộng tối thiểu là 7,0m;

3. Bãi đỗ xe phải đảm bảo các yêu cầu: về an toàn kết cấu xây dựng; trật tự, an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Điều 6. Quy định đối với điểm đỗ xe trên vỉa hè và dưới lòng đường

1. Vị trí:

a) Các điểm đỗ xe dưới lòng đường phải đảm bảo tiêu chuẩn về bề rộng lòng đường như sau:

- Đối với đường hai chiều: có bề rộng lòng đường tối thiểu 10,5m thì cho phép đỗ xe một bên; có bề rộng lòng đường tối thiểu 14,0m thì cho phép đỗ xe hai bên;

- Đối với đường một chiều: có bề rộng lòng đường tối thiểu 7,5m thì cho phép đỗ xe bên phải phần xe chạy;

b) Các điểm đỗ xe trên vỉa hè không được cản trở giao thông của người đi bộ, phải bảo đảm bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m.

c) Không đỗ xe trước khu vực mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.

2. Các yêu cầu khác:

a) Phải bảo đảm mỹ quan đô thị; không gây cản trở cho người và phương tiện tham gia giao thông; vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của tổ chức, hộ gia đình hai bên đường phố.

b) Các trường hợp khác do Chủ tịch UBND thành phố quyết định.

Điều 7. Khai thác các bãi đỗ xe

Các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ tổ chức khai thác bãi đỗ xe phải lập phương án tổ chức khai thác trình Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng phê duyệt.

Điều 8. Khai thác các điểm đỗ xe dưới lòng đường và trên vỉa hè

1. Đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác điểm đỗ xe lập phương án khai thác gửi Sở Giao thông vận tải phê duyệt (đối với các điểm đỗ xe dưới lòng đường và đỗ xe ô tô trên vỉa hè) hoặc gửi UBND các quận, huyện phê duyệt (đối với các điểm đỗ xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp trên vỉa hè).

2. Sau khi được phê duyệt, đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác điểm đỗ có trách nhiệm:

a) Triển khai phương án khai thác theo đúng nội dung đã được duyệt;

b) Tổ chức thực hiện thu phí trông giữ xe theo đúng quy định hiện hành.

3. Khi sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ xe có thu phí thì ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp nhà, công trình xây dựng dọc tuyến đường đó trong việc thuê chỗ đỗ xe ở vị trí liền kề với nhà, công trình cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm

1. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và UBND các quận, huyện kiểm tra và đề xuất UBND thành phố công bố danh mục các tuyến đường và vỉa hè được phép khai thác làm điểm đỗ xe.

2. Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan xem xét, đề xuất UBND thành phố giải quyết cụ thể đối với trường hợp bãi đỗ xe không có trong danh mục quy hoạch được duyệt.

3. Quyết định cho phép các tổ chức, cá nhân quản lý và khai thác các điểm đỗ xe trên vỉa hè (đối với xe ô tô) và dưới lòng đường.

4. Thẩm định và phê duyệt phương án khai thác các nơi đỗ xe.

5. Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm hành chính trong việc quản lý và khai thác các nơi đỗ xe.

Điều 10. Sở Tài chính có trách nhiệm

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành quy định về việc thu, quản lý sử dụng phí và giá dịch vụ trông giữ phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố theo quy định hiện hành.

Điều 11. Sở Xây dựng có trách nhiệm

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải xem xét, đề xuất UBND thành phố giải quyết cụ thể đối với trường hợp bãi đỗ xe không có trong danh mục quy hoạch được duyệt.

Điều 12. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm

Thẩm định phương án đảm bảo vệ sinh môi trường tại các bãi đỗ xe.

Điều 13. Công an thành phố có trách nhiệm

1. Thẩm định phương án phòng cháy, chữa cháy tại các bãi đỗ xe.

2. Tổ chức kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong việc quản lý và khai thác nơi đỗ xe.

Điều 14. Cục thuế thành phố Đà Nẵng

Hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp các khoản thuế và phí theo quy định hiện hành.

Điều 15. UBND các quận, huyện có trách nhiệm

1. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra và đề xuất UBND thành phố công bố danh mục các tuyến đường và vỉa hè được phép khai thác làm điểm đỗ xe.

2. Quyết định cho phép các tổ chức, cá nhân quản lý và khai thác các điểm đỗ xe trên vỉa hè (đối với xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp).

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện quy định này; đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong việc quản lý và khai thác các điểm đỗ xe.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 17. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Điều 18. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân phản ảnh về Sở Giao thông vận tải để nghiên cứu, tổng hợp, trình UBND thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.