Quyết định số 1044/2009/QĐ-UBND ngày 25/05/2009 Ban hành Quy chế phối hợp quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1044/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Cao Bằng
- Ngày ban hành: 25-05-2009
- Ngày có hiệu lực: 04-06-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-04-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1052 ngày (2 năm 10 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-04-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1044/2009/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 25 tháng 5 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 6 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1044/2009/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về công tác phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Tư pháp, Ngoại vụ và huyện, thị trong việc quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn Cao Bằng.
2. Phạm vi quy chế này áp dụng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Đảm bảo thống nhất công tác quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động là người nước ngoài và người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Hoạt động phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan đã được pháp luật quy định.
Điều 3. Nội dung phối hợp
1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn về những quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Phối hợp trong việc hướng dẫn trình tự thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự, lý lịch tư pháp, thẻ tạm trú, thường trú, cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, cấp thêm giấy phép lao động và cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
3. Phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN PHỐI HỢP
Điều 4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp trong việc quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và có trách nhiệm:
1. Xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức về những quy định của pháp luật liên quan đến lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp phép lao động, hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động, hồ sơ cấp thêm giấy phép lao động và hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động.
3. Thực hiện cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, cấp thêm giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động theo quy định.
4. Xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
5. Theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Điều 5. Công an tỉnh
1. Hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp thẻ tạm trú, thường trú cho lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức về những quy định của pháp luật liên quan đến lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
3. Theo dõi, tổng hợp và báo cáo việc cấp thẻ tạm trú, thường trú cho lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh theo định kỳ báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 25 tháng 6, báo cáo 01 năm gửi trước ngày 25 tháng 12 hàng năm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 6. Sở Tư pháp
1. Hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức về những quy định của pháp luật liên quan đến lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
3. Theo dõi, tổng hợp và báo cáo việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh theo định kỳ báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 25 tháng 6, báo cáo 01 năm gửi trước ngày 25 tháng 12 hàng năm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 7. Sở Ngoại vụ
1. Hướng dẫn trình tự hợp pháp hoá lãnh sự cho lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức về những quy định của pháp luật liên quan đến lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
3. Phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Điều 8. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã
1. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Công an, Tư pháp nắm tình hình, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn.
2. Theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý theo định kỳ báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 25 tháng 6, báo cáo 01 năm gửi trước ngày 25 tháng 12 hàng năm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Chế độ thông tin báo cáo
1. Các cơ quan phối hợp cử cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở kế hoạch đã thống nhất giữa các ngành. Trường hợp cần thông tin, tài liệu cung cấp cho công tác quản lý cơ quan phối hợp có trách nhiệm cung cấp theo yêu cầu của cơ quan đề nghị.
2. Định kỳ 6 tháng, hàng năm cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức họp đánh giá các nội dung hoạt động phối hợp.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ quan phối hợp, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Quy chế này.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế này, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc đề nghị các ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã phản ánh về cơ quan chủ trì (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.